Bữa cơm chỉ có nước rau muống với sấu dầm tỏi ớt nhưng ngon miệng không thể tả. Vị chua hơi gắt nhưng bị át bởi vị cay xé của ớt và hương thơm nồng của tỏi tạo thành một hương vị tuyệt vời. Chưa cần đưa sấu lên miệng đã thấy nước miếng kéo nhau về. Còn khi nuốt hết rồi vẫn thấy râm ran trong miệng vị chua, cay, mặn, ngọt, thơm, kích thích muốn ăn thêm miếng nữa.
Mãi đến lúc mẹ về hưu mới được phân một mảnh đất nhỏ bên bờ mương ngoài làng. Cả dãy có 6 gia đình cán bộ được phân đất, nhà tôi làm đầu tiên. Mảnh đất 120 mét vuông, trũng sâu, đổ hàng trăm xe cát vẫn thấy chưa đâu vào đâo. Mẹ quyết định làm móng rồi tôn nền nhà, tôn khoảnh sân nhỏ, còn mảnh vườn sau nhà hơi thấp cũng được. Mẹ chọn trứng gà, chua me, dâu ta, ổi và sấu để trồng. Chỉ sau 3 năm, dâu làm thành bờ dậu xanh mát, chua me lấy lá cho vào nước luộc rau muống miễn chê, còn trứng gà và ổi là hai loại quả tôi thích nhất. Riêng với sấu, mẹ bảo là bạn quý của mẹ, vì mẹ có thể chế biến thành nhiều món ăn mặn, đưa cơm trong cả năm cộng bổ sung vitamine cho đoàn tàu há mồm 7 toa (nhà tôi có 6 anh em, nhưng bố làm ngoại giao, hay đi công tác xa nên mấy anh em tôi quen với ý nghĩ nhà mình là đoàn tàu 7 toa, ăn thủng nồi trôi rế!). Còn với chúng tôi, tán lá sấu xanh rì mua hạ là góc chơi đùa sung sướng, nhất là những buổi trưa hè trốn ngủ, trèo lên một cành lùng ve sầu, mê hết chịu nổi luôn.
Món ăn nào từ sấu của mẹ cũng đều ấn tượng cả. Khi những trái sấu non vừa bằng đầu ngón tay cái, mẹ bắt đầu chế biến món ăn đầu tiên: sấu dầm tỏi ớt. Hồi đó nước mắm quý lắm, mẹ cạo vỏ sấu, ngâm kỹ rồi thái thành các lát mỏng chừng nửa phân rồi ướp với muối, sau chừng nửa tiếng tiếp tục cho ớt tươi, tỏi đập dập vào rồi đổ sâm sấp nước. Chỉ 1 tiếng sau, miếng sấu ngấm đều, mẹ sẽ đổ lên một tí nước mắn cho nó dậy mùi thơm lừng. Bữa cơm chỉ có nước rau muống với sấu dầm tỏi ớt nhưng ngon miệng không thể tả. Vị chua hơi gắt nhưng bị át bởi vị cay xé của ớt và hương thơm nồng của tỏi tạo thành một hương vị tuyệt vời. Chưa cần đưa sấu lên miệng đã thấy nước miếng kéo nhau về. Còn khi nuốt hết rồi vẫn thấy râm ran trong miệng vị chua, cay, mặn, ngọt, thơm, kích thích muốn ăn thêm miếng nữa.
Khoảng 2- 3 tuần sau, trái sấu bánh tẻ, cái hạt vẫn còn non, mềm, có thể nhai được hết rất rất bùi, mẹ bắt đầu chế biến món thứ hai: Sấu muối. Mỗi lần làm món này mẹ thường làm cả 2 - 3kg, mấy mẹ con phải túm tụm cạo vỏ cả tiếng đồng hồ mới xong. Mẹ là người khía 2 vòng tròn cắt nhau trên thân quả, vì mẹ sợ bọn tôi làm có thể bị đứt tay. Món này không thể tiết kiệm nước mắm được. Mẹ thường dùng nửa lít nước mắm, pha thêm cùng nửa lít nước muối đã đun sôi để nguội rồi xếp vào sấu lần lượt vào cái âu sành, đổ nước mắm pha vào. Mẹ thái thêm 3 - 5 trái ớt và đập dập chừng 10 dánh tỏi cho vào đảo đều rồi dùng cái phên thưa đậy lên. Sau 3 - 5 ngày, món sấu muối đã có thể ăn được. Nó khác với món sấu dầm tỏi ớt ở chỗ, cắn vào quả sấu giòn mềm, vị chua đã thôi nhiều nên không gắt. Lũ trẻ tinh mồm thường bị cuốn hút vào món sấu dầm tỏi ót, nhưng đến lúc mẹ cho sấu muối kho với tép hoặc cá diếc trứng thì nhảy đến ăn ầm ầm. Tốt cá vạ cơm, nhưng còn có vị chua dịu của sấu muối với miếng sấu đậm đà, chỉ cần một hai quả nhỏ cũng đã đủ đánh sạch 2 bát cơm đầy. Thứ nước kho sanh sánh của nó mà để chấm rau luộc thì không gì cạnh tranh được.
Cùng lúc trái sấu bánh tẻ, mẹ còn trẩy thêm 2 - 3 kg nữa, cạo vỏ, cắt khoanh vòng quanh như gọt bưởi, không để rời hạt rồi phơi nắng cho quắt lại, chuẩn bị nguyên liệu cho món thứ 3: Sấu dầm. Sau khi phơi sấu 1-2 nắng, mẹ lấy vào rửa sạch, chần qua nước sôi có chút phèn chua và cho vào một cái bình thủy tinh mỏng, trong suốt. Rồi mẹ lấy cân đường đỏ, cho thêm bát ô tô nước cho lên bếp quấy sôi. Khi nước đường sền sệt và nguội có thể sờ tay vào được thì mẹ đổ vào bình sấu, thả thêm mấy bông hoa nhài, để chừng 3 - 4 tiếng là đã bắt đầu ăn được. Mẹ đan một túi lưới to, cho bình sấu vào trong rồi thả xuống giếng. Mỗi tối, cả nhà thường kê chõng ra đê hóng mát, mẹ lại pha cho mỗi đứa một cốc nước sấu, thơm lừng, mát lạnh. Không biết có phải được ăn sấu, uống nước sấu thường xuyên không mà người tôi không có rôm sảy bao giờ. Lũ bạn mỗi lần đụng vào da tôi đều xuýt xoa khen vừa nhẵn vừa mát. Thêm vào đó là mái tóc dài, bóng mượt, động vào mềm mịn như nhung, chỉ vì gội một thứ nước gội đầu đặc biệt: Nước sấu. (Cái nước ngâm những trái sấu mẹ đã cạo sạch, cho thêm vài hạt muối là xong).
Món cuối cùng là ô mai sấu. Mẹ làm bằng những trái sấu già, trẩy xuống, cạo sạch vỏ, đem ngâm nước muối đường cam thảo, ngày đổ ra phơi nắng. Cho đến khi cả lớp vỏ sấu trắng bóng, quả quắt lại, nhăm nhúm như da bà già thì mẹ cất vào lọ, đậy kín. Những ngày mưa bão lành lạnh hay những ngày đông giá rét, cả nhà hay ngồi quây quần bên nhau, cùng nhấm nháp những trái ô mai, vừa ngon, vừa ấm cả người. Tôi thích nhất lúc ngậm hạt ô mai. Cứ sau khoảng 5 phút lại ra sức hút cái hạt nó sẽ tiết ra một giọt nước rất bùi, rất ngon. Mẹ còn để một ít làm món ô mai xào. Loại này không cần phải ngâm nước muối đường cam thảo mà chỉ cần phơi cho khô quắt. Mẹ canh đường rồi cho sấu vào xào, đập thêm chút gừng trước khi bắc xuống, ăn trái sấu mềm, dẻo, thơm, và ngọt đậm đà.
Tại mẹ khai thác triệt để nên hiếm khi chúng tôi được ăn sấu chín. Anh trai thứ 5 là người trèo sấu nhanh nhẹn. Cộng thêm đôi mắt rất tinh (mẹ thường trêu ti hí mắt lươn) nên cuối mùa bao giờ cũng lùng được những trái sấu chín mẹ bỏ sót. Sấu chín chỉ cần gọt vỏ, quệt muối ớt vào là chén luôn. Hương thơm mát, vị chua ngọt rất dịu. Đến khi ăn xong mà há mồm ra hít gió vào trong miệng thì có cảm giác tê tê, ghê răng, chua ngọt, rất thú vị. Nhất là sau đó mà uống nước vối vào thì tự dưng nước miếng cứ tiết ra ầm ầm, vẫn nguyên vị chua, ngọt, cay…
Sau này, đọc rất nhiều đoạn văn hay về sấu Hà Nội. Nhưng với tôi, trái sấu vườn mẹ là không gian ăm ắp kỷ niệm, gắn với một thời gian khó khăn nhưng vẫn đầy âm thanh ngọt ngào.
Giá như sấu là gạo nhỉ
Trả lờiXóaCó phải đời đỡ đói lòng