13 tháng 1, 2022

Cốm chiên

 Cốm chiên là món truyền thống từ thời bao cấp của khu tập thể trường Đảng huyện nơi mẹ công tác.

Ngày đó, cả khu tập thể được nuôi cơm suất cùng với những bữa cơm của học viên các khóa học. Cơm nguội được gom lại từng bữa, phơi thật khô, dồn vào bình thủy tinh. Chờ đến khi có một âu mỡ lợn thì mẹ sẽ dành cho một suất ưu tiên để biến những hạt cơm cứng đanh thành một món vừa bông xốp, vừa giòn giòn béo ngậy. Nó là thứ để lấp vào cơn đói giữa buổi hay những đêm thứ bảy gió bấc thổi ào ào qua vườn mía, ngồi bên ngọn đèn Hoa kỳ vừa nhấm nháp những hạt cốm vừa nghe sân khấu truyền thanh trên Đài tiếng nói Việt Nam.

Thành phẩm

Cốm chiên thơm và ngon nhất là khi cơm phơi được nắng. Những hạt cơm nhanh chóng khô khảo, co lại, trong veo, vốc lên từng hạt chui qua kẽ ngón tay trơn tuột.

Cốm chiên ngoài việc chống đói, còn được sử dụng như một gia vị để cho vào chảo cơm rang. Những hạt cốm giòn rụm “đánh lừa” cảm giác làm cho món cơm trở nên hấp dẫn vì những âm thanh rộn rạo.

Còn nhớ, món cốm trộn “kem” mật. Vào tháng chạp âm lịch, cả làng tôi vào mùa chặt mía nấu mật. Khi cụ Chí hàng xóm, nếm mẻ mật đầu tiên và nói dứt khoát “Được!”, thể nào bọn trẻ con cũng được các bác các chú thưởng cho một muôi “crema mật” múc từ chảo vừa nấu xong để trộn với cốm chiên. Lớp creama này có vị béo giống bơ, mùi thơm thật khó tả, chỉ có ở chảo mật vừa nấu xong. Lấy ra khỏi chảo, để nguội thì mùi vị đó dường như biến mất, chỉ còn mùi thơm của mật mía quen thuộc. Món cốm chiên trộn này mỗi năm chỉ được ăn một lần nên rất háo hức chờ đợi. Đến cuối những năm 80,  trồng mía không mang lại hiệu quả kinh tế, nghề trồng mía lụi dần, làng cũng thất truyền nghề làm mật mía nên món cốm trộn “crema mật” cũng không có cơ hội tái hiện.  

Làm cốm chiên không khó, chỉ cần để ý một chút là làm được. Đó là dầu phải thật sôi, nhưng không được để cháy. Nếu dầu không đủ nóng, hạt cốm không nở phồng sẽ sắt lại như gạo rang. Đủ nhiệt, chỉ trong khoảng 10 giây, hạt cốm sẽ nở đều, trắng xốp và không ngấm dầu.

Cốm Vòng chiên

Sau này, không còn để chống đói nhưng mỗi mùa nắng dại, mẹ vẫn nấu một nồi cơm gạo ngon, dỡ ra nia phơi cho săn hạt, đóng vào túi nilon thỉnh thoảng lại gửi lên cho con cháu làm món cốm chiên. Ở Hà Nội, món cốm chiên nhà tôi không chỉ mono cơm nguội phơi khô mà còn được phối với cốm nếp làng Vòng cho thêm phần nhuận miệng. Món này để ăn với cháo, xơi với chuối tiêu hay sữa chua hoặc trộn với cơm rang thì luôn được hoan nghênh nhiệt liệt.

Cơm nguội chiên
Gọi là “cốm chiên” cho sang miệng chứ thực ra nó là món quà vặt của trẻ nhà nghèo, gợi nhớ một thời cuộc sống chật vật của người lớn. Tối qua, cả nhà lại tưng bừng chiên mẻ cốm “truyền thống” cuối cùng của năm 2021 âm lịch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét