7 tháng 8, 2024

Về nơi các linh hồn đế vương dạo chơi hằng đêm

 Năm 1997, lần đầu tiên tới Đà Nẵng. Một cuối tuần trong đợt công tác, các anh chị ở văn phòng báo Tiền Phong và báo Nhi Đồng hồi đó còn đóng chung ở 426 Ông Ích Khiêm (Đà Nẵng), rủ thằng em đi thánh địa Mỹ Sơn. Lúc đó, khu này ra vào tự do.

Trong trí nhớ, để vào được khu tháp phải đi bộ qua đường mòn, băng qua vài con suối. Vào giữa thung lũng, trên nền ngọn núi thiêng Răng Mèo là sừng sững những ngôi tháp rêu phong, có những mảng tường gạch trần đỏ ối. Tượng đá, linga, yoni còn thấy ở khắp nơi. Hầu như trong thung lũng không có cây cối, chỉ có cỏ dại lúp xúp. Năm đó, mùa đông đến sớm, ở Mỹ Sơn cũng mát mẻ. Buổi trưa, dưới chân một ngọn tháp lớn, anh chị em trải chiếu, bỏ đồ chuẩn bị từ nhà ra nhậu tưng bừng. Khi liêng biêng còn chui cả vào trong lòng tháp tranh thủ chợp mắt được giấc trưa.

Sau gần 30 năm mới quay trở lại, khu thánh địa được đầu tư xây dựng và tôn tạo đã thay đổi rất nhiều. Các khu tháp được gia cố, trùng tu. Cây được trồng khắp nơi. Còn đường dẫn vào các khu tháp được đổ bê tông nằm dưới tán cây rừng tránh được cái nắng tháng 8 của miền Trung.

Từ năm 1999, Thánh Địa Mỹ Sơn được UNESCO Di sản văn hóa thế giới. Mỹ Sơn là khu di tích duy nhất của nghệ thuật Chăm bao gồm tổng thể kiến trúc phong phú và đa dạng của nghệ thuật Chăm có niên đại liên tục trong nhiều thế kỷ. Theo các tài liệu lịch sử, Mỹ Sơn từng là thánh đô, là trung tâm tôn giáo quan trọng và tiêu biểu nhất của vương quốc Champa từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIV.

Các đền tháp ở Mỹ Sơn là những công trình kiến trúc chính thống của quốc gia và đều do các đời vua trị vì xây dựng, vì vậy có thể nói rằng các đền tháp này là tập trung thể hiện những gì tiêu biểu nhất, tinh hoa nhất điển hình cho nền kiến trúc nghệ thuật đương thời với những dạng thể kiến trúc độc đáo, nghệ thuật chạm khắc trên gạch và đá hết sức ấn tượng, tinh xảo, cách sử dụng vật liệu và kỹ thuật xây dựng đặc biệt. Nơi đây, 70 công trình đền tháp kết tinh giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của nền văn minh Chămpa, được đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á như Borobudur (Indonesia), Pagan (Myanmar), Angkor Wat (Campuchia), là kết tinh của những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được tạo lập trong suốt chiều dài 11 thế kỷ (từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIV). Bị chiến tranh tàn phá, đến năm 1975, Mỹ Sơn chỉ còn lại 32 công trình, trong đó khoảng 20 công trình còn giữ được dáng vẻ ban đầu.

Nếu muốn chiêm ngưỡng kỹ càng từng góc, từng chi tiết của các công trình còn lại ở Thánh địa Mỹ Sơn thời gian có thời tiết lý tưởng nhất là từ tháng 11 đến tháng 4. Còn tới đây vào mùa hè, cái nóng như nung của Duy Xuyên, sẽ làm giảm đi rất nhiều cảm xúc.

Một điều lấy làm tiếc, khu di sản đặc biệt này ngoài hoạt động tham quan vào ban ngày với không gian tháp cổ, bảo tàng hiện vật - hình ảnh khá hạn chế và một nhóm nhạc công và vũ công biểu diễn điệu múa trong trang phục dân tộc Chăm, thì không còn hoạt động nào khác. Không có dịch vụ lưu trú, không có sự lựa chọn về dịch vụ ăn uống ngoài nhà hàng duy nhất tên Chăm ở ngay cổng vào, giáp với bãi để xe. Cũng may là đầu bếp của Chăm làm món khá ổn.

Khi màn đêm buông xuống, cả thung lũng lại chìm vào không gian như hàng nghìn năm trước với bóng tối và cuộc dạo chơi của những linh hồn đế vương.







 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét