5 tháng 9, 2024

Ký ức của bão

Mấy hôm nay, tất cả các đài dự báo khí tượng của thế giới và Việt Nam đang theo dõi sát sao đường đi của cơn bão Yagi. Một cơn bão được cho là một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử các cơn bão trên thế giới. Nó đang thẳng tiến vào nước ta.

Ngoài trời, mùa thu vẫn đang rất trong trẻo. Không có vẻ gì là bão đang sắp đến. Tin về cơn bão số 3 đang chiếm spotlight trong mối quan tâm của rất nhiều người.
Chỉ có chiếc đèn này mới chịu được sự khắc nhiệt của bão - gọi là Đèn Bão

Đang giờ làm việc, ông bạn mình trầm ngâm nhìn bầu trời rồi nói “Biết là khắc nghiệt, nhưng thật sự tôi rất tò mò xem bão thực sự nó như thế nào!”. Quê bạn ở nơi bão ít vào, mà có vào tới nơi thì cũng chỉ gọi là thôi.

Trong ký ức của bọn trẻ con miền biển chúng tôi, khi nghe đài báo có bão thì vừa sợ vừa tò mò chờ đợi.

Bắt đầu bằng những tiếng gầm gừ vọng về từ biển. Tiếng sóng của biển động vượt qua những cánh đồng trống huơ thẳng cánh cò bay. Những năm đó không có nhà bê tông cao tầng để chặn đường những âm thanh đó. Nhà tôi cách biển 6 – 7 cây số mà vẫn nghe rõ mồn một.

Tất cả chiếc đài chạy bằng pin trong làng đều tắt hết các chương trình khác. Mọi người ưu tiên chỉ để nghe bản tin dự báo thời tiết. Bắt đầu từ bản tin “Cơn bão xa” rồi đến “Cơn bão gần” và khi bản tin “Cơn bão khẩn cấp” được phát 15 phút một lần thì mọi hoạt động sản xuất thường ngày sẽ dừng lại. Cả làng tập trung vào công tác phòng chống bão.

Rồi gió cũng đến. Thanh niên trai tráng trong làng bắt đầu cuộc đua gặt lúa chạy bão. Hòm hòm việc đồng áng thì mới đến gia cố nhà cửa. Cả làng tôi lúc đó có nhiều nhà mái rạ. Những ngôi nhà lúp xúp ở miền biển để tiện cho việc tránh bão. Những chiếc lưới đay khổng lồ đan mắt cáo được giăng ra trùm lên mái nhà. Bốn góc có bốn chiếc chão thừng được cột vào cọc tre già đóng sâu xuống nền đất. Tất cả các cửa sổ, cửa ra vào đều được cột thật chặt bằng nhiều lớp sợi đay già. Đàn bà hối hả xem thóc gạo, lạc vừng đã đủ cho cả nhà mấy ngày hay chưa. Thông thường tất cả sẽ sẵn sàng trước khi bão đến.

Chiếc cửa cuối cùng sẽ được cột chặt lại. Trong thời gian cao điểm bão gió hoành hành. Tất cả sẽ ngồi yên trong nhà. Ngay cả khi cơn bão ngừng lại để đổi hướng gió. Không có việc gì cần kíp thì cũng không có ai muốn ra bên ngoài. Bởi cuồng phong sẽ nổi lên bất kỳ lúc nào mà không có gì báo trước. Lúc đó cánh cửa nào trót mở ra thì sẽ phải chịu hậu quả là không thể đóng lại được. Gió thốc qua cửa ấy rất có thể sẽ bốc tung cả cái mái nhà dù được chằng buộc rất kỹ càng. Đó là bão. Và thời gian ngồi chờ bão đi qua như dài vô tận, nhất là khi bão đổ bộ vào ban đêm.

Năm nào bố tôi cũng mua bản đồ Việt Nam. Ông dạy tôi cách xem đường đi của bão sau khi nghe bản tin dự báo trên Đài tiếng nói Việt Nam. Khi đó, còn nhỏ xíu, bọn trẻ con chúng tôi đã biết đâu là kinh độ đâu là vĩ độ. Để vạch những đường bút chì theo dõi dự báo hướng đi của cơn bão. Thậm chí, đã biết nếu bão ở vĩ độ này, kinh độ này thì nó chắc chắn sẽ vào bờ biển khu mình.

Nỗi lo bão gió là của người lớn. Còn bọn trẻ con lúc đó, săn đường đi của bão trên bản đồ như là một trò chơi ú tim.

Bố tôi làm cán bộ huyện. Không có cơn bão nào ông được ở nhà. Lúc đó, bão đến là cán bộ phải đi hộ đê. Đi giúp dân ở sát biển chống bão. Ở nhà chỉ còn 3 mẹ con. Một mình mẹ tôi loay hoay cột cửa cột nhà. Lùa lợn gà vào chuồng. Hò hét 2 thằng con nghịch như giặc đang tranh nhau săn đường đi của bão trên bản đồ chẳng lo lắng gì về bão gió. Khi bão làm cái mái ngói kêu roàn roạt sau mỗi cơn gió thốc thì mẹ bảo chúng tôi trú xuống gầm sập. Sập là chiếc phản có 2 miếng gỗ được kê trên bốn cái chân liễng chắc chắn. Có lẽ khi đó, mẹ cho rằng đó là nơi an toàn nhất nếu chẳng may cái nhà xây tường đơn bị bão quật đổ.

Sau bão là đói. Đê điều bị sóng đánh vỡ tan nát. Ruộng đồng nước ngập mênh mông, mùa màng thất thu. Người lớn sau một cơn bão, mặt buồn rười rượi. Bao nhiêu thành quả trồng cấy trong năm đã đi tong. Dọn dẹp hết hậu quả của một cơn bão để cuộc sống trở lại bình thường phải mất hàng tuần. Chỉ có trẻ con là sung sướng, hò nhau luồn từ vườn nhà nọ sang vườn nhà kia để nhặt chiến lợi phẩm trái cây bị gió bứt xuống vứt khắp nơi trong vườn.

May mắn sao, làng tôi nhiều chục năm không có ai thiệt mạng vì bão. Có vẻ kinh nghiệm chống chọi với bão biển được ông cha truyền lại từ đời này sang đời khác đã giúp chúng tôi thoát nạn.

Mấy nay truyền thông đưa tin, 10 năm qua, không có cơn bão nào đáng kể đổ bộ vào miền Bắc. 20 năm qua, không có cơn bão nào mạnh như cơn bão Yagi này.

Lo phết.




15 tháng 8, 2024

Ăn xôi mít

Mãi rồi cây mít na cũng cho quả chín. Hằng tuần bố mẹ cập nhật thông tin trưởng thành cuả mấy quả mít qua zalo nhóm gia đình. Sau trận mưa tháng 7, một quả bị rẽ. Tưởng là nó không đợi được đến ngày đủ năng lượng để chín. 

Đây là xôi với mít na bố mẹ gửi

Tuần rồi, hai cụ U80 sau khi hì hục tìm cách đưa được mấy quả mít tròn căng từ trên cây xuống, mẹ vác đi gửi xe ghép đi Hà Nội cho bọn mình. Xong xuôi mới gọi điện báo. 


Thế là sáng sớm hôm sau, giữa nhà có hẳn 3 quả mít tròn xoe căng mọng, toả hương ngào ngạt. Quả mít rẽ phải giết ngay vì có dấu hiệu bị hỏng một phần. Trước khi đi làm, hai vợ chồng xoay xở giết mít rất rộn ràng. 


Cái giống mít na nhiều múi. Vỏ mỏng, xơ ít, cơm mít dày, hột nhỏ. Phải bỏ một phần mà vẫn đầy mấy hộp cơm mít. 


Hạt mít mình để sẵn vào một hộp khác. Ý định của mình với đám hạt này là cuối tuần sẽ gửi cho mọi người để làm giống. (Có cả một danh sách sau cái tút khoe 3 quả mít na ở vườn). Tuy nhiên, vội đi làm nên không dặn. Đến tối về, thấy trên bàn có một đĩa hạt mít rất ngay ngắn. Hoá ra, quần chúng tích cực đã cho hết đám giống mít quý giá vào nồi luộc lên đánh chén. Lại còn khen ngon rối rít.


Mít được sử dụng là một loại hoa quả bổ sung vitamine. Không giống như chuối, nhiều người dạ dày yếu phải ăn lúc no, hoặc không ăn được, thì mít rất lành. Ăn lúc nào cũng ok. Mít còn được coi là nguồn thực phẩm cho tương lai, đặc biệt đối với những tín đồ ăn chay. Mít có cấu trúc giống thịt lợn xé, trong thực phẩm chay, mình thích ăn nhất khi mít được chế biến để thay thế cho các món kho. Tuy nhiên, lượng protein trong mít khá thấp. Bỏ qua các hạn chế về protein, mít mang lại nhiều lợi ích dinh dưỡng tương tự như các loại trái cây khác, tạo ra sự bổ sung xứng đáng vào chế độ ăn uống nến pha trộn hợp lý hương vị và kết cấu của nó.


Một quả mít na, vừa cho vừa ăn vẫn còn rất nhiều. Phải nghĩ ra nhiều cách để đám mít kia không nhàm chán. Hết mít sữa chua đến mít kombucha đến mít trộn phô mai… 


Ăn mít với xôi là một sở thích kết hợp rất thú vị. Mít sẽ là chất dẫn. Xôi (có thể kèm với thịt xay xào săn) là thành phần phối hợp. Món này, mình có thể ăn no căng, mặc kệ lượng tinh bột có hơi quá hơn mọi ngày.


Cứ nhồi xôi (kèm thịt) vào nửa múi mít. Kể cả có phồng mồm để đút trọn múi xôi mít vào miệng cũng xứng đáng.


Sáng nay, cả nhà có một nồi xôi nếp thơm lừng để làm món xôi mít. 

 


 

 

 

 

 

7 tháng 8, 2024

Về nơi các linh hồn đế vương dạo chơi hằng đêm

 Năm 1997, lần đầu tiên tới Đà Nẵng. Một cuối tuần trong đợt công tác, các anh chị ở văn phòng báo Tiền Phong và báo Nhi Đồng hồi đó còn đóng chung ở 426 Ông Ích Khiêm (Đà Nẵng), rủ thằng em đi thánh địa Mỹ Sơn. Lúc đó, khu này ra vào tự do.

Trong trí nhớ, để vào được khu tháp phải đi bộ qua đường mòn, băng qua vài con suối. Vào giữa thung lũng, trên nền ngọn núi thiêng Răng Mèo là sừng sững những ngôi tháp rêu phong, có những mảng tường gạch trần đỏ ối. Tượng đá, linga, yoni còn thấy ở khắp nơi. Hầu như trong thung lũng không có cây cối, chỉ có cỏ dại lúp xúp. Năm đó, mùa đông đến sớm, ở Mỹ Sơn cũng mát mẻ. Buổi trưa, dưới chân một ngọn tháp lớn, anh chị em trải chiếu, bỏ đồ chuẩn bị từ nhà ra nhậu tưng bừng. Khi liêng biêng còn chui cả vào trong lòng tháp tranh thủ chợp mắt được giấc trưa.

Sau gần 30 năm mới quay trở lại, khu thánh địa được đầu tư xây dựng và tôn tạo đã thay đổi rất nhiều. Các khu tháp được gia cố, trùng tu. Cây được trồng khắp nơi. Còn đường dẫn vào các khu tháp được đổ bê tông nằm dưới tán cây rừng tránh được cái nắng tháng 8 của miền Trung.

Từ năm 1999, Thánh Địa Mỹ Sơn được UNESCO Di sản văn hóa thế giới. Mỹ Sơn là khu di tích duy nhất của nghệ thuật Chăm bao gồm tổng thể kiến trúc phong phú và đa dạng của nghệ thuật Chăm có niên đại liên tục trong nhiều thế kỷ. Theo các tài liệu lịch sử, Mỹ Sơn từng là thánh đô, là trung tâm tôn giáo quan trọng và tiêu biểu nhất của vương quốc Champa từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIV.

Các đền tháp ở Mỹ Sơn là những công trình kiến trúc chính thống của quốc gia và đều do các đời vua trị vì xây dựng, vì vậy có thể nói rằng các đền tháp này là tập trung thể hiện những gì tiêu biểu nhất, tinh hoa nhất điển hình cho nền kiến trúc nghệ thuật đương thời với những dạng thể kiến trúc độc đáo, nghệ thuật chạm khắc trên gạch và đá hết sức ấn tượng, tinh xảo, cách sử dụng vật liệu và kỹ thuật xây dựng đặc biệt. Nơi đây, 70 công trình đền tháp kết tinh giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của nền văn minh Chămpa, được đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á như Borobudur (Indonesia), Pagan (Myanmar), Angkor Wat (Campuchia), là kết tinh của những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được tạo lập trong suốt chiều dài 11 thế kỷ (từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIV). Bị chiến tranh tàn phá, đến năm 1975, Mỹ Sơn chỉ còn lại 32 công trình, trong đó khoảng 20 công trình còn giữ được dáng vẻ ban đầu.

Nếu muốn chiêm ngưỡng kỹ càng từng góc, từng chi tiết của các công trình còn lại ở Thánh địa Mỹ Sơn thời gian có thời tiết lý tưởng nhất là từ tháng 11 đến tháng 4. Còn tới đây vào mùa hè, cái nóng như nung của Duy Xuyên, sẽ làm giảm đi rất nhiều cảm xúc.

Một điều lấy làm tiếc, khu di sản đặc biệt này ngoài hoạt động tham quan vào ban ngày với không gian tháp cổ, bảo tàng hiện vật - hình ảnh khá hạn chế và một nhóm nhạc công và vũ công biểu diễn điệu múa trong trang phục dân tộc Chăm, thì không còn hoạt động nào khác. Không có dịch vụ lưu trú, không có sự lựa chọn về dịch vụ ăn uống ngoài nhà hàng duy nhất tên Chăm ở ngay cổng vào, giáp với bãi để xe. Cũng may là đầu bếp của Chăm làm món khá ổn.

Khi màn đêm buông xuống, cả thung lũng lại chìm vào không gian như hàng nghìn năm trước với bóng tối và cuộc dạo chơi của những linh hồn đế vương.







 


 

28 tháng 7, 2024

Chả nuôi thú cưng thì là nuôi gì 😂

Cứ gần 3 tuần, tương đương thời gian ba lần thu hoạch, thì phải lôi con Scooby ra… tắm.

Nói tắm là tắm đúng nghĩa. Sửa soạn sẵn sàng chậu tắm khử trùng, nước lọc đun sôi để nguội. Nước một là phải kỳ cọ thật sạch sẽ từng ngõ ngách thân thể con scooby. Sau đó tráng lại lần hai. 

Khi này con Scooby đã sạch bong kin kít để chuẩn bị cho chu kỳ lên men tiếp theo. 

Theo chuyên gia nuôi #Kombucha lâu năm Trần Lệ Thủy, tắm cho con men sau ba lần nuôi có tác dụng làm cho cái men khoẻ mạnh, phấn khởi. Nó sẽ tạo ra mật độ cao các bio lợi khuẩn trong sản phẩm kombucha.

Trong quá trình nuôi, chăm sóc spa cho con men kombucha, phải thật lưu ý đến việc vệ sinh. Chỉ cần sơ suất làm con men nhiễm khuẩn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đồ uống.

Nhớ là, nếu con men có dấu hiệu nhiễm khuẩn thì nên bỏ. Nhận biết bằng mắt thường, một con men kombucha khoẻ mạnh sẽ có màu trắng ngà đồng nhất, mượt mịn, liên kết dai chắc.

Nuôi con SCOBY

Ban đầu nghe tên mình nhầm nó với nhân vật hoạt hình nổi tiếng Scooby-doo, thu hút nhiều thế hệ thiếu nhi trên toàn thế giới. 

Sau đó thì biết nó là con “SCOBY” có tên khai sinh Symbiotic Colony of Bacteria and Yeast - viết tắt là SCOBY. Nó là một dạng vi khuẩn và nấm men để tạo thành món giải khát lợi khuẩn nổi tiếng khi cho nó ăn nước trà: Kombucha.

Kombucha được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nhật Bản. Loại trà này được tạo ra bằng bổ sung các chủng vi khuẩn đặc biệt, nấm men và đường vào trà đen hoặc xanh, sau đó trà được ủ, những chủng vi sinh vật này sẽ lên men trà trong một tuần hoặc lâu hơn.

Trong quá trình này, vi khuẩn và nấm men tạo thành một lớp màng bao bọc nhìn giống như nấm trên bề mặt của trà. Đây là lý do tại sao kombucha còn được gọi là "trà nấm".






23 tháng 7, 2024

À, thế thì hay đấy

Mỗi tuần một lần cả nhà lại chuẩn bị thu hoạch và chuẩn bị nguyên liệu cho mẻ kombucha mới. Trước đây, nghĩ nuôi con này chắc khó và cũng không tin tưởng lắm về độ… thơm ngon như người ta mô tả.

Gần đây, một lần lên anh chị ba chơi, bà chị dâu khoe “dàn” thú cưng kombucha lạ mắt. Con nào còn nấy cứ như cái bánh giò núng nính, lập lờ trong lọ thủy tinh màu hổ phách. 

Kombucha nguyên bản
Bà chị rót một ly bảo chú cứ thử đi. Và lần đầu tiên mình vượt qua nỗi e dè để nếm thử cái thứ nước lạ thỉnh thoảng thấy bày bán ở hội chợ. Nước có vị chua, thơm ngọt, thoang thoảng mùi trà và mùi men, phơn phớt mùi dấm. Sau khi nuốt trôi qua cổ họng, vòm miệng có chút râm ran từ khí ga do con kumbucha trong quá trình chuyển hóa trà tạo ra.

Hôm đó, cả buổi là những chia sẻ về “cái con lập lờ” này. Trong đó, thông tin chú ý nhất là bà chị dâu bị táo bón kinh niên. Thuốc thang đông tây y kết hợp với cúng đủ cả mà vẫn không cải thiện. Thế nhưng sau thời gian sử dụng sản phẩm kombucha nhà làm. Đầu ra đầu vào trở nên suôn sẻ như chưa hề có sự tắc tị nào trước đó.

À, thế thì hay đấy. 

Khi ra về, lủng lẳng ở xe máy là một con giống kombucha khỏe mạnh và một ít nước kombucha đã ngấu. Không những cho con giống, bà chị còn cẩn thận cho một chiếc thìa gỗ và một hộp trà đen xịn sò mà ông anh vừa vác từ về chuyến công tác ở Tây Nam Á. 

Ngay hôm sau, ở góc bếp của mẹ bổi có một bình thủy tinh để làm nhà mới cho “cái con lập lờ”. 

Tác dụng chưa biết thế nào, nhưng hiệu quả nhìn thấy là bọn trẻ thường không uống những thứ ngâm ủ. Nhưng riêng cái thứ nước kombucha thì chúng đều nhất trí uống nhiệt tình với khẩu hiệu “Vì một hệ tiêu hóa khỏe mạnh”.

Bây giờ, bên cạnh bình trà kombucha dành cho đối tượng thích ăn ít, giảm mỡ thì có thêm một bình Koffucha (nuôi bằng cà phê) cho coffeeholic.

Mô hình nuôi thú cưng “cái con lập lờ” hiện đã nhân rộng ra với các điển hình tiên tiến như Huê Nghiêm, Toan Toan. Thành công có, đang chờ thành công có. Nhưng trên hết là vui.


Nuôi kombucha không khó

Ban đầu thì cần có một con giống kombucha khỏe. 

Dụng cụ

Bình thủy tinh hoặc bình nhựa thực phẩm. Tùy vào nhu cầu để lựa chọn bình. Nên chọn loại bình từ 3 – 5 lít thì sẽ có đủ cho 3-4 người uống cả tuần.

Nguyên liệu

Đường nâu hoặc đường thốt nốt. Theo kinh nghiệm thì nuôi bằng đường thốt nốt sẽ cho sản phẩm có vị ngon và thơm nhất.

Trà (trà đen – hồng trà – lục trà)

Cà phê – chọn loại chất lượng tốt thì koffucha sẽ ngon.

Cách pha

Cứ 50g đường thì pha với 1 lít trà đen hoặc cà phê. 

Trà pha tỷ lệ 1 gói trà nhúng pha với nửa lít nước; Cà phê thì 60g cà phê pha với 1 lít nước.

Sau khi hòa tan đường với dung dịch trà hoặc cà phê thì để nguội hoàn toàn rồi đổ vào bình có con kombucha và một chút nước kombucha cũ. 

Bọc miệng bình bằng khăn xô màn của trẻ em hoặc giấy ăn. Để ở nhiệt độ phòng từ 5 -7 ngày thì thu hoạch được. Trữ sản phẩm thu hoạch trong tủ lạnh uống dần.

Cách dùng

Có thể uống nguyên chất với đá hoặc mix với tất cả các loại nước hoa quả hoặc soda.

Cách nhận biết con kombucha sinh trưởng tốt là sau 2 ngày, trên bề mặt bình sẽ xuất hiện con men. Bọt CO2 do vi khuẩn và men sinh ra. Con kombucha non bắt đầu nổi có màu sắc trắng trong như thạch. Nếu màu có màu bất thường hoặc nghi ngờ nấm mốc thì có thể bị hỏng.

Lưu ý: Không sử dụng các dụng cụ kim loại. Trong quá trình chuẩn bị, chỉ dùng thìa thìa gỗ hoặc nhựa, thố nhựa, sứ, thủy tinh để đựng dung dịch. 

Kombucha mix nước me

Koffucha đang lên men



8 tháng 7, 2024

Apple crisp - Bánh táo giòn

 Năm nay toàn được thưởng thức các món ngoại nhập. 

Mở màn Tết thì Măng Tây mang món Reclette từ Pháp về. Ăn xong béo lên mấy ký. Nhưng nghĩ đến vẫn còn thèm mà chưa biết khi nào mới được ăn lại 😊

Tuần trước Khoai Thành Huy Lê nấu món Cà Ri nguyên liệu mang từ Séc mang xuống tặng cô chú một hộp.  Tối qua còn hẹn con đi Thái mấy hôm về sẽ nấu mời cô chú một nồi nữa.

Mai Ngô là bạn học cấp 1 của Tép Linhh Chi đang học ở Úc về chơi. Hôm nay Mai qua nhà chơi với Tép và “chỉ để làm món bánh Apple crisp cho cô chú ăn” bằng nguyên liệu chuẩn bị từ Sydney. Công nhận đây là một món bánh ngon lần đầu tiên được thưởng thức. Bánh này chưa thấy có review bằng tiếng Việt. Trong tiếng Anh được dịch ra như sau:

Apple crisp

Táo giòn là một món tráng miệng được làm bằng streusel topping. Ở Mỹ, nó còn được gọi là apple crumble, một từ dùng để chỉ một món tráng miệng khác ở Anh, Canada, Úc và New Zealand. Thành phần thường bao gồm táo nấu chín, bơ, đường, bột mì, quế, và thường là yến mạch và đường nâu, gừng và/hoặc hạt nhục đậu khấu.

Khi ăn, rưới thêm một chút mật ong và vài giọt kem tươi. Công nhận rất cuốn ❤️







Buffet hải sản bình dân ở Đồ Sơn

Trong chuỗi dịch vụ ẩm thực du lịch ở Đồ Sơn, TomKang Buffet Hải Sản nằm gần như tách biệt với khu nhà hàng chen chúc sầm uất ở khu 2 Đồ Sơn. 

Trên lưng chừng một quả đồi ở khu 3, một ngôi biệt thự cũ được dẫn lối bậc thang trải đầy bông sứ rụng. Có một khoảng sân view vịnh biển. Đến đây vào lúc nhập nhoạng tối thì trông rất liêu trai.

Quán theo phong cách tự phục vụ, phù hợp với nhóm bạn hoặc gia đình muốn có một không gian bình dân. Mặc dù bày biện chưa chuyên nghiệp nhưng bù lại đầu bếp làm món khá ngon. Gia vị, hương vị vừa vặn.

Hải sản chủ yếu là tôm, cua, ghẹ, bề bề, cá, mực, ngao, chem chép, hàu, ốc mút… đang bơi. Khách ưng con nào thì vớt con nấy để ăn lẩu rau. 

Các món chế biến rang muối, rang me, sò - ngao nướng mỡ hành, thịt bò nướng ướp mềm, ăn được. 

Với mức giá 325k ngày thường và 350k ngày lễ và cuối tuần, chưa có đồ uống, mà ăn tẹt ga đến khi không ăn được nữa, thì cũng ok.

Rất mong nhà hàng đầu tư bố trí khu vực bày đồ ăn chín chỉn chu, chuyên nghiệp hơn. Điểm cộng là nhà vệ sinh sạch sẽ. 

Ăn xong, đi dạo hóng mát dọc bờ biển nghe sóng vỗ ì oạp vào bờ kè cũng chill phết. 

So với các quán được cánh lái taxi, xe điện giới thiệu với du khách thì Tomkang không được ưu tiên. Đa số xui khách xuống các hàng quán ở khu 2. Cho nên, nếu định thử món ở quán này thì rất nên kiên định đích đến 👍😊







Chợ cóc ở tập thể Trung Tự

 Chuyển khỏi khu Trung Tự gần 15 năm nhưng cuối tuần vẫn phải vượt qua trùng điệp đèn xanh đèn đỏ chở bà Thạch Hương về cái chợ cóc uy tín họp ngay sau trường mầm non Trung Tự để mua đồ.

Ngày xưa khu này được coi là có mức sống khá khẩm khi các gia đình được phân nhà ở đây đều là cán bộ cốp. Do đó, một cách tự nhiên, các chị hàng mang đồ đến đây bán cũng rất chăm chút cho các mặt hàng của mình, đẹp về hình thức, chất lượng thì theo phương châm “cá cả lợn lớn”.  

Sau này, khi cuộc sống hối hả hơn, các sạp hàng lại càng chú ý đến việc chăm sóc khách hàng. Qua đây mua từ mớ rau cũng đều ưng vì đã được nhặt sẵn, sạch sẽ. Đồ tươi sống đều được bóp muối rửa nước đóng gói… Đồ ninh hầm hay xào lăn đều được ướp gia vị về chỉ việc “nổi lửa lên em” là có món thơm ngon xơi luôn.

Ở Hà Nội có nhiều hàng thịt quay được review nhưng ngay chợ cóc này, có hàng thịt quay chẳng viu viếc gì sất nhưng không kém cạnh. Với nhà này, chất lượng của nó được chứng nhận bằng hai cái miệng hảo thịt quay của Tôm và Tép từ ngày mới biết ăn cơm 😂 

Sáng nay, ghé đây để có một nồi giả cầy cho bữa trưa. Trong lúc chờ bà xã lượn như trực thăng khắp chợ thì mình đứng ngắm nghía các sạp hàng hối hả sắp đơn hàng cho khách. 

Cuộc sống ở đâu thay đổi chóng mặt chứ lạc vào cái chợ cóc này, cảm giác vẫn y như mấy chục năm trước. Thân tình và gần gũi 💚

Mới đây, Hà Nội dự định quy hoạch lại khu tập thể này. Những khu nhà lắp ghép thấp tầng sẽ thay bằng các toà nhà cao tầng hiện đại. Lúc đó, có thể cái chợ cóc này sẽ không còn chỗ để họp nữa. Chợ cóc Trung Tự sẽ chỉ còn lại trong ký ức của cư dân.

Xong nhiệm vụ tài xế lại ngồi ban công nhẩn nha pha cà phê nhâm nhi buổi sáng thứ bảy đẹp giời 💚





Cầu kỳ món tiết luộc

 Đừng tưởng món tiết luộc này thích làm kiểu gì cũng được nhé. 

Một món ăn đơn giản, bổ sung nhiều vi chất cho nam phụ lão ấu bấy nay hay ăn nhưng chưa chắc có mấy người biết làm sao để món ăn này trở nên khác biệt.

Đầu tiên phải là bí quyết pha tiết. Tiết mua về phải pha thêm nước lọc. Nhưng pha tỷ lệ bao nhiêu để miếng tiết luộc xong rồi không bị nhạt hoặc bị mặn? Khi chế biến ta không thể nếm được. Vậy thì công thức chuẩn sẽ là cứ 1 tiết thì thêm 1,5 nước lọc.

Mọi người thích cho rau thơm, hành băm nhỏ vào tiết trước khi nó đông lại. Cách này sẽ làm miếng tiết luộc khi ăn sẽ bị nhộn nhạo. Ta sẽ không cảm thấy cái mượt mà, mềm mịn, dai ngậy của miếng tiết khi nó nằm trong khoang miệng. Mặt khác khi cho trực tiếp rau thơm như thế nó khác nào miếng dồi không được bao gói!

Món ngon, kể cả món đơn giản nhất cũng cần một chút cầu kỳ.  Để miếng tiết luộc ngon thoát tục, trước khi làm đông cần chuẩn bị sẵn: hoa húng chó, hành tím, vài nhánh tỏi, một ánh gừng, một miếng quế chi, một cánh hoa hồi, lá hành xanh xắt nhỏ. Tất cả cho vào cối giã mịn, lọc lấy nước rồi hoà chung với đám tiết màu mận chín tươi rói kia.

Chỉ sau vài phút, cái đám lõng bõng kia sẽ đông mịn như nhung. Chỉ cần lấy dao mỏng khía thành từng miếng vuông vắn rồi nhẹ nhàng trút vào cái nồi nước đang sôi lăn tăn. Đợi cho đến khi những miếng tiết chuyển màu nâu tây và nổi lên là món ăn đã chín tới. Nhớ đừng đun quá lửa. Tiết bị rỗ, xác. Mất ngon.

Vớt ra bát rắc lên một chút hành ngò, một chút tiêu xay. Việc còn lại là nhâm nhi với nó một chút rượu nếp cái hoa vàng. 

Đây là món và cách chế biến của bác cả ở làng Đình Bảng chiều mấy đứa em thích ăn tiết luộc. Mỗi lần muốn ăn lại gọi điện oder “Nay em về, bác lại làm cho em cái món “tâm huyết” ấy nhá ❤️

PS: Sau khi chia sẻ cách làm món tiết luộc gia truyền, một người bạn từng mở hàng bán món này mách thêm: Khi nước lăn tăn sôi thì thả nhẹ tiết vào, đun nhỏ lửa. Đợi vài phút cho tiết săn và sủi bọt. Đổ nước đi và thay nước lạnh vài lần. Cho nước mới vào (nước xương hầm là ngon nhất) để vài phút sắn thử thấy đỏ sậm bên trong và chín xung quanh thành ngoài là đươc. Tắt lửa, đậy vung để tiết tự chín (sẽ mềm hơn). Rắc hạt tiêu, hành chẻ và hành phi lên trên, ăn nóng!



6 tháng 4, 2024

Nam Định có nhà thờ Khoái Đồng

Từ lâu, nhà thờ Khoái Đồng trở thành biểu tượng của thành phố Nam Định. Tuy nhiên, phải đến năm 2008, nhà thờ này mới trở lại đúng nghĩa là ngôi giáo đường sau khi được Nhà nước bàn giao lại cho giáo phận Bùi Chu.

Giáo xứ Khoái Đồng được thành lập năm 1875. Nhà thờ Khoái Đồng là một thánh đường Công giáo phong cách Romanesque, được xây dựng bởi các cha dòng Đa Minh Tây Ban Nha và hoàn thành năm 1941. Kiến trúc của nhà thời Khoái Đồng cùng với phong cách kiến trúc nhà thờ Cửa Bắc (Hà Nội), nhà thờ chính tòa Sơn Lộc (Sơn Tây) và nhà thờ giáo xứ Tôn Đạo (Kim Sơn, Ninh Bình). Sau này, một số giáo xứ lấy nguyên mẫu nhà thờ Khoái Đồng để xây dựng nhưng các phiển bản đều chưa đạt được mức hoàn mỹ như bản gốc.

Đầu thế kỷ 20, nơi đây, trên diện tích hơn 5 héc ta, từng là một trung tâm đào tạo của công giáo với quần thể kiến trúc tại do Dòng Đa Minh Tây Ban Nha quy hoạch và xây dựng. Gồm có Nhà thờ Khoái Đồng, Giáo hoàng Chủng viện Thánh Albertô Cả (nay là trường tiểu học Nguyễn Văn Cừ), Trường Sư phạm Thánh Tôma (nay là trường Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến), và một số khu phố xung quanh. 

Xin được nói qua về Giáo hoàng Chủng viện Thánh Albertô Cả.

Đây là Học viện của Dòng Đa Minh do các giám mục và linh mục Tây Ban Nha thành lập năm 1916, được Tòa Thánh nâng lên Giáo hoàng Chủng viện năm 1930. Đây là một chủng viện liên giáo phận, từ niên khóa 1930–31 đào tạo linh mục cho toàn miền Đông Đàng Ngoài, gồm các địa phận dòng là Bùi Chu, Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh, và Lạng Sơn. Sau 1954, Giáo hoàng Chủng viện di dời vào Nam

Trước khi được trao lại cho giáo phận, nhà thờ Khoái Đồng được trưng dụng vào nhiều mục đích: Rạp chiếu phim, nơi tập thể thao, làm xí nghiệp dệt may. Trong chiến tranh chống Mỹ, năm 1966, trong trận oanh tạc của máy bay Mỹ, cùng với thiệt hại của thành phố Nam Định, nhà thờ Khoái Đồng bị ảnh hưởng nặng nề. Rất may mắn, ngôi thánh đường vẫn còn nguyên vẹn. Trong thời gian bị trưng dụng vào các mục đích phi tôn giáo, những người sử dụng cảm nhận được sự tôn nghiêm của gian cung thánh nên đã xây một bức tường ngăn cách khu vực này với phần hội trường. Do đó, phần ảnh tượng, chạm khắc vẫn được gìn gìn hầu như nguyên vẹn.

Sau khi nhận bàn giao, nhà thờ Khoái Đồng được trùng tu trên cơ sở giữ nguyên kiến trúc cũ và được mang tước hiệu Thánh đường Nữ vương các thánh tử vì đạo. Lễ khánh thành và cung hiến được cử hành vào ngày 27/12/2014.

Trên mạng và một số tờ báo có dẫn thông tin nhà thờ Khoái Đồng là một trong 2 nhà thờ của Việt Nam thờ thánh Nicolais một vị thánh mà theo truyền thuyết của Thiên Chúa giáo chính là ông già Noel, theo Linh mục Đinh Khắc Vịnh, người coi sóc giáo xứ Khoái Đồng là hoàn toàn không chính xác.

Liên quan đến số phận của nhà thờ Khoái Đồng còn có nhiều thông tin thú vị. Nếu có dịp ghé qua thành Nam, các hãy dành thời gian ghé thăm để tìm hiểu về ngôi thánh đường này. Địa chỉ 127 Lê Hồng Phong, cạnh bờ hồ Vị Xuyên, thành phố Nam Định.




4 tháng 4, 2024

Nuôi chim trời

 


Nuôi chim trời

Chim cu gáy là biểu tượng của cuộc sống nông thôn ở ngôi làng có luỹ tre già nằm bên cánh đồng lúa. Hằng ngày bọn nó xuống đồng ăn no sẽ cất tiếng gáy mượt mà vào mỗi buổi trưa.

Thế nhưng có một gia đình cu gáy chọn hàng cây ngăn giữa khu chung cư cao tầng và làng Quan Nhân để làm nơi cư trú. Một lựa chọn rất không liên quan đến đời sống của cu gáy - loài chim nhát người bậc nhất.

Mỗi ngày chúng hay bay lên bậu cửa sổ nhà tha thẩn tìm cái ăn. Lúc cao hứng chúng cất tiếng gáy lóng tư với nhịp khoan thai “Cục cúc cu cu cu cu” 💚

Chả có phải là chúng uý lạo cho mình vì cái công mua đỗ và phải sắm một cái ống dài, vài ngày một lần thò ra ngoài cửa sổ để bỏ đồ ăn cho chúng. Được nghe chúng gáy lại thấy nhớ cái làng Đông Cường của mình ngày xưa.

Mọi khi chỉ thấy có một đôi. Sáng nay, thấy nó dẫn thêm một con cu gáy trẻ. Có lẽ gia đình này đã có thêm một thành viên. 

Tiếng cu gáy ở nơi không thấy cánh đồng dù hơi lạc lõng, nhưng được nghe chim trời cúc cu giữa những khối bê tông cũng rất thú vị ❤️

5 tháng 3, 2024

Đến Dinh vua Mèo 🥰

Trên mạng mấy nay viral trào lưu check in ở cao nguyên đá Hà Giang. Chỗ nào cũng đẹp, mỗi tội đông người quá. 

Vậy nên, thấy mình thật may mắn khi chọn thời điểm đến thung lũng Sà Phìn vào ngày áp Tết. Lúc này, mọi hoạt động thường ngày dừng lại nhường chỗ cho sự tĩnh lặng bí ẩn. Chỉ còn nghe thấy tiếng gió vi vu luồn qua kẽ lá của rặng sa mộc già. Trong dinh vua Mèo, khi luồn qua những bậc cửa thiếu sáng, bước chân của mình cũng trở nên cẩn trọng. Chỉ sợ làm kinh động đến những linh hồn còn lẩn khuất sau những bức vách gỗ thâm u. Không gian tĩnh lặng đến nỗi nghe thấy cả tiếng vặn mình của căn nhà gỗ trăm năm tuổi và cảm nhận hơi lạnh phả ra từ những bức tường đá ngàn năm. Nó cho ta có khoảng riêng để hình dung về cuộc sống đã từng sôi động và vương giả ở nơi này.

Dinh thự Vua Mèo hay còn được biết đến với cái tên Dinh thự họ Vương, tọa lạc tại thung lũng Sà Phìn, xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cách trung tâm thành phố khoảng 125km và cách cao nguyên đá Đồng Văn nổi tiếng chỉ 15km. Căn nhà cổ này gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của 2 cha con người Mông là Vua Mèo Vương Chính Đức và Vương Chí Sình (hay Vương Chí Thành). Ông Vương Chính Đức (1886 - 1962) là người đứng đầu chế độ thổ ty phong kiến miền núi của dân tộc Mông nên còn được gọi với cái tên đầy quyền lực là Vua Mèo.










26 tháng 2, 2024

Về nơi có biểu tượng của biến đổi khí hậu


 

Đây là bãi biển phía Bắc nhà thờ đổ Hải Lý, Hải Hậu, Nam Định, là một trong hai bãi thuyền của ngư dân thôn Xương Điền, nơi có ngôi nhà thờ đổ nổi tiếng được gọi dân dã với cái tên Nhà Thờ Đổ. 

Mỗi khi về đây, ngoài điều thú vị được ngắm nghía chứng tích khắc nghiệt của sự biến đổi khí hậu là ngôi nhà thờ đổ trên bãi biển, du khách còn được trải nghiệm hoạt động đánh bắt hải sản truyền thống của ngư dân nơi đây.

Thôn Xương Điền có hơn 70% hộ sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản. Mỗi gia đình ngư dân đầu tư cơ bản một chiếc thuyền máy với giá khoảng 60 triệu đồng. Nếu cùng lúc muốn đánh bắt được nhiều loại hải sản thì đầu tư thêm ngư lưới cụ, tổng chi phí khoảng hơn 100 triệu đồng. Mỗi thuyền có một ngư dân. Hằng ngày chuyến biển bắt đầu lúc Đài nói (4h45 phút sáng) và về bờ lúc 10h30 – 11h trưa. Chồng đi biển, vợ trong bờ chờ thuyền về đón lưới gỡ tôm cá.  Xưa kia hoạt động đánh bắt chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng. Nay, khách về thăm nhà thờ đổ gia tăng, hải sản được bán tại chỗ cho khách tham quan nhà thờ đổ và các nhà hàng phục vụ khách du lịch. 

Nhờ hoạt động đánh bắt hải sản và du lịch, người dân làng Xương Điền có thu nhập khá ổn định. Biểu hiện bằng sự sầm uất của ngôi làng phía trong chân đê.

Hôm nay biển động, đợt gió mùa đông bắc sau Tết làm nhiệt độ xuống thấp. Hiển thị trên thiết bị điện tử là 13 độ, nhưng mưa phùn và gió khiến cho cảm giác rét buốt. Có một ngư dân phải vật lộn với chuyến biển vào lúc 12h trưa với hy vọng sẽ bắt được nhiều ghẹ ngon.

Tổ tiên của những ngư dân hiện nay lập làng ở bờ biển cách bờ biển hiện nay khoảng 10 km.

Năm 1877 giáo dân ở vùng đất này thành lập giáo họ Lái Tim và bà con giáo dân cùng nhau xây dựng lên một nhà thờ nhỏ. Ban đầu, nhà thờ được xây dựng rất đơn sơ, có diện tích 252m2, dài 14m, rộng 7m và được lợp hoàn toàn bằng cỏ tranh nên được gọi là nhà thờ "chay".

Từ thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX, làng chài Xương Điền là xóm đạo Công giáo bị biển xâm thực và nhanh chóng bị xói mòn. Nhà thờ sau đó được di chuyển vào sâu phía trong, cách khoảng hơn 10km so với vị trí cũ.

Năm 1917, nhà thờ họ Lái Tim được xây dựng lần thứ 2 theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp tại vị trí hiện nay (tức là nhà thờ đổ). Nhà thờ được hoàn thành vào năm 1927 với khuôn viên rộng 9.330m2, dài 47m, rộng 15m. 

Tháp chuông nhà thờ cao 27m, vòm thánh giá cao 15m với kiến trúc cửa vòm, nhiều hoa văn trang trí theo phong cách châu Âu cổ điển rất công phu, đẹp mắt. Ngoài ra, nhà thờ còn có nhà quán dài 29m, rộng 6,4m, cao 4,5m.

Nhưng với sự xâm thực không ngừng của biển và sự khắc nghiệt của thời tiết, nhà thờ lại một lần nữa phải di chuyển vào sâu trong đất liền và được xây dựng lần thứ ba, cách vị trí cũ hơn 2km và có tên gọi khác là nhà thờ họ Thánh Tâm. Nhà thờ mới này hiện trở thành một địa điểm nổi tiếng vào dịp Noel hằng năm. Dịp này, không gian nhà thờ sẽ được trang trí công phu kỳ công, khiến khách tham quan choáng ngợp.

Trải qua hơn 140 năm, do bị biển xâm thực, nhà thờ xưa đã bị sụp đổ gần như hoàn toàn. Dấu tích còn sót lại chỉ là một phần của tháp chuông nhà thờ trên bãi biển. 

Năm 2005, cơn bão số 7 với sức tàn phá khủng khiếp đã phá hủy toàn bộ tuyến đê bao bên ngoài, xóa sổ ngôi làng chài dọc bãi biển Xương Điền - Văn Lý đồng thời cuốn theo cả các nhà thờ ven biển khác. Điều kỳ lạ là nhà thờ đổ vẫn trụ vững vượt qua cơn bão biển hung dữ đó cùng với nhiều cơn bác khác. Và sau đó, nó trở thành một biểu tượng.


25 tháng 2, 2024

𝐁𝐚́𝐧𝐡 𝟒𝟎𝟎𝟎 𝐧𝐠𝐡𝐢̀𝐧 𝐧𝐚̆𝐦 𝐤𝐞̂́𝐭 𝐡𝐨̛̣𝐩 𝐯𝐨̛́𝐢 𝐦𝐨́𝐧 𝟕𝟎𝟎 𝐧𝐚̆𝐦

Rả rích bánh chưng rán thay cơm tẻ từ Tết ra, mai rằm tháng Giêng rồi mà trong tủ lạnh vẫn còn những bốn cái bánh chưng vuông to đùng. Hai cái cái từ quê ra, một cái công đoàn cơ quan trang bị, một cái là bánh chưng sườn trứ danh của ông anh Pham Ngoc Ha năm nào cũng làm hơn trăm chiếc và để dành cho các em. 

Đang suy nghĩ rất lung rằng bao lâu mới xơi hết được chừng đó bánh chưng thì hộp pho mát Raclette Măng Tây mang từ Paris về hôm Tết lọt vào tầm mắt. Lúc ấy, trên bếp, chiếc bánh chưng gấc của nhà cô  chú Long Thi Huê Vũ  cho đang reo xèo xèo trên chảo. Chợt nghĩ thử ăn bánh chưng rán với pho mát xem sao. Dù sao pho mát là loại thực phẩm dễ kết hợp, chỉ là chưa thấy có ai cho pho mát vào bánh chưng rán thôi 😂 

Miếng pho mát Raclette cắt lát sẵn, cho vào lập là để trên bếp hồng ngoại chưa đầy một phút bị nhiệt phá vỡ kết cấu, dậy mùi thơm và trở thành một thứ dung dịch sền sệt, dẻo quánh, có thể kéo thành sợi. Đây là thành phần của một món ăn có tuổi 700 năm được bắt nguồn từ Thụy Sĩ. 

Bánh chưng rán giòn hai mặt, cho ra đĩa, phủ lên trên một lớp Raclette. Nếu không tự chủ rằng, thành quả tập luyện bấy lâu có xu hướng quay trở lại điểm xuất phát, thì mình có thể xơi hết cả tấm bánh chưng có kích thước 20cmx20cmx6cm.

Khó có thể miêu tả được mùi vị, nhưng quả thật, cái béo ngậy của pho mát quyện với gia vị thảo quả, gừng, hành, thịt thêm chút phảng phất của nước mắm chắt trong chiếc bánh chưng Hải Hậu làm cho vị giác được được thỏa mãn. 

Giờ mới nhớ ra là còn một chiếc bánh chưng Hà Nội rất ngon đang gửi bên tủ lạnh nhà bác Tầm Xuân. Nay ăn hết một cái rồi, vậy là vẫn còn những bốn cái cơ đấy. Chỉ có điều, không biết chỗ pho mát còn lại có đủ để tải hết nửa yến nếp với đỗ và thịt lợn gói trong lá dong kia không.

Cuối tuần rồi, mưa phùn thế này, tháng Giêng lại rét đài thế này, đi chơi không được thì nghĩ làm món gì vui vui mà xơi cho ấm cỗ lòng. Tỷ như Bánh chưng 4000 năm rán lên rồi phủ pho mát 700 tuổi ấy. Vừa đậm đà bản sắc dân tộc, lại vừa hội nhập quốc tế.





29 tháng 1, 2024

Đại hàn thương nhớ món tép moi

Trong một buổi cuối tuần rét mướt, khi những cơn gió bấc phần phật ngoài ban công, nỗi nhớ cái bếp ấm cúng của mẹ bỗng làm nhớ đến bình tép moi bị lãng quên từ vụ moi mùa vẫn còn thơm phức mùi nắng.

Món tép moi xào khế


Anh em tôi được mẹ đẻ ra và nuôi lớn ở vùng đất ven biển. Cũng như mọi đứa trẻ ở làng, từ lúc biết ăn dặm, cũng là lúc được tiếp xúc với thực phẩm là đồ biển. Bà nội tôi ngày còn sống thường bảo, trong tất cả các con bắt từ biển mà trẻ con ăn được, thì lành nhất của biển là con tép moi. 

Ở biển, một năm có 2 mùa moi, vụ chiêm và vụ mùa. Vụ moi chiêm vào tháng 4 – 5 vụ moi mùa vào tháng 9 – 10 tính theo lịch âm. Hầu hết sản lượng moi đánh bắt về sẽ được đổ cho các cơ sở sản xuất mắm tôm; Một phần được chế biến theo hình thức không qua lửa, làm khô chín bằng sức nóng của mặt trời. Mùa moi, chợ huyện Đông Biên luôn dành hẳn một dãy dài ở mé may chợ để cho các hộ làm moi mang đến bán. Từng đống moi khô to như đống thóc, vàng ươm, mùi thơm đặc trưng mời gọi, để người mua khắp nơi tha hồ lựa chọn. Tiếng người bán, người mua mặc cả rộn ràng. 

Quê tôi hầu như không ăn tép moi tươi. Có thể vì nó quá mềm. Cũng có lẽ tép nước ngọt sẵn lại giòn nên tép moi tươi chỉ dùng để làm mắm tôm và phơi khô. Khi phơi khô được nắng thì con tép moi lại trở nên giòn như “bim bim”.

Thường moi khô sẽ có 2 màu, màu trắng hồng và màu vàng hanh. Theo thông tin của các nhà nghiên cứu dinh dưỡng, tép khô có vỏ màu vàng do tép chứa nhiều astaxanthin nên sau khi phơi khô, bề mặt sẽ có màu hơi vàng. Trong loại tép moi này có chứa một chất chống oxy hóa, còn được gọi là siêu vitamin E. Loại tép này làm nhân hoặc xào thì rất hợp. Còn tép moi có màu trắng hồng chứa ít astaxanthin nên sau khi làm khô, vỏ của nó có màu hơi trắng. Mặc dù astaxanthin trong loại tép này tương đối thấp nhưng hàm lượng canxi lại cao. Đây là loại thực phẩm bổ sung canxi rất tốt.

Đối với những gia đình cán bột thoát ly ở khu tập thể cơ quan như nhà tôi, tép moi khô là thực phẩm bổ sung đạm cho những bữa ăn thời bao cấp. Ngày đó, thực phẩm tươi sống là thứ khó kiếm. Nhà nào cũng cũng trữ một bịch tép moi và cá khô. Bản trường ca đồ khô này có khi diễn ra hàng tháng trời vào mùa mưa phùn gió bấc. 

Bản trường ca món tép moi của mẹ gồm:

- Tép moi nấu canh rau đay mùng tơi.

- Tép moi xào khế và tóp mỡ.

- Tép moi rang mắm kẹp bánh đa.

- Tép kho thịt lợn.

- Tép xào hành lá.

- Tép moi bóp gỏi rau cần.

Hôm nào đến đợt tem phiếu mua được mấy lạng thịt đem kho với tép moi thì  món này được nhuận sắc và hấp dẫn vô cùng. Từng con tép ngấm mỡ căng tròn thơm phức. Miếng thịt mỡ thái hạt lựu trở nên trong veo khi xào khan nước với tép. Lúc chuẩn bị bắc ra, mẹ rưới thêm một thìa mắm chắt. Hôm ấy, kiểu gì tôi cũng lén lút đong thêm nửa bò gạo. 

Sau này đi học, rồi đi làm xa nhà, hằng năm, đến vụ tép mùa mẹ đều gửi cho chúng tôi một ký. Thường thì cả nhà sẽ nấu ngay một nồi canh tập tàng với tép mới để ăn cho đã. Rồi sau đó bình tép moi vàng ươm sẽ được lãng quên tận đến tiết Đại Hàn. Trong một buổi cuối tuần rét mướt, khi những cơn gió bấc phần phật ngoài ban công, nỗi nhớ cái bếp ấm cúng của mẹ bỗng làm nhớ đến bình tép moi còn thơm phức mùi nắng. 

Lần rét này cũng vậy, nhân cuối tuần về nhà, mẹ bẻ cho một rổ khế chua bánh tẻ mang lên Hà Nội, thế là bữa hôm đó, món tép moi xào khế chễm chệ trên mâm cơm. Vợ chồng con cái lại xuýt xoa với cái vị ngọt đậm thơm mùi biển ăn cùng cơm nóng. Kế hoạch cắt giảm tinh bột tạm thời bị gác lại một hôm. 





 

21 tháng 1, 2024

Đừng đặt định mức cho hạnh phúc

Mở màn cho mùa cưới năm nay là đám cưới của một đồng nghiệp. Một đám cưới rổ rá cạp lại. Tiệc cưới tổ chức trong một khán phòng nhỏ, khung cảnh giản dị. 

Như thường lệ, đám cưới nào cũng có những nghi thức lễ tân và khách mời dường như cũng đã quen. 

Mình bắt đầu chú ý khi nhìn thấy tháp tùng cô dâu chú rể đang bước vào lễ đường là 4 chàng thanh niên thau tháu. Lúc cậu MC giới thiệu, đó là 4 người con của cô dâu chú rể. Cả hội trường ồ lên. 

Ngay sau khi ra mắt khách khứa, cậu con trai vừa tốt nghiệp đại học của cô dâu nhanh nhẹn bước xuống sân khấu, giơ chiếc điện thoại bắt đầu ghi lại những hình ảnh của mẹ và bố dượng trong nghi lễ cắt bánh và rót rượu trên tháp ly. Vừa ghi hình, cậu chàng còn liên tục ra hiệu cho hai bố mẹ để lấy được khuôn hình đẹp. Sau khi có được đoạn clip cậu quay lại sân khấu đứng cùng bố mẹ và các ông bà. 

Lúc xong các nghi lễ đám cưới, 4 cậu chàng tụm lại một góc ngay gần chỗ chúng tôi ngồi. Khán phòng ồn ào tôi không nghe rõ các cậu nói chuyện gì, nhưng cả 4 đều cười rất tươi, những cái bá vai rất gần gũi thân thiết.

Khi bố cô dâu bước lên phát biểu, giọng nói miền nam Trung bộ run run chúc mừng con gái và con rể. Ông nói rất ngắn ngọn, nhưng người dự đều cảm nhận được niềm hạnh phúc của người cha khi con gái yêu quý xây dựng gia đình ở tuổi không còn trẻ. Nhìn ông và nghe ông, tự dưng mình thấy cảm động, ấm áp vô cùng.

Cô dâu chú rể đến bàn chúc rượu mừng, cô dâu hãnh diện khoe “Bốn thằng con trai của bọn em. Một của em. Hai của chồng em và một cậu con nuôi mặc áo vest màu xanh đó. Anh thấy em ra dáng mẹ chồng không?”.

Lúc cô ca sĩ trên sân khấu hát một bản bô lê rô có nhịp phách khớp với điệu nhảy cha cha cha, thật bất ngờ khi thấy mẹ cô dâu và mẹ chú rể ra giữa khán phòng say sưa khiêu vũ. Mọi người ngừng ăn uống để cổ vũ cho hai bà. Cả hội trường sôi động hẳn lên.

Một đám cưới thoạt tưởng bình thường nhưng lại mang rất nhiều năng lượng tích cực cho những người đến dự. Chắc chắn ai cũng nhận thấy niềm hạnh phúc đặc biệt của gia đình mới này. Hẳn mỗi người trong gia đình mới của bạn đã phải vượt qua rất nhiều cảm xúc để thấu hiểu và quyết định gắn kết thành những người ruột thịt. 

Vậy nên đừng bao giờ đặt định mức cho hạnh phúc mà hãy đồng hành và tận hưởng nó.



18 tháng 1, 2024

Thế giới nhìn vào các bà mẹ và người phụ nữ để tìm thấy sự bình an

Cách đây 2 tuần, ngày 1/1/2024, tại Đền thờ thánh Phêrô (Vatican), Giáo hoàng Phanxicô chủ trì Thánh Lễ Mẹ Thiên Chúa và cầu nguyện cho Hòa Bình Thế giới.

Sứ điệp cho Ngày Thế giới Hòa Bình lần thứ 57. Chủ đề cho Ngày Thế giới Hòa Bình năm nay Đức Thánh cha chọn là Trí tuệ nhân tạo và Hòa Bình.

Theo dõi Thánh lễ qua kênh Youtube Vatican News bài giảng của Giáo hoàng Phanxicô, đến đoạn “Giáo hội cần Đức Maria để tái khám phá ra khuôn mặt nữ tính của mình. Đó là để trở nên giống như mẹ hơn. Đấng với tư cách là một người phụ nữ, là trinh nữ và là người mẹ, đại diện cho mẫu mực và hình dáng hoàn hảo. Và chúng ta để dành không gian cho người nữ tổ sinh, ngang qua việc chăm sóc mục vụ được thực hiện bằng việc quan tâm và chăm sóc, sự kiên nhẫn và lòng can đảm của người mẹ. Nhưng thế giới cũng cần nhìn vào các bà mẹ và người phụ nữ để tìm thấy sự bình an hòa bình thoát ra khỏi vòng xoáy của bạo lực và hận thù và trở về với cái nhìn và trái tim con người, những điều có thể nhìn thấy được. Và mọi xã hội cần đón nhận món quà của người phụ nữ, của mọi người phụ nữ. Đó là tôn trọng, bảo vệ, quý trọng người nữ. Biết rằng, ai làm tổn thương một người phụ nữ đó là xúc phạm đến Thiên Chúa, đấng được sinh ra bởi một người phụ nữ”.

Thì mình muốn ghi lại toàn bộ phát biểu của Đức Giáo hoàng Phanxicô từ bản dịch trực tiếp của Biên tập viên Vatican News.

Nhà thờ giáo xứ Giang Xá (Hoài Đức, Hà Nội)

Toàn văn:

Những lời của Thánh tông đồ Phaolô soi sáng cho sự khởi đầu năm mới của chúng ta.

Khi thời gian tới hồi viên mãn, thiên chúa đã sai con mình tới xin làm con một người phụ nữ. Cụm từ “thời gian đến hồi viên mãn” thật ấn tượng. Vào thời cổ đại, người ta có phong tục đo thời gian bằng cách làm rỗng và đổ đầy chiếc vò hai quai. Khi chúng trống rỗng thì một thời gian mới bắt đầu và kết thúc khi chúng đầy.

Đây là thời điểm của thời gian viên mãn, khi chiếc vò hai quai của lịch sử lấp đầy thì ân sủng của Thiên Chúa tràn ngập. Thiên chúa trở thành con người và trở thành con người nơi cung lầm của một người nữ - Đức Maria. Mẹ là con đường Chúa đã chọn. Mẹ là đích đến của nhiều người và nhiều thế hệ. Những người từng chút một đã chuẩn bị cho việc Chúa Giê su trong Thiên Chúa đến trong thế giới của chúng ta.

Như vậy Mẹ là trung tâm của thời gian. Thiên Chúa vui lòng làm thay đổi lịch sử, ngang qua Mẹ - một người nữ. Với những từ này, Kinh Thánh đã nhắc cho chúng ta về nguồn cội, về sáng thế và gợi ý rằng, người mẹ với hài nhi đánh dấu một cuộc tạo dựng mới, một khởi đầu mới. Do đó, vào lúc khởi đầu thời kỳ cứu độ có Mẹ Thiên Chúa, Mẹ thánh thiện của chúng ta.

Thật tuyệt vời khi năm mới mở ra bằng cách chúng ta cầu khấn Mẹ. Thật tuyệt vời khi dân Thiên Chúa từng ở Ê phê sô hân hoan tuyên xưng Mẹ Thánh của Thiên Chúa. Nhưng lời Mẹ Thiên Chúa thực sự diễn tả sự chắc chắn vui tươi rằng, hài nhi dễ mến trong vòng tay của Mẹ đã mãi mãi hiệp nhất với nhân tính của chúng ta. Đến mức nhân tính này không còn của riêng của chúng ta nữa. Và nhân tính ấy còn là của Người nữa. Mẹ Thiên Chúa trong vài lời này đã nói lên sự liên kết giữa Chúa vĩnh cửu với chúng ta. Mẹ Thiên Chúa, đó là một tín điều của đức tin, nhưng cũng là một tín điều của hy vọng. Thiên Chúa ở trong con người và con người ở trong Thiên Chúa. Mãi mãi như thế.

Vào thời viên mãn, Chúa cha đã sai con của người được sinh ra bởi một người phụ nữ, nhưng bản văn của Thánh Phao lô bổ sung thêm lời sai phái thứ hai, đó là, Thiên sứ đã sai thần khí của con mình để ngự trong lòng anh em mà kêu lên “Abba Cha ơi”. Và trong cả việc sai thánh thần thì người mẹ vẫn là nhân vật chính. Đó là Chúa Thánh Thần bắt đầu ngự xuống trên mẹ trong ngày truyền tin. Rồi vào lúc khởi đầu của giáo hội người ngự xuống trên các Tông đồ đang tụ họp cầu nguyện cùng với Đức Mẹ: Mẹ Maria. Tình mẫu tử của Đức Maria là con đường để gặp được tình phụ tử dịu dàng của Thiên Chúa. Con đường gần gũi nhất,  trực tiếp nhất, và dễ dàng nhất.   Thật vậy, người Mẹ dẫn chúng ta đến sự khởi đầu của trái tim của đức tin. Vốn không phải là lý thuyết hay là sự cam kết. Nhưng đó là một hồng ân vô hạn khiến cho chúng ta trở thành con cái yêu dấu, trở thành nơi cư ngụ của một tình yêu vô tận của Thiên Chúa cha.

Vì vậy, việc đón nhận Mẹ vào trong cuộc đời của chúng ta không phải là chọn lựa sự sùng kính của một đức tin nhưng đó là một đòi hỏi đức tin. Nếu chúng ta muốn trở thành Kito hữu thì chúng ta phải là người của Đức Mẹ.

Giáo hội cần đức Maria để tái khám phá ra khuôn mặt nữ tính của mình. Đó là để trở nên giống như mẹ hơn. Đấng với tư cách là một người phụ nữ, là trinh nữ và là người mẹ, đại diện cho mẫu mực và hình dáng hoàn hảo. Và chúng ta để dành không gian cho người nữ tổ sinh ngang qua việc chăm sóc mục vụ được thực hiện bằng việc quan tâm và chăm sóc, sự kiên nhẫn và lòng can đảm của người mẹ. Nhưng thế giới cũng cần nhìn vào các bà mẹ và người phụ nữ để tìm thấy sự bình an hòa bình thoát ra khỏi vòng xoáy của bạo lực và hận thù và trở về với cái nhìn và trái tim con người, những điều có thể nhìn thấy được. Và mọi xã hội cần đón nhận món quà của người phụ nữ, của mọi người phụ nữ. Đó là tôn trọng, bảo vệ, quý trọng người nữ. Biết rằng, ai làm tổn thương một người phụ nữ đó là xúc phạm đến Thiên Chúa, đấng được sinh ra bởi một người phụ nữ.

Đức Maria một người phụ nữ vừa là người phụ nữ mang tính quyết định trong thời gian viên mãn vừa là người mang tính quyết định đối với cuộc sống của mỗi người chúng ta. Bởi vì không ai biết rõ thời cơ và sự cấp bách của con cái của mình hơn là một người mẹ. Điều này một lần nữa được tỏ ra cho chúng ta qua sự khởi đầu. Dấu lạ đầu tiên được chúa Giê su thực hiện tại tiệc cưới Cana. Ở đó, chính mẹ Maria đã nhận thấy thiếu rượu. Và mẹ đã quay lại với người của Chúa Giê su. Và chính nhu cầu của con cái đã động lòng mẹ. Và mẹ đã thúc đẩy Chúa Giê su can thiệp. Tại Cana, Chúa Giê su nói họ đổ nước vào các chum và họ đổ đầy miệng. Và Đức Maria đã biết nhu cầu của chúng ta. Mẹ cũng đổ đầy ân sủng cho chúng ta và đưa cuộc sống của chúng ta đến chỗ viên mãn.

Anh chị em thân mến, tất cả chúng ta đều có những khuyết điểm, những nỗi cô đơn, những khoảng trống cần được lấp đầy. Và ai có thể làm được điều đó nếu không phải là Đức Mẹ Maria. Mẹ là một sự tràn đầy. Khi chúng ta bị cám dỗ vây kín, chúng ta đến với mẹ. Khi chúng ta không thể gỡ mình khỏi các nút thắt của cuộc sống thì chúng ta tìm đến nương tựa nơi mẹ.  Thời đại của chúng thiếu vắng hòa bình đang cần đến một người mẹ mang gia đình của nhân loại lại với nhau. Chúng ta hãy nhìn lên Đức Mẹ Maria để trở thành những người xây dựng sự hiệp nhất. Và chúng ta hãy làm như vậy với sự sáng tạo của Mẹ như một người mẹ chăm sóc con cái của mình. Mẹ tập hợp họ lại và an ủi họ, lắng nghe những nỗi buồn của họ và lau khô nước mắt của họ. Chúng ta hãy phó thác năm mới cho Mẹ Thiên Chúa và hãy chúng ta thánh hiến cuộc đời của mình cho Mẹ. Mẹ với sự dịu dàng biết cách làm cho nó thành tròn đầy. Bởi vì mẹ sẽ dẫn chúng ta đến với Chúa Giê su. Và Chúa Giê su là sự viên mãn của thời gian, của mọi thời gian, của thời đại của chúng ta.

Thật vậy, như có lời viết, không phải thời gian viên mãn đã khiến cho con Thiên Chúa được sai đến nhưng ngược lại vì con Thiên Chúa đã làm người và chính Thiên Chúa làm người như vậy đã làm cho thời gian viên mãn.

Chúng ta cùng cầu chúc cho năm mới này được tràn đầy niềm an ủi của dân Chúa. Cầu chúc cho năm mới được tràn đầy sự dịu hiền từ mẫu của Đức Maria – Mẹ Thánh của Thiên Chúa.

11 tháng 1, 2024

Đất lành chim đậu

 Trên ngọn cây dẻ nước, ngang tầng 3, phòng khách chính của #ZicHouse ở Đà Lạt, có một tổ chim vành khuyên.

Mươi ngày trước, trong chuyến đi sát Tết, sau khi đến đây một ngày chúng tôi phát hiện trong chiếc tổ chim đang đu đưa trong những cơn gió khá mạnh của Đà Lạt có 3 quả trứng nhỏ xinh. 

Hai con chim bố mẹ thường bay đi bay về nằm ấp trong chiếc tổ, mặc cho cách đó khoảng một tầm với tay là phòng khách của một Homestay lúc nào cũng nhộn nhịp khách khứa từ sáng đến đêm.

Từ lúc phát hiện ra chiếc tổ có trứng, chúng tôi có chút ý tứ hơn mỗi khi đứng trước tấm kính panorama phòng khách mặc dù đứng đây thì có thể nhìn thấy toàn cảnh thung lũng và một phần thành phố Đà Lạt dưới kia vì sợ rằng chim bố mẹ vì bị con người phát hiện ra tổ của nó mà bỏ  ấp ba quả trứng thì tội.

Cách đây 3 năm, đôi vợ chồng Hoài Linh – Kim Hoa bỏ lại tất cả công việc, nhà cửa ở Sài Gòn, mang cô con gái út 8 tuổi lên Đà Lạt tậu một mảnh đất trên lưng chừng đồi tại phường 6, một khu dân cư mới tinh, cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 3-4 km, dựng một ngôi nhà xinh xắn, đặt tên là Zic House, lấy từ nickname Zig của cô con gái Châu Anh. Biến mảnh đất đầy cỏ rậm rạp, có một cây dẻ nước cổ thụ cô đơn thành một Homestay xinh xắn.

Căn nhà màu trắng này, do nhà báo Hoài Linh tự lên ý tưởng thiết kế và décor. Một phần bộ sưu tập cổ vật và đồ lưu niệm được anh Linh mang từ Hà Nội và Sài Gòn trưng bày ở đây khiến ngôi nhà như một bảo tàng nhỏ. Này là góc sưu tập bình vôi cổ. Kia là bộ mặt nạ sưu tầm từ khắp các quốc gia, nơi nghệ sĩ Hoài Linh có dịp đặt chân đến trong những chuyến công tác trước đó. Đây là những món đồ gốm mộc mạc của đồng bào Tây Nguyên xếp đặt rất hợp lý với bộ sưu tập gốm xưa… Những bức ảnh đen trắng đầy chất phóng sự nổi tiếng của anh Hoài Linh được phóng to treo ở phòng khách và chiếu nghỉ cầu thang. Ai mê đọc sách có thể tìm được những cuốn tiểu thuyết của các tác giả nổi tiếng thế giới đặt trên chiếc giá sách gỗ thiết kế khá đẹp.

Mấy gia đình chúng tôi đã được tận hưởng sự thân thiện ấm áp của gia chủ trong những ngày ở lại không gian của Zic House.

Trưa nay, bất ngờ, phu nhân của nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Hoài Linh, chị Kim Hoa cũng là một nhà báo, người gốc Huế, mê ẩm thực, chủ nhân Zic House nhắn tin báo “Ba chú chim con chào các bác”, kèm theo là tấm ảnh chụp ba chiếc mỏ viền vàng đang há to đòi ăn. 

Quả thật chúng tôi cũng đang ngóng chờ nhận được tin này.

Đúng là đất lành chim đậu 💖