20 tháng 11, 2023

Bảo tàng có 8 bảo vật quốc gia

 Năm 1.000 người Chăm di chuyển xuống vùng Vijaya thuộc Bình Định ngày nay.

Khởi nguồn từ năm 192, sau gần 1.000 năm, những cuộc chinh chiến với Đại Việt đã đẩy dần người Chăm về phía Nam.

 Bình Định là một trong những vùng đất mang đậm dấu ấn văn hoá Chăm Pa. Bảo tàng Bình Định là một trong các bảo tàng có lượng hiện vật văn hoá Chăm lớn nhất của cả nước.

Với hơn 10 nghìn hiện vật, hầu hết là nguyên bản, có nhiều hiện vật còn nguyên vẹn. Như bảo vật tượng thần Mahisamardini thế kỷ 12.

 Sự phồn thực là đặc trưng của văn hoá Chăm Pa. Nếu như ở giai đoạn sớm, hình tượng Linga và Yoni rất điển hình thì ở giai đoạn Vijaya, biểu tượng này được cách điệu nghệ thuật với các biểu tượng chóp tháp rất duyên dáng được lưu trữ và trưng bày ở đây.

 Chị Thi Nhân, cán bộ bảo tàng cho chúng tôi biết, cả tỉnh Bình Định có 12 bảo vật quốc gia thì Bảo tàng Bình Định sở hữu 8 bảo vật. Chỉ riêng điều này đã xứng đáng để ghé. Rất tiếc trong rất nhiều review về Bình Định, hầu như thiếu vắng thông tin về địa chỉ văn hoá này.

 Bảo tàng Bình Định là kiến trúc được tận dụng lại nên chưa tiện lợi và đủ không gian cho khối hiện vật khổng lồ được lưu trữ ở đây. Tuy nhiên, bước chân vào đây sẽ được sự ma mị của những bức tượng thần níu giữ mọi giác quan, khiến người xem cảm thấy nếu đi thêm một vòng nữa cũng chưa đủ.

 Bảo tàng Bình Định nằm ngay cạnh Quảng trường chiến thắng ở Bãi biển Quy Nhơn, số 26 đường Nguyễn Huệ, thành phố Quy Nhơn. Giá vé tham quan rẻ bất ngờ chỉ 10k.

 













19 tháng 11, 2023

Nỗi nhớ ngày lập Đông

Công nghệ thông tin phát triển người ta có nhiều kênh để biết được thời tiết hôm nay ngày mai, thậm chí ngay lúc này. Trong những mùa xưa cũ, hẳn nhiều người còn nhớ chỉ có một kênh duy nhất để biết điều này mỗi khi mùa đông đến đó là bản tin thời tiết trên đài tiếng nói Việt Nam. “Tin gió mùa đông bắc. Một khối không khí lạnh từ phía bắc đang di chuyển về phía nước ta…”.

Hôm nay lập đông, nhiệt độ ngoài trời 21 độ C mở cửa ban công làn gió lạnh trong lành mơn man lên mặt. Nỗi nhớ vụn vặt những mùa đông xưa cũ lại ùa về.

Khi nghe đài báo đợt gió mùa thực sự của mùa đông, buổi đêm trước ngày trở gió bố sẽ lồng chăn bông, còn mẹ sẽ lấy bọc áo len vừa được hong nắng rõ nỏ từ hồi đầu tháng. Những chiếc áo len được mẹ và bà ngoại đan từ những cuộn len tháo ra từ chiếc áo cũ. Mẹ sắp sẵn ở cạnh giuờng của hai anh em để sáng hôm sau ngủ dậy là có áo ấm để mặc. Những chiếc áo mùa đông còn đượm hơi nắng thơm tho.

Ở vùng biển, gió mùa đến rất nhanh và mạnh. Hơi lạnh nhanh chóng đẩy lùi chút ấm áp của những ngày mùa thu còn lẩn khuất trong căn nhà gác tường lợp ngói trống trải. Khi những cơn gió mùa đông bắt đầu vật vã từng cơn, lật ngược tàu lá chuối ngoài vườn phía Đông thì những con gà mái mơ đậu trên cành hồng xiêm trước sân sẽ xù lông tránh cái sự lồng lộn lạnh lẽo của những cơn gió. Ở trong nhà bọn trẻ luôn thích thú với việc chui vào những chiếc chăn bông ấm sực nặng trình trịch.

Đêm lạnh đầu tiên của mùa đông bao giờ giấc ngủ cũng rất ngon. Khi ngọn đèn hoa kì tắt đi, trời tối đen như mực, giơ bàn tay trước mặt cũng không thấy gì. Khi cơn buồn ngủ chưa đến nằm nghe bụi tre nhà cụ Hoàn kẽo kẹt theo mỗi cơn gió vặn thì tưởng tượng ra bao nhiêu là ma đang vắt vẻo ngoài kia.

Hàng phi lao trước ngõ trường bổ túc là thánh địa của mùa đông. Mùa này thông bắt đầu chín. Gió mùa làm những quả thông khô rụng xuống. Đứa trẻ nào trong xóm cũng biết tự làm một cái bếp lò từ lon sữa ông Thọ có cái quai bằng dây thép dài khoảng 40 cm để tránh bị hơi nóng làm bỏng tay.

Thú vị nhất là lúc nhóm lò. Khi quả thông bắt đầu bén lửa thì cầm quay lò vung tay quay tít. Có khi cả chục chiếc lò cùng quay thi xem lò của đứa nào nhanh đượm nhất. Tạo thành một khung cảnh thú vị cứ như đang trong một nghi lễ nào đó. Tiếng quả thông cháy nổ tí tách. Khói thơm mùi nhựa, tiếng cười trẻ thơ giòn tan.

Mùa đông ăn gì cũng ngon. Có lẽ vậy mà trong nỗi nhớ mùa đông của tôi lại luôn có bóng dáng mùi vị của những món ăn mùa đông của mẹ.

Sáng sớm lạnh mẹ nấu một nồi cơm nếp bắc của vụ mùa tháng 10 vừa gặt. Mùi thơm của nếp mới se sẽ đánh thức bọn trẻ. Khi cơm chín tôi lĩnh nhiệm vụ ra chum chượp ở ngoài vườn chắt 1 bát nước mắm. Nước mắm chắt vàng sóng sánh như mật ong. Cơm nếp mẹ nấu khéo khô dẻo như đồ xôi. Cái vị cơm nếp bắc ăn với thứ mắm chắt thơm nồng, ngọt lịm còn lưu hương vị đến tận bây giờ.

Mùa đông ăn canh khoai nước mới thật là hợp. Những đọt khoai tía riềng non được làm sạch nấu chung với cá khoai, cho thêm nắm ngổ non thái nhỏ mứt hái ở cầu ao thì mùi thơm đặc trưng của canh khoai mới thực sự là hoàn hảo.

Sau này khi sống xa nhà, mỗi lần nhớ canh khoai tôi thường xoa tay vào lá ngổ hít hà mùi hương, tưởng tượng về một món ăn giản dị của mẹ. Để nấu được một nồi canh khoai thì phải biết bí quyết. Chỉ được dùng đũa cả đảo khoai, chỉ cần sơ ý dùng đũa con lúc đang nấu thì sẽ phải đổ bỏ. Nếu cố ăn sẽ bị ngứa sứt miệng. Đến giờ tôi cũng không biết vì sao lại thế.

Sau hôm gió mùa về buổi sáng sương mù giăng đầy ngõ vấn vít trên ngọn cau. Đi ngoài đường hạt sương bám cả trên lông mi lông mày. Mẹ bảo “Hôm nay lắm cá thu lắm đây”. Hết giờ lên lớp mẹ tất tả sẽ ra chợ chiều lựa một con cá thu tươi mang về ướp muối, ướp riềng. Sau khi lót nồi 1 nắm lá gừng tươi thì bữa cơm sẽ có nồi kho trứ danh mẹ chiêu đãi ba bố con.

Nhiều năm sau khi xa nhà thỉnh thoảng dịp đầu đông có ai lên Hà Nội mẹ lại nhờ gửi cho tôi một đùm cá thu kho.

Nhiều mùa đông mới đã qua, mẹ giờ là một bà cụ, trộm vía vẫn khỏe mạnh và thích chơi phây búc. Bọn trẻ con ngày xưa cũng bắt đầu già. Nhiều món ăn xưa bây giờ mẹ không còn nấu nữa. Nỗi nhớ mùa đông thỉnh thoảng có dịp lại ghé qua.

Ảnh: Ảnh mình chụp mẹ từ hồi mùa Thu

 



Người khiến mộ phần nhà thơ Hàn Mặc Tử thêm ấm áp và ý nghĩa

Ông Phan Gia Minh có thâm niên hơn 20 năm chăm sóc mộ phần của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ban đầu chúng tôi không kỳ vọng gì khi ông Minh nói sẽ giới thiệu về khu mộ phần của nhà thơ cho chúng tôi nghe.

Thế rồi, sau khi ông cất lời giới thiệu, chúng tôi đã vội bật máy ghi lại, vì linh cảm ông sẽ là một hướng dẫn viên không chuyên đầy sức hấp dẫn.

Clip dưới đây sẽ giới thiệu với mọi người bài thuyết trình của một người hẳn phải rất yêu và trân trọng công việc mình đang làm để khiến khu đồi Thi Nhân và đặc biệt là khu mộ phần của nhà Thơ Hàn Mặc Tử tại khu du lịch Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định thêm phần ấm áp và ý nghĩa.

 









Có một sạp báo giấy ở trung tâm thành phố Quy Nhơn

Sau khi dự lễ cầu nguyện cho các Thánh tử vì đạo ở nhà thờ chính toà Quy Nhơn lúc 8g30, tôi thả bộ dọc đường Trần Hưng Đạo đến chùa Tổ đình Long Khánh ở 141 Trần Cao Vân.

Qua ngã tư Lê Lợi - Trần Hưng Đạo, nhác thấy bên vỉa hè, nép bên chiếc cột điện có một chiếc bàn nhỏ, trên đó có vài tờ báo sắp ngay ngắn. Mỗi tờ chặn bằng một viên đá tránh bị gió thổi bay. Mấy hôm tới Quy Nhơn, tôi tranh thủ lượn khắp nhưng hầu như không nhìn thấy sạp báo giấy nào trên hè phố.

Gọi là sạp báo nhưng lúc tôi đến chỉ còn 1 tờ Bình Định, 1 tờ An ninh thế giới, 1 tờ Tuổi Trẻ cười, 2 tờ An ninh thế giới cuối tháng - tháng 10 và tháng 11.

Một phụ nữ ngồi sau chiếc bàn nhỏ. Khuôn mặt giấu dưới vành mũ rộng màu xanh và đeo khẩu trang nên tôi không đoán được tuổi. Tôi quay lại hỏi mua mấy tờ báo. Trong lúc mua tôi tranh thủ nói chuyện.

Lúc đầu chị rất dè dặt. Nhưng khi nhìn thấy chiếc huy hiệu Báo Tiền Phong tôi đeo trên ngực và biết tôi làm việc ở Tiền Phong chị trở nên cởi mở. “Chị cũng thích tờ Tiền Phong lắm. Bán cũng được nhưng Tiền Phong về đây chậm quá. Thường sau một ngày báo mới về nên chị không lấy bán nữa. Nếu báo về đúng kỳ chị lại lấy để bán”. Chị Hiển nói chị còn bán cả Thanh niên, Tuổi Trẻ nhưng hai tờ đó bán hết rồi.

Tôi hỏi tên chị. Vì âm vực địa phương nên nghe 3 lần tôi vẫn không ghép vần được. Phải đến khi chị nói “Tên chị là Hởin, Hởin trongg Hởin Vinh” - thì tôi mới viết đúng chữ Hiển - Võ Thị Hiển.

Chị Hiển mở sạp bán báo được gần 20 năm. Hằng ngày chị Hiển đến đại lý lấy báo sớm để đúng 5 giờ thì mở hàng. Chị bán đến đúng 9 giờ thì nghỉ.

Sáng nay, tôi là vị khách cuối cùng trước khi chị thu sạp.

 




Đến Quy Nhơn phải nghe tiếng chuông nhà thờ Chính toà

Nhà thờ chính toà Quy Nhơn toạ lạc tại 122 Trần Hưng Đạo, phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn, Bình Định, còn được gọi với tên nôm là Nhà thờ Nhọn bởi hình dáng đặc biệt ấn tượng của tháp chuông tại thiết chế tôn giáo này.



Đứng trên tháp chuông nhà thờ chính toà Quy Nhơn - toà thánh Đức mẹ Mân Côi có thể nhìn bao quát 360 độ đầm Thị Nại và vịnh Quy Nhơn.

Trên tháp chuông cao 47,20m, có khối 3 quả chuông, trong đó một quả chuông có trọng lượng 1.800 kg treo ở độ cao 25 mét.

Nhà thờ kiến trúc hình thánh giá, dài 57,50 mét, rộng 22,60 mét, hai hàng cột đúc ximăng cốt thép, phân nhà thờ ra ba gian. Gian chính giữa rộng 8 mét, cung thánh rộng 8 mét, dài 14,50 mét. Sau cung thánh có 5 bàn thờ phụ. Nhà thờ có thể dung nạp đến 1.500 người.

Một công trình đồ sộ như vậy nhưng được hoàn thành vỏn vẹn trong 13 tháng 10 ngày. Khởi công ngày 1/10/1938 hoàn thành ngày 10/11/1939. Lễ khánh thành ngày 10/12/1939 và kính dâng Đức Mẹ Mân Côi.

Theo các tài liệu ghi chép lại, ngày 23/02/1962, quả chuông lớn nặng 1.800kg, đường kính 1,25m đã được đặt lên tháp nhà thờ trên độ cao 25m. Quả chuông này nguyên là của nhà thờ Saint Pancratius ở Chicago do cha Robert Niec phụ trách. Với ý hướng hòa bình và tình hữu nghị, cha Robert Niec dâng cúng quả chuông này qua trung gian ông John Grozdiak, một kỹ sư người Hoa Kỳ đã quen biết Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi - một trong các đức cha điều hành giáo phận Quy Nhơn từ nhiều năm trước. Quả chuông được chở trên chiếc tàu ‘Sainte Mère Eglise’ và cập bến Sài Gòn ngày 27/01/1962, đưa về tới Quy Nhơn ngày 14/02/1962.

Một bảo vật nữa được lưu giữ ttong thánh đường là bàn thờ bằng khối hồng thạch dài 3m, rộng 1,10m, cao 1m, có hình dáng hòm bia thánh với hai chân tròn vững chắc được đặt ở cung thánh. Bàn thờ này được khởi công khai thác đá tại Non Nước, Đà Nẵng từ cuối năm 1962, mang về an vị tại đây năm 1963.

Giờ lễ nhà thờ Chánh Tòa Quy Nhơn

Chủ nhật: 05:00 – 07:00 – 08:30 – 17:30. 

Ngày thường: 05:00 17:30.

 





𝐁𝐢́ 𝐚̂̉𝐧 𝐧𝐠𝐮𝐲𝐞̂𝐧 𝐦𝐚̂̃𝐮 𝐛𝐢𝐞̂̉𝐮 𝐭𝐮̛𝐨̛̣𝐧𝐠 𝐭𝐡𝐚̂̀𝐧 𝐒𝐡𝐢𝐯𝐚 𝐭𝐫𝐨𝐧𝐠 𝐓𝐡𝐚́𝐩 Đ𝐨̂𝐢 𝐨̛̉ 𝐁𝐢̀𝐧𝐡 Đ𝐢̣𝐧𝐡

 Một trong 2 khối tháp trong quần thể tháp Hưng Thạnh (còn gọi là Tháp Đôi) ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định có một bệ thờ thần Shiva theo tín ngưỡng của dân tộc Chăm rất hoàn chỉnh.

Kết hợp với Linga và Yoni là biểu hiện đặc tính âm của thần Shiva. Linga kết hợp với Yoni tạo nên một bệ thờ hoàn chỉnh được coi là sự hòa nhập âm dương. Yoni có thể được khắc tạc liền khối với Linga, hoặc có thể khắc tạc riêng lẻ gá lắp với Linga. Yoni thường được chế tác hình vuông hay hình tròn, có vòi dẫn nước vươn ra, lòng thường trũng để khi làm lễ nghi tôn giáo, nước tắm Linga được dẫn qua Yoni chảy ra vòi trở thành nước thiêng, uống nước này người Chăm quan niệm sẽ được nhiều phúc lộc may mắn, con cháu đầy đàn... Bộ ngẫu tượng Linga-Yoni có kích thước nhỏ thường được đặt thờ trong lòng tháp, tượng lớn thì đặt ở ngoài sân, nhưng vòi Yoni bao giờ cũng quay về hướng Bắc. Khi hành tế, giáo sĩ Balamôn làm lễ xong, đi vòng từ phải sang trái (ngược chiều kim đồng hồ) lấy nước thiêng hứng từ vòi Yoni chảy ra ban phát cho tín đồ.
Tháp Đôi được xác định xây dựng trong khoảng thời gian từ thế kỷ XII đến thế kỷ XIII.
Có rất ít người đến chiêm ngưỡng di tích này biết rằng, trong lòng Tháp Đôi là một bệ thờ phục chế.
Theo bản vẽ của H.Parmentier thực hiện vào những năm đầu thế kỷ XX, khi ông nghiên cứu tại di tích Tháp Đôi (Quy Nhơn), lúc đó trong ngôi tháp Bắc có một bệ thờ Linga-Yoni cao 2,1m; phần Linga cao 0,5m; Yoni hình tròn-đường kính 1,3m; dày 0,20m; vòi Yoni dài 0,35m. Từ bản vẽ này, Ban Quản lý di tích Bình Định đã phục chế theo tỉ lệ 1/1 một tượng thờ Linga-Yoni bằng đá tương tự đặt thờ trong ngôi tháp này.
Henri Parmentier (1871 - 1949) là một nhà khảo cổ học người Pháp, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Chăm Pa cổ xưa. Ông góp phần quan trọng trong việc thu thập, bảo tồn những hiện vật thuộc nền văn hóa người Chăm tại Mỹ Sơn và phục hồi các di tích Angkor ở Cao Miên.
Hiện vẫn chưa thấy có tài liệu ghi chép thông tin nguyên mẫu của bệ thờ thần Shiva của Tháp Đôi đang ở đâu - và đây vẫn đang là điều bí ẩn.