7 tháng 12, 2017

Nhặt nhạnh ở phố Mai Hắc Đế

Mai Hắc Đế là một con phố nhỏ nằm phía Nam Hà Nội cũ. Nó trở nên quyến rũ nhất vào thời gian cuối năm khi những cơn gió mùa đông bắc mang cái lạnh luồn lách khắp phố phường, đi ngoài phố phải trùm đầu chiếc khăn len và cây bàng đầu ngã tư chỉ còn lại vài chiếc lá đỏ ối cuối cùng


Ngã tư Mai Hắc Đế - Tô Hiến Thành
Từ khi hình thành đến nay phố vẫn chỉ dài 840 mét và rộng 10 mét. Nằm theo chính hướng Bắc - Nam, một đầu nối với phố Trần Nhân Tông, một đầu nối với phố Lê Đại Hành. Cắt ngang qua con phố này là 4 đường phố Tuệ Tĩnh, Tô Hiến Thành, Thái Phiên và Đoàn Trần Nghiệp.

Xưa kia phố Mai Hắc Đế nguyên là đất thuộc 2 thôn Giáo Phường (đoạn đầu phố) và thôn Phúc Lâm Tiêu (Đoạn cuối phố), đều thuộc tổng Tả Nghiêm (sau đổi là Kim Liên), huyện Thọ Xương cũ.

Con phố này được xây dựng trong giai đoạn 3 của thời kỳ hình thành khu phố Pháp tại Hà Nội, tức là từ năm 1921 - 1945, cũng chính là giai đoạn cuối cùng trong việc quy hoạch Hà Nội mang dấu ấn của người Pháp. Thời Pháp thuộc, phố này có tên là đường số 79 (Voie No79), đến năm 1919 được đổi thành phố Sa-rông (Rue Charron). Năm 1945 có tên là phố Lê Bình. Từ năm 1949 đến nay được đặt tên là phố Mai Hắc Đế. Hiện phố Mai Hắc Đế thuộc phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

So với phố Bùi Thị Xuân Thời Pháp thuộc là đường số 80 (Voie No80), năm 1919 là phố Đuy-vi-nhô (Rue Duvigneau)), Phố Triệu Việt Vương (thời Pháp thuộc là phố Săng xô mơ (Rue Chanseaulme) thì đường số 79 đích thị là khu ở của công chức nghèo. Dấu ấn kiến trúc còn sót lại trên con phố này không có nhiều những công trình thể hiện sự thịnh vượng như hai con phố lân cận. Tuy nhiên, chính lợi thế và cũng là hạn chế đó mà trong 30 năm của thời kỳ đổi mới, diện mạo của phố Mai Hắc Đế cũng thay đổi mạnh mẽ hơn so với 2 tuyến phố Bùi Thị Xuân và Triệu Việt Vương. Ngày nay, giữa những ngôi nhà được xây dựng mới còn sót lại một vài công trình kiến trúc mà ở đó vẫn toát lên vẻ bình dị, khiêm tốn của khu phố dành cho công chức nghèo. 

Hàng xôi nóng nổi tiếng trên phố Mai Hắc Đế
Không rõ từ khi nào, phố Mai Hắc Đế trở thành phố ẩm thực. Không có con phố nào của Hà Nội lại tập trung nhiều hàng ăn với các món ăn ngon đặc trưng cho ẩm thực xứ Bắc đến vậy. Ở đây có mặt từ các món bình dân đến các món cao cấp, ngoài ra còn có các món ăn nhập ngoại.

Đối với người Hà Nội cũ, phố Mai Hắc Đế mới là phố ẩm thực "xịn". Các con phố ẩm thực hay được truyền thông nhắc đến như Tống Duy Tân, ngõ Cấm Chỉ hay chợ đêm Đồng Xuân chỉ là... phố ăn uống thời trang.

Những tín đồ sành ăn đã thống kê có không dưới 20 món ăn ngon đặc sắc hiện diện ở đây. Có thể kể đến bún chả nem cua bể số 38; xôi trứng thịt số 75; Bún chả chan số 53; Bánh đa cua số 32; Gà tần số 81B; Bún chân gà rút xương số 45A và không thể không nhắc đến món phở tái gàu ở số 36B... 
Một ngõ nhỏ cổ kính hiếm hoi trên phố Mai Hắc Đế

Cùng với sự phát triển của du lịch, ẩm thực của phố Mai Hắc Đế cũng có nhiều món ngon vùng miền trong nước và thế giới góp mặt. Không ngạc nhiên khi ở đây xuất hiện những đặc sản Cơm hến của Huế; bún thịt nướng của Đà Nẵng; Mì vằn thắn của Sài Gòn; Bánh xèo miền Tây...  Rồi Gà cay phomai Hàn Quốc, Beefsteck... Tuy nhiên, khi thưởng thức những món ăn góp mặt này thì chúng ta nên quên đi cái gốc gác đích thực của nó để thưởng thức hương vị và cách nấu món theo một biến thể mới và sẽ không thể không thấy rằng nó rất ngon theo một cách rất... Hà Nội.

Phố Mai Hắc Đế trở nên quyến rũ nhất vào thời gian cuối năm khi những cơn gió mùa đông bắc mang cái lạnh luồn lách khắp phố phường, đi ngoài phố phải trùm đầu chiếc khăn len và cây bàng đầu ngã tư Mai Hắc Đế - Tô Hiến Thành chỉ còn lại vài chiếc lá đỏ ối cuối cùng thì chỉ cần lướt qua đây đảm bảo không ai cưỡng lại được sự mời gọi của thoang thoảng mùi khói, mùi gia vị... 

Việc còn lại là tìm chỗ đậu xe ghé vào bất cứ quán nào bạn cũng được phục vụ một món ngon với sự chu đáo của con phố ẩm thực chuyên nghiệp.






1 tháng 12, 2017

Về Châu Đốc nhất định phải đi xe lôi và ăn chè bưởi


Trước đây xe lôi có khắp miền Tây nhưng giờ đây nó chỉ còn tồn tại duy nhất ở thành phố Châu Đốc, tỉnh lỵ của tỉnh An Giang. Xe lôi có phần đầu là chiếc xe đạp gióng ngang như xe Thống Nhất nam được chế thêm phần chở khách phía sau với hai bánh, cao lênh khênh. Một xe lôi có thể chở tối đa 4 khách.

Khách du lịch hào hứng ngồi trên xe đạp lôi

100 nghìn đồng cho cuốc xe chở hai người với thời gian chừng 45 phút tài sẽ chở khách đi vòng các điểm đáng kể ở thành phố: Đình thờ ông Thoại Ngọc Hầu - người đã chỉ đạo đào con kênh Vĩnh Tế nối từ đầu nguồn sông Hậu đến tít tận Hà Tiên, song song với biên giới VN - CPC; tượng đài cá ba sa ở công viên 30-4 ghi dấu thứ sản vật giúp đổi đời nhiều số phận ở An Giang nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung; gốc bồ đề được lấy giống từ cây bồ đề đức Phật ngồi hành thiền và đắc đạo hạ chưởng tại trung tâm thành phố từ năm 1952; các điểm ăn quà vặt nổi tiếng của thành phố biên giới Tây Nam đất nước.

Ngồi xe lôi lòng vòng phố xá Châu Đốc là một trải nghiệm thú vị
Các tài xe lôi biết khách ái ngại khi ngồi xe nên cứ luôn miệng trấn an "Các bác đừng tội nghiệp em, bởi các bác mà tội nghiệp là tụi em ko có việc làm". Vừa đạp xe các tài vừa vui vẻ nhiệt tình làm hướng dẫn viên giới thiệu cho du khách các thông tin về vùng đất.

An Giang cũng là quê hương của chè bưởi. Chè bưởi ở đây bán 15k một ly, không rẻ hơn ở những nơi khác nhưng chè bưởi ở An Giang đặc biệt ngon. Có điều lạ là, trong khi khẩu vị người miền Tây thích ăn ngọt, tất cả các món đều cho nhiều đường nhưng riêng chè bưởi thì lại không hề ngọt.

Một hàng chè bưởi ở trung tâm thành phố Châu Đốc
Thưởng thức ly chè bưởi ở trung tâm thành phố Châu Đốc trong đêm tháng 11 mát rượi gió từ sông đầu nguồn sông Hậu mùa nước nổi thổi về du khách đều có cảm giác cứ phải tìm kiếm một điều gì đó rất khó nắm bắt trong cái vị thanh thanh, giòn giòn, thơm thơm của chè bưởi thứ thiệt.

Tài xe lôi nhiệt tình giới thiệu đặc sản của thành phố biên giới tây nam đất nước.