Ở thành phố tìm được bánh khúc tẻ có màu bánh xanh tiệp màu lá gói thì hơi bị hiếm. Người thành phố chỉ quen ăn bánh khúc xôi nếp.
Mùa này, ruộng phơi ải, gió bấc ràn rạt thổi qua cánh đồng có những nhánh rau khúc xôm xốp đọng sương muối li ti ở rìa mép lá. Rét quắt nhưng mấy đứa trẻ con vẫn hớn hở chân trần xắn móng lợn loăng quăng khắp các bờ đỗi kén chọn những cây khúc mập mạp.
Các bà các cô ở xóm bảo lấy khúc phải lấy buổi sớm còn sương thì bánh mới thơm, ngậy. Khi đó cả lũ trẻ lâu nhâu tin sái cổ. Lớn lên chút mấy đứa bảo nhau chắc các bà không muốn bọn trẻ ngủ rốn trong chăn nên lấy sự hấp dẫn của nồi bánh khúc lùa bọn chíp hôi dậy sớm một công đôi việc, vừa vận động cho khoẻ, vừa có khúc để làm bánh khúc, xôi khúc ăn ấm chân răng.
Ngoài bánh khúc đồ chung với nếp, ở làng còn có bánh khúc làm bằng bột tẻ. Nhân vẫn có đỗ và thịt mỡ nhưng cái giòn sừn sựt của bột tẻ, ngai ngái mùi khúc tươi khiến ăn no ễnh bụng vẫn không bị ngấy hay nóng ruột. Ăn nóng cũng ngon mà để nguội ăn cũng rất vào.
Giờ mấy cánh đồng quanh làng thành khu công nghiệp hết. Muốn có khúc để tự làm bánh phải dặn mấy chị hàng lá trên chợ để dành cho nhưng lâu lắm cũng chẳng ai có thời gian rới rở.
Cũng may ở làng vẫn còn vài nhà giữ nghề làm bánh truyền thống, trong đó có món bánh khúc bột tẻ gói lá dong. Nên khi nào nhớ vị thì cứ về là có bánh khúc để chén đẫy tễ 💚
Bánh khúc tẻ gói lá dong ở Đình Bảng |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét