Mỗi năm vào mùa hè, nhiều cuộc tĩnh tâm được tổ chức cho linh mục tu sĩ của đạo Thiên chúa giáo. Đây là một trong những hoạt động nằm trong giáo luật của đạo Kito.
Tĩnh tâm là việc bó buộc đối với các giáo sĩ và tu sĩ. Đối với giáo dân thì nhiệm ý. Đây là một trong những trào lưu đang phát triển ở Âu – Mỹ hiện nay. Trước cuộc sống xô bồ, nhiều người tìm về những trung tâm tĩnh tâm vào dịp cuối tuần hay nghỉ hè để nghỉ ngơi cả tinh thần lẫn thể xác. (Ai quan tâm kỹ hơn về việc tĩnh tâm của Kito giáo có thể hỏi Google).
Mình không theo đạo nhưng vô tình đến được Nhà thờ Sở Kiện – một trong bốn Tiểu vương cung Thánh đường của Việt Nam, đắm mình vào không gian của mùa tĩnh tâm.
Mọi hoạt động trong khuôn viên hầu như không gây ra tiếng động. Từng nhóm người đi lại cực kỳ trật tự để không làm ảnh hưởng đến hoạt động tôn giáo của tu sĩ và giáo dân trong mùa tĩnh tâm. Nếu có ai vô tình nói to khi cất lời hỏi thông tin, trước khi thầm thì trả lời, người được hỏi đều đưa ngón tay lên miệng ra hiệu “Giữ yên lặng!”.
Mấy tiếng đồng hồ ở đây giao tiếp với nhau hầu như bằng ánh mắt và cử chỉ. Mọi cảm xúc thể hiện trao đổi dường như thật gần gũi để hiểu nhau. Chỉ có tiếng cửa chập của máy ảnh sau mỗi khuôn hình ưng ý. Người chụp và người được chụp phải rất ăn ý nhau vì muốn hướng dẫn nhau cũng chỉ có những tiếng thì thầm hòa vào tiếng gió thổi qua những kiến trúc cổ kính trầm mặc.
Ở Nhà thờ Sở Kiện, có những kiến trúc còn nguyên vẹn, có kiến trúc được phục dựng. Cũng có những kiến trúc chỉ còn lại móng và bậc thềm. Trong quần thể này có cả một di tích giáo đường bỏ hoang chỉ còn trơ những bức tường gạch.
So với các di tích nhà thờ đổ Trái Tim trên bờ biển Hải Lý và nhà thờ đổ Thánh Tổ trên bờ biển Hải Đông (Hải Hậu, Nam Định), tu viện đá bỏ hoang ở Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) thì nhà thờ đổ của Sở Kiện (TT Kiện Khê, Thanh Liêm, Hà Nam) còn giữ được khá nguyên vẹn cấu kiện tường gạch với những cửa vòm và hàng cột vững chãi được chăm sóc sạch sẽ cùng với các kiến trúc khác trong khuôn viên.
Quần thể Sở Kiện gồm có nhà thờ trung tâm, tòa giám mục và chủng viện. Nhà thờ Sở Kiện theo kiến trúc Gothic, được Giám mục Tông tòa Tây Đàng Ngoài Puginier (tên Việt là Phước) cho khởi công xây dựng vào ngày 23 tháng 10 năm 1877 và hoàn tất vào năm 1882. Đây là công trình khá đồ sộ, toàn bộ nền được lót gỗ lim để chống sụt lún. Nhà thờ dài 67,2 mét, rộng 31,2 mét và cao đỉnh 23,2 mét. Với 4 hàng cột, chia làm 5 gian dọc, nhà thờ có thể chứa từ 4 đến 5 nghìn người. Ngày 24/6/2010, tòa thánh với sắc lệnh của Thánh Bộ Phụng Tự đã nâng nhà thờ Sở Kiện thành tiểu Vương cung thánh đường tước hiệu Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội.
Giống như hầu hết các kiến trúc nhà thờ ở tây phương, nhà thờ Sở Kiện cũng có các ô cửa kính màu vẽ tranh các vị thánh hoặc các sự kiện trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, khu vực cung thánh và bàn thờ lại được làm bằng gỗ chạm trổ tinh vi, sơn son thiếp vàng theo phong cách truyền thống Việt Nam. Tháp chuông nhà thờ có 4 quả chuông lớn mang các sắc âm Đố - Mi - Sol - Đồ, với trọng lượng lần lượt là 2461 kg, 1281 kg, 717 kg và 318 kg, đều được làm phép vào ngày 25 tháng 12 năm 1898. Bên trong nhà thờ còn lưu giữ một cây đàn đại phong cầm cổ trên lầu hát; hài cốt, vải thấm máu của nhiều vị Thánh tử đạo Việt Nam và các dụng cụ mà nhà cầm quyền khi xưa đã xiềng xích, tra tấn các vị này.
Ngoài vẻ đẹp kiến trúc rất đặc biệt, phần trang trí nội thất của các tòa nhà cũng sẽ ngốn mất nhiều thời gian gian của bạn khi ghé thăm. Nếu muốn thăm bên trong nhà thờ thì có 2 khung giờ mở cửa khi hành lễ. Sáng từ 4h - 6h. Chiều từ 17h- 19h. Đến vào giờ khác thì ngắm các khu vực kiến trúc trong quần thể này cũng rất đã con mắt.
Trên thế giới có 4 nhà thờ được mang danh hiệu Đại Vương cung thánh đường; 1.757 nhà thờ mang danh hiệu Tiểu Vương cung thánh đường và ở Việt Nam có tổng số hơn 6.000 nhà thờ và có 4 nhà thờ được mang danh hiệu này.
Cách Hà Nội chừng 70km tính từ Bờ Hồ, phương tiện đi lại thuận tiện: bằng xe buýt, xe khách, tàu hỏa, xe máy, xe hơi cá nhân, thậm chí khỏe chân như vợ chồng Rain Lan Anh thì đạp xe là chuyện nhỏ.
Còn chờ gì nữa mà không tới để chiêm ngưỡng và trải nghiệm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét