13 tháng 12, 2012

Cà Đông Biên


Khác với nhiều nơi, làng tôi chỉ trồng có một loại cà. Không phải là cà pháo, cà bát hay cà tím… người tứ xứ đến chợ làng mua và quen gọi tên kèm theo tên chợ là cà Đông Biên, một cái chợ lớn ở huyện hải Hậu, tỉnh Nam Định.



Đã thành lệ, mỗi năm cứ độ tháng tư về, thế nào mẹ tôi cũng gửi lên vài cân cà quê, chúng tôi cất vào tủ lạnh ăn dần. Vợ tôi hay làm ngay món xổi. Chẻ quả cà làm 6, ngâm qua nước muối nhạt cho sạch nhựa rồi đổ vào tô lớn. Cho đường, gia vị, muối tinh đảo đều cho ngấm. Cuối cùng đập mấy nhánh tỏi tươi cộng với thìa dấm gạo. Thế là buổi sáng nhận cà, buổi trưa vợ chồng con cái đã xì xụp bát canh chua nóng hổi với miếng cà chua chua, ngòn ngọt giòn tan… vì vậy mặc dù xa quê đã mười mấy năm rồi mà chẳng bao giờ tôi phải tưởng tượng về hương vị của món cà quê…

Làng tôi chỉ trồng có một loại cà. Không phải là cà pháo, cà bát hay cà tím… người tứ xứ đến chợ làng mua và quen gọi tên kèm theo tên chợ là cà Đông Biên, (Chợ Đông Biên là một cái chợ lớn ở huyện hải Hậu, tỉnh Nam Định). Mẹ tôi năm nào cũng dành ra hai luống đất để trồng. Những quả cà to nhất, già nhất, màu vàng như ráng chiều lúc trời trở gió của mùa trước, đem phơi khô trong những ngày được nắng dùng làm cà giống.

Tháng 12 âm lịch mẹ gieo cà. Chỉ cần một khoảnh nhỏ cũng đủ cây giống cho mấy nhà. Đập nhỏ đất, trộn với trầu và phân chuồng ủ hoai, rắc hạt cà rồi phủ lớp rạ chống rét là xong. Chỉ sau 1 tháng cây cà đã cao khoảng 10 cm. Lúc bấy giờ đánh ra trồng thành hàng. Trồng cà dễ lắm. Cứ bới đất vùi cây cà giống xuống thì chắc chắn sẽ có quả ăn.

Cà Đông Biên quả chỉ bằng cái chén Tống, xanh màu ngọc, có khía múi. Điều đặc biệt là nó có lớp vỏ rất mỏng, không dai mà cùi lại dày nên chế biến món nào cũng hợp.

Sở thích thưởng thức các món chế từ cà của mỗi người trong gia đình rất khác nhau, nhưng đều được mẹ đáp ứng một cách hoàn hảo.

Đầu tiên phải kể đến món cà sống. Đây là món khoái khẩu của bố và em trai tôi. Ông có thể ăn cà sống mắn tôm… trừ bữa. Món này cực kỳ đơn giản. Mẹ lựa những trái cà non đầu mùa, trước bữa ăn mươi mười lăm phút mới bổ ra thành những miếng vừa ăn, ngâm vào nước sôi để nguội với một chút muối trắng cho nhả hết nhựa. Đến bữa thì vớt ra đĩa. Một bát mắm tôm chanh đánh bùng (mắm tôm để ăn cà sống thì phải để mắm nguyên không pha thêm đường).
Miếng cà sống xanh màu men ngọc, vị ngọt, thơm ngai ngái quyện với hương thơm lừng và vị đậm đà của mắm tôm vừa ngấu có thể gây nghiện cho bất cứ ai…

Với tôi, món cà kho bao giờ cũng được ưu tiên hàng đầu. Còn nhớ, những năm 80, thỉnh thoảng mới có được một bữa cà kho ao ước. Ấy là hôm mua được miếng thịt tem phiếu, chứ bình thường chỉ được kho cà với tép hay cá vụn.

Để có món cà kho ngon phải chọn loại thị ba chỉ quế, thịt thơm, mỡ giòn và thớ thịt dày, thái con chì. Cà để nguyên quả, chỉ khía tít chút trên đầu cho ngấm mắm muối, vị thịt. Cho cà vào nồi cùng cùng lúc, đổ ngập nước đun sôi rồi đun nhỏ lửa ninh nhừ cho đến khi cạn nước thì cũng là lúc lớp vỏ mỏng bên ngoài beo lại trông giống như quét lên đó một lớp sơn sần.

Điều căn bản của món cà kho là người chế biến phải rất “nhạy cảm” khi tra gia vị để sao cho khi cạn nước thì cà đậm vừa, không bị nhạt hoặc quá mặn. Với tôi, cà kho ăn cùng với cơm tám thì hai món cơm tám bống kho hay cơm tám giò chả chịu về nhì.

Cà kho phải ăn nguội, vị ngọt, dẻo như cơm nếp, hút hết cả cái thơm, ngọt, ngầy ngậy của thịt vào trong, khiến cho đầu lưỡi có cảm giác tê tê… đã ăn một lần thì khó có thể quên được.

Vại cà muối là món quen của mọi nhà từ đầu vụ đến cuối vụ. Nhưng muối quả cà cuối vụ mới có được hương vị đặc trưng nhất. Mẹ thường chọn những quả cà bánh tẻ, da xanh đều, không sâu, để cả quả, phơi ngoài nắng một vài tiếng sau đó mới chế biến.

Ở quê tôi cà muối không cho riềng mà cho tỏi. Những nhánh tỏi tròn, trắng được bóc cho hết lớp lụa, không đập giập mà để nguyên, rải một lớp kín vại cà. Trên cùng phủ một lớp lá mây, không phải là loại bánh tẻ mà phải chọn những cọng lá già, xanh thẫm, bóng nhẫy. Mẹ bảo lá mây giúp cho quả cà muối không bị nẫu, trắng đục mà có nước da căng bóng, trắng như bát sứ Hải Dương. Sau đó kiếm một vật nặng để nén cà, nếu là hòn đá xanh kiếm từ vùng núi đá Ninh Bình là nhất. Trời nóng mà được ăn quả cà muối với bát canh cáy nấu với rau đay, bầu đất thì… “chưa đặt đến môi đã trôi đến ruột”, vừa mát vừa lành.

Một điều nữa là quả cà Đông Biên muối không bao giờ làm cho các nàng dâu quê tôi phải rơi vào hoàn cảnh như trong giai thoại cười nàng dâu ăn cà pháo.

Bây giờ không chỉ tôi mà cả vợ con đều mê tít món cà quê này. Đôi lúc cứ nghĩ vẩn vơ, mai ngày lúc bố mẹ về già, lấy ai nhớ cứ tháng tư gửi cà Đông Biên cho mình…

11 tháng 12, 2012

Cơm mới




Tôi là cháu đích tôn. Bà nội ngày còn sống, cứ vào tháng 10 âm lịch, khi lúa mùa bắt đầu vàng rộm, thơm ngát thì thể nào cũng nhắn lên: Ba hôm nữa là bà có cơm mới, mày về thắp hương cho các cụ rồi ăn…

Đến mùa gặt, tất cả các trường học ở quê tôi đều cho học sinh nghỉ 1 tuần - gọi là nghỉ mùa - để giúp đỡ gia đình thu hoạch lúa. Đối với lũ trẻ thì việc được đi ra dồng cùng người lớn là ột niềm vui hân hoan khó tả. Gặt lúa mùa thích lắm. Đồng làng bát ngát lúa là lúa. Tiết đầu đông hanh hao, trời xanh ngắt, nắng vàng như màu cái mâm đồng của bà. Ruộng khô nước, không có mùi bùn như mùa chiêm, có thể chạy nhảy tung tung trên mặt ruộng đã gặt mà không lo bị sa bùn. Đứa nào cũng mang theo một cái giỏ để bắt cua rạm. Trên nền ruộng, những dấu chân của những lần làm cỏ lúa vẫn còn đọng nước, thể nào cũng có một hoặc hai con rạm ẩn nấp trong đó. Một buổi theo bà ra đồng gặt lúa bao giờ tôi cũng bắt được một giỏ đầy rạm. Con rạm đồng về kho mặn mà ăn với cơm mới thì… thôi rồi.

Lúa vụ mùa là thơm và ngon nhất. Chả thế mà tất cả các loại gạo đặc sản nổi tiếng cả nước của Hải Hậu (Nam Định) quê tôi như gạo tám xoan, nếp bắc, gạo mộc tuyền, gạo rự râu… đều được thu hoạch trong tháng mười.

Lúa tẻ bao giờ cũng được gặt đầu tiên, tiếp đó là lúa tám và nếp. Nhưng trẻ con thì thích nhất là được đi gặt lúa tám và lúa nếp bởi vì ngoài cua rạm còn có thể bắt được nhiều muồm muỗm (một loại côn trùng giống như châu chấu) có thể nướng hoặc rang chín để ăn béo ngậy.

Quê tôi gặt lúa là cắt sát tận gốc chứ không chỉ cắt phần ngọn như một số nơi khác. Từng đọn lúa được để song song theo hàng. Tôi có nhiệm vụ đi gom những lọn bé lại cho vừa một bó to để các chú khỏe tay bó lại mang về. Phải thật khéo léo, nhẹ tay để cho hạt thóc khỏi rụng. Bà bảo, đó là ngọc của trời cho, lãng phí là bị trời phạt.

Thích nhất là lúc xong việc, chúng tôi thường chia nhau đi các mảnh ruộng đã gặt để mót lúa. Những bông lúa còn sót lại thường là những bông còn non, mang về để rang nả (giống như nổ bỏng ngô). Lúa còn tươi bỏ vào chảo gang rang với cát sạch cho đến lúc tất cả các hạt đều nỏ bung trông giống hệt như những nụ đào, thì đổ ra một chiếc giần gạo để cho cát rơi hết. Mùi thơm của tám xoan và nếp bắc tươi mới quyện với nhau thơm lừng. Những hạt nả trắng ngà giòn tan, thơm mùi nắng. Không dám hoang phí ăn hết ngay, tôi thường cất vào một cái túi nhỏ đeo trước cổ, thỉnh thoảng lại bỏ ra nhấm nháp vài hạt…

Chọn giống cho mùa sau bao giờ cũng là công việc đầu tiên sau khi đem lúa từ ngoài đồng về nhà. Lúc đó, chưa có giống bán sẵn như hiện nay mà phải chọn giống bằng thủ công, bằng kinh nghiệm và sự nhạy cảm. Những bông lúa to hạt đều, mẩy từ đầu ngọn đến cuối ngọn. Lại phải xem các đốt ở cổ bông lúa cách nhau bao nhiêu thì mới đủ tiêu chuẩn để giống. Lúc chọn giống bà tôi như nhập đồng...

Ngày trước, không có máy tuốt lúa, phải  đập và kéo đá suốt đêm để sáng mai có lúa phơi cho kịp nắng. Không khí ngày mùa thật hối hả. Không ai bảo ai tất cả đều như mong chờ một điều gì đấy thiêng liêng. Ấy là lúc mẻ thóc đầu tiên đã đủ khô. Bà là người xúc thóc cho vào cối. Hai chú cháu tôi xung phong xay lúa. Cối xay lúa được làm bằng tre. Mỗi người một càng xay. Phải quay vòng cật lực và thật đều tay để hạt gạo không bị vỡ đôi. Rồi phải sàng lọc bỏ vỏ trấu và hạt lép. Tiếp đó cho vào cối đá giã đến bong lớp mày cám.

Cối giã gạo là loại cối vĩ đại nhất trong nhà, hơn một vòng tay người lớn ôm không xuể. Lòng cối sâu khoảng 50cm, được chôn tịt xuống đất. Cái chày dài khoảng 4m được làm bằng một cây gỗ nguyên, có đầu chày láng bóng vì giã gạo. Phải hai người lớn dậm chân lên cần chày thì mới đủ sức nâng chày giã vào cối. Nhiều nàng dâu quê tôi lúc mới về nhà chồng khi giã gạo phải đội thêm một thúng mõm bò thóc trên đầu mới đẩy được cái cần cối xuống. Không ít cô vừa giã gạo vừa khóc thầm…

Tiếng cối thậm thịch như kích thích thêm nỗi mong chờ của mọi người. Rồi cũng đến lúc mẻ gạo được giã xong. Màu gạo tám xoan giã bằng cối tuy trắng nhưng không trắng nõn như xay bằng máy công nghiệp mà trong veo như thạch, thảng màu nâu của đất đồng, đều chằn chặn, mười hạt như mười.

Vẫn là bà chịu trách nhệm với nồi cơm mới. Gạo tám được vo bằng nước mưa, để ráo mới cho vào nồi gang. Yêu cầu của một nồi cơm mới thật ngon là cơm không được ướt, không được khô, nhưng hạt cơm phải sóng, không dính, không nở toét toe, bết vào nhau.

Cái khó gồm cả việc đổ nước sao cho vừa, đun lửa thế nào để không bị cháy, bị khê bởi gạo mới rất nhiều nhựa, rất khó nấu. Vùi cơm trong gio nóng cũng là cả một nghệ thuật. Phải làm thật khéo kẻo gio lẫn vào cơm và phải ước lượng thời gian để khi cơm vừa chín tới thì bắc ra ngoài, mở vung nồi cơm phải nghe tiếng “xèo” thoảng qua thì mới đạt.

Cơm mới của bà tôi chỉ ăn cùng cá bống kho, rạm kho và rau muống luộc chấm nước mắm cáy mà sao đậm đà thế. Ai cũng hít hà tìm mùi hương của gạo tám xoan. Còn nhớ, ngày tôi đi học đại học, mùa về, mẹ gửi cho mấy cân tám xoan. Tôi bỏ vào nồi nấu ở ký túc xá mà cả mấy tầng đều thơm lừng, ai cũng hỏi thăm…

Cơm gạo tám xoan có một đặc điểm hấp dẫn. Ấy là nhìn bát cơm thì rất khô, cứ tưởng như là thiếu nước vậy mà khi ăn lại mềm, vị ngọt đậm đà, không bã. Hương thơm thì rất bí ẩn lẩn khuất chứ không sực nức như mùi thơm của gạo Thái Lan, ai cứ gí mũi vào bát cơm mà ngửi thì đúng là chẳng hiểu gì về cơm tám.

Chõ xôi mới sáng hôm sau cũng tuyệt không kém. Bà chuẩn bị từ đầu đến cuối. Gạo nếp bắc được ngâm từ nửa đêm hôm trước, sáng ra căng tròn mây mẩy trắng như như tờ giấy Bãi Bằng. Cái chõ vẫn được gác trên bếp được lấy xuống cọ rửa sạch sẽ. Cái nồi đồng được đổ trên lưng nước, đặt thêm một cái đĩa sứ bát tràng xuống đáy nồi. Bà chỉ cần nghe tiếng reo của cái đĩa mà biết xôi đã chín hay chưa.

Bà cẩn thận xảo một bát ô tô gio rơm mới, trộn với một nắm lá khoai lang giã nhuyễn, rồi vít xung quanh chỗ tiếp giáp chõ với nồi đồng, kín hơn cả gioăng cao su. Thế là bắc lên bếp.

Chúng tôi chỉ xuất hiện quanh bà khi bà dỡ xôi. Hạt gạo không nở ra chút nào, chỉ chuyển màu trong như màu cái cúc áo sơ mi hai hào, hạt nào hạt nấy đều tăm tăm tắp. Hương thơm thì bay ra cả ngõ. Bà đơm xôi ra đĩa cúng các cụ, phần còn lại trong chõ chúng tôi thả cửa tranh nhau. Thủa ấy, chẳng có giò lụa nhưng chỉ cần chấm với mắm chắt cũng đủ “no bụng đói con mắt”.

Bà tôi đã mất lâu rồi. Bây giờ làng đã khác xưa, hiện đại hơn, khang trang hơn, đến cả lúa đồng làng cũng khác nhưng cứ đến tháng mười, cả nhà vẫn nhớ làm cơm mới dâng cũng ông bà tổ tiên… Nhưng những cảm giác ấm áp khi mùa về chỉ còn trong ký ức.

26 tháng 8, 2012

Lên phố ăn chả rươi


“Con gì bé tí tì ti
Mình đi dưới đất, bóng đi trên trời
Một năm mấy bận đi chơi
Đi thời lở đất long trời mới yên?”

Trưa nay mình lên phố ăn chả rươi.

Quyết định này được đưa ra sau  một loạt các gợi ý bún bò trộn, bún chân giò, cơm tay cầm sa lat cá ngừ với kem Bodega mà vẫn không đủ độ hấp dẫn. Hai vợ chồng lòng vòng từ Nguyễn Du lên Hàng Da, chợt nghe tiếng rao “Ai mua… rưới ra mua” ở Hàng  Mành. Tự dưng thèm chả rươi không chịu nổi. Vợ mình bảo “Em chiêu đãi anh chả rươi ở Gia Ngư”. Ok. Quay xe ngược ra Cầu Đất ngay tắp lự.

Lâu lắm mới lại được ăn cái món mà ở quê mình ngoài tên cúng cơm là rươi, cái loài này còn được gọi với cái tên hay ho là “mủ l… tiên”. Chả biết cái của nợ của tiên thì nó hấp dẫn chừng nào nhưng chả rươi thì mình cứ đả tì tì một đĩa tú hụ.

Mùa này quê mình đang vào mùa rươi. Thường thì vào tháng 9 âm lịch. Khi con nước thủy triều chuyến từ buổi chiều sang buổi sáng, thì rươi cũng theo nước sa nổi loe ngoe ven sông ven đồng. Chả ai biết rươi từ đâu ra, nhưng cứ đến mùa là rươi nổi. Có điều đặc biệt, hôm nào rươi nổi là trời không mưa nhưng mây vần vũ cứ như bão to tới nơi. Nhà nào thích ăn chỉ cần cầm cái rá, ra bờ sông cạnh xóm vớt một hồi là có đủ rươi cho một bữa chả ê hề. Hồi còn ở nhà, mặc dù thích ăn chả rươi nhưng mình không thích đi vớt rươi,  vì tội đành hanh. Ăn thì ngon vậy, chứ  nhìn rươi sống, rươi sổ ruột thì… ghê.

Hồi học cấp một, cậu bạn cùng xóm của mình rất mê vớt rươi. Nhưng tệ là cậu lại không phân biệt được đâu là rươi đâu là đỉa. Mười bận như mười, cứ tan học trên đường về, qua hai cánh đồng, hì hụi bắt rươi giúm vào lá khoai. Về tới nhà lần nào mẹ cậu cũng hoàng hồn vì con mình bắt về toàn đỉa, mà lại tinh đỉa trâu. Con nào con ấy bóng đen trũi, bóng lọng.
Nhà không có người vớt rươi nên mẹ thường mua rươi ở chợ. Làm chả rươi không khó nhưng cầu kỳ. Một ít vỏ quýt, mấy lá gấc non vài quả trứng, mấy lạng thịt nạc vai bằm nhỏ, mỡ phần thái hạt lựu, hành hoa, thì là… Thành phần thịt lợn thì mãi sau này đất nước đổi mới thì mới có trong chả rươi còn hồi bao cấp món chả rươi chỉ rặt có bốn thành phần chính là rươi, trứng gà, lá gấc và vỏ quýt. Rươi rửa cho sạch bằng nước nóng già cho hết nhớt, đánh nhuyễn với các thành phần phụ gia. Cho lên chảo mỡ sôi nóng già rán vàng, ăn với cơm nóng hoặc nhâm nhi với rượu nếp cái hoa vàng trong cái lạnh se của đợt rét đầu mùa thì không có cảm giác nào sánh bằng.

Ngày xưa, các bậc tiền nhân vốn nhiêu khê nên bày ra bao nhiêu cách thưởng thức con rươi: nào xào củ niễng, nào mắm rươi, rươi khô, rươi tươi đủ cả. Bây giờ thì chỉ còn chả rươi là mang tính đại chúng cao nhất.

Rươi không có hộ khẩu ở Hà Nội nhưng ở đây món chả rươi ngon rớt nước miếng lại được liệt vào hàng đệ nhất của nghệ thuật ẩm thực đất Tràng An. Nổi tiếng nhất là các hàng chả rươi ở mạn cuối phố Lò Đúc hay trên phố Gia Ngư.

Hầu như các cô các chị người Hà Nội gốc nào cũng rành công thức làm món chả rươi. Mỗi mùa rươi về trên những con phố nhỏ lại vang vang tiếng rao khiến mình lần đầu nghe câu này đã cười nghiêng cười ngả “Ai mua rưới… ra mua”… vì tiếng Hải Hậu quê mình không phân biệt rướidưới. Hehe

4 tháng 6, 2012

Đừng chụp chị, ngại lắm, chị là Xuyến Béo, thợ ảnh

Bãi Cát Cò (Cát Bà, Hải Phòng) có 31 thợ ảnh. Mỗi năm nộp phí hành nghề là 5 triệu đồng. Chủ yếu vào dịp cuối tuần  khách về nghỉ đông mới kiếm được. Ngày thường xem ra thợ ảnh còn nhiều hơn du khách.
Thế nhưng thời gian thực tế kiếm được chỉ có 3 tháng hè. Mùa đông phải tìm nghề khác không thì chết đói.

Gờ làm ăn khó lắm. Ai cũng có máy ảnh, iphone, Ipad. Có điều kiện đi nghỉ là có điều kiện sắm máy ảnh rồi. Mỗi ngày may mắn thì kiếm được 200 nghìn. Trừ chi phí mỗi tháng được 6 triệu, tạm đủ ăn.

Chú đừng chụp chị. Ngại lắm. Chị là Xuyến Béo, thợ chụp  ảnh có thâm niên 15 năm rồi. Hôm nào lên Hà Nội chị ghé qua thăm chú nhá.

27 tháng 5, 2012

Trái sấu vườn mẹ

Bữa cơm chỉ có nước rau muống với sấu dầm tỏi ớt nhưng ngon miệng không thể tả. Vị chua hơi gắt nhưng bị át bởi vị cay xé của ớt và hương thơm nồng của tỏi tạo thành một hương vị tuyệt vời. Chưa cần đưa sấu lên miệng đã thấy nước miếng kéo nhau về. Còn khi nuốt hết rồi vẫn thấy râm ran trong miệng vị chua, cay, mặn, ngọt, thơm, kích thích muốn ăn thêm miếng nữa.

Mãi đến lúc mẹ về hưu mới được phân một mảnh đất nhỏ bên bờ mương ngoài làng. Cả dãy có 6 gia đình cán bộ được phân đất, nhà tôi làm đầu tiên. Mảnh đất 120 mét vuông, trũng sâu, đổ hàng trăm xe cát vẫn thấy chưa đâu vào đâo. Mẹ quyết định làm móng rồi tôn nền nhà, tôn khoảnh sân nhỏ, còn mảnh vườn sau nhà hơi thấp cũng được. Mẹ chọn trứng gà, chua me, dâu ta, ổi và sấu để trồng. Chỉ sau 3 năm, dâu làm thành bờ dậu xanh mát, chua me lấy lá cho vào nước luộc rau muống miễn chê, còn trứng gà và ổi là hai loại quả tôi thích nhất. Riêng với sấu, mẹ bảo là bạn quý của mẹ, vì mẹ có thể chế biến thành nhiều món ăn mặn, đưa cơm trong cả năm cộng bổ sung vitamine cho đoàn tàu há mồm 7 toa (nhà tôi có 6 anh em, nhưng bố làm ngoại giao, hay đi công tác xa nên mấy anh em tôi quen với ý nghĩ nhà mình là đoàn tàu 7 toa, ăn thủng nồi trôi rế!). Còn với chúng tôi, tán lá sấu xanh rì mua hạ là góc chơi đùa sung sướng, nhất là những buổi trưa hè trốn ngủ, trèo lên một cành lùng ve sầu, mê hết chịu nổi luôn.


Món ăn nào từ sấu của mẹ cũng đều ấn tượng cả. Khi những trái sấu non vừa bằng đầu ngón tay cái, mẹ bắt đầu chế biến món ăn đầu tiên: sấu dầm tỏi ớt. Hồi đó nước mắm quý lắm, mẹ cạo vỏ sấu, ngâm kỹ rồi thái thành các lát mỏng chừng nửa phân rồi ướp với muối, sau chừng nửa tiếng tiếp tục cho ớt tươi, tỏi đập dập vào rồi đổ sâm sấp nước. Chỉ 1 tiếng sau, miếng sấu ngấm đều, mẹ sẽ đổ lên một tí nước mắn cho nó dậy mùi thơm lừng. Bữa cơm chỉ có nước rau muống với sấu dầm tỏi ớt nhưng ngon miệng không thể tả. Vị chua hơi gắt nhưng bị át bởi vị cay xé của ớt và hương thơm nồng của tỏi tạo thành một hương vị tuyệt vời. Chưa cần đưa sấu lên miệng đã thấy nước miếng kéo nhau về. Còn khi nuốt hết rồi vẫn thấy râm ran trong miệng vị chua, cay, mặn, ngọt, thơm, kích thích muốn ăn thêm miếng nữa.

Cấm cho vui




26 tháng 5, 2012

Thêm một lần quan bảo dân sai…


Ngày còn nhỏ, mỗi lần nghịch dại hoặc không suy nghĩ kỹ càng, nói năng bộp chộp thường hay bị người lớn mắng "ăn gì mà ngu thế!". Mỗi lần nghe mắng lại tự dặn lòng câu "Uốn lưỡi bảy lần...". Vậy mà giờ đây, cứ mấy hôm lại phải chửi đổng bằng câu "ăn gì mà ngu thế!" có điều không phải chửi con trẻ.

Hôm nay, báo chí tràn ngập thông tin vụ việc hai mẹ ở Cần Thơ quẫn trí làm liều, lột quần lột áo để giữ đất. Tin cho hay, bà Phạm Thị Lài (SN 1960, ngụ P.Hưng Thạnh) và con gái là Hồ Nguyên Thủy (SN 1979) khẳng định, họ khỏa thân để giữ phần đất đã bị công ty này chiếm đoạt một cách thiếu minh bạch. Bà Lài chia sẻ: “Đất này gia đình tôi bỏ tiền mua để cất nhà sinh sống mấy chục năm. CIC 8 tự đưa giá rồi ép chúng tôi nhận tiền mà không cho chúng tôi quyền được thỏa thuận mua bán. UBND Q. Cái Răng dùng lực lượng CA cưỡng chế đất giao cho CIC 8. Chồng tôi sức yếu thế cô, uất ức quá nên đã một lần uống thuốc sâu tự tử để phản đối. Giờ mẹ con tôi biết làm gì ngoài việc lột đồ, chịu nhục để phản đối?!”.

25 tháng 5, 2012

Lương trưởng phòng xây được biệt thự triệu đô


Ngày 22/5, ông Nguyễn Xuân Thuấn,
Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang (Hải Dương) cho biết, 
khu nhà vườn trăm tỷ đang gây xôn xao là của
 con trai ông Bùi Thanh Quyến, Bí thư Tỉnh ủy. (Ảnh GDVN)
(Nhà em xin từ Phụ nữ Today) -  Hôm thứ Hai, 21/5, trả lời báo Giáo dục Việt Nam, ông Bí thư chỉ đính chính một thông tin duy nhất, ấy là không phải  gia đình ông xây nhà trên đất nông nghiệp, mà đất đã được chuyển đổi đàng hoàng. Ông tuyệt nhiên không nói đến chuyện nhà báo phản ánh: Đất của ông, tài sản trên đất cũng là của ông.

Hôm sau, 22/5, Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang (Hải Dương) Nguyễn Xuân Thuấn mau mắn khẳng định đất này không phải thuộc sở hữu của đồng chí Bùi Thanh Quyến mà của anh Bùi Thanh Tùng, con trai ông Quyến (theo báo Lao Động). Ông Chủ tịch huyện cũng chẳng đả động gì đến chuyện tài sản trên đất là của ai.

Sang ngày 24/5, đến lượt đích thân con trai ông Bí thư lên tiếng hùng hồn nhận toàn bộ dinh cơ đang xây dựng là của mình, đồng thời không quên khẳng định: Tiền xây nhà là mồ hôi, nước mắt, xuất phát từ trí tuệ, vận động cá nhân chứ không phải là dựa dẫm vào bất kỳ ai, vào mối quan hệ nào.

Cứ tạm bỏ qua những mâu thuẫn nho nhỏ trong lời phát ngôn của 3 nhân vật, hẳn người trần mắt thịt chúng ta phải vừa xuýt xoa về tài làm kinh tế, vừa gật gù trước con đường hoạn lộ thênh thang của chàng thanh niên này. Tiếc là không có nguồn thông tin nào cho biết quý tử nhà ông Bí thư đã bao nhiêu tuổi, nhưng bằng chứng về cái sự trí tuệ, vận động cá nhân của anh thì đã rành rành: Hiện đang là Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương.

24 tháng 5, 2012

23 tháng 5, 2012

Mướp hương

Mấy đoạn hồi ức nho nhỏ nhưng cũng là kinh nghiệm thú vị chia sẻ với mọi người…

Tôi có rất nhiều kỷ niềm thời thơ bé liên quan đến mướp. Có lần con chó khổng lồ nhà ông Thìn hàng xóm bị ươn, cứ thấy ai đi qua cũng đuổi theo dọa dẫm. Tôi vốn sợ chó, lúc đó càng sợ tệ, nhiều lần đi học còn dùng dằng chờ người lớn đi cùng mới dám bước chân ra khỏi nhà. Ông anh trai kế tôi đã nghĩ ra một kế khiến cho con chó đó không dám chạy ra ngoài đuổi ai nữa. Anh ấy lấy một quả mướp nướng thơm lên rồi bọc giấy báo cầm theo. Khi con chó dữ dằn chạy theo, anh liền ném về phía nó. Chà, một tràng dài những tiếng sủa ăng ẳng, nhưng không phải hùng hổ mà sợ hãi và trở thành hiền lành hơn cả trước đây. Hóa ra quả mướp nướng quá nóng, nó ngoặm vào bỏng hết mồm, thế là cụp đuôi chạy biến.

18 tháng 5, 2012

Khúc biến tấu của muối vừng


Nếu bạn chưa một lần ăn thử những lát cơm nắm mát lạnh lăn đều muối vừng trong phòng máy lạnh, hãy mau mau thử đi...

Lần nào về thăm nhà, trong hành trang trở lại châu Âu hiện đại của anh chị tôi cũng có một túi muối vừng thơm lừng. Không phải bên đó không có lạc, có muối, có cối để tự làm, nhưng chị bảo, ăn muối vừng chính tay mẹ làm từ cái hạt lạc quê, hạt vừng quê giã trong cái cối đá quê nó thân thương, nó thơm ngon khác lạ.  Chúng tôi cũng vậy, đi học và lập nghiệp nơithành phố, bữa ăn hằng ngày đã tươm tất hơn nhiều, nhưng ít khi thiếu lọ muối vừng nằm khiêm tốn ở một góc bàn ăn. Bát cơm nóng trộn muối vừng ngày đông lạnh, hay bát cơm đã nguội trộn canh rau muống đánh chua thả chút muối vừng, chà chà, đưa cơm, đưa cả tình quê dịu ngọt…

17 tháng 5, 2012

Hoa dậy thì muộn

Hoa loa kèn đỏ thường hết mùa từ tháng 3. Nhà có mấy trồng mấy cụm, hết mùa chẳng để ý. Giữa tháng năm, nóng như đổ lửa, mở cửa ra ban công thì thấy vẫn còn một cây dậy thì muộn, màu hoa đỏ hơn bình thường. Cực đẹp. Có lẽ đây là bông loa kèn đỏ cuối cùng của năm 2012.

Bên lúa... bên áo cưới... cánh đồng làng thêm duyên

Ở cánh đồng của Phú Xuyên (Hà Nhì) -- (ảnh: Hoài Trang)

16 tháng 5, 2012

Cái cớ để yêu Hà Nội

Mùa sen vừa đến.

Tuần vừa rồi, hai người bạn một thân, một mới quen khi ngồi cafe đều chia sẻ với mình về tình yêu đối với Hà Nội, đặc biệt là khi Hà Nội chớm vào mùa sen.

Người bạn ở Sài Gòn tâm sự, hễ có điều kiện là lại thu xếp ra với Hà Nội. Mà lần nào ra Hà Nội, dù có bận mấy chăng nữa cũng phải sắp xếp thời gian để rong ruổi xuống làng hoa Nhật Tân, Tây Tựu... Chị rất thích trồng hoa. Chị vun đắp tình yêu của mình đối với Hà Nội bằng cách chơi hoa đào. Trong mảnh sân nho nhỏ ở quận Tân Phú, chị trồng mai vàng. Nhưng Tết năm nào chị cũng rinh bằng được một chậu đào bích để trưng trong nhà. Chị tự nhận mình yêu Hà Nội một cách thái quá rằng không thể nào cưỡng lại được sự hấp dẫn của những món ăn dân dã của nơi đây từ xôi vỉa hè đến những món mà kén người thưởng ngự như món bún đậu mắm tôm. Nếu tới Hà Nội đúng mùa sen nở, chị luôn dành hẳn một buổi chiều để lên những đầm sen ở Quảng Bá để hít hà, để chụp ảnh và đắm mình trong không gian khoáng thoát đẫm hương sen.

15 tháng 5, 2012

NSNA Trọng Thanh - Ẩn số đơn độc

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120514/anh-nude-noi-chim-trong-dinh-kien-ky-2-trong-thanh-an-so-don-doc.aspx

"Nói đơn giản, anh Trọng Thanh là một trong những người đi đầu, đi lặng lẽ, đơn độc trong cuộc kiếm tìm ảnh Nude", ông Nguyễn Thắng - Tổng Biên tập báo ảnh Việt Nam - nói

Duyên cực

Duyên quá cơ :)

Hai lít gội đầu, lít rưỡi vào tai

Sở nguyện của em Tép là để tóc dài. Sau rất nhiều lần dụ cắt và đã cắt được thì tới giờ em nhất định không cho cắt tóc nữa. Tóc em đẹp, giờ đã dài chấm lưng. Mỗi lần gội đầu rất vất vả. Bố quyết định mua cho em một cái giường gội.
Những ngày đầu, để luyện tay nghề, mẹ lùa tất cả em Tép, chị Hoa tồ tẹt, anh Tôm và bố lên để làm chuột bạch.
Mặc dù bố thấy tay nghề của mẹ cũng rất ổn áp nhưng anh Tôm thì la oai oái. Tôm bảo, đây chính là "Cực hình bánh xe" (Hình phạt trong thần thoại Hy Lạp). Gội theo cách truyền thống thích hơn.
Hôm đầu tiên bị mẹ thí nghiệm, anh Tôm xuống nói với bà nội:
- Thật kinh khủng. Hai lít nước gội đầu thì có lít rưỡi vào tai.
Ho ho

Cảm ơn bạn Công Khanh

Nhờ bạn, mình có thêm những hiểu biết về thế giới công nghệ mà lại không mất nhiều công để tìm hiểu và thực hành.
Hậu tạ, hậu tạ

14 tháng 5, 2012

Dưới lớp bụi thời gian


Mẹ gắp một miếng chả bỏ vào bát tôi “Có món tuyệt tác này dành cho con đây!” Tôi vừa cắn vào đã bật ra 1 tiếng “Rươi!”. Đã quá lâu rồi… Mọi thứ đã trở nên nhòe mờ dưới lớp bụi của thời gian.
Tâm gọi cho tôi với giọng hồ hởi “Đến chỗ tao ngay! Có bửu bối”. Tôi phi xe đến chỗ thằng bạn thân, không quên giắt túi cút rượu tăm, mồm huýt sáo vang, trời thu trong xanh, nắng thu nhuộm vàng, gió thu lành lạnh như mách với nhau về một bí mật mang tên “rươi”.

Sự khốn nạn của đất nước tự cho là hiếu học

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/chuyen-hom-nay/577017/Khat-vong-phu-huynh-tpp.html

13 tháng 5, 2012

Đi thực tế ở Sơn Tây

Sau một tuần quen hơi bén tiếng, ban tổ chức quyết định tổ chức cho cả lớp Kỹ năng biên tập viên trong tòa soạn đa phương tiện một chuyến cọ sát, thâm nhập để tạo mối quan hệ lâu dài cho các thành viên. Lớp phó Hải Vân đòi tổ chức đi qua đêm. Tuy nhiên, với kinh nghiệm lâu năm và tầm nhìn rộng, Ban tổ chức chỉ đồng ý thực tế ban ngày và kiên quyết hủy tour đêm. 



Lúc này vẫn còn hào hứng lắm

Thảo nào!

Mẹ đến trường đón Tép sau giờ học. Khi Tép chạy ra chỗ mẹ, có hai bạn trai đi theo hỏi: "Chị bạn đấy à?". Tép cười bảo: "Vớ vẩn, mẹ tớ đấy!". Trong khi mẹ đang âm ỉ sướng, một bạn quay lại nói với bạn kia, nói: "Thảo nào, già thế". Mẹ rớt từ tầng mây thứ 4 xuống mặt đất. :)