16 tháng 10, 2023

Tiếp những câu chuyện ở xứ cà phê

 Người Đà Lạt làm quán cà phê như để chơi. Không phô trương. Khách đến những không gian này là dường như chỉ để có một quãng nghỉ cho tâm hồn. Bởi vậy, kể cả không biển báo, kể cả phải đi bộ một đoạn dài trên con đường độc đạo, người ta cũng tìm. Kiểu “yêu nhau chỉ vì yêu nhau”.

 


1.     1. Rẫy nhà Tí nằm kế bên con đường đỉnh đèo Mimosa. Cách trung tâm Đà Lạt chừng 5 cây số. Rẫy trồng hồng và cà phê Arabia, cây nào cũng sai trĩu chịt. Một nửa đất cho người ta thuê mở quán cà phê nhỏ ở cuối rẫy. Một cái quán cà phê có cái tên dài “Bao tiền một mớ bình yên”.

Con đường chỉ 1 lượt đi từ trên quốc lộ dẫn xuống bãi để xe dốc đến độ chỉ nhìn thôi đã “tởn”. Không có ai trong đoàn dám mạo hiểm đưa xe xuống bãi. Thế mà cậu nhân viên trẻ măng cưỡi từng chiếc xe máy đi xuống dốc và lên dốc giúp khách với vẻ mặt tươi cười bình tĩnh đến lạ.

Ngoài đường, không có bất cứ biển hiệu quán cà phê nào trừ một cái biển gỗ nhỏ treo ở thân cây ngay dốc xuống “Mơ trong mơ”, phía dưới có một cái biển khác “Nếu sợ dốc xin gọi số 09…”.

Lúc đến, chả ai nghĩ ở cuối con đường độc đạo dài vài trăm mét lại có một quán cà phê và một chiếc thác nhỏ chảy từ rừng thông quanh năm ngày tháng nước reo. Hai bên đường vào, cà phê đang mùa làm hạt. Thỉnh thoảng có những chùm chín đỏ, với tay hái đưa vào miệng, cùi ngọt thơm như cherry. Khác với hồng Mộc Châu khi quả chín lá rụng hết chỉ còn những quả hồng đỏ au dính trên cành khẳng khiu mốc thếch,  vườn hồng nhà Tí đang chính vụ quả chín đỏ lấp ló trong vòm lá.

2.      2. Điểm tương đồng này cũng tìm thấy ở Cala Lily Đà Lạt trên đường Hàn Thuyên, phường 5 thành phố Đà Lạt. Đến đây, nhớ gặp ông chủ trẻ của quán. Một con người đầy năng lượng tích cực hiếm có.

Trung – hơn 30 tuổi. Quê Thủ Thừa, Long An. Tuổi trẻ của Trung là những chuyến khám phá các vùng đất trong nước và nhiều châu lục. Trung từng đến châu Phi với hai bàn tay trắng từ sự thôi thúc sau khi xem bộ phim “Đến thượng đế cũng phải cười”. Trung nói đùa “Bác Hồ đi được sao tụi em không đi được”.

Nhiều người đến Đà Lạt khởi nghiệp nhưng không phải ai cũng trụ lại. Trung tự hào nói “Đà Lạt chọn em”. Vừa sản xuất cà phê, vừa tiêu thụ giới thiệu sản phẩm qua hệ thống quán cà phê tự mình làm chủ, với một người miền Tây, để có được trình độ thẩm cà phê biết được sản phẩm trồng ở vùng nào, giống nào đủ để minh chứng cho câu slogan của Trung “Đà Lạt  chọn em”.

Quán cà phê của Trung có một bếp bánh, Trung nói, bánh được làm theo cảm xúc. Bởi vậy, đến đây không phải lúc nào cũng oder được món bánh lần trước bạn đến và thích.

Cala Lily Đà Lạt nằm trên lưng một quả đồi chả có biển báo gì sất. Đến chân đồi, người dân ở đây thấy khách lơ ngơ thì liền hỏi “Tìm quán cà phê phải không?”, rồi tận tình chỉ đường. Đến được đây phải xe máy phải leo qua một cái dốc mà khi xuống, ông chủ quán thường phải hỏi có ai muốn giúp đi xe hộ xuống dốc không? Vậy mà hầu như lúc nào quán cùng đầy khách là các bạn trẻ từ khắp mọi miền khi tới Đà Lạt đến thưởng thức những ly cà phê không chê vào đâu được.

Trung cũng chính là chủ nhân ngôi nhà Gió trên đỉnh một đồi thông cực đẹp ở gần Puppy Farm. Đây là ngôi nhà Trung mời mọi người đến Đà Lạt có thể qua ở miễn phí. Ý tưởng này bắt nguồn từ những chuyến đi khám phá khắp thế giới. Trong những chuyến đi đó Trung nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của mọi người. Quay về Đà Lạt Trung muốn san sẻ điều này với những ai yêu và đến khám phá vùng đất cao nguyên.








Tiếp những câu chuyện ở xứ cà phê

 Một người bạn là họa sĩ cùng lên Đà Lạt chơi, trước khi về Phan Rang đội mưa đến The Yellow Chair sau đó anh nhắn tin lại cho đội ham chơi: “Nhất định phải đến đây nhé”. Rồi gửi định vị.





Vượt qua những con dốc rất Đà Lạt những ai lần đầu tiên đến hẳn sẽ hơi bối rối khi đứng trong khuôn viên một khu biệt thự kiến trúc khá đẹp bởi không gian The Yellow Chair nằm giấu mình bên một sườn đồi. Mạnh dạn đẩy cánh cửa sơn màu trắng, sau tiếng chuông khẽ reo là  chiếc view toàn cảnh nhìn ra một thung lũng nhỏ. Dưới đó có vườn rau xanh mướt với những luống rau xinh xắn.

Một phụ nữ nhỏ nhắn có mái tóc được chăm sóc cẩn thận pha cà phê cho chúng tôi. Lúc sau mới biết đó là Hạnh – chủ nhân của không gian The Yellow Chair.  Sáu năm trước, Hạnh và chồng người Hàn Quốc rời Sài Gòn lên Đà Lạt chọn mua mảnh đất 4.000 mét vuông này. Hạnh người Buôn Mê Thuột, lớn lên với rẫy cà phê của ba. Khi làm đồ án tốt nghiệp đại học ngành ngoại thương, Hạnh chọn cây cà phê làm đối tượng nghiên cứu. Sự mộc mạc trong việc sử dụng những kiến thức quan sát từ ba cô trong việc chăm sóc cây cà phê đã khiến hội đồng ngạc nhiên và đánh giá cao. Sau này, cô tiếp tục phát triển sản phẩm cà phê xuất khẩu sang các thị trường nhiều nơi trên thế giới. Trong quá trình này, Hạnh kết hợp với các chuyên gia của trường Đại học Y Dược Buôn Mê Thuột, nghiên cứu sử dụng con men để chế biến cà phê honey. Đây là phương pháp chế biến thân thiện môi trường, hạn chế chất thải, nước thải và làm cho giá trị hạt cà phê thương phẩm của Hạnh được bạn hàng đánh giá cao.

Sản xuất cà phê làm thương mại thì thì sành sỏi nhưng đến khi mở không gian The Yellow Chair, Hạnh mất hàng tháng liên tục tập pha cà phê đến chuẩn. Lúc đó, mỗi ngày, bã cà phê phải tính hàng yến. Một người bạn là chuyên gia trong lĩnh vực pha chế hướng dẫn Hạnh đã lắc đầu “Bà học thế này tôi hết sách dạy rồi”.

Ngay sau cánh cửa màu trắng phía trên có dòng chữ The Yellow Chair là một không gian trưng bày đậm chất vintage. Góc này là những chiếc ghế sưu tầm từ Pháp. Góc kia lại là chiếc tủ khảm xà cừ hay chạm khắc, rất hợp lý. Những cảm giác thu hút thị giác của khách có lẽ là bí quyết để anh bạn họa sĩ có gu của chúng tôi phải nhắn tin dặn dò rành rẽ như vậy. Đem những cảm giác này chia sẻ với Hạnh mới biết chồng Hạnh là một kiến trúc sư nội thất. Tự tay anh ấy chọn lựa từng món đồ đặt vào từng góc. Trong lúc ngồi thưởng thức cà phê trong tiếng nhạc du dương, tôi flex vài tấm hình. Một người bạn ở Sài Gòn nhắn tin “Anh đang ngồi ở quán của ông chủ hãng Kim Chi Kim nổi tiếng ở Sài Gòn đó!”. Khi xây dựng khu biệt thự này, Hạnh mời thợ từ Sa Pa thi công kỹ thuật xếp đá để không phải sử dụng xi măng. Những bờ tường xếp đá theo kỹ thuật của người dân tộc Mông sau một thời gian được lấp đầy bằng chất kết dính tự nhiên là đất đồi Đà Lạt. Vừa vững chắc lại vừa thoát nước tốt trên địa hình có độ dốc lớn nơi đây.

Lên Đà Lạt, có mấy ngày, thế mà The Yellow Chair được dành hẳn trọn vẹn một buổi sáng. Trong lúc đội cao niên uống cà phê thì đội trẻ lại say sưa với đàn chó rất thân thiện mặc dù toàn giống chó có số má. Trong đó, mấy con Jindo – giống chó săn nổi tiếng của Hàn Quốc lông trắng mũi hồng bắt chim như thần và một chú Border Collie  - đang nuôi bầy con nhỏ. Lúc chia tay, Tôm và Tép còn được cô Hạnh tặng một chú chó con. Cô Hạnh nói chờ cô tiêm nốt cho bé mũi cuối cùng rồi sẽ gửi máy bay ra Hà Nội. Một món quà thật đặc biệt cho chuyến đi lần này.










Một chỗ ngắm Hồ Gươm “hạt dẻ” và đẹp


Cách quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hồ Gươm chừng vài chục bước chân là quán cà phê phố cổ ở số 11 Hàng Gai.

Người Hà Nội, hoặc sống lâu ở Hà Nội chưa chắc đã biết chỗ này. Một địa điểm ngắm Hồ Gươm từ trên cao khá đẹp. Khách ngoại quốc vào đây nhiều lắm nha. Bọn Tây được cái hay là khi chúng đến một nơi thú vị, chúng sẽ mách cho nhau.

Cái biển Café PHỐ CỔ bé tẹo lẫn trong cái biển quảng cáo bán hàng màu đỏ nhức nhối to đùng ở mặt phố ắt khiến người đến đây lần đầu ngại ngần. Không sao đâu, cứ mạnh dạn vào bên trong, theo hành lang chừng dăm mét là sẽ vào không gian Hà Nội rất đặc biệt.  

Quán cà phê vốn là căn nhà có 105 tuổi đời. Những người mở quán là thế hệ thứ 5 sinh sống ở đây. Đến nay quán đã tồn tại được 25 năm và trở thành một địa chỉ văn hóa hấp dẫn. Đồ uống của quán đa dạng nhưng có vẻ cà phê trứng là ổn nhất. Bù lại, bạn sẽ được hưởng trọn vẹn một không gian văn hóa của một gia đình trung lưu của Hà Nội xưa và giá cả đồ uống phải chăng.

Dù trải qua hơn 100 năm, cấu trúc ngôi nhà vẫn được giữ nguyên. Trong nhà còn lưu giữ được nhiều đồ cổ, hoành phi câu đối... Ngôi nhà được kiến trúc theo lối nhà phố cổ truyền, chia làm ba không gian gồm: gian chính, giữa và gian sau. Có một bộ cánh cửa tuyệt đẹp trên tầng 2. Giữa sân có một bụi tre lớn tạo cảm giác rất lạ. Tầng thượng của căn nhà, được cải tạo thành một không gian cà phê, ở đây, ban ngày hay buổi tối đều có thể phóng tầm mắt ngắm trọn vẹn hồ Gươm và Tháp Rùa.