6 tháng 4, 2024

Nam Định có nhà thờ Khoái Đồng

Từ lâu, nhà thờ Khoái Đồng trở thành biểu tượng của thành phố Nam Định. Tuy nhiên, phải đến năm 2008, nhà thờ này mới trở lại đúng nghĩa là ngôi giáo đường sau khi được Nhà nước bàn giao lại cho giáo phận Bùi Chu.

Giáo xứ Khoái Đồng được thành lập năm 1875. Nhà thờ Khoái Đồng là một thánh đường Công giáo phong cách Romanesque, được xây dựng bởi các cha dòng Đa Minh Tây Ban Nha và hoàn thành năm 1941. Kiến trúc của nhà thời Khoái Đồng cùng với phong cách kiến trúc nhà thờ Cửa Bắc (Hà Nội), nhà thờ chính tòa Sơn Lộc (Sơn Tây) và nhà thờ giáo xứ Tôn Đạo (Kim Sơn, Ninh Bình). Sau này, một số giáo xứ lấy nguyên mẫu nhà thờ Khoái Đồng để xây dựng nhưng các phiển bản đều chưa đạt được mức hoàn mỹ như bản gốc.

Đầu thế kỷ 20, nơi đây, trên diện tích hơn 5 héc ta, từng là một trung tâm đào tạo của công giáo với quần thể kiến trúc tại do Dòng Đa Minh Tây Ban Nha quy hoạch và xây dựng. Gồm có Nhà thờ Khoái Đồng, Giáo hoàng Chủng viện Thánh Albertô Cả (nay là trường tiểu học Nguyễn Văn Cừ), Trường Sư phạm Thánh Tôma (nay là trường Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến), và một số khu phố xung quanh. 

Xin được nói qua về Giáo hoàng Chủng viện Thánh Albertô Cả.

Đây là Học viện của Dòng Đa Minh do các giám mục và linh mục Tây Ban Nha thành lập năm 1916, được Tòa Thánh nâng lên Giáo hoàng Chủng viện năm 1930. Đây là một chủng viện liên giáo phận, từ niên khóa 1930–31 đào tạo linh mục cho toàn miền Đông Đàng Ngoài, gồm các địa phận dòng là Bùi Chu, Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh, và Lạng Sơn. Sau 1954, Giáo hoàng Chủng viện di dời vào Nam

Trước khi được trao lại cho giáo phận, nhà thờ Khoái Đồng được trưng dụng vào nhiều mục đích: Rạp chiếu phim, nơi tập thể thao, làm xí nghiệp dệt may. Trong chiến tranh chống Mỹ, năm 1966, trong trận oanh tạc của máy bay Mỹ, cùng với thiệt hại của thành phố Nam Định, nhà thờ Khoái Đồng bị ảnh hưởng nặng nề. Rất may mắn, ngôi thánh đường vẫn còn nguyên vẹn. Trong thời gian bị trưng dụng vào các mục đích phi tôn giáo, những người sử dụng cảm nhận được sự tôn nghiêm của gian cung thánh nên đã xây một bức tường ngăn cách khu vực này với phần hội trường. Do đó, phần ảnh tượng, chạm khắc vẫn được gìn gìn hầu như nguyên vẹn.

Sau khi nhận bàn giao, nhà thờ Khoái Đồng được trùng tu trên cơ sở giữ nguyên kiến trúc cũ và được mang tước hiệu Thánh đường Nữ vương các thánh tử vì đạo. Lễ khánh thành và cung hiến được cử hành vào ngày 27/12/2014.

Trên mạng và một số tờ báo có dẫn thông tin nhà thờ Khoái Đồng là một trong 2 nhà thờ của Việt Nam thờ thánh Nicolais một vị thánh mà theo truyền thuyết của Thiên Chúa giáo chính là ông già Noel, theo Linh mục Đinh Khắc Vịnh, người coi sóc giáo xứ Khoái Đồng là hoàn toàn không chính xác.

Liên quan đến số phận của nhà thờ Khoái Đồng còn có nhiều thông tin thú vị. Nếu có dịp ghé qua thành Nam, các hãy dành thời gian ghé thăm để tìm hiểu về ngôi thánh đường này. Địa chỉ 127 Lê Hồng Phong, cạnh bờ hồ Vị Xuyên, thành phố Nam Định.




4 tháng 4, 2024

Nuôi chim trời

 


Nuôi chim trời

Chim cu gáy là biểu tượng của cuộc sống nông thôn ở ngôi làng có luỹ tre già nằm bên cánh đồng lúa. Hằng ngày bọn nó xuống đồng ăn no sẽ cất tiếng gáy mượt mà vào mỗi buổi trưa.

Thế nhưng có một gia đình cu gáy chọn hàng cây ngăn giữa khu chung cư cao tầng và làng Quan Nhân để làm nơi cư trú. Một lựa chọn rất không liên quan đến đời sống của cu gáy - loài chim nhát người bậc nhất.

Mỗi ngày chúng hay bay lên bậu cửa sổ nhà tha thẩn tìm cái ăn. Lúc cao hứng chúng cất tiếng gáy lóng tư với nhịp khoan thai “Cục cúc cu cu cu cu” 💚

Chả có phải là chúng uý lạo cho mình vì cái công mua đỗ và phải sắm một cái ống dài, vài ngày một lần thò ra ngoài cửa sổ để bỏ đồ ăn cho chúng. Được nghe chúng gáy lại thấy nhớ cái làng Đông Cường của mình ngày xưa.

Mọi khi chỉ thấy có một đôi. Sáng nay, thấy nó dẫn thêm một con cu gáy trẻ. Có lẽ gia đình này đã có thêm một thành viên. 

Tiếng cu gáy ở nơi không thấy cánh đồng dù hơi lạc lõng, nhưng được nghe chim trời cúc cu giữa những khối bê tông cũng rất thú vị ❤️

5 tháng 3, 2024

Đến Dinh vua Mèo 🥰

Trên mạng mấy nay viral trào lưu check in ở cao nguyên đá Hà Giang. Chỗ nào cũng đẹp, mỗi tội đông người quá. 

Vậy nên, thấy mình thật may mắn khi chọn thời điểm đến thung lũng Sà Phìn vào ngày áp Tết. Lúc này, mọi hoạt động thường ngày dừng lại nhường chỗ cho sự tĩnh lặng bí ẩn. Chỉ còn nghe thấy tiếng gió vi vu luồn qua kẽ lá của rặng sa mộc già. Trong dinh vua Mèo, khi luồn qua những bậc cửa thiếu sáng, bước chân của mình cũng trở nên cẩn trọng. Chỉ sợ làm kinh động đến những linh hồn còn lẩn khuất sau những bức vách gỗ thâm u. Không gian tĩnh lặng đến nỗi nghe thấy cả tiếng vặn mình của căn nhà gỗ trăm năm tuổi và cảm nhận hơi lạnh phả ra từ những bức tường đá ngàn năm. Nó cho ta có khoảng riêng để hình dung về cuộc sống đã từng sôi động và vương giả ở nơi này.

Dinh thự Vua Mèo hay còn được biết đến với cái tên Dinh thự họ Vương, tọa lạc tại thung lũng Sà Phìn, xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cách trung tâm thành phố khoảng 125km và cách cao nguyên đá Đồng Văn nổi tiếng chỉ 15km. Căn nhà cổ này gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của 2 cha con người Mông là Vua Mèo Vương Chính Đức và Vương Chí Sình (hay Vương Chí Thành). Ông Vương Chính Đức (1886 - 1962) là người đứng đầu chế độ thổ ty phong kiến miền núi của dân tộc Mông nên còn được gọi với cái tên đầy quyền lực là Vua Mèo.










26 tháng 2, 2024

Về nơi có biểu tượng của biến đổi khí hậu


 

Đây là bãi biển phía Bắc nhà thờ đổ Hải Lý, Hải Hậu, Nam Định, là một trong hai bãi thuyền của ngư dân thôn Xương Điền, nơi có ngôi nhà thờ đổ nổi tiếng được gọi dân dã với cái tên Nhà Thờ Đổ. 

Mỗi khi về đây, ngoài điều thú vị được ngắm nghía chứng tích khắc nghiệt của sự biến đổi khí hậu là ngôi nhà thờ đổ trên bãi biển, du khách còn được trải nghiệm hoạt động đánh bắt hải sản truyền thống của ngư dân nơi đây.

Thôn Xương Điền có hơn 70% hộ sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản. Mỗi gia đình ngư dân đầu tư cơ bản một chiếc thuyền máy với giá khoảng 60 triệu đồng. Nếu cùng lúc muốn đánh bắt được nhiều loại hải sản thì đầu tư thêm ngư lưới cụ, tổng chi phí khoảng hơn 100 triệu đồng. Mỗi thuyền có một ngư dân. Hằng ngày chuyến biển bắt đầu lúc Đài nói (4h45 phút sáng) và về bờ lúc 10h30 – 11h trưa. Chồng đi biển, vợ trong bờ chờ thuyền về đón lưới gỡ tôm cá.  Xưa kia hoạt động đánh bắt chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng. Nay, khách về thăm nhà thờ đổ gia tăng, hải sản được bán tại chỗ cho khách tham quan nhà thờ đổ và các nhà hàng phục vụ khách du lịch. 

Nhờ hoạt động đánh bắt hải sản và du lịch, người dân làng Xương Điền có thu nhập khá ổn định. Biểu hiện bằng sự sầm uất của ngôi làng phía trong chân đê.

Hôm nay biển động, đợt gió mùa đông bắc sau Tết làm nhiệt độ xuống thấp. Hiển thị trên thiết bị điện tử là 13 độ, nhưng mưa phùn và gió khiến cho cảm giác rét buốt. Có một ngư dân phải vật lộn với chuyến biển vào lúc 12h trưa với hy vọng sẽ bắt được nhiều ghẹ ngon.

Tổ tiên của những ngư dân hiện nay lập làng ở bờ biển cách bờ biển hiện nay khoảng 10 km.

Năm 1877 giáo dân ở vùng đất này thành lập giáo họ Lái Tim và bà con giáo dân cùng nhau xây dựng lên một nhà thờ nhỏ. Ban đầu, nhà thờ được xây dựng rất đơn sơ, có diện tích 252m2, dài 14m, rộng 7m và được lợp hoàn toàn bằng cỏ tranh nên được gọi là nhà thờ "chay".

Từ thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX, làng chài Xương Điền là xóm đạo Công giáo bị biển xâm thực và nhanh chóng bị xói mòn. Nhà thờ sau đó được di chuyển vào sâu phía trong, cách khoảng hơn 10km so với vị trí cũ.

Năm 1917, nhà thờ họ Lái Tim được xây dựng lần thứ 2 theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp tại vị trí hiện nay (tức là nhà thờ đổ). Nhà thờ được hoàn thành vào năm 1927 với khuôn viên rộng 9.330m2, dài 47m, rộng 15m. 

Tháp chuông nhà thờ cao 27m, vòm thánh giá cao 15m với kiến trúc cửa vòm, nhiều hoa văn trang trí theo phong cách châu Âu cổ điển rất công phu, đẹp mắt. Ngoài ra, nhà thờ còn có nhà quán dài 29m, rộng 6,4m, cao 4,5m.

Nhưng với sự xâm thực không ngừng của biển và sự khắc nghiệt của thời tiết, nhà thờ lại một lần nữa phải di chuyển vào sâu trong đất liền và được xây dựng lần thứ ba, cách vị trí cũ hơn 2km và có tên gọi khác là nhà thờ họ Thánh Tâm. Nhà thờ mới này hiện trở thành một địa điểm nổi tiếng vào dịp Noel hằng năm. Dịp này, không gian nhà thờ sẽ được trang trí công phu kỳ công, khiến khách tham quan choáng ngợp.

Trải qua hơn 140 năm, do bị biển xâm thực, nhà thờ xưa đã bị sụp đổ gần như hoàn toàn. Dấu tích còn sót lại chỉ là một phần của tháp chuông nhà thờ trên bãi biển. 

Năm 2005, cơn bão số 7 với sức tàn phá khủng khiếp đã phá hủy toàn bộ tuyến đê bao bên ngoài, xóa sổ ngôi làng chài dọc bãi biển Xương Điền - Văn Lý đồng thời cuốn theo cả các nhà thờ ven biển khác. Điều kỳ lạ là nhà thờ đổ vẫn trụ vững vượt qua cơn bão biển hung dữ đó cùng với nhiều cơn bác khác. Và sau đó, nó trở thành một biểu tượng.


25 tháng 2, 2024

𝐁𝐚́𝐧𝐡 𝟒𝟎𝟎𝟎 𝐧𝐠𝐡𝐢̀𝐧 𝐧𝐚̆𝐦 𝐤𝐞̂́𝐭 𝐡𝐨̛̣𝐩 𝐯𝐨̛́𝐢 𝐦𝐨́𝐧 𝟕𝟎𝟎 𝐧𝐚̆𝐦

Rả rích bánh chưng rán thay cơm tẻ từ Tết ra, mai rằm tháng Giêng rồi mà trong tủ lạnh vẫn còn những bốn cái bánh chưng vuông to đùng. Hai cái cái từ quê ra, một cái công đoàn cơ quan trang bị, một cái là bánh chưng sườn trứ danh của ông anh Pham Ngoc Ha năm nào cũng làm hơn trăm chiếc và để dành cho các em. 

Đang suy nghĩ rất lung rằng bao lâu mới xơi hết được chừng đó bánh chưng thì hộp pho mát Raclette Măng Tây mang từ Paris về hôm Tết lọt vào tầm mắt. Lúc ấy, trên bếp, chiếc bánh chưng gấc của nhà cô  chú Long Thi Huê Vũ  cho đang reo xèo xèo trên chảo. Chợt nghĩ thử ăn bánh chưng rán với pho mát xem sao. Dù sao pho mát là loại thực phẩm dễ kết hợp, chỉ là chưa thấy có ai cho pho mát vào bánh chưng rán thôi 😂 

Miếng pho mát Raclette cắt lát sẵn, cho vào lập là để trên bếp hồng ngoại chưa đầy một phút bị nhiệt phá vỡ kết cấu, dậy mùi thơm và trở thành một thứ dung dịch sền sệt, dẻo quánh, có thể kéo thành sợi. Đây là thành phần của một món ăn có tuổi 700 năm được bắt nguồn từ Thụy Sĩ. 

Bánh chưng rán giòn hai mặt, cho ra đĩa, phủ lên trên một lớp Raclette. Nếu không tự chủ rằng, thành quả tập luyện bấy lâu có xu hướng quay trở lại điểm xuất phát, thì mình có thể xơi hết cả tấm bánh chưng có kích thước 20cmx20cmx6cm.

Khó có thể miêu tả được mùi vị, nhưng quả thật, cái béo ngậy của pho mát quyện với gia vị thảo quả, gừng, hành, thịt thêm chút phảng phất của nước mắm chắt trong chiếc bánh chưng Hải Hậu làm cho vị giác được được thỏa mãn. 

Giờ mới nhớ ra là còn một chiếc bánh chưng Hà Nội rất ngon đang gửi bên tủ lạnh nhà bác Tầm Xuân. Nay ăn hết một cái rồi, vậy là vẫn còn những bốn cái cơ đấy. Chỉ có điều, không biết chỗ pho mát còn lại có đủ để tải hết nửa yến nếp với đỗ và thịt lợn gói trong lá dong kia không.

Cuối tuần rồi, mưa phùn thế này, tháng Giêng lại rét đài thế này, đi chơi không được thì nghĩ làm món gì vui vui mà xơi cho ấm cỗ lòng. Tỷ như Bánh chưng 4000 năm rán lên rồi phủ pho mát 700 tuổi ấy. Vừa đậm đà bản sắc dân tộc, lại vừa hội nhập quốc tế.





29 tháng 1, 2024

Đại hàn thương nhớ món tép moi

Trong một buổi cuối tuần rét mướt, khi những cơn gió bấc phần phật ngoài ban công, nỗi nhớ cái bếp ấm cúng của mẹ bỗng làm nhớ đến bình tép moi bị lãng quên từ vụ moi mùa vẫn còn thơm phức mùi nắng.

Món tép moi xào khế


Anh em tôi được mẹ đẻ ra và nuôi lớn ở vùng đất ven biển. Cũng như mọi đứa trẻ ở làng, từ lúc biết ăn dặm, cũng là lúc được tiếp xúc với thực phẩm là đồ biển. Bà nội tôi ngày còn sống thường bảo, trong tất cả các con bắt từ biển mà trẻ con ăn được, thì lành nhất của biển là con tép moi. 

Ở biển, một năm có 2 mùa moi, vụ chiêm và vụ mùa. Vụ moi chiêm vào tháng 4 – 5 vụ moi mùa vào tháng 9 – 10 tính theo lịch âm. Hầu hết sản lượng moi đánh bắt về sẽ được đổ cho các cơ sở sản xuất mắm tôm; Một phần được chế biến theo hình thức không qua lửa, làm khô chín bằng sức nóng của mặt trời. Mùa moi, chợ huyện Đông Biên luôn dành hẳn một dãy dài ở mé may chợ để cho các hộ làm moi mang đến bán. Từng đống moi khô to như đống thóc, vàng ươm, mùi thơm đặc trưng mời gọi, để người mua khắp nơi tha hồ lựa chọn. Tiếng người bán, người mua mặc cả rộn ràng. 

Quê tôi hầu như không ăn tép moi tươi. Có thể vì nó quá mềm. Cũng có lẽ tép nước ngọt sẵn lại giòn nên tép moi tươi chỉ dùng để làm mắm tôm và phơi khô. Khi phơi khô được nắng thì con tép moi lại trở nên giòn như “bim bim”.

Thường moi khô sẽ có 2 màu, màu trắng hồng và màu vàng hanh. Theo thông tin của các nhà nghiên cứu dinh dưỡng, tép khô có vỏ màu vàng do tép chứa nhiều astaxanthin nên sau khi phơi khô, bề mặt sẽ có màu hơi vàng. Trong loại tép moi này có chứa một chất chống oxy hóa, còn được gọi là siêu vitamin E. Loại tép này làm nhân hoặc xào thì rất hợp. Còn tép moi có màu trắng hồng chứa ít astaxanthin nên sau khi làm khô, vỏ của nó có màu hơi trắng. Mặc dù astaxanthin trong loại tép này tương đối thấp nhưng hàm lượng canxi lại cao. Đây là loại thực phẩm bổ sung canxi rất tốt.

Đối với những gia đình cán bột thoát ly ở khu tập thể cơ quan như nhà tôi, tép moi khô là thực phẩm bổ sung đạm cho những bữa ăn thời bao cấp. Ngày đó, thực phẩm tươi sống là thứ khó kiếm. Nhà nào cũng cũng trữ một bịch tép moi và cá khô. Bản trường ca đồ khô này có khi diễn ra hàng tháng trời vào mùa mưa phùn gió bấc. 

Bản trường ca món tép moi của mẹ gồm:

- Tép moi nấu canh rau đay mùng tơi.

- Tép moi xào khế và tóp mỡ.

- Tép moi rang mắm kẹp bánh đa.

- Tép kho thịt lợn.

- Tép xào hành lá.

- Tép moi bóp gỏi rau cần.

Hôm nào đến đợt tem phiếu mua được mấy lạng thịt đem kho với tép moi thì  món này được nhuận sắc và hấp dẫn vô cùng. Từng con tép ngấm mỡ căng tròn thơm phức. Miếng thịt mỡ thái hạt lựu trở nên trong veo khi xào khan nước với tép. Lúc chuẩn bị bắc ra, mẹ rưới thêm một thìa mắm chắt. Hôm ấy, kiểu gì tôi cũng lén lút đong thêm nửa bò gạo. 

Sau này đi học, rồi đi làm xa nhà, hằng năm, đến vụ tép mùa mẹ đều gửi cho chúng tôi một ký. Thường thì cả nhà sẽ nấu ngay một nồi canh tập tàng với tép mới để ăn cho đã. Rồi sau đó bình tép moi vàng ươm sẽ được lãng quên tận đến tiết Đại Hàn. Trong một buổi cuối tuần rét mướt, khi những cơn gió bấc phần phật ngoài ban công, nỗi nhớ cái bếp ấm cúng của mẹ bỗng làm nhớ đến bình tép moi còn thơm phức mùi nắng. 

Lần rét này cũng vậy, nhân cuối tuần về nhà, mẹ bẻ cho một rổ khế chua bánh tẻ mang lên Hà Nội, thế là bữa hôm đó, món tép moi xào khế chễm chệ trên mâm cơm. Vợ chồng con cái lại xuýt xoa với cái vị ngọt đậm thơm mùi biển ăn cùng cơm nóng. Kế hoạch cắt giảm tinh bột tạm thời bị gác lại một hôm. 





 

21 tháng 1, 2024

Đừng đặt định mức cho hạnh phúc

Mở màn cho mùa cưới năm nay là đám cưới của một đồng nghiệp. Một đám cưới rổ rá cạp lại. Tiệc cưới tổ chức trong một khán phòng nhỏ, khung cảnh giản dị. 

Như thường lệ, đám cưới nào cũng có những nghi thức lễ tân và khách mời dường như cũng đã quen. 

Mình bắt đầu chú ý khi nhìn thấy tháp tùng cô dâu chú rể đang bước vào lễ đường là 4 chàng thanh niên thau tháu. Lúc cậu MC giới thiệu, đó là 4 người con của cô dâu chú rể. Cả hội trường ồ lên. 

Ngay sau khi ra mắt khách khứa, cậu con trai vừa tốt nghiệp đại học của cô dâu nhanh nhẹn bước xuống sân khấu, giơ chiếc điện thoại bắt đầu ghi lại những hình ảnh của mẹ và bố dượng trong nghi lễ cắt bánh và rót rượu trên tháp ly. Vừa ghi hình, cậu chàng còn liên tục ra hiệu cho hai bố mẹ để lấy được khuôn hình đẹp. Sau khi có được đoạn clip cậu quay lại sân khấu đứng cùng bố mẹ và các ông bà. 

Lúc xong các nghi lễ đám cưới, 4 cậu chàng tụm lại một góc ngay gần chỗ chúng tôi ngồi. Khán phòng ồn ào tôi không nghe rõ các cậu nói chuyện gì, nhưng cả 4 đều cười rất tươi, những cái bá vai rất gần gũi thân thiết.

Khi bố cô dâu bước lên phát biểu, giọng nói miền nam Trung bộ run run chúc mừng con gái và con rể. Ông nói rất ngắn ngọn, nhưng người dự đều cảm nhận được niềm hạnh phúc của người cha khi con gái yêu quý xây dựng gia đình ở tuổi không còn trẻ. Nhìn ông và nghe ông, tự dưng mình thấy cảm động, ấm áp vô cùng.

Cô dâu chú rể đến bàn chúc rượu mừng, cô dâu hãnh diện khoe “Bốn thằng con trai của bọn em. Một của em. Hai của chồng em và một cậu con nuôi mặc áo vest màu xanh đó. Anh thấy em ra dáng mẹ chồng không?”.

Lúc cô ca sĩ trên sân khấu hát một bản bô lê rô có nhịp phách khớp với điệu nhảy cha cha cha, thật bất ngờ khi thấy mẹ cô dâu và mẹ chú rể ra giữa khán phòng say sưa khiêu vũ. Mọi người ngừng ăn uống để cổ vũ cho hai bà. Cả hội trường sôi động hẳn lên.

Một đám cưới thoạt tưởng bình thường nhưng lại mang rất nhiều năng lượng tích cực cho những người đến dự. Chắc chắn ai cũng nhận thấy niềm hạnh phúc đặc biệt của gia đình mới này. Hẳn mỗi người trong gia đình mới của bạn đã phải vượt qua rất nhiều cảm xúc để thấu hiểu và quyết định gắn kết thành những người ruột thịt. 

Vậy nên đừng bao giờ đặt định mức cho hạnh phúc mà hãy đồng hành và tận hưởng nó.