16 tháng 10, 2023

Tiếp những câu chuyện ở xứ cà phê

 Người Đà Lạt làm quán cà phê như để chơi. Không phô trương. Khách đến những không gian này là dường như chỉ để có một quãng nghỉ cho tâm hồn. Bởi vậy, kể cả không biển báo, kể cả phải đi bộ một đoạn dài trên con đường độc đạo, người ta cũng tìm. Kiểu “yêu nhau chỉ vì yêu nhau”.

 


1.     1. Rẫy nhà Tí nằm kế bên con đường đỉnh đèo Mimosa. Cách trung tâm Đà Lạt chừng 5 cây số. Rẫy trồng hồng và cà phê Arabia, cây nào cũng sai trĩu chịt. Một nửa đất cho người ta thuê mở quán cà phê nhỏ ở cuối rẫy. Một cái quán cà phê có cái tên dài “Bao tiền một mớ bình yên”.

Con đường chỉ 1 lượt đi từ trên quốc lộ dẫn xuống bãi để xe dốc đến độ chỉ nhìn thôi đã “tởn”. Không có ai trong đoàn dám mạo hiểm đưa xe xuống bãi. Thế mà cậu nhân viên trẻ măng cưỡi từng chiếc xe máy đi xuống dốc và lên dốc giúp khách với vẻ mặt tươi cười bình tĩnh đến lạ.

Ngoài đường, không có bất cứ biển hiệu quán cà phê nào trừ một cái biển gỗ nhỏ treo ở thân cây ngay dốc xuống “Mơ trong mơ”, phía dưới có một cái biển khác “Nếu sợ dốc xin gọi số 09…”.

Lúc đến, chả ai nghĩ ở cuối con đường độc đạo dài vài trăm mét lại có một quán cà phê và một chiếc thác nhỏ chảy từ rừng thông quanh năm ngày tháng nước reo. Hai bên đường vào, cà phê đang mùa làm hạt. Thỉnh thoảng có những chùm chín đỏ, với tay hái đưa vào miệng, cùi ngọt thơm như cherry. Khác với hồng Mộc Châu khi quả chín lá rụng hết chỉ còn những quả hồng đỏ au dính trên cành khẳng khiu mốc thếch,  vườn hồng nhà Tí đang chính vụ quả chín đỏ lấp ló trong vòm lá.

2.      2. Điểm tương đồng này cũng tìm thấy ở Cala Lily Đà Lạt trên đường Hàn Thuyên, phường 5 thành phố Đà Lạt. Đến đây, nhớ gặp ông chủ trẻ của quán. Một con người đầy năng lượng tích cực hiếm có.

Trung – hơn 30 tuổi. Quê Thủ Thừa, Long An. Tuổi trẻ của Trung là những chuyến khám phá các vùng đất trong nước và nhiều châu lục. Trung từng đến châu Phi với hai bàn tay trắng từ sự thôi thúc sau khi xem bộ phim “Đến thượng đế cũng phải cười”. Trung nói đùa “Bác Hồ đi được sao tụi em không đi được”.

Nhiều người đến Đà Lạt khởi nghiệp nhưng không phải ai cũng trụ lại. Trung tự hào nói “Đà Lạt chọn em”. Vừa sản xuất cà phê, vừa tiêu thụ giới thiệu sản phẩm qua hệ thống quán cà phê tự mình làm chủ, với một người miền Tây, để có được trình độ thẩm cà phê biết được sản phẩm trồng ở vùng nào, giống nào đủ để minh chứng cho câu slogan của Trung “Đà Lạt  chọn em”.

Quán cà phê của Trung có một bếp bánh, Trung nói, bánh được làm theo cảm xúc. Bởi vậy, đến đây không phải lúc nào cũng oder được món bánh lần trước bạn đến và thích.

Cala Lily Đà Lạt nằm trên lưng một quả đồi chả có biển báo gì sất. Đến chân đồi, người dân ở đây thấy khách lơ ngơ thì liền hỏi “Tìm quán cà phê phải không?”, rồi tận tình chỉ đường. Đến được đây phải xe máy phải leo qua một cái dốc mà khi xuống, ông chủ quán thường phải hỏi có ai muốn giúp đi xe hộ xuống dốc không? Vậy mà hầu như lúc nào quán cùng đầy khách là các bạn trẻ từ khắp mọi miền khi tới Đà Lạt đến thưởng thức những ly cà phê không chê vào đâu được.

Trung cũng chính là chủ nhân ngôi nhà Gió trên đỉnh một đồi thông cực đẹp ở gần Puppy Farm. Đây là ngôi nhà Trung mời mọi người đến Đà Lạt có thể qua ở miễn phí. Ý tưởng này bắt nguồn từ những chuyến đi khám phá khắp thế giới. Trong những chuyến đi đó Trung nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của mọi người. Quay về Đà Lạt Trung muốn san sẻ điều này với những ai yêu và đến khám phá vùng đất cao nguyên.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét