Công
nghệ thông tin phát triển người ta có nhiều kênh để biết được thời tiết hôm nay
ngày mai, thậm chí ngay lúc này. Trong những mùa xưa cũ, hẳn nhiều người còn
nhớ chỉ có một kênh duy nhất để biết điều này mỗi khi mùa đông đến đó là bản
tin thời tiết trên đài tiếng nói Việt Nam. “Tin gió mùa đông bắc. Một khối
không khí lạnh từ phía bắc đang di chuyển về phía nước ta…”.
Hôm nay lập đông,
nhiệt độ ngoài trời 21 độ C mở cửa ban công làn gió lạnh trong lành mơn man lên
mặt. Nỗi nhớ vụn vặt những mùa đông xưa cũ lại ùa về.
Khi nghe đài báo đợt
gió mùa thực sự của mùa đông, buổi đêm trước ngày trở gió bố sẽ lồng chăn bông,
còn mẹ sẽ lấy bọc áo len vừa được hong nắng rõ nỏ từ hồi đầu tháng. Những
chiếc áo len được mẹ và bà ngoại đan từ những cuộn len tháo ra từ chiếc áo cũ.
Mẹ sắp sẵn ở cạnh giuờng của hai anh em để sáng hôm sau ngủ dậy là có áo ấm để
mặc. Những chiếc áo mùa đông còn đượm hơi nắng thơm tho.
Ở vùng biển, gió mùa
đến rất nhanh và mạnh. Hơi lạnh nhanh chóng đẩy lùi chút ấm áp của những ngày
mùa thu còn lẩn khuất trong căn nhà gác tường lợp ngói trống trải. Khi những cơn
gió mùa đông bắt đầu vật vã từng cơn, lật ngược tàu lá chuối ngoài vườn phía
Đông thì những con gà mái mơ đậu trên cành hồng xiêm trước sân sẽ xù lông tránh
cái sự lồng lộn lạnh lẽo của những cơn gió. Ở trong nhà bọn trẻ luôn thích thú
với việc chui vào những chiếc chăn bông ấm sực nặng trình trịch.
Đêm lạnh đầu tiên của
mùa đông bao giờ giấc ngủ cũng rất ngon. Khi ngọn đèn hoa kì tắt đi, trời tối
đen như mực, giơ bàn tay trước mặt cũng không thấy gì. Khi cơn buồn ngủ chưa
đến nằm nghe bụi tre nhà cụ Hoàn kẽo kẹt theo mỗi cơn gió vặn thì tưởng tượng
ra bao nhiêu là ma đang vắt vẻo ngoài kia.
Hàng phi lao trước ngõ
trường bổ túc là thánh địa của mùa đông. Mùa này thông bắt đầu chín. Gió mùa
làm những quả thông khô rụng xuống. Đứa trẻ nào trong xóm cũng biết tự làm một
cái bếp lò từ lon sữa ông Thọ có cái quai bằng dây thép dài khoảng 40 cm để
tránh bị hơi nóng làm bỏng tay.
Thú vị nhất là lúc
nhóm lò. Khi quả thông bắt đầu bén lửa thì cầm quay lò vung tay quay tít. Có
khi cả chục chiếc lò cùng quay thi xem lò của đứa nào nhanh đượm nhất. Tạo
thành một khung cảnh thú vị cứ như đang trong một nghi lễ nào đó. Tiếng quả
thông cháy nổ tí tách. Khói thơm mùi nhựa, tiếng cười trẻ thơ giòn tan.
Mùa đông ăn gì cũng
ngon. Có lẽ vậy mà trong nỗi nhớ mùa đông của tôi lại luôn có bóng dáng mùi vị
của những món ăn mùa đông của mẹ.
Sáng sớm lạnh mẹ nấu
một nồi cơm nếp bắc của vụ mùa tháng 10 vừa gặt. Mùi thơm của nếp mới se sẽ
đánh thức bọn trẻ. Khi cơm chín tôi lĩnh nhiệm vụ ra chum chượp ở ngoài vườn
chắt 1 bát nước mắm. Nước mắm chắt vàng sóng sánh như mật ong. Cơm nếp mẹ nấu
khéo khô dẻo như đồ xôi. Cái vị cơm nếp bắc ăn với thứ mắm chắt thơm nồng, ngọt
lịm còn lưu hương vị đến tận bây giờ.
Mùa đông ăn canh khoai
nước mới thật là hợp. Những đọt khoai tía riềng non được làm sạch nấu chung với
cá khoai, cho thêm nắm ngổ non thái nhỏ mứt hái ở cầu ao thì mùi thơm đặc trưng
của canh khoai mới thực sự là hoàn hảo.
Sau này khi sống xa
nhà, mỗi lần nhớ canh khoai tôi thường xoa tay vào lá ngổ hít hà mùi hương,
tưởng tượng về một món ăn giản dị của mẹ. Để nấu được một nồi canh khoai thì
phải biết bí quyết. Chỉ được dùng đũa cả đảo khoai, chỉ cần sơ ý dùng đũa con
lúc đang nấu thì sẽ phải đổ bỏ. Nếu cố ăn sẽ bị ngứa sứt miệng. Đến giờ tôi
cũng không biết vì sao lại thế.
Sau hôm gió mùa về
buổi sáng sương mù giăng đầy ngõ vấn vít trên ngọn cau. Đi ngoài đường hạt
sương bám cả trên lông mi lông mày. Mẹ bảo “Hôm nay lắm cá thu lắm đây”. Hết
giờ lên lớp mẹ tất tả sẽ ra chợ chiều lựa một con cá thu tươi mang về ướp muối,
ướp riềng. Sau khi lót nồi 1 nắm lá gừng tươi thì bữa cơm sẽ có nồi kho trứ
danh mẹ chiêu đãi ba bố con.
Nhiều năm sau khi xa
nhà thỉnh thoảng dịp đầu đông có ai lên Hà Nội mẹ lại nhờ gửi cho tôi một đùm
cá thu kho.
Nhiều mùa đông mới đã
qua, mẹ giờ là một bà cụ, trộm vía vẫn khỏe mạnh và thích chơi phây búc. Bọn
trẻ con ngày xưa cũng bắt đầu già. Nhiều món ăn xưa bây giờ mẹ không còn nấu
nữa. Nỗi nhớ mùa đông thỉnh thoảng có dịp lại ghé qua.
Ảnh: Ảnh mình chụp mẹ
từ hồi mùa Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét