16 tháng 10, 2023

Tiếp những câu chuyện ở xứ cà phê

 Một người bạn là họa sĩ cùng lên Đà Lạt chơi, trước khi về Phan Rang đội mưa đến The Yellow Chair sau đó anh nhắn tin lại cho đội ham chơi: “Nhất định phải đến đây nhé”. Rồi gửi định vị.





Vượt qua những con dốc rất Đà Lạt những ai lần đầu tiên đến hẳn sẽ hơi bối rối khi đứng trong khuôn viên một khu biệt thự kiến trúc khá đẹp bởi không gian The Yellow Chair nằm giấu mình bên một sườn đồi. Mạnh dạn đẩy cánh cửa sơn màu trắng, sau tiếng chuông khẽ reo là  chiếc view toàn cảnh nhìn ra một thung lũng nhỏ. Dưới đó có vườn rau xanh mướt với những luống rau xinh xắn.

Một phụ nữ nhỏ nhắn có mái tóc được chăm sóc cẩn thận pha cà phê cho chúng tôi. Lúc sau mới biết đó là Hạnh – chủ nhân của không gian The Yellow Chair.  Sáu năm trước, Hạnh và chồng người Hàn Quốc rời Sài Gòn lên Đà Lạt chọn mua mảnh đất 4.000 mét vuông này. Hạnh người Buôn Mê Thuột, lớn lên với rẫy cà phê của ba. Khi làm đồ án tốt nghiệp đại học ngành ngoại thương, Hạnh chọn cây cà phê làm đối tượng nghiên cứu. Sự mộc mạc trong việc sử dụng những kiến thức quan sát từ ba cô trong việc chăm sóc cây cà phê đã khiến hội đồng ngạc nhiên và đánh giá cao. Sau này, cô tiếp tục phát triển sản phẩm cà phê xuất khẩu sang các thị trường nhiều nơi trên thế giới. Trong quá trình này, Hạnh kết hợp với các chuyên gia của trường Đại học Y Dược Buôn Mê Thuột, nghiên cứu sử dụng con men để chế biến cà phê honey. Đây là phương pháp chế biến thân thiện môi trường, hạn chế chất thải, nước thải và làm cho giá trị hạt cà phê thương phẩm của Hạnh được bạn hàng đánh giá cao.

Sản xuất cà phê làm thương mại thì thì sành sỏi nhưng đến khi mở không gian The Yellow Chair, Hạnh mất hàng tháng liên tục tập pha cà phê đến chuẩn. Lúc đó, mỗi ngày, bã cà phê phải tính hàng yến. Một người bạn là chuyên gia trong lĩnh vực pha chế hướng dẫn Hạnh đã lắc đầu “Bà học thế này tôi hết sách dạy rồi”.

Ngay sau cánh cửa màu trắng phía trên có dòng chữ The Yellow Chair là một không gian trưng bày đậm chất vintage. Góc này là những chiếc ghế sưu tầm từ Pháp. Góc kia lại là chiếc tủ khảm xà cừ hay chạm khắc, rất hợp lý. Những cảm giác thu hút thị giác của khách có lẽ là bí quyết để anh bạn họa sĩ có gu của chúng tôi phải nhắn tin dặn dò rành rẽ như vậy. Đem những cảm giác này chia sẻ với Hạnh mới biết chồng Hạnh là một kiến trúc sư nội thất. Tự tay anh ấy chọn lựa từng món đồ đặt vào từng góc. Trong lúc ngồi thưởng thức cà phê trong tiếng nhạc du dương, tôi flex vài tấm hình. Một người bạn ở Sài Gòn nhắn tin “Anh đang ngồi ở quán của ông chủ hãng Kim Chi Kim nổi tiếng ở Sài Gòn đó!”. Khi xây dựng khu biệt thự này, Hạnh mời thợ từ Sa Pa thi công kỹ thuật xếp đá để không phải sử dụng xi măng. Những bờ tường xếp đá theo kỹ thuật của người dân tộc Mông sau một thời gian được lấp đầy bằng chất kết dính tự nhiên là đất đồi Đà Lạt. Vừa vững chắc lại vừa thoát nước tốt trên địa hình có độ dốc lớn nơi đây.

Lên Đà Lạt, có mấy ngày, thế mà The Yellow Chair được dành hẳn trọn vẹn một buổi sáng. Trong lúc đội cao niên uống cà phê thì đội trẻ lại say sưa với đàn chó rất thân thiện mặc dù toàn giống chó có số má. Trong đó, mấy con Jindo – giống chó săn nổi tiếng của Hàn Quốc lông trắng mũi hồng bắt chim như thần và một chú Border Collie  - đang nuôi bầy con nhỏ. Lúc chia tay, Tôm và Tép còn được cô Hạnh tặng một chú chó con. Cô Hạnh nói chờ cô tiêm nốt cho bé mũi cuối cùng rồi sẽ gửi máy bay ra Hà Nội. Một món quà thật đặc biệt cho chuyến đi lần này.










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét