6 tháng 4, 2024

Nam Định có nhà thờ Khoái Đồng

Từ lâu, nhà thờ Khoái Đồng trở thành biểu tượng của thành phố Nam Định. Tuy nhiên, phải đến năm 2008, nhà thờ này mới trở lại đúng nghĩa là ngôi giáo đường sau khi được Nhà nước bàn giao lại cho giáo phận Bùi Chu.

Giáo xứ Khoái Đồng được thành lập năm 1875. Nhà thờ Khoái Đồng là một thánh đường Công giáo phong cách Romanesque, được xây dựng bởi các cha dòng Đa Minh Tây Ban Nha và hoàn thành năm 1941. Kiến trúc của nhà thời Khoái Đồng cùng với phong cách kiến trúc nhà thờ Cửa Bắc (Hà Nội), nhà thờ chính tòa Sơn Lộc (Sơn Tây) và nhà thờ giáo xứ Tôn Đạo (Kim Sơn, Ninh Bình). Sau này, một số giáo xứ lấy nguyên mẫu nhà thờ Khoái Đồng để xây dựng nhưng các phiển bản đều chưa đạt được mức hoàn mỹ như bản gốc.

Đầu thế kỷ 20, nơi đây, trên diện tích hơn 5 héc ta, từng là một trung tâm đào tạo của công giáo với quần thể kiến trúc tại do Dòng Đa Minh Tây Ban Nha quy hoạch và xây dựng. Gồm có Nhà thờ Khoái Đồng, Giáo hoàng Chủng viện Thánh Albertô Cả (nay là trường tiểu học Nguyễn Văn Cừ), Trường Sư phạm Thánh Tôma (nay là trường Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến), và một số khu phố xung quanh. 

Xin được nói qua về Giáo hoàng Chủng viện Thánh Albertô Cả.

Đây là Học viện của Dòng Đa Minh do các giám mục và linh mục Tây Ban Nha thành lập năm 1916, được Tòa Thánh nâng lên Giáo hoàng Chủng viện năm 1930. Đây là một chủng viện liên giáo phận, từ niên khóa 1930–31 đào tạo linh mục cho toàn miền Đông Đàng Ngoài, gồm các địa phận dòng là Bùi Chu, Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh, và Lạng Sơn. Sau 1954, Giáo hoàng Chủng viện di dời vào Nam

Trước khi được trao lại cho giáo phận, nhà thờ Khoái Đồng được trưng dụng vào nhiều mục đích: Rạp chiếu phim, nơi tập thể thao, làm xí nghiệp dệt may. Trong chiến tranh chống Mỹ, năm 1966, trong trận oanh tạc của máy bay Mỹ, cùng với thiệt hại của thành phố Nam Định, nhà thờ Khoái Đồng bị ảnh hưởng nặng nề. Rất may mắn, ngôi thánh đường vẫn còn nguyên vẹn. Trong thời gian bị trưng dụng vào các mục đích phi tôn giáo, những người sử dụng cảm nhận được sự tôn nghiêm của gian cung thánh nên đã xây một bức tường ngăn cách khu vực này với phần hội trường. Do đó, phần ảnh tượng, chạm khắc vẫn được gìn gìn hầu như nguyên vẹn.

Sau khi nhận bàn giao, nhà thờ Khoái Đồng được trùng tu trên cơ sở giữ nguyên kiến trúc cũ và được mang tước hiệu Thánh đường Nữ vương các thánh tử vì đạo. Lễ khánh thành và cung hiến được cử hành vào ngày 27/12/2014.

Trên mạng và một số tờ báo có dẫn thông tin nhà thờ Khoái Đồng là một trong 2 nhà thờ của Việt Nam thờ thánh Nicolais một vị thánh mà theo truyền thuyết của Thiên Chúa giáo chính là ông già Noel, theo Linh mục Đinh Khắc Vịnh, người coi sóc giáo xứ Khoái Đồng là hoàn toàn không chính xác.

Liên quan đến số phận của nhà thờ Khoái Đồng còn có nhiều thông tin thú vị. Nếu có dịp ghé qua thành Nam, các hãy dành thời gian ghé thăm để tìm hiểu về ngôi thánh đường này. Địa chỉ 127 Lê Hồng Phong, cạnh bờ hồ Vị Xuyên, thành phố Nam Định.




4 tháng 4, 2024

Nuôi chim trời

 


Nuôi chim trời

Chim cu gáy là biểu tượng của cuộc sống nông thôn ở ngôi làng có luỹ tre già nằm bên cánh đồng lúa. Hằng ngày bọn nó xuống đồng ăn no sẽ cất tiếng gáy mượt mà vào mỗi buổi trưa.

Thế nhưng có một gia đình cu gáy chọn hàng cây ngăn giữa khu chung cư cao tầng và làng Quan Nhân để làm nơi cư trú. Một lựa chọn rất không liên quan đến đời sống của cu gáy - loài chim nhát người bậc nhất.

Mỗi ngày chúng hay bay lên bậu cửa sổ nhà tha thẩn tìm cái ăn. Lúc cao hứng chúng cất tiếng gáy lóng tư với nhịp khoan thai “Cục cúc cu cu cu cu” 💚

Chả có phải là chúng uý lạo cho mình vì cái công mua đỗ và phải sắm một cái ống dài, vài ngày một lần thò ra ngoài cửa sổ để bỏ đồ ăn cho chúng. Được nghe chúng gáy lại thấy nhớ cái làng Đông Cường của mình ngày xưa.

Mọi khi chỉ thấy có một đôi. Sáng nay, thấy nó dẫn thêm một con cu gáy trẻ. Có lẽ gia đình này đã có thêm một thành viên. 

Tiếng cu gáy ở nơi không thấy cánh đồng dù hơi lạc lõng, nhưng được nghe chim trời cúc cu giữa những khối bê tông cũng rất thú vị ❤️

5 tháng 3, 2024

Đến Dinh vua Mèo 🥰

Trên mạng mấy nay viral trào lưu check in ở cao nguyên đá Hà Giang. Chỗ nào cũng đẹp, mỗi tội đông người quá. 

Vậy nên, thấy mình thật may mắn khi chọn thời điểm đến thung lũng Sà Phìn vào ngày áp Tết. Lúc này, mọi hoạt động thường ngày dừng lại nhường chỗ cho sự tĩnh lặng bí ẩn. Chỉ còn nghe thấy tiếng gió vi vu luồn qua kẽ lá của rặng sa mộc già. Trong dinh vua Mèo, khi luồn qua những bậc cửa thiếu sáng, bước chân của mình cũng trở nên cẩn trọng. Chỉ sợ làm kinh động đến những linh hồn còn lẩn khuất sau những bức vách gỗ thâm u. Không gian tĩnh lặng đến nỗi nghe thấy cả tiếng vặn mình của căn nhà gỗ trăm năm tuổi và cảm nhận hơi lạnh phả ra từ những bức tường đá ngàn năm. Nó cho ta có khoảng riêng để hình dung về cuộc sống đã từng sôi động và vương giả ở nơi này.

Dinh thự Vua Mèo hay còn được biết đến với cái tên Dinh thự họ Vương, tọa lạc tại thung lũng Sà Phìn, xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cách trung tâm thành phố khoảng 125km và cách cao nguyên đá Đồng Văn nổi tiếng chỉ 15km. Căn nhà cổ này gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của 2 cha con người Mông là Vua Mèo Vương Chính Đức và Vương Chí Sình (hay Vương Chí Thành). Ông Vương Chính Đức (1886 - 1962) là người đứng đầu chế độ thổ ty phong kiến miền núi của dân tộc Mông nên còn được gọi với cái tên đầy quyền lực là Vua Mèo.










26 tháng 2, 2024

Về nơi có biểu tượng của biến đổi khí hậu


 

Đây là bãi biển phía Bắc nhà thờ đổ Hải Lý, Hải Hậu, Nam Định, là một trong hai bãi thuyền của ngư dân thôn Xương Điền, nơi có ngôi nhà thờ đổ nổi tiếng được gọi dân dã với cái tên Nhà Thờ Đổ. 

Mỗi khi về đây, ngoài điều thú vị được ngắm nghía chứng tích khắc nghiệt của sự biến đổi khí hậu là ngôi nhà thờ đổ trên bãi biển, du khách còn được trải nghiệm hoạt động đánh bắt hải sản truyền thống của ngư dân nơi đây.

Thôn Xương Điền có hơn 70% hộ sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản. Mỗi gia đình ngư dân đầu tư cơ bản một chiếc thuyền máy với giá khoảng 60 triệu đồng. Nếu cùng lúc muốn đánh bắt được nhiều loại hải sản thì đầu tư thêm ngư lưới cụ, tổng chi phí khoảng hơn 100 triệu đồng. Mỗi thuyền có một ngư dân. Hằng ngày chuyến biển bắt đầu lúc Đài nói (4h45 phút sáng) và về bờ lúc 10h30 – 11h trưa. Chồng đi biển, vợ trong bờ chờ thuyền về đón lưới gỡ tôm cá.  Xưa kia hoạt động đánh bắt chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng. Nay, khách về thăm nhà thờ đổ gia tăng, hải sản được bán tại chỗ cho khách tham quan nhà thờ đổ và các nhà hàng phục vụ khách du lịch. 

Nhờ hoạt động đánh bắt hải sản và du lịch, người dân làng Xương Điền có thu nhập khá ổn định. Biểu hiện bằng sự sầm uất của ngôi làng phía trong chân đê.

Hôm nay biển động, đợt gió mùa đông bắc sau Tết làm nhiệt độ xuống thấp. Hiển thị trên thiết bị điện tử là 13 độ, nhưng mưa phùn và gió khiến cho cảm giác rét buốt. Có một ngư dân phải vật lộn với chuyến biển vào lúc 12h trưa với hy vọng sẽ bắt được nhiều ghẹ ngon.

Tổ tiên của những ngư dân hiện nay lập làng ở bờ biển cách bờ biển hiện nay khoảng 10 km.

Năm 1877 giáo dân ở vùng đất này thành lập giáo họ Lái Tim và bà con giáo dân cùng nhau xây dựng lên một nhà thờ nhỏ. Ban đầu, nhà thờ được xây dựng rất đơn sơ, có diện tích 252m2, dài 14m, rộng 7m và được lợp hoàn toàn bằng cỏ tranh nên được gọi là nhà thờ "chay".

Từ thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX, làng chài Xương Điền là xóm đạo Công giáo bị biển xâm thực và nhanh chóng bị xói mòn. Nhà thờ sau đó được di chuyển vào sâu phía trong, cách khoảng hơn 10km so với vị trí cũ.

Năm 1917, nhà thờ họ Lái Tim được xây dựng lần thứ 2 theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp tại vị trí hiện nay (tức là nhà thờ đổ). Nhà thờ được hoàn thành vào năm 1927 với khuôn viên rộng 9.330m2, dài 47m, rộng 15m. 

Tháp chuông nhà thờ cao 27m, vòm thánh giá cao 15m với kiến trúc cửa vòm, nhiều hoa văn trang trí theo phong cách châu Âu cổ điển rất công phu, đẹp mắt. Ngoài ra, nhà thờ còn có nhà quán dài 29m, rộng 6,4m, cao 4,5m.

Nhưng với sự xâm thực không ngừng của biển và sự khắc nghiệt của thời tiết, nhà thờ lại một lần nữa phải di chuyển vào sâu trong đất liền và được xây dựng lần thứ ba, cách vị trí cũ hơn 2km và có tên gọi khác là nhà thờ họ Thánh Tâm. Nhà thờ mới này hiện trở thành một địa điểm nổi tiếng vào dịp Noel hằng năm. Dịp này, không gian nhà thờ sẽ được trang trí công phu kỳ công, khiến khách tham quan choáng ngợp.

Trải qua hơn 140 năm, do bị biển xâm thực, nhà thờ xưa đã bị sụp đổ gần như hoàn toàn. Dấu tích còn sót lại chỉ là một phần của tháp chuông nhà thờ trên bãi biển. 

Năm 2005, cơn bão số 7 với sức tàn phá khủng khiếp đã phá hủy toàn bộ tuyến đê bao bên ngoài, xóa sổ ngôi làng chài dọc bãi biển Xương Điền - Văn Lý đồng thời cuốn theo cả các nhà thờ ven biển khác. Điều kỳ lạ là nhà thờ đổ vẫn trụ vững vượt qua cơn bão biển hung dữ đó cùng với nhiều cơn bác khác. Và sau đó, nó trở thành một biểu tượng.


25 tháng 2, 2024

𝐁𝐚́𝐧𝐡 𝟒𝟎𝟎𝟎 𝐧𝐠𝐡𝐢̀𝐧 𝐧𝐚̆𝐦 𝐤𝐞̂́𝐭 𝐡𝐨̛̣𝐩 𝐯𝐨̛́𝐢 𝐦𝐨́𝐧 𝟕𝟎𝟎 𝐧𝐚̆𝐦

Rả rích bánh chưng rán thay cơm tẻ từ Tết ra, mai rằm tháng Giêng rồi mà trong tủ lạnh vẫn còn những bốn cái bánh chưng vuông to đùng. Hai cái cái từ quê ra, một cái công đoàn cơ quan trang bị, một cái là bánh chưng sườn trứ danh của ông anh Pham Ngoc Ha năm nào cũng làm hơn trăm chiếc và để dành cho các em. 

Đang suy nghĩ rất lung rằng bao lâu mới xơi hết được chừng đó bánh chưng thì hộp pho mát Raclette Măng Tây mang từ Paris về hôm Tết lọt vào tầm mắt. Lúc ấy, trên bếp, chiếc bánh chưng gấc của nhà cô  chú Long Thi Huê Vũ  cho đang reo xèo xèo trên chảo. Chợt nghĩ thử ăn bánh chưng rán với pho mát xem sao. Dù sao pho mát là loại thực phẩm dễ kết hợp, chỉ là chưa thấy có ai cho pho mát vào bánh chưng rán thôi 😂 

Miếng pho mát Raclette cắt lát sẵn, cho vào lập là để trên bếp hồng ngoại chưa đầy một phút bị nhiệt phá vỡ kết cấu, dậy mùi thơm và trở thành một thứ dung dịch sền sệt, dẻo quánh, có thể kéo thành sợi. Đây là thành phần của một món ăn có tuổi 700 năm được bắt nguồn từ Thụy Sĩ. 

Bánh chưng rán giòn hai mặt, cho ra đĩa, phủ lên trên một lớp Raclette. Nếu không tự chủ rằng, thành quả tập luyện bấy lâu có xu hướng quay trở lại điểm xuất phát, thì mình có thể xơi hết cả tấm bánh chưng có kích thước 20cmx20cmx6cm.

Khó có thể miêu tả được mùi vị, nhưng quả thật, cái béo ngậy của pho mát quyện với gia vị thảo quả, gừng, hành, thịt thêm chút phảng phất của nước mắm chắt trong chiếc bánh chưng Hải Hậu làm cho vị giác được được thỏa mãn. 

Giờ mới nhớ ra là còn một chiếc bánh chưng Hà Nội rất ngon đang gửi bên tủ lạnh nhà bác Tầm Xuân. Nay ăn hết một cái rồi, vậy là vẫn còn những bốn cái cơ đấy. Chỉ có điều, không biết chỗ pho mát còn lại có đủ để tải hết nửa yến nếp với đỗ và thịt lợn gói trong lá dong kia không.

Cuối tuần rồi, mưa phùn thế này, tháng Giêng lại rét đài thế này, đi chơi không được thì nghĩ làm món gì vui vui mà xơi cho ấm cỗ lòng. Tỷ như Bánh chưng 4000 năm rán lên rồi phủ pho mát 700 tuổi ấy. Vừa đậm đà bản sắc dân tộc, lại vừa hội nhập quốc tế.





29 tháng 1, 2024

Đại hàn thương nhớ món tép moi

Trong một buổi cuối tuần rét mướt, khi những cơn gió bấc phần phật ngoài ban công, nỗi nhớ cái bếp ấm cúng của mẹ bỗng làm nhớ đến bình tép moi bị lãng quên từ vụ moi mùa vẫn còn thơm phức mùi nắng.

Món tép moi xào khế


Anh em tôi được mẹ đẻ ra và nuôi lớn ở vùng đất ven biển. Cũng như mọi đứa trẻ ở làng, từ lúc biết ăn dặm, cũng là lúc được tiếp xúc với thực phẩm là đồ biển. Bà nội tôi ngày còn sống thường bảo, trong tất cả các con bắt từ biển mà trẻ con ăn được, thì lành nhất của biển là con tép moi. 

Ở biển, một năm có 2 mùa moi, vụ chiêm và vụ mùa. Vụ moi chiêm vào tháng 4 – 5 vụ moi mùa vào tháng 9 – 10 tính theo lịch âm. Hầu hết sản lượng moi đánh bắt về sẽ được đổ cho các cơ sở sản xuất mắm tôm; Một phần được chế biến theo hình thức không qua lửa, làm khô chín bằng sức nóng của mặt trời. Mùa moi, chợ huyện Đông Biên luôn dành hẳn một dãy dài ở mé may chợ để cho các hộ làm moi mang đến bán. Từng đống moi khô to như đống thóc, vàng ươm, mùi thơm đặc trưng mời gọi, để người mua khắp nơi tha hồ lựa chọn. Tiếng người bán, người mua mặc cả rộn ràng. 

Quê tôi hầu như không ăn tép moi tươi. Có thể vì nó quá mềm. Cũng có lẽ tép nước ngọt sẵn lại giòn nên tép moi tươi chỉ dùng để làm mắm tôm và phơi khô. Khi phơi khô được nắng thì con tép moi lại trở nên giòn như “bim bim”.

Thường moi khô sẽ có 2 màu, màu trắng hồng và màu vàng hanh. Theo thông tin của các nhà nghiên cứu dinh dưỡng, tép khô có vỏ màu vàng do tép chứa nhiều astaxanthin nên sau khi phơi khô, bề mặt sẽ có màu hơi vàng. Trong loại tép moi này có chứa một chất chống oxy hóa, còn được gọi là siêu vitamin E. Loại tép này làm nhân hoặc xào thì rất hợp. Còn tép moi có màu trắng hồng chứa ít astaxanthin nên sau khi làm khô, vỏ của nó có màu hơi trắng. Mặc dù astaxanthin trong loại tép này tương đối thấp nhưng hàm lượng canxi lại cao. Đây là loại thực phẩm bổ sung canxi rất tốt.

Đối với những gia đình cán bột thoát ly ở khu tập thể cơ quan như nhà tôi, tép moi khô là thực phẩm bổ sung đạm cho những bữa ăn thời bao cấp. Ngày đó, thực phẩm tươi sống là thứ khó kiếm. Nhà nào cũng cũng trữ một bịch tép moi và cá khô. Bản trường ca đồ khô này có khi diễn ra hàng tháng trời vào mùa mưa phùn gió bấc. 

Bản trường ca món tép moi của mẹ gồm:

- Tép moi nấu canh rau đay mùng tơi.

- Tép moi xào khế và tóp mỡ.

- Tép moi rang mắm kẹp bánh đa.

- Tép kho thịt lợn.

- Tép xào hành lá.

- Tép moi bóp gỏi rau cần.

Hôm nào đến đợt tem phiếu mua được mấy lạng thịt đem kho với tép moi thì  món này được nhuận sắc và hấp dẫn vô cùng. Từng con tép ngấm mỡ căng tròn thơm phức. Miếng thịt mỡ thái hạt lựu trở nên trong veo khi xào khan nước với tép. Lúc chuẩn bị bắc ra, mẹ rưới thêm một thìa mắm chắt. Hôm ấy, kiểu gì tôi cũng lén lút đong thêm nửa bò gạo. 

Sau này đi học, rồi đi làm xa nhà, hằng năm, đến vụ tép mùa mẹ đều gửi cho chúng tôi một ký. Thường thì cả nhà sẽ nấu ngay một nồi canh tập tàng với tép mới để ăn cho đã. Rồi sau đó bình tép moi vàng ươm sẽ được lãng quên tận đến tiết Đại Hàn. Trong một buổi cuối tuần rét mướt, khi những cơn gió bấc phần phật ngoài ban công, nỗi nhớ cái bếp ấm cúng của mẹ bỗng làm nhớ đến bình tép moi còn thơm phức mùi nắng. 

Lần rét này cũng vậy, nhân cuối tuần về nhà, mẹ bẻ cho một rổ khế chua bánh tẻ mang lên Hà Nội, thế là bữa hôm đó, món tép moi xào khế chễm chệ trên mâm cơm. Vợ chồng con cái lại xuýt xoa với cái vị ngọt đậm thơm mùi biển ăn cùng cơm nóng. Kế hoạch cắt giảm tinh bột tạm thời bị gác lại một hôm. 





 

21 tháng 1, 2024

Đừng đặt định mức cho hạnh phúc

Mở màn cho mùa cưới năm nay là đám cưới của một đồng nghiệp. Một đám cưới rổ rá cạp lại. Tiệc cưới tổ chức trong một khán phòng nhỏ, khung cảnh giản dị. 

Như thường lệ, đám cưới nào cũng có những nghi thức lễ tân và khách mời dường như cũng đã quen. 

Mình bắt đầu chú ý khi nhìn thấy tháp tùng cô dâu chú rể đang bước vào lễ đường là 4 chàng thanh niên thau tháu. Lúc cậu MC giới thiệu, đó là 4 người con của cô dâu chú rể. Cả hội trường ồ lên. 

Ngay sau khi ra mắt khách khứa, cậu con trai vừa tốt nghiệp đại học của cô dâu nhanh nhẹn bước xuống sân khấu, giơ chiếc điện thoại bắt đầu ghi lại những hình ảnh của mẹ và bố dượng trong nghi lễ cắt bánh và rót rượu trên tháp ly. Vừa ghi hình, cậu chàng còn liên tục ra hiệu cho hai bố mẹ để lấy được khuôn hình đẹp. Sau khi có được đoạn clip cậu quay lại sân khấu đứng cùng bố mẹ và các ông bà. 

Lúc xong các nghi lễ đám cưới, 4 cậu chàng tụm lại một góc ngay gần chỗ chúng tôi ngồi. Khán phòng ồn ào tôi không nghe rõ các cậu nói chuyện gì, nhưng cả 4 đều cười rất tươi, những cái bá vai rất gần gũi thân thiết.

Khi bố cô dâu bước lên phát biểu, giọng nói miền nam Trung bộ run run chúc mừng con gái và con rể. Ông nói rất ngắn ngọn, nhưng người dự đều cảm nhận được niềm hạnh phúc của người cha khi con gái yêu quý xây dựng gia đình ở tuổi không còn trẻ. Nhìn ông và nghe ông, tự dưng mình thấy cảm động, ấm áp vô cùng.

Cô dâu chú rể đến bàn chúc rượu mừng, cô dâu hãnh diện khoe “Bốn thằng con trai của bọn em. Một của em. Hai của chồng em và một cậu con nuôi mặc áo vest màu xanh đó. Anh thấy em ra dáng mẹ chồng không?”.

Lúc cô ca sĩ trên sân khấu hát một bản bô lê rô có nhịp phách khớp với điệu nhảy cha cha cha, thật bất ngờ khi thấy mẹ cô dâu và mẹ chú rể ra giữa khán phòng say sưa khiêu vũ. Mọi người ngừng ăn uống để cổ vũ cho hai bà. Cả hội trường sôi động hẳn lên.

Một đám cưới thoạt tưởng bình thường nhưng lại mang rất nhiều năng lượng tích cực cho những người đến dự. Chắc chắn ai cũng nhận thấy niềm hạnh phúc đặc biệt của gia đình mới này. Hẳn mỗi người trong gia đình mới của bạn đã phải vượt qua rất nhiều cảm xúc để thấu hiểu và quyết định gắn kết thành những người ruột thịt. 

Vậy nên đừng bao giờ đặt định mức cho hạnh phúc mà hãy đồng hành và tận hưởng nó.



18 tháng 1, 2024

Thế giới nhìn vào các bà mẹ và người phụ nữ để tìm thấy sự bình an

Cách đây 2 tuần, ngày 1/1/2024, tại Đền thờ thánh Phêrô (Vatican), Giáo hoàng Phanxicô chủ trì Thánh Lễ Mẹ Thiên Chúa và cầu nguyện cho Hòa Bình Thế giới.

Sứ điệp cho Ngày Thế giới Hòa Bình lần thứ 57. Chủ đề cho Ngày Thế giới Hòa Bình năm nay Đức Thánh cha chọn là Trí tuệ nhân tạo và Hòa Bình.

Theo dõi Thánh lễ qua kênh Youtube Vatican News bài giảng của Giáo hoàng Phanxicô, đến đoạn “Giáo hội cần Đức Maria để tái khám phá ra khuôn mặt nữ tính của mình. Đó là để trở nên giống như mẹ hơn. Đấng với tư cách là một người phụ nữ, là trinh nữ và là người mẹ, đại diện cho mẫu mực và hình dáng hoàn hảo. Và chúng ta để dành không gian cho người nữ tổ sinh, ngang qua việc chăm sóc mục vụ được thực hiện bằng việc quan tâm và chăm sóc, sự kiên nhẫn và lòng can đảm của người mẹ. Nhưng thế giới cũng cần nhìn vào các bà mẹ và người phụ nữ để tìm thấy sự bình an hòa bình thoát ra khỏi vòng xoáy của bạo lực và hận thù và trở về với cái nhìn và trái tim con người, những điều có thể nhìn thấy được. Và mọi xã hội cần đón nhận món quà của người phụ nữ, của mọi người phụ nữ. Đó là tôn trọng, bảo vệ, quý trọng người nữ. Biết rằng, ai làm tổn thương một người phụ nữ đó là xúc phạm đến Thiên Chúa, đấng được sinh ra bởi một người phụ nữ”.

Thì mình muốn ghi lại toàn bộ phát biểu của Đức Giáo hoàng Phanxicô từ bản dịch trực tiếp của Biên tập viên Vatican News.

Nhà thờ giáo xứ Giang Xá (Hoài Đức, Hà Nội)

Toàn văn:

Những lời của Thánh tông đồ Phaolô soi sáng cho sự khởi đầu năm mới của chúng ta.

Khi thời gian tới hồi viên mãn, thiên chúa đã sai con mình tới xin làm con một người phụ nữ. Cụm từ “thời gian đến hồi viên mãn” thật ấn tượng. Vào thời cổ đại, người ta có phong tục đo thời gian bằng cách làm rỗng và đổ đầy chiếc vò hai quai. Khi chúng trống rỗng thì một thời gian mới bắt đầu và kết thúc khi chúng đầy.

Đây là thời điểm của thời gian viên mãn, khi chiếc vò hai quai của lịch sử lấp đầy thì ân sủng của Thiên Chúa tràn ngập. Thiên chúa trở thành con người và trở thành con người nơi cung lầm của một người nữ - Đức Maria. Mẹ là con đường Chúa đã chọn. Mẹ là đích đến của nhiều người và nhiều thế hệ. Những người từng chút một đã chuẩn bị cho việc Chúa Giê su trong Thiên Chúa đến trong thế giới của chúng ta.

Như vậy Mẹ là trung tâm của thời gian. Thiên Chúa vui lòng làm thay đổi lịch sử, ngang qua Mẹ - một người nữ. Với những từ này, Kinh Thánh đã nhắc cho chúng ta về nguồn cội, về sáng thế và gợi ý rằng, người mẹ với hài nhi đánh dấu một cuộc tạo dựng mới, một khởi đầu mới. Do đó, vào lúc khởi đầu thời kỳ cứu độ có Mẹ Thiên Chúa, Mẹ thánh thiện của chúng ta.

Thật tuyệt vời khi năm mới mở ra bằng cách chúng ta cầu khấn Mẹ. Thật tuyệt vời khi dân Thiên Chúa từng ở Ê phê sô hân hoan tuyên xưng Mẹ Thánh của Thiên Chúa. Nhưng lời Mẹ Thiên Chúa thực sự diễn tả sự chắc chắn vui tươi rằng, hài nhi dễ mến trong vòng tay của Mẹ đã mãi mãi hiệp nhất với nhân tính của chúng ta. Đến mức nhân tính này không còn của riêng của chúng ta nữa. Và nhân tính ấy còn là của Người nữa. Mẹ Thiên Chúa trong vài lời này đã nói lên sự liên kết giữa Chúa vĩnh cửu với chúng ta. Mẹ Thiên Chúa, đó là một tín điều của đức tin, nhưng cũng là một tín điều của hy vọng. Thiên Chúa ở trong con người và con người ở trong Thiên Chúa. Mãi mãi như thế.

Vào thời viên mãn, Chúa cha đã sai con của người được sinh ra bởi một người phụ nữ, nhưng bản văn của Thánh Phao lô bổ sung thêm lời sai phái thứ hai, đó là, Thiên sứ đã sai thần khí của con mình để ngự trong lòng anh em mà kêu lên “Abba Cha ơi”. Và trong cả việc sai thánh thần thì người mẹ vẫn là nhân vật chính. Đó là Chúa Thánh Thần bắt đầu ngự xuống trên mẹ trong ngày truyền tin. Rồi vào lúc khởi đầu của giáo hội người ngự xuống trên các Tông đồ đang tụ họp cầu nguyện cùng với Đức Mẹ: Mẹ Maria. Tình mẫu tử của Đức Maria là con đường để gặp được tình phụ tử dịu dàng của Thiên Chúa. Con đường gần gũi nhất,  trực tiếp nhất, và dễ dàng nhất.   Thật vậy, người Mẹ dẫn chúng ta đến sự khởi đầu của trái tim của đức tin. Vốn không phải là lý thuyết hay là sự cam kết. Nhưng đó là một hồng ân vô hạn khiến cho chúng ta trở thành con cái yêu dấu, trở thành nơi cư ngụ của một tình yêu vô tận của Thiên Chúa cha.

Vì vậy, việc đón nhận Mẹ vào trong cuộc đời của chúng ta không phải là chọn lựa sự sùng kính của một đức tin nhưng đó là một đòi hỏi đức tin. Nếu chúng ta muốn trở thành Kito hữu thì chúng ta phải là người của Đức Mẹ.

Giáo hội cần đức Maria để tái khám phá ra khuôn mặt nữ tính của mình. Đó là để trở nên giống như mẹ hơn. Đấng với tư cách là một người phụ nữ, là trinh nữ và là người mẹ, đại diện cho mẫu mực và hình dáng hoàn hảo. Và chúng ta để dành không gian cho người nữ tổ sinh ngang qua việc chăm sóc mục vụ được thực hiện bằng việc quan tâm và chăm sóc, sự kiên nhẫn và lòng can đảm của người mẹ. Nhưng thế giới cũng cần nhìn vào các bà mẹ và người phụ nữ để tìm thấy sự bình an hòa bình thoát ra khỏi vòng xoáy của bạo lực và hận thù và trở về với cái nhìn và trái tim con người, những điều có thể nhìn thấy được. Và mọi xã hội cần đón nhận món quà của người phụ nữ, của mọi người phụ nữ. Đó là tôn trọng, bảo vệ, quý trọng người nữ. Biết rằng, ai làm tổn thương một người phụ nữ đó là xúc phạm đến Thiên Chúa, đấng được sinh ra bởi một người phụ nữ.

Đức Maria một người phụ nữ vừa là người phụ nữ mang tính quyết định trong thời gian viên mãn vừa là người mang tính quyết định đối với cuộc sống của mỗi người chúng ta. Bởi vì không ai biết rõ thời cơ và sự cấp bách của con cái của mình hơn là một người mẹ. Điều này một lần nữa được tỏ ra cho chúng ta qua sự khởi đầu. Dấu lạ đầu tiên được chúa Giê su thực hiện tại tiệc cưới Cana. Ở đó, chính mẹ Maria đã nhận thấy thiếu rượu. Và mẹ đã quay lại với người của Chúa Giê su. Và chính nhu cầu của con cái đã động lòng mẹ. Và mẹ đã thúc đẩy Chúa Giê su can thiệp. Tại Cana, Chúa Giê su nói họ đổ nước vào các chum và họ đổ đầy miệng. Và Đức Maria đã biết nhu cầu của chúng ta. Mẹ cũng đổ đầy ân sủng cho chúng ta và đưa cuộc sống của chúng ta đến chỗ viên mãn.

Anh chị em thân mến, tất cả chúng ta đều có những khuyết điểm, những nỗi cô đơn, những khoảng trống cần được lấp đầy. Và ai có thể làm được điều đó nếu không phải là Đức Mẹ Maria. Mẹ là một sự tràn đầy. Khi chúng ta bị cám dỗ vây kín, chúng ta đến với mẹ. Khi chúng ta không thể gỡ mình khỏi các nút thắt của cuộc sống thì chúng ta tìm đến nương tựa nơi mẹ.  Thời đại của chúng thiếu vắng hòa bình đang cần đến một người mẹ mang gia đình của nhân loại lại với nhau. Chúng ta hãy nhìn lên Đức Mẹ Maria để trở thành những người xây dựng sự hiệp nhất. Và chúng ta hãy làm như vậy với sự sáng tạo của Mẹ như một người mẹ chăm sóc con cái của mình. Mẹ tập hợp họ lại và an ủi họ, lắng nghe những nỗi buồn của họ và lau khô nước mắt của họ. Chúng ta hãy phó thác năm mới cho Mẹ Thiên Chúa và hãy chúng ta thánh hiến cuộc đời của mình cho Mẹ. Mẹ với sự dịu dàng biết cách làm cho nó thành tròn đầy. Bởi vì mẹ sẽ dẫn chúng ta đến với Chúa Giê su. Và Chúa Giê su là sự viên mãn của thời gian, của mọi thời gian, của thời đại của chúng ta.

Thật vậy, như có lời viết, không phải thời gian viên mãn đã khiến cho con Thiên Chúa được sai đến nhưng ngược lại vì con Thiên Chúa đã làm người và chính Thiên Chúa làm người như vậy đã làm cho thời gian viên mãn.

Chúng ta cùng cầu chúc cho năm mới này được tràn đầy niềm an ủi của dân Chúa. Cầu chúc cho năm mới được tràn đầy sự dịu hiền từ mẫu của Đức Maria – Mẹ Thánh của Thiên Chúa.

11 tháng 1, 2024

Đất lành chim đậu

 Trên ngọn cây dẻ nước, ngang tầng 3, phòng khách chính của #ZicHouse ở Đà Lạt, có một tổ chim vành khuyên.

Mươi ngày trước, trong chuyến đi sát Tết, sau khi đến đây một ngày chúng tôi phát hiện trong chiếc tổ chim đang đu đưa trong những cơn gió khá mạnh của Đà Lạt có 3 quả trứng nhỏ xinh. 

Hai con chim bố mẹ thường bay đi bay về nằm ấp trong chiếc tổ, mặc cho cách đó khoảng một tầm với tay là phòng khách của một Homestay lúc nào cũng nhộn nhịp khách khứa từ sáng đến đêm.

Từ lúc phát hiện ra chiếc tổ có trứng, chúng tôi có chút ý tứ hơn mỗi khi đứng trước tấm kính panorama phòng khách mặc dù đứng đây thì có thể nhìn thấy toàn cảnh thung lũng và một phần thành phố Đà Lạt dưới kia vì sợ rằng chim bố mẹ vì bị con người phát hiện ra tổ của nó mà bỏ  ấp ba quả trứng thì tội.

Cách đây 3 năm, đôi vợ chồng Hoài Linh – Kim Hoa bỏ lại tất cả công việc, nhà cửa ở Sài Gòn, mang cô con gái út 8 tuổi lên Đà Lạt tậu một mảnh đất trên lưng chừng đồi tại phường 6, một khu dân cư mới tinh, cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 3-4 km, dựng một ngôi nhà xinh xắn, đặt tên là Zic House, lấy từ nickname Zig của cô con gái Châu Anh. Biến mảnh đất đầy cỏ rậm rạp, có một cây dẻ nước cổ thụ cô đơn thành một Homestay xinh xắn.

Căn nhà màu trắng này, do nhà báo Hoài Linh tự lên ý tưởng thiết kế và décor. Một phần bộ sưu tập cổ vật và đồ lưu niệm được anh Linh mang từ Hà Nội và Sài Gòn trưng bày ở đây khiến ngôi nhà như một bảo tàng nhỏ. Này là góc sưu tập bình vôi cổ. Kia là bộ mặt nạ sưu tầm từ khắp các quốc gia, nơi nghệ sĩ Hoài Linh có dịp đặt chân đến trong những chuyến công tác trước đó. Đây là những món đồ gốm mộc mạc của đồng bào Tây Nguyên xếp đặt rất hợp lý với bộ sưu tập gốm xưa… Những bức ảnh đen trắng đầy chất phóng sự nổi tiếng của anh Hoài Linh được phóng to treo ở phòng khách và chiếu nghỉ cầu thang. Ai mê đọc sách có thể tìm được những cuốn tiểu thuyết của các tác giả nổi tiếng thế giới đặt trên chiếc giá sách gỗ thiết kế khá đẹp.

Mấy gia đình chúng tôi đã được tận hưởng sự thân thiện ấm áp của gia chủ trong những ngày ở lại không gian của Zic House.

Trưa nay, bất ngờ, phu nhân của nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Hoài Linh, chị Kim Hoa cũng là một nhà báo, người gốc Huế, mê ẩm thực, chủ nhân Zic House nhắn tin báo “Ba chú chim con chào các bác”, kèm theo là tấm ảnh chụp ba chiếc mỏ viền vàng đang há to đòi ăn. 

Quả thật chúng tôi cũng đang ngóng chờ nhận được tin này.

Đúng là đất lành chim đậu 💖










Tưởng thưởng trong vị của hạt Arabica Quảng Trị

 𝗣𝗶𝗻𝗸 𝗚𝘂𝗮𝘃𝗮 (𝗢̂̉𝗶 𝗵𝗼̂̀𝗻𝗴)   𝗛𝗼𝗻𝗲𝘆 (𝗠𝗮̣̂𝘁 𝗼𝗻𝗴)   𝗖𝗶𝗻𝗻𝗮𝗺𝗼𝗻 (𝗤𝘂𝗲̂́)   𝗥𝗮𝗶𝘀𝗶𝗻 (𝗡𝗵𝗼 𝗸𝗵𝗼̂)   𝗖𝗼𝗰𝗼𝗮 𝗔𝗳𝘁𝗲𝗿𝘁𝗮𝘀𝘁𝗲 (𝗛𝗮̣̂𝘂 𝘃𝗶̣ 𝗖𝗮𝗰𝗮𝗼) 

Sẽ được tưởng thưởng trong vị của hạt Arabica Quảng Trị. 

Tìm trên Internet thấy: Khởi xướng cho cây cà phê Khe Sanh, có tài liệu cho rằng là Eugène Poilane – một quân nhân người Pháp, đồng thời là một nhà thực vật học, ông đến Việt Nam năm 1909 với danh nghĩa là công nhân pháo binh làm việc cho xưởng công binh hải quân. Sau đó nhà tự nhiên học Auguste Chevalier đã chỉ định Poilane làm thăm dò viên cho viện sinh vật học và Poilane trở thành đại diện cho Sở quản lý rừng của Đông Dương năm 1922.

Năm 1918, lần đầu Poilane đi xuyên qua khu vực sau này là làng Khe Sanh. Do bị hấp dẫn bởi cây cối tươi tốt ở đây và nghĩ rằng đất đỏ thì phù hợp với cây cà phê, năm 1926 Poilane quay trở lại Khe Sanh và nhập những cây cà phê Chiari để trồng và lập nên đồn điền cà phê đầu tiên ở Khe Sanh (Theo Puriocafe). Giống cà phê được trồng chủ yếu ở Khe Sanh là Catimor trái đỏ từ năm 1993, Catimor trái vàng rất ít.

Diện tích trồng cà phê ở Khe Sanh khoảng 4.600ha tập trung ở 3 xã: Hướng Phùng , Hướng Linh và Tân Liên; rải rác ở các xã Hướng Tân, Hướng Sơn, Phùng Lâm và xã Húc. Xã Hướng Phùng đóng vai trò quan trọng nhất do có diện tích trồng lớn nhất chiếm đến 80% diện tích trồng cà phê của huyện Hướng Hoá, thời tiết thuận lợi nhất do mưa ít nhất trong các xã và cuối cùng là độ cao phù hợp, cao 670m so với mực nước biển.

Vì sao Arabica Quảng Trị trồng ở độ cao 670 m so với mực nước biển mà vẫn cho ra hương vị đặc biệt? 

Lý do là đây: 

Đặc điểm của cây cà phê arabica chúng phù hợp với vùng thổ nhưỡng quanh năm mát mẻ, nhiệt độ quân bình từ 22 – 24 độ c, độ cao địa lý từ 1300-1500 mét so với mực nước biển. Tuy nhiên, khi nói về độ cao thì Khe Sanh không phải là vùng đất lý tưởng của cây cà phê chè arabica, bởi nơi đây trung bình độ cao từ 600-900 met so với mực nước biển, nhưng sự chênh lệch rất cao giữa ngày và đêm (có lúc mức nhiệt chênh lệch 7-9 độ giữa buổi chiều và tối khuya), sự chênh lệch ngày và đêm lại khá phù hợp với cây cà phê arabica (năm 1999 cà phê arabica được trồng phổ biến tại đây, thu nhỏ lại vùng robusta và liberia) Bên cạnh đó, nhiệt độ nắng khá cao ban ngày và sự lạnh giá ban đêm làm cho hàm lượng axit của cà phê Khe Sanh mạnh hơn, nên dẫn đến cà phê Khe Sanh có vị chua mạnh phải nói vị chua cà phê Khe Sanh đứng đầu trong nhóm cà phê chè tại Việt Nam.

Cà phê từ Hướng Phùng, Quảng Trị tạo sự bất ngờ với hương vị độc đáo, khác biệt. Hương ổi hồng ấn tượng và hương hoa tràn ngập cùng vị chua ngọt tinh tế. Chính hương vị quyến rũ này đã giúp cho cà phê Quảng Trị giành ngôi vị cao nhất cuộc thi Cà phê Đặc sản Việt Nam 2021 ngay trong lần đầu tiên tham dự.

Các nhà bán cà phê chuyên nghiệp bảo: Đây là loại cà phê Việt Nam mà bạn phải thử một lần trong đời. 

Sự khác nhau giữa Arabica Quảng Trị và Arabica Cầu Đất: So với hạt  A Cầu Đất, hạt A Quảng Trị có kích thước nhỏ hơn. Về mùi vị, A Cầu Đất có: Brown Sugar (Đường nâu), Chamomile Tea (Trà hoa cúc), Bright Acidity (Vị chua sáng) Pomelo Zest (Vị đắng nhẹ của vỏ bưởi) 



Một nghề nghiệp không trường nào cấp bằng

Trong lúc đi xe buýt, nghe và ghi nhớ bài giảng của một linh mục về một buổi lễ thánh tổ chức vào ngày Happy Mother’s. 

Ngày của Mẹ có nguồn gốc vào thời Hy Lạp và La Mã cổ đại. Lễ hội tri ân những người làm mẹ được tổ chức thường niên vào mùa xuân và người Hy Lạp thời đó thường cúng tế cho các nữ thần, đặc biệt là thần Rhea - một người mẹ của nhiều vị thần trong thần thoại Hy Lạp.

Tuy nhiên, một giả thiết cho rằng nguồn gốc Ngày của Mẹ lại xuất hiện đầu tiên ở Anh Quốc vào khoảng năm 1600. Ngày này được tổ chức hằng năm trước lễ Phục sinh 40 ngày với mục đích là tri ân các bà mẹ. Trong ngày này, những người con sẽ tặng hoa, bánh cho mẹ yêu của mình. Thế nhưng, phong tục này dần rơi vào quên lãng ở thế kỷ 19.

Ngày của mẹ được văn tự chính thức công nhận vào ngày 8/5/1914, quốc Hội Mỹ, Tổng thống Woodrow Wilson thông qua nghị quyết lấy ngày Chủ nhật thứ 2 của Tháng Năm hằng năm để làm ngày tôn vinh các bà mẹ. Có tài liệu nói đây là thành quả nỗ lực của một cô gái, sau cái chết của mẹ đã nhiều năm viết đơn gửi tới “ban ngành chức năng”. Cảm động trước lòng hiếu thảo của cô thì nghị quyết nói trên được ra đời.

Ngày tôn vinh Mẹ từ nước Mỹ sau đó lan ra khắp nơi trên thế giới, mới đây lan đến Việt Nam và nhanh chóng được tiếp nhận bởi người Mẹ ở đâu cũng là Mẹ và là những người tuyệt vời. 

Chúng ta đang sống trong một thế giới đòi hỏi bằng cấp. Nghề gì cũng có thể cấp bằng. Tuy nhiên, làm mẹ và thực hiện những thiên chức của người mẹ không một trường Đại học nào dám cấp.

Ở trong nhà trường đầu tiên của mỗi đứa trẻ trong mỗi gia đình, cái ghế trong lớp học đầu tiên của đứa trẻ là hai cái đùi của người mẹ. Đứa bé sẽ học những bài học đầu tiên từ chiếc ghế này, với một người có đầy đủ những kỹ năng: 

Cưu mang sinh nở;

Chăm sóc trẻ;

Y tá;

Nấu ăn;

Bảo vệ;

Tư vấn;

Tâm lý;

Ngân hàng; 

Thủ quỹ; 

Kế toán;

Trang trí nội thất;

Dọn dẹp;

Ngoại giao;

Thương mại;

Đào tạo;

Những kỹ năng tổng hợp đó không trường đại học nào cấp bằng được, vì các trường ĐH chỉ có cơ sở, có phòng ốc, có kỹ thuật, có phương pháp, có kinh nghiệm nhưng không có trường nào cấp được cho các bà một con tim yêu thương của một người mẹ.

Ảnh: Hội mẹ của mấy cha con nhà họ Vũ 🥰



Mùa tĩnh tâm ở giáo đường Sở Kiện

Mỗi năm vào mùa hè, nhiều cuộc tĩnh tâm được tổ chức cho linh mục tu sĩ của đạo Thiên chúa giáo. Đây là một trong những hoạt động nằm trong giáo luật của đạo Kito. 

Tĩnh tâm là việc bó buộc đối với các giáo sĩ và tu sĩ. Đối với giáo dân thì nhiệm ý.  Đây là một trong những trào lưu đang phát triển ở Âu – Mỹ hiện nay. Trước cuộc sống xô bồ, nhiều người tìm về những trung tâm tĩnh tâm vào dịp cuối tuần hay nghỉ hè để nghỉ ngơi cả tinh thần lẫn thể xác. (Ai quan tâm kỹ hơn về việc tĩnh tâm của Kito giáo có thể hỏi Google).

Mình không theo đạo nhưng vô tình đến được Nhà thờ Sở Kiện – một trong bốn Tiểu vương cung Thánh đường của Việt Nam, đắm mình vào không gian của mùa tĩnh tâm. 

Mọi hoạt động trong khuôn viên hầu như không gây ra tiếng động. Từng nhóm người đi lại cực kỳ trật tự để không làm ảnh hưởng đến hoạt động tôn giáo của tu sĩ và giáo dân trong mùa tĩnh tâm. Nếu có ai vô tình nói to khi cất lời hỏi thông tin, trước khi thầm thì trả lời, người được hỏi đều đưa ngón tay lên miệng ra hiệu “Giữ yên lặng!”.

Mấy tiếng đồng hồ ở đây giao tiếp với nhau hầu như bằng ánh mắt và cử chỉ. Mọi cảm xúc thể hiện trao đổi dường như thật gần gũi để hiểu nhau. Chỉ có tiếng cửa chập của máy ảnh sau mỗi khuôn hình ưng ý. Người chụp và người được chụp phải rất ăn ý nhau vì muốn hướng dẫn nhau cũng chỉ có những tiếng thì thầm hòa vào tiếng gió thổi qua những kiến trúc cổ kính trầm mặc.

Ở Nhà thờ Sở Kiện, có những kiến trúc còn nguyên vẹn, có kiến trúc được phục dựng. Cũng có những kiến trúc chỉ còn lại móng và bậc thềm. Trong quần thể này có cả một di tích giáo đường bỏ hoang chỉ còn trơ những bức tường gạch.

So với các di tích nhà thờ đổ Trái Tim trên bờ biển Hải Lý và nhà thờ đổ Thánh Tổ trên bờ biển Hải Đông (Hải Hậu, Nam Định), tu viện đá bỏ hoang ở Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) thì nhà thờ đổ của Sở Kiện (TT Kiện Khê, Thanh Liêm, Hà Nam) còn giữ được khá nguyên vẹn cấu kiện tường gạch với những cửa vòm và hàng cột vững chãi được chăm sóc sạch sẽ cùng với các kiến trúc khác trong khuôn viên. 

Quần thể Sở Kiện gồm có nhà thờ trung tâm, tòa giám mục và chủng viện. Nhà thờ Sở Kiện theo kiến trúc Gothic, được Giám mục Tông tòa Tây Đàng Ngoài Puginier (tên Việt là Phước) cho khởi công xây dựng vào ngày 23 tháng 10 năm 1877 và hoàn tất vào năm 1882. Đây là công trình khá đồ sộ, toàn bộ nền được lót gỗ lim để chống sụt lún. Nhà thờ dài 67,2 mét, rộng 31,2 mét và cao đỉnh 23,2 mét. Với 4 hàng cột, chia làm 5 gian dọc, nhà thờ có thể chứa từ 4 đến 5 nghìn người. Ngày 24/6/2010, tòa thánh với sắc lệnh của Thánh Bộ Phụng Tự đã nâng nhà thờ Sở Kiện thành tiểu Vương cung thánh đường tước hiệu Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội.

Giống như hầu hết các kiến trúc nhà thờ ở tây phương, nhà thờ Sở Kiện cũng có các ô cửa kính màu vẽ tranh các vị thánh hoặc các sự kiện trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, khu vực cung thánh và bàn thờ lại được làm bằng gỗ chạm trổ tinh vi, sơn son thiếp vàng theo phong cách truyền thống Việt Nam. Tháp chuông nhà thờ có 4 quả chuông lớn mang các sắc âm Đố - Mi - Sol - Đồ, với trọng lượng lần lượt là 2461 kg, 1281 kg, 717 kg và 318 kg, đều được làm phép vào ngày 25 tháng 12 năm 1898. Bên trong nhà thờ còn lưu giữ một cây đàn đại phong cầm cổ trên lầu hát; hài cốt, vải thấm máu của nhiều vị Thánh tử đạo Việt Nam và các dụng cụ mà nhà cầm quyền khi xưa đã xiềng xích, tra tấn các vị này.

Ngoài vẻ đẹp kiến trúc rất đặc biệt, phần trang trí nội thất của các tòa nhà cũng sẽ ngốn mất nhiều thời gian gian của bạn khi ghé thăm. Nếu muốn thăm bên trong nhà thờ thì có 2 khung giờ mở cửa khi hành lễ. Sáng từ 4h - 6h. Chiều từ 17h- 19h. Đến vào giờ khác thì ngắm các khu vực kiến trúc trong quần thể này cũng rất đã con mắt.

Trên thế giới có 4 nhà thờ được mang danh hiệu Đại Vương cung thánh đường; 1.757 nhà thờ mang danh hiệu Tiểu Vương cung thánh đường và ở Việt Nam có tổng số hơn 6.000 nhà thờ và có 4 nhà thờ được mang danh hiệu này.

Cách Hà Nội chừng 70km tính từ Bờ Hồ, phương tiện đi lại thuận tiện: bằng xe buýt, xe khách, tàu hỏa, xe máy, xe hơi cá nhân, thậm chí khỏe chân như vợ chồng Rain Lan Anh thì đạp xe là chuyện nhỏ. 

Còn chờ gì nữa mà không tới để chiêm ngưỡng và trải nghiệm.












Nem


 - Bác Lương này, cháu thấy cái bồn tắm bác không sử dụng thì bán cho nhà cháu nhé.

- Bác đồng ý, nhưng có chỗ kê vừa ko?

- Ừ nhỉ!

- Hay là bác bán cho nhà cháu cả cái toilet, trừ bàn chải đánh răng. Hằng ngày cháu về qua đây tắm!

- Bác đồng ý. Về bàn với mẹ đi nhé.

- Nhà cháu cũng có ý định này rồi.

Trời tối rồi mà hai bác vẫn đang ôm máy tính, chả thấy bếp núc động rạng gì.

- Bác Hương ơi, sang năm mình ăn gì?

- À, tối nay bác định ăn thịt Nem 😂

- Chị Tép ơi, tối nay có lẩu dê (con chị tuổi Mùi) 😂😂😂


Vừa ngồi trước đĩa mỳ vừa:

- Mẹ cháu làm việc vất vả lắm. Thứ bảy, chủ nhật cũng phải đi làm. Đêm chỉ ngủ có 3 tiếng. Kinh khủng không bác!

- Bác cũng phải làm việc từ sáng đấy chứ!

- Nhưng bác được làm việc ở nhà là sướng rồi!

(Đề nghị mẹ cháu công khai thời khoá biểu 😂😂😂)


- Nem ăn kẹo gì để bác Hương chọn cho.

- Cháu lớn rồi, cháu tự chọn được.

- Nhưng lâu lắm Nem mới sang bác nhớ giọng nói của Nem, nụ cười của Nem.

- Nhưng cháu cười đểu lắm 😂😂😂


- Bác Hương trông gầy. Chẳng giống 51 cân gì cả.

- Bác 61 cân Nem ạ 😂😂😂


- Bác Hương này, cháu không nhớ những lúc bác nổi giận đâu. Cháu chỉ nhớ những lúc bác vui thôi. ♥️♥️♥️

- Mấy năm nữa Nem lớn Nem vẫn sang bác chơi nhé.

- Tất nhiên bác ạ.

- Mai ngày bác già thì Nem nhớ sang chơi với bác nhé.

- Vâng. Hy vọng là không ai bị mất sớm! 😂😂😂

Một mẩu ký ức WC

Lâu lắm mới lại được trải nghiệm tiểu phẩm sáng sớm nô nức gặp nhau ở chỗ vòi nước rửa mặt vì ở đó có mấy căn WC dùng chung.

Gặp nhau ở đó khó nhất là khâu chào hỏi. Chào cũng dở mà lặng thinh cũng dở 😂

Nói là hồi ấy, nhưng là những năm 90 chứ chưa xa lắm, khu tập thể 46 Quán Sứ, hôm nào cũng như hôm nào cư dân xếp hàng mà cứ làm vẻ mặt không liên quan, ấy nhưng cử chỉ tay chân nó lại cứ thể hiện cái sốt ruột của sự chờ đợi.  Cứ vài bữa lại thấy bà Hậu quê Nghệ An với bà Dương quê Nam Định to tiếng với nhau ở ngoài khu WC buổi sáng. Cả khu ai cũng biết chắc chắn bà Dương vừa mở cửa bước ra và gặp lời chào quen thuộc của bà Hậu “Ăn chưa?” 😂😂😂

Người khác thì thông cảm cười xoà vì đó là câu chào mọi nơi mọi lúc cả bà. Riêng bà Dương thì không. Ngặt nỗi tháng lại có 30 ngày nên xác suất hai bà gặp nhau vẫn xảy ra 😂

Ở Tiền Phong cũng có chuyện, cách đây mấy chục năm, một chị tạp vụ mới được biên chế. Tuần đầu nhận nhiệm vụ, một hôm chị vào khu vệ sinh dọn dẹp lại gặp đúng đồng chí phó tổng đang đi tè. Lúng túng mất 2 giây, chị lấy lại bình tĩnh dõng dạc cất lời chào “Em chào thủ trưởng đi đái ạ!”. Câu chào này từ đó được phổ biến cho đến tận bây giờ 😂

Nhân chuyến đi khánh thành nhà vệ sinh cho đồng bào Mông trên núi cao xã Bản Mù, huyện #Trạm_Tấu , lại được  hát bài “Bao năm xa quê ấy, hôm nay tôi vẫn nhớ” hoạt cảnh… WC tập thể 😂 mà vẫn chưa thấy được câu chào nào ấn tượng hơn lời chào của bà Hậu ở không gian trữ tình và nhạy cảm này: “Ăn chưa?”.

Minh hoạ bằng cái ảnh xuống suối nghịch nước ở Hát Lìu cho nó ẩn dụ 😜

#Trạm_Tấu



5 tháng 1, 2024

Ghé nhà thờ giáo xứ Hoàng Xá

 Từ cầu Đồng Quang nối hai bờ Sông Đà đoạn Ba Vì (Hà Nội) – Thanh Thủy (Phú Thọ) đi khoảng 6km, cách khu nghỉ dưỡng biệt thự Vườn vua khoảng 3km, có một ngôi thánh đường hết sức đặc biệt. Đó là nhà thờ giáo xứ Hoàng Xá.



Giáo xứ Hoàng Xá Tọa lạc tại  Khu 2, xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ.

Theo tư liệu của giáo xứ, Năm 1833, có một số người công giáo ở vùng sông Lô, thuộc phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (nay là tỉnh Vĩnh Phúc), làm nghề kiếm cá đã đến trú ở Đoan Hạ lánh nạn vì chính sách cấm bách đạo. 

Sau đó họ kéo nhau vào cư trú ở Hoàng Xá tạo nên một cộng đồng công giáo. Đó là nguồn gốc giáo dân Hoàng Xá. Năm 1863, Giáo họ Hoàng Xá được thành lập. Đến năm 1895, họ Hoàng Xá mới chính thức trở thành Giáo xứ.

Quan thầy của giáo xứ Hoàng Xá là Thánh Phêrô Tông đồ, được tổ chức vào ngày 29/06 hằng năm. Trong khuôn viên của nhà thờ cũng dựng tượng thánh.

Ngôi Nhà thờ cổ được xây dựng năm 1895, được trùng tu năm 2020 với diện tích 315,8m2. 

Nhà thờ được xây dựng theo phong cách kiến trúc nhà thờ Nam, tức là sử dụng các vật liệu thân thuộc với đời sống người dân Việt như gạch đá gỗ. Đứng trước ngôi nhà thờ này này, có cảm giác rất thân thuộc bởi cấu trúc gác chuông hai tầng tám mái đặc trưng kiến thiết theo nghệ thuật kiến trúc truyền thống của mái đình của người Việt với các đầu đao cong vút. 

Trước đây, từ sân lên bái đường có bậc tam cấp. Tuy nhiên, đợt trùng tu năm 2020, nền nhà thờ được nâng lên. Hiện tại, từ sân lên đến bái đường có 5 bậc được lát đá. Các cột cái và cột quân được kê bằng đá tiện cao 20cm.

Khuôn viên giáo xứ hiện tại có tượng của Thánh tử vì đạo Phanxico Nguyễn Cần; bên cạnh là ngôi mộ của linh mục Phaolo Nguyễn Khắc Hy, từng là Tổng đại diện giáo phận Hưng Hóa. 

Ngôi thánh đường này là một trong 5.098 nhà thờ được xây dựng trong giai đoạn phát triển của Công giáo ở Việt Nam. Thời kỳ này được tính từ năm 1802 đến 1960. Trải qua giai đoạn cấm đạo gắt gao của nhà Nguyễn, bắt đầu từ triều vua Minh Mệnh. Đến năm 1862, nhà Nguyễn ký hòa ước Nhâm Tuất với Pháp, trong đó có nội dung bỏ lệnh cấm đạo. Cũng từ sau Hòa ước này, hàng loạt các cơ sở Công giáo được xây dựng. Năm 1896 vua Tự Đức ban sắc dụ cho phép người Công giáo tụ họp thành những làng riêng biệt. Tuy nhiên trong những năm 1862 – 1865, phong trào Văn Thân với khẩu hiệu “Bình Tây Sát Tả” đã tàn phá nhiều cơ sở Công Giáo.

Khi triều đình Huế ký Hòa ước Giáp Thân 1884 với Pháp, sau 1885, công Giáo Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển. 

Giáo xứ Hoàng Xá có 6 giáo họ đó là: Giáo họ Hoàng Xá, Giáo họ Ba Đông, Giáo họ Minh Xuân, Giáo họ Tiền Phong, Giáo họ Đoan Hạ, Giáo họ Trung Tâm.

Giáo xứ Hoàng Xá nằm trong Giáo phận Hưng Hóa. Đây là một giáo phận Công giáo Rôma tại Việt Nam. Giáo phận nằm trên vùng Tây Bắc, Bắc Việt Nam, gồm trọn địa bàn các tỉnh Phú Thọ (trừ khu vực Bạch Hạc), Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên và Sơn La, một phần các tỉnh Hòa Bình (thành phố Hòa Bình và các huyện Cao Phong, Đà Bắc, Lạc Sơn, Mai Châu, Tân Lạc), Hà Giang (bên hữu ngạn sông Lô), Tuyên Quang (bên hữu ngạn sông Lô), cùng với toàn bộ tỉnh Sơn Tây cũ, nay thuộc Hà Nội. Tổng diện tích 54.352 km2.

Nếu bạn đến Thanh Thủy, nhớ dành thời gian ghé thăm ngôi thánh đường này nhé.









3 tháng 1, 2024

Ăn mắm cáy thì ngáy o o

Mắm cáy là một trong những đặc sản của vùng quê ven biển Hải Hậu, Nam Định. Thứ nước chấm sậm màu phù sa ấy không dễ ăn, nhưng đã mê rồi thì vắng bao nhiêu năm vẫn nhớ vì cái hương vị không tìm thấy ở những món nước chấm khác.
Quê tôi ai cũng biết câu thành ngữ “Ăn mắm cáy thì ngáy o o”.
Làng tôi bây giờ không còn ai câu cáy nữa. Nghề câu cáy dường như cũng thất truyền. Các con sông, con mương ở làng cũng bị bê tông hóa, không còn chỗ cho loài cáy trú ngụ. Mỗi lần về quê, nhìn những bờ sông đồng phục, thấy nhớ da diết dòng sông đôi bờ cỏ gà, cỏ mật rườm rà tới tận mặt nước đỏ au phù sa mỗi chiều, trong lòng lại bật lên câu hỏi: Bao giờ cho tới ngày xưa?


Bánh mì pate Nam Định

 Trong số 40 phố cổ cổ của Nam Định thì có đến 35 phố bắt đầu bằng chữ Hàng. 

Có những hàng chỉ Nam Định mới có như Hàng Mâm, Hàng Nâu, Hàng Rượu, Hàng Cau.

Giờ có nhiều phố đã được đổi tên mới nhưng phố Hàng Cau vẫn hiên ngang đứng cạnh cầu Đò Quan, sát bên Nhà Thờ Lớn Nam Định. Phố Hàng Cau xưa bán cau giầu phục vụ nhu cầu bỏm bẻm của cộng đồng. Chả biết hữu duyên như nào mà giờ phố Hàng Cau cũng nổi tiếng trong làng review ẩm thực với mặt hàng mũi nhọn cần răng khoẻ là bánh mì pate. 

Từ ngã ba Hàng Cau - Trần Hưng Đạo chỉ khoảng hai ba chục mét dài hè phố san sát khoảng mươi hàng bánh mì pate. Những đôi tay thoăn thoắt chế biến không kịp nhu cầu của khách. Chủ yếu là dân bản địa. 

Bánh mì pate Hàng Cau phải nói là ngon. Chỉ cần search trên Google là

có ngay 7749 kết quả. Khỏi cần mình khen thêm. Chỉ biết rằng về quê cứ hay phải ghé vào ăn ngay một bánh nóng pate trứng 40K cho bõ công tiết nước miếng rồi mua mang lên Hà Nội ăn cả tuần.



2 tháng 1, 2024

Đền Thánh Đức mẹ Mân Côi Ninh Cường

Cách cầu phao Ninh Cường nối đôi bờ sông Ninh Cơ của quốc lộ 37B chừng chưa đầy 500 mét là khuôn viên rộng lớn với quần thể kiến trúc Đền Thánh Đức Mẹ Mân Côi Ninh Cường.






Nhà thờ Ninh Cường xây dựng từ thời Cha Tràng Định, khởi công từ năm 1872 đến 1894 mới hoàn thành. Ngôi thánh đường nguy nga sừng sững cao 18m, tháp chính cao 50m, rộng 24m và dài 65m, kiến trúc theo phong cách nhà thờ Chính thống giáo với tháp chuông “củ hành” kết hợp với kiến trúc dụng mộc và ngói nam truyền thống của Việt Nam.

Ngôi thánh đường được xây dựng trong 22 năm và được trùng tu lại năm 1993 và hoàn thành trùng tu năm 1997. Đây cũng được coi là ngôi nhà thờ gỗ lớn nhất của Giáo Phận Bùi Chu.

Mấy ngày nay giáo dân nơi đây đang tất bật trang trí nhà thờ đón lễ Noel 2023.

Giờ lễ để có thể vào thăm bên trong thánh đường tuyệt đẹp với nhiều hiện vật, di vật: Thứ bảy 18:00; Chủ nhật 4 lễ: 4h30 , 6h45, 18h00 ,19h30. Dịp lễ Giáng sinh và Phục sinh mở cửa cả ngày.

Mình lớn lên trong thời gian khu vực 7 xã miền Trực thuộc địa giới hành chính của huyện Hải Hậu. Sau này, đến những năm 90, khi 7 xã này trong đó có xã Trực Cường được cắt trả để lập lại huyện Trực Ninh thì trong tiềm thức vẫn coi nơi đây là Hải Hậu. Cứ đi qua cầu phao Ninh Cường là cảm giác đã về tới nhà ❤️

Giáo phận Ninh Cường ngoài quần thể kiến trúc nhà thờ đặc biệt nói trên còn có rất nhiều nhà thờ của 8 giâu và 4 họ và một tu viện dòng Mân Côi. Do đó có thể dành thời gian tham quan lần lượt bởi mỗi nhà thờ lại có một phong cách kiến trúc đặc trưng khác nhau. 

Ngoài ra, về Hải Hậu thì không bao giờ lo không có đồ ăn ngon, bởi một lẽ rất đơn giản người nơi đây chỉ có đúng hai cái nết ấy là nết LÀM và nết ĂN mà thôi 😊

Từ Hà Nội về có 3 lối đi rất tiện lợi với số km bằng nhau chằn chặn trên dưới 130 km: 

1. Đi thẳng cao tốc Hà Nội - Ninh Bình - chuyển nối quốc lộ 37B. Đường này qua phà Đống Cao và cầu phao Ninh Cường. Đường này vắng nhưng tốn nhiều tiền nhất vì phí cao tốc và vé phà. Khoảng 2 năm nữa cầu Đống Cao xây xong thì cực tiện.

2. Cao tốc Hà Nội - Liêm Tuyền - ql21A - TL 490C qua thị trấn Liễu Đề - Ql37B. Qua cầu phao Ninh Cường.

3. Cao tốc Hà Nội - Liêm Tuyền - ql 21A - Ql 37B.

Từ đây đến nhà thờ đổ Hải Lý khoảng 15km, sang Kim Sơn - Phát Diệm chỉ còn độ 30 km. Hoặc đến Bùi Chu cũng sêm sêm. Rất tiện.