Tôi là cháu đích tôn. Bà nội ngày
còn sống, cứ vào tháng 10 âm lịch, khi lúa mùa bắt đầu vàng rộm, thơm ngát thì
thể nào cũng nhắn lên: Ba hôm nữa là bà có cơm mới, mày về thắp hương cho các cụ
rồi ăn…
Đến mùa gặt, tất cả các trường học ở quê tôi đều cho học sinh nghỉ 1 tuần
- gọi là nghỉ mùa - để giúp đỡ gia đình thu hoạch lúa. Đối với lũ trẻ thì việc được
đi ra dồng cùng người lớn là ột niềm vui hân hoan khó tả. Gặt lúa mùa thích lắm.
Đồng làng bát ngát lúa là lúa. Tiết đầu đông hanh hao, trời xanh ngắt, nắng
vàng như màu cái mâm đồng của bà. Ruộng khô nước, không có mùi bùn như mùa
chiêm, có thể chạy nhảy tung tung trên mặt ruộng đã gặt mà không lo bị sa bùn.
Đứa nào cũng mang theo một cái giỏ để bắt cua rạm. Trên nền ruộng, những dấu
chân của những lần làm cỏ lúa vẫn còn đọng nước, thể nào cũng có một hoặc hai
con rạm ẩn nấp trong đó. Một buổi theo bà ra đồng gặt lúa bao giờ tôi cũng bắt
được một giỏ đầy rạm. Con rạm đồng về kho mặn mà ăn với cơm mới thì… thôi rồi.
Lúa vụ mùa là thơm và ngon nhất. Chả thế mà tất cả các loại gạo đặc sản
nổi tiếng cả nước của Hải Hậu (Nam Định) quê tôi như gạo tám xoan, nếp bắc, gạo
mộc tuyền, gạo rự râu… đều được thu hoạch trong tháng mười.
Lúa tẻ bao giờ cũng được gặt đầu tiên, tiếp đó là lúa tám và nếp. Nhưng
trẻ con thì thích nhất là được đi gặt lúa tám và lúa nếp bởi vì ngoài cua rạm còn có thể bắt được nhiều muồm muỗm (một loại côn trùng giống như châu chấu)
có thể nướng hoặc rang chín để ăn béo ngậy.
Quê tôi gặt lúa là cắt sát tận gốc chứ không chỉ cắt phần ngọn như một số
nơi khác. Từng đọn lúa được để song song theo hàng. Tôi có nhiệm vụ đi gom những
lọn bé lại cho vừa một bó to để các chú khỏe tay bó lại mang về. Phải thật khéo
léo, nhẹ tay để cho hạt thóc khỏi rụng. Bà bảo, đó là ngọc của trời cho, lãng
phí là bị trời phạt.
Thích nhất là lúc xong việc, chúng tôi thường chia nhau đi các mảnh ruộng đã gặt để mót lúa. Những bông lúa còn sót lại thường là những bông còn non, mang về để rang nả (giống như nổ bỏng ngô). Lúa còn tươi bỏ vào chảo gang rang với cát sạch cho đến lúc tất cả các hạt đều nỏ bung trông giống hệt như những nụ đào, thì đổ ra một chiếc giần gạo để cho cát rơi hết. Mùi thơm của tám xoan và nếp bắc tươi mới quyện với nhau thơm lừng. Những hạt nả trắng ngà giòn tan, thơm mùi nắng. Không dám hoang phí ăn hết ngay, tôi thường cất vào một cái túi nhỏ đeo trước cổ, thỉnh thoảng lại bỏ ra nhấm nháp vài hạt…
Chọn giống cho mùa sau bao giờ cũng là công việc đầu tiên sau khi đem
lúa từ ngoài đồng về nhà. Lúc đó, chưa có giống bán sẵn như hiện nay mà phải chọn
giống bằng thủ công, bằng kinh nghiệm và sự nhạy cảm. Những bông lúa to hạt đều, mẩy từ đầu ngọn đến cuối ngọn. Lại phải xem
các đốt ở cổ bông lúa cách nhau bao nhiêu thì mới đủ tiêu chuẩn để giống. Lúc
chọn giống bà tôi như nhập đồng...
Ngày trước, không có máy tuốt lúa, phải
đập và kéo đá suốt đêm để sáng mai có lúa phơi cho kịp nắng. Không khí
ngày mùa thật hối hả. Không ai bảo ai tất cả đều như mong chờ một điều gì đấy
thiêng liêng. Ấy là lúc mẻ thóc đầu tiên đã đủ khô. Bà là người xúc thóc cho
vào cối. Hai chú cháu tôi xung phong xay lúa. Cối xay lúa được làm bằng tre. Mỗi
người một càng xay. Phải quay vòng cật lực và thật đều tay để hạt gạo không bị
vỡ đôi. Rồi phải sàng lọc bỏ vỏ trấu và hạt lép. Tiếp đó cho vào cối đá giã đến
bong lớp mày cám.
Cối giã gạo là loại cối vĩ đại nhất trong nhà, hơn một vòng tay người lớn
ôm không xuể. Lòng cối sâu khoảng 50cm, được chôn tịt xuống đất. Cái chày dài
khoảng 4m được làm bằng một cây gỗ nguyên, có đầu chày láng bóng vì giã gạo. Phải
hai người lớn dậm chân lên cần chày thì mới đủ sức nâng chày giã vào cối. Nhiều
nàng dâu quê tôi lúc mới về nhà chồng khi giã gạo phải đội thêm một thúng mõm
bò thóc trên đầu mới đẩy được cái cần cối xuống. Không ít cô vừa giã gạo vừa
khóc thầm…
Tiếng cối thậm thịch như kích thích thêm nỗi mong chờ của mọi người. Rồi
cũng đến lúc mẻ gạo được giã xong. Màu gạo tám xoan giã bằng cối tuy trắng
nhưng không trắng nõn như xay bằng máy công nghiệp mà trong veo như thạch, thảng
màu nâu của đất đồng, đều chằn chặn, mười hạt như mười.
Vẫn là bà chịu trách nhệm với nồi cơm mới. Gạo tám được vo bằng nước mưa,
để ráo mới cho vào nồi gang. Yêu cầu của một nồi cơm mới thật ngon là cơm không
được ướt, không được khô, nhưng hạt cơm phải sóng, không dính, không nở toét
toe, bết vào nhau.
Cái khó gồm cả việc đổ nước sao cho vừa, đun lửa thế nào để không bị
cháy, bị khê bởi gạo mới rất nhiều nhựa, rất khó nấu. Vùi cơm trong gio nóng cũng
là cả một nghệ thuật. Phải làm thật khéo kẻo gio lẫn vào cơm và phải ước lượng
thời gian để khi cơm vừa chín tới thì bắc ra ngoài, mở vung nồi cơm phải nghe
tiếng “xèo” thoảng qua thì mới đạt.
Cơm mới của bà tôi chỉ ăn cùng cá bống kho, rạm kho và rau muống luộc chấm
nước mắm cáy mà sao đậm đà thế. Ai cũng hít hà tìm mùi hương của gạo tám xoan. Còn nhớ, ngày tôi đi học đại học, mùa về, mẹ gửi cho mấy cân tám xoan. Tôi
bỏ vào nồi nấu ở ký túc xá mà cả mấy tầng đều thơm lừng, ai cũng hỏi thăm…
Cơm gạo tám xoan có một đặc điểm hấp dẫn. Ấy là nhìn bát cơm thì rất
khô, cứ tưởng như là thiếu nước vậy mà khi ăn lại mềm, vị ngọt đậm đà, không bã.
Hương thơm thì rất bí ẩn lẩn khuất chứ không sực nức như mùi thơm của gạo Thái
Lan, ai cứ gí mũi vào bát cơm mà ngửi thì đúng là chẳng hiểu gì về cơm tám.
Chõ xôi mới sáng hôm sau cũng tuyệt không kém. Bà chuẩn bị từ đầu đến cuối.
Gạo nếp bắc được ngâm từ nửa đêm hôm trước, sáng ra căng tròn mây mẩy trắng như
như tờ giấy Bãi Bằng. Cái chõ vẫn được gác trên bếp được lấy xuống cọ rửa sạch
sẽ. Cái nồi đồng được đổ trên lưng nước, đặt thêm một cái đĩa sứ bát tràng xuống
đáy nồi. Bà chỉ cần nghe tiếng reo của cái đĩa mà biết xôi đã chín hay chưa.
Bà cẩn thận xảo một bát ô tô gio rơm mới, trộn với một nắm lá khoai lang
giã nhuyễn, rồi vít xung quanh chỗ tiếp giáp chõ với nồi đồng, kín hơn cả
gioăng cao su. Thế là bắc lên bếp.
Chúng tôi chỉ xuất hiện quanh bà khi bà dỡ xôi. Hạt gạo không nở ra chút
nào, chỉ chuyển màu trong như màu cái cúc áo sơ mi hai hào, hạt nào hạt nấy đều
tăm tăm tắp. Hương thơm thì bay ra cả ngõ. Bà đơm xôi ra đĩa cúng các cụ, phần
còn lại trong chõ chúng tôi thả cửa tranh nhau. Thủa ấy, chẳng có giò lụa nhưng
chỉ cần chấm với mắm chắt cũng đủ “no bụng đói con mắt”.
Bà tôi đã mất lâu rồi. Bây giờ làng đã khác xưa, hiện đại hơn, khang
trang hơn, đến cả lúa đồng làng cũng khác nhưng cứ đến tháng mười, cả nhà vẫn
nhớ làm cơm mới dâng cũng ông bà tổ tiên… Nhưng những cảm giác ấm áp khi mùa về
chỉ còn trong ký ức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét