29 tháng 1, 2024

Đại hàn thương nhớ món tép moi

Trong một buổi cuối tuần rét mướt, khi những cơn gió bấc phần phật ngoài ban công, nỗi nhớ cái bếp ấm cúng của mẹ bỗng làm nhớ đến bình tép moi bị lãng quên từ vụ moi mùa vẫn còn thơm phức mùi nắng.

Món tép moi xào khế


Anh em tôi được mẹ đẻ ra và nuôi lớn ở vùng đất ven biển. Cũng như mọi đứa trẻ ở làng, từ lúc biết ăn dặm, cũng là lúc được tiếp xúc với thực phẩm là đồ biển. Bà nội tôi ngày còn sống thường bảo, trong tất cả các con bắt từ biển mà trẻ con ăn được, thì lành nhất của biển là con tép moi. 

Ở biển, một năm có 2 mùa moi, vụ chiêm và vụ mùa. Vụ moi chiêm vào tháng 4 – 5 vụ moi mùa vào tháng 9 – 10 tính theo lịch âm. Hầu hết sản lượng moi đánh bắt về sẽ được đổ cho các cơ sở sản xuất mắm tôm; Một phần được chế biến theo hình thức không qua lửa, làm khô chín bằng sức nóng của mặt trời. Mùa moi, chợ huyện Đông Biên luôn dành hẳn một dãy dài ở mé may chợ để cho các hộ làm moi mang đến bán. Từng đống moi khô to như đống thóc, vàng ươm, mùi thơm đặc trưng mời gọi, để người mua khắp nơi tha hồ lựa chọn. Tiếng người bán, người mua mặc cả rộn ràng. 

Quê tôi hầu như không ăn tép moi tươi. Có thể vì nó quá mềm. Cũng có lẽ tép nước ngọt sẵn lại giòn nên tép moi tươi chỉ dùng để làm mắm tôm và phơi khô. Khi phơi khô được nắng thì con tép moi lại trở nên giòn như “bim bim”.

Thường moi khô sẽ có 2 màu, màu trắng hồng và màu vàng hanh. Theo thông tin của các nhà nghiên cứu dinh dưỡng, tép khô có vỏ màu vàng do tép chứa nhiều astaxanthin nên sau khi phơi khô, bề mặt sẽ có màu hơi vàng. Trong loại tép moi này có chứa một chất chống oxy hóa, còn được gọi là siêu vitamin E. Loại tép này làm nhân hoặc xào thì rất hợp. Còn tép moi có màu trắng hồng chứa ít astaxanthin nên sau khi làm khô, vỏ của nó có màu hơi trắng. Mặc dù astaxanthin trong loại tép này tương đối thấp nhưng hàm lượng canxi lại cao. Đây là loại thực phẩm bổ sung canxi rất tốt.

Đối với những gia đình cán bột thoát ly ở khu tập thể cơ quan như nhà tôi, tép moi khô là thực phẩm bổ sung đạm cho những bữa ăn thời bao cấp. Ngày đó, thực phẩm tươi sống là thứ khó kiếm. Nhà nào cũng cũng trữ một bịch tép moi và cá khô. Bản trường ca đồ khô này có khi diễn ra hàng tháng trời vào mùa mưa phùn gió bấc. 

Bản trường ca món tép moi của mẹ gồm:

- Tép moi nấu canh rau đay mùng tơi.

- Tép moi xào khế và tóp mỡ.

- Tép moi rang mắm kẹp bánh đa.

- Tép kho thịt lợn.

- Tép xào hành lá.

- Tép moi bóp gỏi rau cần.

Hôm nào đến đợt tem phiếu mua được mấy lạng thịt đem kho với tép moi thì  món này được nhuận sắc và hấp dẫn vô cùng. Từng con tép ngấm mỡ căng tròn thơm phức. Miếng thịt mỡ thái hạt lựu trở nên trong veo khi xào khan nước với tép. Lúc chuẩn bị bắc ra, mẹ rưới thêm một thìa mắm chắt. Hôm ấy, kiểu gì tôi cũng lén lút đong thêm nửa bò gạo. 

Sau này đi học, rồi đi làm xa nhà, hằng năm, đến vụ tép mùa mẹ đều gửi cho chúng tôi một ký. Thường thì cả nhà sẽ nấu ngay một nồi canh tập tàng với tép mới để ăn cho đã. Rồi sau đó bình tép moi vàng ươm sẽ được lãng quên tận đến tiết Đại Hàn. Trong một buổi cuối tuần rét mướt, khi những cơn gió bấc phần phật ngoài ban công, nỗi nhớ cái bếp ấm cúng của mẹ bỗng làm nhớ đến bình tép moi còn thơm phức mùi nắng. 

Lần rét này cũng vậy, nhân cuối tuần về nhà, mẹ bẻ cho một rổ khế chua bánh tẻ mang lên Hà Nội, thế là bữa hôm đó, món tép moi xào khế chễm chệ trên mâm cơm. Vợ chồng con cái lại xuýt xoa với cái vị ngọt đậm thơm mùi biển ăn cùng cơm nóng. Kế hoạch cắt giảm tinh bột tạm thời bị gác lại một hôm. 





 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét