26 tháng 2, 2024

Về nơi có biểu tượng của biến đổi khí hậu


 

Đây là bãi biển phía Bắc nhà thờ đổ Hải Lý, Hải Hậu, Nam Định, là một trong hai bãi thuyền của ngư dân thôn Xương Điền, nơi có ngôi nhà thờ đổ nổi tiếng được gọi dân dã với cái tên Nhà Thờ Đổ. 

Mỗi khi về đây, ngoài điều thú vị được ngắm nghía chứng tích khắc nghiệt của sự biến đổi khí hậu là ngôi nhà thờ đổ trên bãi biển, du khách còn được trải nghiệm hoạt động đánh bắt hải sản truyền thống của ngư dân nơi đây.

Thôn Xương Điền có hơn 70% hộ sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản. Mỗi gia đình ngư dân đầu tư cơ bản một chiếc thuyền máy với giá khoảng 60 triệu đồng. Nếu cùng lúc muốn đánh bắt được nhiều loại hải sản thì đầu tư thêm ngư lưới cụ, tổng chi phí khoảng hơn 100 triệu đồng. Mỗi thuyền có một ngư dân. Hằng ngày chuyến biển bắt đầu lúc Đài nói (4h45 phút sáng) và về bờ lúc 10h30 – 11h trưa. Chồng đi biển, vợ trong bờ chờ thuyền về đón lưới gỡ tôm cá.  Xưa kia hoạt động đánh bắt chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng. Nay, khách về thăm nhà thờ đổ gia tăng, hải sản được bán tại chỗ cho khách tham quan nhà thờ đổ và các nhà hàng phục vụ khách du lịch. 

Nhờ hoạt động đánh bắt hải sản và du lịch, người dân làng Xương Điền có thu nhập khá ổn định. Biểu hiện bằng sự sầm uất của ngôi làng phía trong chân đê.

Hôm nay biển động, đợt gió mùa đông bắc sau Tết làm nhiệt độ xuống thấp. Hiển thị trên thiết bị điện tử là 13 độ, nhưng mưa phùn và gió khiến cho cảm giác rét buốt. Có một ngư dân phải vật lộn với chuyến biển vào lúc 12h trưa với hy vọng sẽ bắt được nhiều ghẹ ngon.

Tổ tiên của những ngư dân hiện nay lập làng ở bờ biển cách bờ biển hiện nay khoảng 10 km.

Năm 1877 giáo dân ở vùng đất này thành lập giáo họ Lái Tim và bà con giáo dân cùng nhau xây dựng lên một nhà thờ nhỏ. Ban đầu, nhà thờ được xây dựng rất đơn sơ, có diện tích 252m2, dài 14m, rộng 7m và được lợp hoàn toàn bằng cỏ tranh nên được gọi là nhà thờ "chay".

Từ thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX, làng chài Xương Điền là xóm đạo Công giáo bị biển xâm thực và nhanh chóng bị xói mòn. Nhà thờ sau đó được di chuyển vào sâu phía trong, cách khoảng hơn 10km so với vị trí cũ.

Năm 1917, nhà thờ họ Lái Tim được xây dựng lần thứ 2 theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp tại vị trí hiện nay (tức là nhà thờ đổ). Nhà thờ được hoàn thành vào năm 1927 với khuôn viên rộng 9.330m2, dài 47m, rộng 15m. 

Tháp chuông nhà thờ cao 27m, vòm thánh giá cao 15m với kiến trúc cửa vòm, nhiều hoa văn trang trí theo phong cách châu Âu cổ điển rất công phu, đẹp mắt. Ngoài ra, nhà thờ còn có nhà quán dài 29m, rộng 6,4m, cao 4,5m.

Nhưng với sự xâm thực không ngừng của biển và sự khắc nghiệt của thời tiết, nhà thờ lại một lần nữa phải di chuyển vào sâu trong đất liền và được xây dựng lần thứ ba, cách vị trí cũ hơn 2km và có tên gọi khác là nhà thờ họ Thánh Tâm. Nhà thờ mới này hiện trở thành một địa điểm nổi tiếng vào dịp Noel hằng năm. Dịp này, không gian nhà thờ sẽ được trang trí công phu kỳ công, khiến khách tham quan choáng ngợp.

Trải qua hơn 140 năm, do bị biển xâm thực, nhà thờ xưa đã bị sụp đổ gần như hoàn toàn. Dấu tích còn sót lại chỉ là một phần của tháp chuông nhà thờ trên bãi biển. 

Năm 2005, cơn bão số 7 với sức tàn phá khủng khiếp đã phá hủy toàn bộ tuyến đê bao bên ngoài, xóa sổ ngôi làng chài dọc bãi biển Xương Điền - Văn Lý đồng thời cuốn theo cả các nhà thờ ven biển khác. Điều kỳ lạ là nhà thờ đổ vẫn trụ vững vượt qua cơn bão biển hung dữ đó cùng với nhiều cơn bác khác. Và sau đó, nó trở thành một biểu tượng.


25 tháng 2, 2024

𝐁𝐚́𝐧𝐡 𝟒𝟎𝟎𝟎 𝐧𝐠𝐡𝐢̀𝐧 𝐧𝐚̆𝐦 𝐤𝐞̂́𝐭 𝐡𝐨̛̣𝐩 𝐯𝐨̛́𝐢 𝐦𝐨́𝐧 𝟕𝟎𝟎 𝐧𝐚̆𝐦

Rả rích bánh chưng rán thay cơm tẻ từ Tết ra, mai rằm tháng Giêng rồi mà trong tủ lạnh vẫn còn những bốn cái bánh chưng vuông to đùng. Hai cái cái từ quê ra, một cái công đoàn cơ quan trang bị, một cái là bánh chưng sườn trứ danh của ông anh Pham Ngoc Ha năm nào cũng làm hơn trăm chiếc và để dành cho các em. 

Đang suy nghĩ rất lung rằng bao lâu mới xơi hết được chừng đó bánh chưng thì hộp pho mát Raclette Măng Tây mang từ Paris về hôm Tết lọt vào tầm mắt. Lúc ấy, trên bếp, chiếc bánh chưng gấc của nhà cô  chú Long Thi Huê Vũ  cho đang reo xèo xèo trên chảo. Chợt nghĩ thử ăn bánh chưng rán với pho mát xem sao. Dù sao pho mát là loại thực phẩm dễ kết hợp, chỉ là chưa thấy có ai cho pho mát vào bánh chưng rán thôi 😂 

Miếng pho mát Raclette cắt lát sẵn, cho vào lập là để trên bếp hồng ngoại chưa đầy một phút bị nhiệt phá vỡ kết cấu, dậy mùi thơm và trở thành một thứ dung dịch sền sệt, dẻo quánh, có thể kéo thành sợi. Đây là thành phần của một món ăn có tuổi 700 năm được bắt nguồn từ Thụy Sĩ. 

Bánh chưng rán giòn hai mặt, cho ra đĩa, phủ lên trên một lớp Raclette. Nếu không tự chủ rằng, thành quả tập luyện bấy lâu có xu hướng quay trở lại điểm xuất phát, thì mình có thể xơi hết cả tấm bánh chưng có kích thước 20cmx20cmx6cm.

Khó có thể miêu tả được mùi vị, nhưng quả thật, cái béo ngậy của pho mát quyện với gia vị thảo quả, gừng, hành, thịt thêm chút phảng phất của nước mắm chắt trong chiếc bánh chưng Hải Hậu làm cho vị giác được được thỏa mãn. 

Giờ mới nhớ ra là còn một chiếc bánh chưng Hà Nội rất ngon đang gửi bên tủ lạnh nhà bác Tầm Xuân. Nay ăn hết một cái rồi, vậy là vẫn còn những bốn cái cơ đấy. Chỉ có điều, không biết chỗ pho mát còn lại có đủ để tải hết nửa yến nếp với đỗ và thịt lợn gói trong lá dong kia không.

Cuối tuần rồi, mưa phùn thế này, tháng Giêng lại rét đài thế này, đi chơi không được thì nghĩ làm món gì vui vui mà xơi cho ấm cỗ lòng. Tỷ như Bánh chưng 4000 năm rán lên rồi phủ pho mát 700 tuổi ấy. Vừa đậm đà bản sắc dân tộc, lại vừa hội nhập quốc tế.