28 tháng 7, 2024

Chả nuôi thú cưng thì là nuôi gì 😂

Cứ gần 3 tuần, tương đương thời gian ba lần thu hoạch, thì phải lôi con Scooby ra… tắm.

Nói tắm là tắm đúng nghĩa. Sửa soạn sẵn sàng chậu tắm khử trùng, nước lọc đun sôi để nguội. Nước một là phải kỳ cọ thật sạch sẽ từng ngõ ngách thân thể con scooby. Sau đó tráng lại lần hai. 

Khi này con Scooby đã sạch bong kin kít để chuẩn bị cho chu kỳ lên men tiếp theo. 

Theo chuyên gia nuôi #Kombucha lâu năm Trần Lệ Thủy, tắm cho con men sau ba lần nuôi có tác dụng làm cho cái men khoẻ mạnh, phấn khởi. Nó sẽ tạo ra mật độ cao các bio lợi khuẩn trong sản phẩm kombucha.

Trong quá trình nuôi, chăm sóc spa cho con men kombucha, phải thật lưu ý đến việc vệ sinh. Chỉ cần sơ suất làm con men nhiễm khuẩn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đồ uống.

Nhớ là, nếu con men có dấu hiệu nhiễm khuẩn thì nên bỏ. Nhận biết bằng mắt thường, một con men kombucha khoẻ mạnh sẽ có màu trắng ngà đồng nhất, mượt mịn, liên kết dai chắc.

Nuôi con SCOBY

Ban đầu nghe tên mình nhầm nó với nhân vật hoạt hình nổi tiếng Scooby-doo, thu hút nhiều thế hệ thiếu nhi trên toàn thế giới. 

Sau đó thì biết nó là con “SCOBY” có tên khai sinh Symbiotic Colony of Bacteria and Yeast - viết tắt là SCOBY. Nó là một dạng vi khuẩn và nấm men để tạo thành món giải khát lợi khuẩn nổi tiếng khi cho nó ăn nước trà: Kombucha.

Kombucha được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nhật Bản. Loại trà này được tạo ra bằng bổ sung các chủng vi khuẩn đặc biệt, nấm men và đường vào trà đen hoặc xanh, sau đó trà được ủ, những chủng vi sinh vật này sẽ lên men trà trong một tuần hoặc lâu hơn.

Trong quá trình này, vi khuẩn và nấm men tạo thành một lớp màng bao bọc nhìn giống như nấm trên bề mặt của trà. Đây là lý do tại sao kombucha còn được gọi là "trà nấm".






23 tháng 7, 2024

À, thế thì hay đấy

Mỗi tuần một lần cả nhà lại chuẩn bị thu hoạch và chuẩn bị nguyên liệu cho mẻ kombucha mới. Trước đây, nghĩ nuôi con này chắc khó và cũng không tin tưởng lắm về độ… thơm ngon như người ta mô tả.

Gần đây, một lần lên anh chị ba chơi, bà chị dâu khoe “dàn” thú cưng kombucha lạ mắt. Con nào còn nấy cứ như cái bánh giò núng nính, lập lờ trong lọ thủy tinh màu hổ phách. 

Kombucha nguyên bản
Bà chị rót một ly bảo chú cứ thử đi. Và lần đầu tiên mình vượt qua nỗi e dè để nếm thử cái thứ nước lạ thỉnh thoảng thấy bày bán ở hội chợ. Nước có vị chua, thơm ngọt, thoang thoảng mùi trà và mùi men, phơn phớt mùi dấm. Sau khi nuốt trôi qua cổ họng, vòm miệng có chút râm ran từ khí ga do con kumbucha trong quá trình chuyển hóa trà tạo ra.

Hôm đó, cả buổi là những chia sẻ về “cái con lập lờ” này. Trong đó, thông tin chú ý nhất là bà chị dâu bị táo bón kinh niên. Thuốc thang đông tây y kết hợp với cúng đủ cả mà vẫn không cải thiện. Thế nhưng sau thời gian sử dụng sản phẩm kombucha nhà làm. Đầu ra đầu vào trở nên suôn sẻ như chưa hề có sự tắc tị nào trước đó.

À, thế thì hay đấy. 

Khi ra về, lủng lẳng ở xe máy là một con giống kombucha khỏe mạnh và một ít nước kombucha đã ngấu. Không những cho con giống, bà chị còn cẩn thận cho một chiếc thìa gỗ và một hộp trà đen xịn sò mà ông anh vừa vác từ về chuyến công tác ở Tây Nam Á. 

Ngay hôm sau, ở góc bếp của mẹ bổi có một bình thủy tinh để làm nhà mới cho “cái con lập lờ”. 

Tác dụng chưa biết thế nào, nhưng hiệu quả nhìn thấy là bọn trẻ thường không uống những thứ ngâm ủ. Nhưng riêng cái thứ nước kombucha thì chúng đều nhất trí uống nhiệt tình với khẩu hiệu “Vì một hệ tiêu hóa khỏe mạnh”.

Bây giờ, bên cạnh bình trà kombucha dành cho đối tượng thích ăn ít, giảm mỡ thì có thêm một bình Koffucha (nuôi bằng cà phê) cho coffeeholic.

Mô hình nuôi thú cưng “cái con lập lờ” hiện đã nhân rộng ra với các điển hình tiên tiến như Huê Nghiêm, Toan Toan. Thành công có, đang chờ thành công có. Nhưng trên hết là vui.


Nuôi kombucha không khó

Ban đầu thì cần có một con giống kombucha khỏe. 

Dụng cụ

Bình thủy tinh hoặc bình nhựa thực phẩm. Tùy vào nhu cầu để lựa chọn bình. Nên chọn loại bình từ 3 – 5 lít thì sẽ có đủ cho 3-4 người uống cả tuần.

Nguyên liệu

Đường nâu hoặc đường thốt nốt. Theo kinh nghiệm thì nuôi bằng đường thốt nốt sẽ cho sản phẩm có vị ngon và thơm nhất.

Trà (trà đen – hồng trà – lục trà)

Cà phê – chọn loại chất lượng tốt thì koffucha sẽ ngon.

Cách pha

Cứ 50g đường thì pha với 1 lít trà đen hoặc cà phê. 

Trà pha tỷ lệ 1 gói trà nhúng pha với nửa lít nước; Cà phê thì 60g cà phê pha với 1 lít nước.

Sau khi hòa tan đường với dung dịch trà hoặc cà phê thì để nguội hoàn toàn rồi đổ vào bình có con kombucha và một chút nước kombucha cũ. 

Bọc miệng bình bằng khăn xô màn của trẻ em hoặc giấy ăn. Để ở nhiệt độ phòng từ 5 -7 ngày thì thu hoạch được. Trữ sản phẩm thu hoạch trong tủ lạnh uống dần.

Cách dùng

Có thể uống nguyên chất với đá hoặc mix với tất cả các loại nước hoa quả hoặc soda.

Cách nhận biết con kombucha sinh trưởng tốt là sau 2 ngày, trên bề mặt bình sẽ xuất hiện con men. Bọt CO2 do vi khuẩn và men sinh ra. Con kombucha non bắt đầu nổi có màu sắc trắng trong như thạch. Nếu màu có màu bất thường hoặc nghi ngờ nấm mốc thì có thể bị hỏng.

Lưu ý: Không sử dụng các dụng cụ kim loại. Trong quá trình chuẩn bị, chỉ dùng thìa thìa gỗ hoặc nhựa, thố nhựa, sứ, thủy tinh để đựng dung dịch. 

Kombucha mix nước me

Koffucha đang lên men



8 tháng 7, 2024

Apple crisp - Bánh táo giòn

 Năm nay toàn được thưởng thức các món ngoại nhập. 

Mở màn Tết thì Măng Tây mang món Reclette từ Pháp về. Ăn xong béo lên mấy ký. Nhưng nghĩ đến vẫn còn thèm mà chưa biết khi nào mới được ăn lại 😊

Tuần trước Khoai Thành Huy Lê nấu món Cà Ri nguyên liệu mang từ Séc mang xuống tặng cô chú một hộp.  Tối qua còn hẹn con đi Thái mấy hôm về sẽ nấu mời cô chú một nồi nữa.

Mai Ngô là bạn học cấp 1 của Tép Linhh Chi đang học ở Úc về chơi. Hôm nay Mai qua nhà chơi với Tép và “chỉ để làm món bánh Apple crisp cho cô chú ăn” bằng nguyên liệu chuẩn bị từ Sydney. Công nhận đây là một món bánh ngon lần đầu tiên được thưởng thức. Bánh này chưa thấy có review bằng tiếng Việt. Trong tiếng Anh được dịch ra như sau:

Apple crisp

Táo giòn là một món tráng miệng được làm bằng streusel topping. Ở Mỹ, nó còn được gọi là apple crumble, một từ dùng để chỉ một món tráng miệng khác ở Anh, Canada, Úc và New Zealand. Thành phần thường bao gồm táo nấu chín, bơ, đường, bột mì, quế, và thường là yến mạch và đường nâu, gừng và/hoặc hạt nhục đậu khấu.

Khi ăn, rưới thêm một chút mật ong và vài giọt kem tươi. Công nhận rất cuốn ❤️







Buffet hải sản bình dân ở Đồ Sơn

Trong chuỗi dịch vụ ẩm thực du lịch ở Đồ Sơn, TomKang Buffet Hải Sản nằm gần như tách biệt với khu nhà hàng chen chúc sầm uất ở khu 2 Đồ Sơn. 

Trên lưng chừng một quả đồi ở khu 3, một ngôi biệt thự cũ được dẫn lối bậc thang trải đầy bông sứ rụng. Có một khoảng sân view vịnh biển. Đến đây vào lúc nhập nhoạng tối thì trông rất liêu trai.

Quán theo phong cách tự phục vụ, phù hợp với nhóm bạn hoặc gia đình muốn có một không gian bình dân. Mặc dù bày biện chưa chuyên nghiệp nhưng bù lại đầu bếp làm món khá ngon. Gia vị, hương vị vừa vặn.

Hải sản chủ yếu là tôm, cua, ghẹ, bề bề, cá, mực, ngao, chem chép, hàu, ốc mút… đang bơi. Khách ưng con nào thì vớt con nấy để ăn lẩu rau. 

Các món chế biến rang muối, rang me, sò - ngao nướng mỡ hành, thịt bò nướng ướp mềm, ăn được. 

Với mức giá 325k ngày thường và 350k ngày lễ và cuối tuần, chưa có đồ uống, mà ăn tẹt ga đến khi không ăn được nữa, thì cũng ok.

Rất mong nhà hàng đầu tư bố trí khu vực bày đồ ăn chín chỉn chu, chuyên nghiệp hơn. Điểm cộng là nhà vệ sinh sạch sẽ. 

Ăn xong, đi dạo hóng mát dọc bờ biển nghe sóng vỗ ì oạp vào bờ kè cũng chill phết. 

So với các quán được cánh lái taxi, xe điện giới thiệu với du khách thì Tomkang không được ưu tiên. Đa số xui khách xuống các hàng quán ở khu 2. Cho nên, nếu định thử món ở quán này thì rất nên kiên định đích đến 👍😊







Chợ cóc ở tập thể Trung Tự

 Chuyển khỏi khu Trung Tự gần 15 năm nhưng cuối tuần vẫn phải vượt qua trùng điệp đèn xanh đèn đỏ chở bà Thạch Hương về cái chợ cóc uy tín họp ngay sau trường mầm non Trung Tự để mua đồ.

Ngày xưa khu này được coi là có mức sống khá khẩm khi các gia đình được phân nhà ở đây đều là cán bộ cốp. Do đó, một cách tự nhiên, các chị hàng mang đồ đến đây bán cũng rất chăm chút cho các mặt hàng của mình, đẹp về hình thức, chất lượng thì theo phương châm “cá cả lợn lớn”.  

Sau này, khi cuộc sống hối hả hơn, các sạp hàng lại càng chú ý đến việc chăm sóc khách hàng. Qua đây mua từ mớ rau cũng đều ưng vì đã được nhặt sẵn, sạch sẽ. Đồ tươi sống đều được bóp muối rửa nước đóng gói… Đồ ninh hầm hay xào lăn đều được ướp gia vị về chỉ việc “nổi lửa lên em” là có món thơm ngon xơi luôn.

Ở Hà Nội có nhiều hàng thịt quay được review nhưng ngay chợ cóc này, có hàng thịt quay chẳng viu viếc gì sất nhưng không kém cạnh. Với nhà này, chất lượng của nó được chứng nhận bằng hai cái miệng hảo thịt quay của Tôm và Tép từ ngày mới biết ăn cơm 😂 

Sáng nay, ghé đây để có một nồi giả cầy cho bữa trưa. Trong lúc chờ bà xã lượn như trực thăng khắp chợ thì mình đứng ngắm nghía các sạp hàng hối hả sắp đơn hàng cho khách. 

Cuộc sống ở đâu thay đổi chóng mặt chứ lạc vào cái chợ cóc này, cảm giác vẫn y như mấy chục năm trước. Thân tình và gần gũi 💚

Mới đây, Hà Nội dự định quy hoạch lại khu tập thể này. Những khu nhà lắp ghép thấp tầng sẽ thay bằng các toà nhà cao tầng hiện đại. Lúc đó, có thể cái chợ cóc này sẽ không còn chỗ để họp nữa. Chợ cóc Trung Tự sẽ chỉ còn lại trong ký ức của cư dân.

Xong nhiệm vụ tài xế lại ngồi ban công nhẩn nha pha cà phê nhâm nhi buổi sáng thứ bảy đẹp giời 💚





Cầu kỳ món tiết luộc

 Đừng tưởng món tiết luộc này thích làm kiểu gì cũng được nhé. 

Một món ăn đơn giản, bổ sung nhiều vi chất cho nam phụ lão ấu bấy nay hay ăn nhưng chưa chắc có mấy người biết làm sao để món ăn này trở nên khác biệt.

Đầu tiên phải là bí quyết pha tiết. Tiết mua về phải pha thêm nước lọc. Nhưng pha tỷ lệ bao nhiêu để miếng tiết luộc xong rồi không bị nhạt hoặc bị mặn? Khi chế biến ta không thể nếm được. Vậy thì công thức chuẩn sẽ là cứ 1 tiết thì thêm 1,5 nước lọc.

Mọi người thích cho rau thơm, hành băm nhỏ vào tiết trước khi nó đông lại. Cách này sẽ làm miếng tiết luộc khi ăn sẽ bị nhộn nhạo. Ta sẽ không cảm thấy cái mượt mà, mềm mịn, dai ngậy của miếng tiết khi nó nằm trong khoang miệng. Mặt khác khi cho trực tiếp rau thơm như thế nó khác nào miếng dồi không được bao gói!

Món ngon, kể cả món đơn giản nhất cũng cần một chút cầu kỳ.  Để miếng tiết luộc ngon thoát tục, trước khi làm đông cần chuẩn bị sẵn: hoa húng chó, hành tím, vài nhánh tỏi, một ánh gừng, một miếng quế chi, một cánh hoa hồi, lá hành xanh xắt nhỏ. Tất cả cho vào cối giã mịn, lọc lấy nước rồi hoà chung với đám tiết màu mận chín tươi rói kia.

Chỉ sau vài phút, cái đám lõng bõng kia sẽ đông mịn như nhung. Chỉ cần lấy dao mỏng khía thành từng miếng vuông vắn rồi nhẹ nhàng trút vào cái nồi nước đang sôi lăn tăn. Đợi cho đến khi những miếng tiết chuyển màu nâu tây và nổi lên là món ăn đã chín tới. Nhớ đừng đun quá lửa. Tiết bị rỗ, xác. Mất ngon.

Vớt ra bát rắc lên một chút hành ngò, một chút tiêu xay. Việc còn lại là nhâm nhi với nó một chút rượu nếp cái hoa vàng. 

Đây là món và cách chế biến của bác cả ở làng Đình Bảng chiều mấy đứa em thích ăn tiết luộc. Mỗi lần muốn ăn lại gọi điện oder “Nay em về, bác lại làm cho em cái món “tâm huyết” ấy nhá ❤️

PS: Sau khi chia sẻ cách làm món tiết luộc gia truyền, một người bạn từng mở hàng bán món này mách thêm: Khi nước lăn tăn sôi thì thả nhẹ tiết vào, đun nhỏ lửa. Đợi vài phút cho tiết săn và sủi bọt. Đổ nước đi và thay nước lạnh vài lần. Cho nước mới vào (nước xương hầm là ngon nhất) để vài phút sắn thử thấy đỏ sậm bên trong và chín xung quanh thành ngoài là đươc. Tắt lửa, đậy vung để tiết tự chín (sẽ mềm hơn). Rắc hạt tiêu, hành chẻ và hành phi lên trên, ăn nóng!