23 tháng 10, 2019

Kìa có ai đánh rơi kim cương


1. Đừng đánh đàn như trâu đi cày

"Hôm nay cô không ghi vào vở dặn dò nữa bố ạ. Cô bảo "Lớn rồi".

"Làm sao con nhớ được lời cô dặn?"

"Nhớ chứ. Cô dặn bài Sonatina đoạn đầu đánh như người ta bắt đầu phát biểu. Tiếp theo thì cử tọa vỗ tay tán thành. Tiếp đến đánh như như nịnh người ta. Đoạn tiếp thì giống như từng người một chia sẻ ý kiến. Đoạn kết đánh mạnh vỗ tay tán thành".

"Cô bảo, con phải đánh sao như vũ công múa ballet lướt trên phim đàn. Đừng đánh giống như bác nông dân thúc trâu đi cày nhé :)".

"Hôm nay cô có hướng dẫn bài mới không?"

"Cô bảo nếu đánh như trâu đi cày thì cô chưa giao bài mới".

Khó đây. Con gái phải cố gắng hơn nhiều đây. Cố lên.

2. Có ai đánh rơi kim cương

Tan lớp học đàn, ba bố con lên đường đến nhà bác Vũ - Nhung để tiễn bác Vũ cô Ly về Đà Nẵng.

Trời rực nắng, đường đông.  Đi qua Lạc Long Quân, đoạn đường giáp với hồ Tây. Chợt nghe con gái thốt lên. "Trời nắng nhìn hồ Tây ảo quá. Cứ như có ai đánh rơi hàng vạn viên kim cương kìa".

Cảm ơn con gái đã giúp bố thấy thêm khoảnh khắc đẹp của hồ Tây.

(Bài để chế độ nháp từ khi Tép còn 10 tuổi)


Quà sáng


Hà Nội có rất nhiều loại quà sáng.

Riêng món bánh rán dân dã đã có đến 4 lựa chọn: Bánh rán vừng; Bánh rán bọc đường cát; Bánh rán mật; bánh rán nhân mặn và nó cũng nằm trong nhóm thành hồn thành tuý của ẩm thực Hà Nội.

Cách đây hai chục năm các loại bánh rán này có kích thước bằng quả bóng tennis. Ăn một cái là no ặc. Giờ nhu cầu ăn đường và tinh bột giảm nên kích thước thu nhỏ lại chỉ tương đương quả bóng bàn, giá 1000 đồng.

Hồi sinh viên cứ đến kỳ lĩnh học bổng mới có điều kiện xơi bánh rán bỏ lọ thuỷ tinh của bà béo trước thư viện Mễ Trì.

Giờ 10k thì ăn cả bằng tai mới hết. Nhưng mà ngon. Khi ăn xong có cốc trà đá 4.0 nữa thì hết xảy tỏi.

Chị hàng bánh rán âm ấm ở Ngõ 1 Trần Huy Liệu (Giảng Võ).

Hoạt cảnh thứ sáu ngày 13 (tháng 9)


5g15 mở mắt chả kịp biết xem mình còn thở hay không đã với tay lấy cái điện thoại.

Mở fb. Hình như đó là dấu nghiện thì phải.

Tin đầu tiên là clip trong một gờ-rúp có đông thành viên. Một phụ nữ xưng là VĐV Đoàn Thị Cúc bị hai người đàn ông đè xuống trói tay. Hai người đàn ông này xưng là bác sĩ nói cô kia là bệnh nhân tâm thần. Ầm ĩ một lúc thì có công an và hai người có thẻ bác sĩ. Nghĩ nhanh đến tin người Việt ùn ùn nhập viện tâm thần vì nghiện fb.

Stop vuốt vuốt chạm chạm.

Bạn xã đi nấu canh ghẹ từ vươn thở.

Vùng dậy tập vài động tác thể dục cho nó có nhịp điệu. Sau đó tập bài dưỡng sinh. Có 21 động tác mỗi thức mà đếm toàn sai. Thỉnh thoảng lại phải dừng để nghĩ xem đến số mấy. Tuổi tác thật là có ảnh hưởng.

Rồi cũng tập hết bài. Trong lúc chờ ráo mồ hôi để đi tắm thì tranh thủ đọc báo nhà. Chụp cái trang nhất để viral trên fb (lại fb). Chấm chấm vuốt vuốt có mấy cái mà đã hơn 7g. Vội vàng ăn sáng. Nhanh kỷ lục. Các cụ bảo người nào ăn nhanh thì số vất vả. Đúng thật 🙂

Trước khi bước ra khỏi nhà nhớ ra là chưa uống thuốc. Lại quay vào đếm cho đủ viên này viên nọ.

Hơi bực.

Cuối cùng là màn tìm chìa khoá xe. Ngày nào cũng nhớ là phải cất chìa khoá xe cẩn thận. Mỗi tội là hôm sau không nhớ hôm trước cất “cẩn thận” vào chỗ nào.

Bực hẳn.

Rồi cũng thấy.

Lại thấy vui vì điều ấy.

Rồi lại phơi phới ra đường chiến đấu với dòng xe cộ đông như quân nguyên suốt 6 cây số giống như mỗi buổi sáng hàng chục năm qua. Mặc kệ bầu không khí Thanh Xuân có đẫm hơi thuỷ ngân hay ko!

Hôm nay là trung thu. Trời mát. Trăng vẫn trẻ mà mình đang già đi.

Happy birthday to me!

Cuộc sống luôn bộn bề rối ren như phông nền tấm ảnh

Tạm biệt một thành viên của 12B


Thế là lời hẹn ước tụ hội ĐỦ ĐẦY của tụi 12B chúng mình nhân dịp tròn 30 năm ngày rời trường phổ thông sẽ mãi dừng lại ở con số 29. Sao bạn rời bỏ chúng mình dễ dàng nhưng lại đớn đau đến vậy?
Nhung cùng các bạn 12B trong một chuyến dã ngoại họp lớp
 
Bạn tên Nhung. Tên như người. Gần bốn chục năm cùng học, cùng chơi chưa bao giờ các bạn thấy bạn nặng lời. Nhớ bạn một phong thái từ tốn, nhẹ nhàng của một nhà giáo.

Mấy chục năm qua, mỗi lần bạn rủ bọn mình về quê, bạn đều lấy địa điểm tập hợp ở nhà Quyên để tiện cho cả lũ. Nhưng hôm nay, bọn mình về nhà bạn để tiễn bạn trong một chuyến đi thật bất ngờ, thật xa.

Làm sao để nước mắt không rơi?

Mấy chục năm qua, bạn đã thay mặt cho cả lớp mình quán xuyến mọi việc. Việc vui đã đành, việc hiếu nghĩa cha già mẹ héo bạn đều nhiệt tình có mặt không quản ngày nắng, ngày mưa, ngày gió bão. Lúc nào bạn cũng nói “Cứ yên tâm ở nhà đã có chúng tớ!”. Bọn tớ nhận ân tình của cậu một cách thật tự nhiên.

Tuần trước, bạn bảo “Cậu lập một group trong zalo đi. Lớp mình có nhiều bạn không dùng fb. Lập zalo để thông báo tin cho các bạn đầy đủ hơn!”. Mình còn chưa kịp làm thì trên máy điện thoại đã xuất hiện nhóm “Tập thể 12B Hải Hậu A”. Đau đớn thay, tin đầu tiên cần thông báo lại là tin bàng hoàng về cậu. Tin một cú đâm từ đằng sau của một chiếc ô tô… khi bạn đang vội vã chạy qua chợ chiều mua đồ ăn dự trữ cho ông xã để ngày mai chuẩn bị lên Hà Nội thăm con gái và đứa cháu ngoại vừa sinh. Bạn đang ở trong niềm hạnh phúc vô bờ của một người mẹ…

Đêm qua, bọn tớ đã bối rối không thể nào nhớ đầy đủ cái tên Nguyễn Thị Hồng Nhung của bạn khi nghe tin bạn đang trên đường lên Hà Nội. Cả đêm qua, cả tập thể 12B đã thức trắng đêm để chờ tin bạn. Để cầu nguyện mong một phép màu… Nhưng phép màu đã không đến.

Tạm biệt bạn không hẹn ngày gặp lại. Mỗi thành viên 12B đều thảng thốt, đau thắt. Làm sao để nước mắt không rơi. Nhung ơi!

Patê và tôi

Cái món patê không ai nhớ rõ được người Pháp đưa vào từ bao giờ, nhưng cho đến nay, với Hà Nội, patê là một phần không thể thiếu trong cái thú ẩm thực ăn chơi.

Tôi có 5 thời điểm liên quan đến patê vô cùng đáng nhớ. Mỗi lần như thế, dư vị patê lại có một sắc thái mới mẻ, khiến tôi càng yêu hơn món ăn thú vị này.



1. Lần đầu tiên được ăn món patê vô cùng bất ngờ, khi tôi vừa vào lớp một. Nhà đông anh em nên chả bao giờ có gì thừa trong mâm cơm thời bao cấp. Có một món ăn sang trọng của nhà tôi hồi đó là gan rán. Mẹ thường cho chút quế, hồi, hành, tỏi, nước mắm vào những miếng gan thái mỏng to bản. Trước khi rán, mẹ lại cho vào chút rượu trắng của bố.

Hôm đó, cũng có món gan rán “lừng danh” của mẹ. Nhưng khi mẹ sắp bưng mâm lên thì ba ông anh tôi chơi quay ngoài sân “bổ quay” vào chân một cậu hàng xóm. Máu túa xua, thằng nhóc khóc váng cả làng. Mẹ quên cả mâm cơm bế thốc nó ra trạm xá. Các anh tôi mặt tái mét, lút cút chạy theo mẹ. Kết quả, thằng kia phải khâu 7 mũi, mẹ phạt chúng tôi không được ăn gan rán.

Nhưng món gan là vậy, không ăn nóng, ăn ngay thì sẽ cứng ngắt lại như đất sét. Mẹ xót ruột, chiều đó mua bánh mì, mỡ lợn và chút thịt ba chỉ về, bằm nhỏ cùng gan rán rồi cho vào nồi hấp cách thủy. Không ngờ, món ăn rất thơm và bùi. Những miếng gan vẫn giòn nhưng đã mềm, quyện với thịt, mỡ càng dậy mùi quế, hồi thơm lừng. Trộn “món gan thập cẩm” với cơm nóng, không đứa nào trong mấy anh em muốn ăn kèm rau vào nữa.

Lần đầu tiên đàn cún bảy con bị đói…

2. Khi ngơ ngác đỗ vào đại học, món ăn thường xuyên các bữa trưa của tôi là nửa cái bánh mì patê. Chỉ có nửa cái bánh mì patê là cho tôi đủ cảm giác của thịt, của rau và chất bột. Patê của chị Oanh (chủ quán bánh mì patê sát ký túc xá) đựng cả trong một cái nồi đại cực sâu. Gan, bánh mì, thịt không được xay mịn mà lổn nhổn những viên to bằng đầu ngón tay út. Nhưng chị tẩm ướp khéo, vừa miệng và “điếc mũi” nên bao giờ hàng chị cũng đắt khách.

Tôi có đói mấy cũng cố chờ đến khoảng 12h30 mới mò ra quán chị, để được chị ưu tiên cho thêm một lát mỡ phần chín nục dưới đáy nồi. Có hôm, bụng réo không nhịn được, tôi đi ăn sớm, cứ tiếc hùi hụi miếng mỡ lót nồi.

3. Món patê trong thực đơn trưa còn theo tôi suốt ba năm đầu tiên đi làm. Nhưng được cải thiện vì hôm nào ăn bánh mì patê thì kèm thêm một cốc chè đỗ đen ngọt lịm. Thỉnh thoảng, mò ra đầu ngõ Cấm Chỉ, chọn cái hàng khiêm tốn ngay đầu ngõ, dè dặt gọi một bát xôi patê.

Cũng vẫn là gan, là ruột bánh mì nhưng hình như patê ở đây béo hơn, mềm hơn, nhuyễn hơn, khi rải lên miệng bát xôi trắng cứ óng ánh màu mỡ nâu hấp dẫn. Điểm xuyết thêm vài lát lạp xường đỏ au mỏng như tờ giấy, lần nào tôi cũng xuýt xoa khi chị chủ quán đưa cho bát xôi nóng.

Xa xỉ hơn, hôm nào lĩnh lương, tôi tự chiêu đãi mình bánh mì patê phố Huế. Rõ đắt, rõ ít nhưng rõ ngon, nhất là hôm nào trời se lạnh, ăn bánh mì giòn tan thơm ngậy patê, cay nồng tương ớt tự chế, ngon tuyệt.

4. Tôi và anh quen nhau ở hàng patê cô Hương. Cô Hương là chủ quán dễ thương vô cùng. Cô nhớ tên hết các khách hàng, sở thích nhỏ nhất của mỗi người và luôn nói chuyện cởi mở với từng khách. Món patê của cô mềm, mịn và “ẩm ướt” ngay cả khi nguội. Nhưng nó đặc biệt hơn khi cô Hương đúc patê trứng cho khách hàng kẹp bánh mì hoặc ăn xôi.

Lúc lấy trứng patê ra khỏi chảo, cô Hương thường phết một lượt bơ mỏng dính đều khắp miếng trứng khiến nó quyến rũ một cách đặc biệt. Sau những đồng cảm với món trứng đúc patê, tôi và anh còn phát hiện ra nhiều điểm chung thú vị giữa hai đứa. Tôi bắt đầu xa dần những bữa trưa với patê để khám phá các bữa trưa đa dạng cùng anh…

5. Khi chúng tôi mua căn hộ đầu tiên, ngoài vị trí thuận lợi, tôi còn ấn tượng với những người hàng xóm dễ thương. Họ đều là những bà nội trợ khéo tay, mỗi chủ nhật lại “đàn đúm” cùng nhau với các món ăn thú vị. Hôm thì bánh nếp, hôm thì bánh trôi, hôm thì bánh ngô rán, hôm thì khoai các loại chiên. Món tôi thích nhất là “patê chị Hậu”.

Mỗi lần như vậy chị mua cả lá gan nếp, hàng cân thịt nạc vai đầu giòn, cả cân mỡ phần. Bà bán thịt cũng quen với yêu cầu của chị là phải xay ba lần thật nhuyễn cùng với một hộp ruột bánh mì đã ngâm mềm từ nhà. Món “patê chị Hậu” đặc biệt vì có hành khô nướng ướp với ngũ vị hương, mì chính, gia vị. Chị hấp patê không tính bằng phút giây mà bằng viên rưỡi than nên patê của chị rất nhừ, rất nhuyễn, rất thơm.

Nếu là ngày hè oi nồng thì cứ cơm nóng với lát patê lạnh, ăn xong rất nhẹ nhàng, sảng khoái. Còn ngày đông lạnh buốt thì phi hành tỏi thơm lên, cho patê cùng chút mắm ngon vào thì "đánh" bay ba bát liền.



Nhớ ốc nhồi heo may

Đài báo gió mùa.

Nghe heo may.

Lại nhớ thời nhi đồng thối tai vác vợt đi vớt ốc nhồi nổi. Về cho vào giỏ gác gác bếp nuôi ăn bồ hóng cho béo mầm. Rồi nấu chuối ốc. Rồi băm thịt bọc lá gừng hấp. Rồi luộc lá chanh... Pha nước chấm bằng mắm chắt tỏi gừng, xắt vài lát ớt chỉ thiên, vắt thêm bù chanh rám...