19 tháng 9, 2022

Tuần mới của bạn bắt đầu thế nào?

Tuần mới của mình bắt đầu bằng cái hẹn với gara được xếp lốt từ tuần trước. Tờ mờ sáng mình đã dậy dọn xe để mang xe đi tránh tắc đường giờ cao điểm. Thật không may Gara bây giờ không có người trực như trước đây mà bắt đầu làm việc từ 08.00 mà mình không biết, nên phải ngồi chờ. Mọi kế hoạch của buổi sáng đầu tuần bị đảo lộn. Cuộc sống bây giờ thật bận rộn, lúc nào cũng phải có kế hoạch, kể cả việc nghỉ ngơi. Tuần rồi cô bạn đồng nghiệp ngồi than, dạo này vợ chồng em chẳng có lúc nào gặp nhau trong tình trạng tỉnh táo. Em thì bù đầu ở công ty, bao nhiêu việc từ nay đến cuối năm. Còn ông chồng thì bù đầu với cơ quan rồi lễ tân tiếp khách. Hôm nào cũng về nhà vào lúc nửa đêm trong tình trạng say ngật ngưỡng. Nhiều hôm về nhà là đổ vật ra giường ngáy pho pho. Đến khi tỉnh được thì càm ràm điều hòa lạnh. Hai vợ chồng người thì nóng người thì lạnh thế là lục đục, giấc ngủ chẳng đâu vào đâu. Giao được xe cho gara, gọi một chiếc grab bike đi làm. Yên vị, vừa hỏi câu “Dạo này công việc tốt không?”. Cậu thanh niên quê Thái Bình như được dịp, kể. Em bắt đầu nhận cuốc từ 5 giờ sáng. 7 giờ tối thì nghỉ. 12 giờ ngoài đường nhưng số giờ làm việc chỉ 4-5 giờ. Dạo này khách mất nhiều do chính sách thu phí nắng nóng của Grab. Làm nhiều chuyện tốt mà chỉ cần một việc xấu thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Đợt này tài xế cũng nghỉ nhiều do chính sách chiết khấu thay đổi từ 27% lên 33%. Vậy mà chạy cháy da cháy thịt mà chẳng ăn thua. Em vẫn phải thu xếp một ngày nghỉ trong tuần. Chiều thứ sáu tuần trước, khi đi hội chợ về ngang qua quán cà phê, chồng bảo vợ sáng mai thứ bẩy mình đi xuống quán gọi một cốc cà phê ngắm nghía phố phường cho thư giãn. Thế rồi ngày thứ bẩy đi qua ngày chủ nhật cũng qua nốt. Đến tối mới nhớ ra có mỗi cái hẹn cà phê mà chưa thực hiện được. Có lẽ Do tuổi tác bắt đầu già nên quên là chính. Sáng đầu tuần, ai cũng vội vã, ra phố với khuôn mặt đăm chiêu. Trong đời, có thể chỉ có một lần lướt qua nhau. Thật hiếm nhìn thấy nụ cười. Dự báo thời tiết nói tuần này mưa to đến rất to. Ra đường nhớ mang theo áo mưa và hãy làm nhiều việc thiện lành.

9 tháng 7, 2022

Mùa sen nở nhất định nên đến chùa Đậu



Nếu bạn muốn có một không gian tĩnh tâm, cân bằng cảm xúc thì nên một lần đến chùa Đậu vào mùa hoa sen nở rộ.

Hiếm có ngôi chùa nào ở Hà Nội lại có được không gian rộng lớn và khoáng đạt như ngôi chùa này. Tương truyền, chùa được xây dựng vào thế kỷ thứ 3 sau công nguyên, cách đây gần 2.000 năm và được sửa chữa, tôn tạo nhiều lần. 
Tam quan chùa Đậu khi chưa trùng tu


Chùa Đậu (tên chữ là Thành Đạo Tự) ở xã thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi huyện Thường Tín, nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng chừng 25km. Từ trung tâm Hà Nội đến chùa Đậu, xuôi theo Quốc lộ 1A cũ, qua thị trấn Thường Tín, có 2 con đường dẫn vào chùa Đậu. Nếu muốn đến thẳng cổng chùa bằng con rộng, trải nhựa nhẵn thín, hãy bỏ qua tấm biển chỉ dẫn của con đường thứ nhất. 

Còn nếu muốn tận hưởng một không gian xanh vắng trong veo thì hãy giẽ phải luôn khi gặp biển chỉ dẫn “Chùa Đậu” nằm ngay bên đường. Bạn sẽ bất ngờ bởi mọi thứ đối lập hoàn toàn với sự sôi động của con đường 1A. Hai bên đường là đồng lúa và những ruộng màu. Đi khoảng 2km, tới ngã ba, thì giẽ tay trái. Từ đây, với 1km đường đê, với không gian ngút tầm mắt không vướng nhà cao tầng. Bạn sẽ không thể nhận ra con sông này chính là dòng Nhuệ giang với hai bờ cỏ mướt xanh lòa xòa tới tận mặt nước. Dòng sông uốn lượn mềm mại tới tận cổng chùa.

Đến chùa Đậu, không có ai làm phiền bạn. Từ bãi gửi xe miễn phí, để vào chùa ta sẽ chậm rãi đi dưới tán những cây bồ đề. Dưới đầm, sen đang mùa nở rộ. Trên con đường này, có 2 người phụ nữ bày bán nông sản vừa hái trên những cánh đồng quanh chùa. Chủ yếu là các loại rau tập tàng. Những sản vật này khiến khách sau khi vãn cảnh chùa phải sà vào mua cho mình một món gì đó để nhận được cảm giác an yên trọn vẹn.

Ngôi chùa tọa lạc trên một khu đất nằm giữa một đầm nước. Ở đầm này, nhà chùa nuôi nhiều loại sen. Trong đó, có loài bạch liên cánh to. Đường kính hoa chừng 25 – 30 cm. Trắng muốt mỏng như lụa. Các nhà sư ở đây dùng bạch liên ướp trà. Pha trà bạch liên nhất định không được vội. Nhẩn nha từ việc dỡ từng lớp cánh sen mỏng tang như lụa bạch cho đến khi lộ hẳn những búp chè được ép bên trong đang dính chặt vào đài sen, trong khi chờ ấm nước sôi lăn tăn. So với trà ướp sen hồng, thì trà bạch liên lên hương rất chậm rãi. Phải từ nước thứ ba, hương sen mới đằm và lan toả đủ vị… Bởi vậy, nếu vội thì khoan hãy pha trà bạch liên.

Một điểm đặc biệt ở chùa Đậu là bức tượng nào cũng cười rất hiền. Ngay đến tượng hộ pháp ông Ác mặt cũng dịu dàng quá đỗi. Sau khi lễ Phật, ngắm những gương mặt hiền hậu, đi dạo trên con đường giữa đầm sen ngát hương, có cảm giác nếu đang có những muộn phiền thì nó cũng sẽ rơi rụng sau mỗi bước chân.
Ở chùa Đậu là bức tượng nào cũng cười rất hiền


Thông tin về ngôi chùa Đậu nổi tiếng có đầy trên mạng. Chỉ cần gõ chữ “chùa Đậu” là bạn sẽ có đủ thông tin từ A-Z về lịch sử ngôi chùa này. Nhưng đa số, các review giống nhau đều copy y chang những thông tin khảo cứu của bảo tồn.

Trong chùa còn lưu nhiều di vật và đồ thờ cổ có giá trị như đôi rồng đá, khánh, chuông… Chùa Đậu hiện nay vẫn giữ được 6 bia đá khắc từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII. Có hai tấm biển gỗ sơn son thếp vàng, khắc bài thơ chữ Nôm của chúa Trịnh Căn và chúa Trịnh Cương (Thế kỷ XVII và XVIII). Đôi rồng đá và chiếc khánh đồng đúc năm 1774 với bài minh soạn bởi danh sĩ đời vua Lê Hiển Tông là Phan Trọng Phiên.

Chùa Đậu còn có hai pho tượng là nhục thân của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường trụ trì chùa vào khoảng thế kỷ XVII. Trải qua gần 400 năm tồn tại thân thể của hai ngài vẫn không hề bị hủy hoại. Tượng thiền sư Vũ Khắc Minh cao 57cm, nặng 7,5 kg, thiền sư Vũ Khắc Trường cao 75cm, nặng 31 kg. Đây được coi là 2 xá lợi toàn thân nguyên vẹn nhất trong số các di thể của các thiền sư ở Việt Nam. Chúng ta sẽ bị thu hút và dành thời gian kha khá để ngắm hai bức tượng với gương mặt hiền từ thư thái này.

Đến chùa Đậu, hãy dành thời gian để nán lại không gian của tầng hai Tam quan. Trên đó được treo một quả chuông lớn, đúc năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801) thời Tây Sơn. Có rất ít chùa để cho khách tiếp cận với vùng không gian đặc biệt này.

Lễ hội chùa Đậu diễn ra vào ngày mùng 8 đến mùng 9 tháng Giêng theo lịch âm. 

Chùa Đậu từng có một kiến trúc đặc biệt cổ kính. Năm 2021, đợt trùng tu lớn ngôi chùa này đã gây nhiều ý kiến tranh cãi về việc phá vỡ sự nguyên vẹn của các kiến trúc cổ. 

Mặc dù vậy, vào mùa hoa sen, đừng trì hoãn, hãy một lần về thăm chùa Đậu.








 

14 tháng 2, 2022

Bảo sao Tết xong cứ ũng a ũng ĩnh

 

Năm nào cũng phải để ít nhất một cái bánh chưng quê để đến mùng rằm thì rán lên cho bõ thèm và vớt vát chút hương vị Tết trước khi nó tan biến vào những bận rộn của ngày thường.

Bánh chưng rán ăn kèm hành muối
Bố mẹ tôi đi thoát ly, không được ở quây quần với ông bà và các cô chú. Ngày còn bé, Tết đến, ông bà nội và các cô chú luôn gửi quà, trong đó thể nào mỗi nhà cũng cho ít nhất 2 tấm bánh chưng. Rồi cơ quan mẹ, cơ quan bố cũng gói bánh chưng phát theo tiêu chuẩn. Nên chẳng gói mà đến ngoài rằm tháng giêng vẫn còn bánh chưng để rán. Đến giờ, mình vẫn còn nhớ sự thú vị khi mỗi khi ăn cả nhà sẽ đố nhau đoán xem, bánh chưng này của nhà ai thông qua cảm nhận mùi vị riêng trong bánh của mỗi gia đình. Thông thường mọi người sẽ đoán rất trúng xuất xứ tấm bánh vì mỗi gia đình lại có cách tra gia vị khác nhau. Vẫn là thịt, đỗ, hành, gạo, nước mắm và gia vị nhưng vị này trội hơn một tí, vị kia bớt đi một tẹo mà thôi.

Bánh chưng Hải Hậu khác với bánh chưng của nhiều nơi là mùi vị rất đặc trưng bởi nó được gói từ gạo nếp trộn nước gừng tươi. Nhân bánh ngoài những thành phần cốt cán thịt, hành, đỗ, tiêu, mắm còn được bổ sung thêm quả tò ho xao vàng giã nhỏ. Mình không tìm được tài liệu nào ghi chép hay truyền khẩu về việc từ khi nào và ai là người sáng tạo cho thêm những gia vị này vào bánh chưng. Nếu nhà bánh nhà nào thiếu hai thứ gừng và quả tò ho thì sẽ bị chê là nhạt nhẽo ngay từ khi lột chiếc lá bánh đầu tiên. Thứ gia vị này đặc biệt hợp với mùi hương của lá dong tươi và làm dậy lên hương thơm quyến rũ của món bánh chưng mỗi năm được làm một lần.

Nhớ cái tết đầu tiên khi về làm dâu cách đây hơn 20 chục năm, mẹ của Tôm - Tép chưa ăn được bánh vì… bánh chưng gì mà có mùi thơm là lạ. Phải vài tết sau mới quen mùi. Giờ thì, hết đợt ăn Tết với ông bà, khi chuẩn bị đồ quay lại thành phố đều không quên dặn bà nội bọn trẻ “Mẹ cho con 2 tấm bánh chưng để ra giêng bố bọn trẻ đỡ nhớ vị quê hương”.

Hôm nay mới mười tư, rán nửa cái bánh chưng “mùi thơm là lạ” mà hai vợ chồng đánh hết veo. Còn một nửa, mai mười rằm xơi nốt. Bảo sao Tết xong cứ ũng a ũng ĩnh cả lượt.

13 tháng 1, 2022

Bánh khúc làng

Ở thành phố tìm được bánh khúc tẻ có màu bánh xanh tiệp màu lá gói thì hơi bị hiếm. Người thành phố chỉ quen ăn bánh khúc xôi nếp. 

Mùa này, ruộng phơi ải, gió bấc ràn rạt thổi qua cánh đồng có những nhánh rau khúc xôm xốp đọng sương muối li ti ở rìa mép lá. Rét quắt nhưng mấy đứa trẻ con vẫn hớn hở chân trần xắn móng lợn loăng quăng khắp các bờ đỗi kén chọn những cây khúc mập mạp. Các bà các cô ở xóm bảo lấy khúc phải lấy buổi sớm còn sương thì bánh mới thơm, ngậy. Khi đó cả lũ trẻ lâu nhâu tin sái cổ. Lớn lên chút mấy đứa bảo nhau chắc các bà không muốn bọn trẻ ngủ rốn trong chăn nên lấy sự hấp dẫn của nồi bánh khúc lùa bọn chíp hôi dậy sớm một công đôi việc, vừa vận động cho khoẻ, vừa có khúc để làm bánh khúc, xôi khúc ăn ấm chân răng. 

Ngoài bánh khúc đồ chung với nếp, ở làng còn có bánh khúc làm bằng bột tẻ. Nhân vẫn có đỗ và thịt mỡ nhưng cái giòn sừn sựt của bột tẻ, ngai ngái mùi khúc tươi khiến ăn no ễnh bụng vẫn không bị ngấy hay nóng ruột. Ăn nóng cũng ngon mà để nguội ăn cũng rất vào. 

Giờ mấy cánh đồng quanh làng thành khu công nghiệp hết. Muốn có khúc để tự làm bánh phải dặn mấy chị hàng lá trên chợ để dành cho nhưng lâu lắm cũng chẳng ai có thời gian rới rở. Cũng may ở làng vẫn còn vài nhà giữ nghề làm bánh truyền thống, trong đó có món bánh khúc bột tẻ gói lá dong. Nên khi nào nhớ vị thì cứ về là có bánh khúc để chén đẫy tễ 💚 

Bánh khúc tẻ gói lá dong ở Đình Bảng



Cốm chiên

 Cốm chiên là món truyền thống từ thời bao cấp của khu tập thể trường Đảng huyện nơi mẹ công tác.

Ngày đó, cả khu tập thể được nuôi cơm suất cùng với những bữa cơm của học viên các khóa học. Cơm nguội được gom lại từng bữa, phơi thật khô, dồn vào bình thủy tinh. Chờ đến khi có một âu mỡ lợn thì mẹ sẽ dành cho một suất ưu tiên để biến những hạt cơm cứng đanh thành một món vừa bông xốp, vừa giòn giòn béo ngậy. Nó là thứ để lấp vào cơn đói giữa buổi hay những đêm thứ bảy gió bấc thổi ào ào qua vườn mía, ngồi bên ngọn đèn Hoa kỳ vừa nhấm nháp những hạt cốm vừa nghe sân khấu truyền thanh trên Đài tiếng nói Việt Nam.

Thành phẩm

Cốm chiên thơm và ngon nhất là khi cơm phơi được nắng. Những hạt cơm nhanh chóng khô khảo, co lại, trong veo, vốc lên từng hạt chui qua kẽ ngón tay trơn tuột.

Cốm chiên ngoài việc chống đói, còn được sử dụng như một gia vị để cho vào chảo cơm rang. Những hạt cốm giòn rụm “đánh lừa” cảm giác làm cho món cơm trở nên hấp dẫn vì những âm thanh rộn rạo.

Còn nhớ, món cốm trộn “kem” mật. Vào tháng chạp âm lịch, cả làng tôi vào mùa chặt mía nấu mật. Khi cụ Chí hàng xóm, nếm mẻ mật đầu tiên và nói dứt khoát “Được!”, thể nào bọn trẻ con cũng được các bác các chú thưởng cho một muôi “crema mật” múc từ chảo vừa nấu xong để trộn với cốm chiên. Lớp creama này có vị béo giống bơ, mùi thơm thật khó tả, chỉ có ở chảo mật vừa nấu xong. Lấy ra khỏi chảo, để nguội thì mùi vị đó dường như biến mất, chỉ còn mùi thơm của mật mía quen thuộc. Món cốm chiên trộn này mỗi năm chỉ được ăn một lần nên rất háo hức chờ đợi. Đến cuối những năm 80,  trồng mía không mang lại hiệu quả kinh tế, nghề trồng mía lụi dần, làng cũng thất truyền nghề làm mật mía nên món cốm trộn “crema mật” cũng không có cơ hội tái hiện.  

Làm cốm chiên không khó, chỉ cần để ý một chút là làm được. Đó là dầu phải thật sôi, nhưng không được để cháy. Nếu dầu không đủ nóng, hạt cốm không nở phồng sẽ sắt lại như gạo rang. Đủ nhiệt, chỉ trong khoảng 10 giây, hạt cốm sẽ nở đều, trắng xốp và không ngấm dầu.

Cốm Vòng chiên

Sau này, không còn để chống đói nhưng mỗi mùa nắng dại, mẹ vẫn nấu một nồi cơm gạo ngon, dỡ ra nia phơi cho săn hạt, đóng vào túi nilon thỉnh thoảng lại gửi lên cho con cháu làm món cốm chiên. Ở Hà Nội, món cốm chiên nhà tôi không chỉ mono cơm nguội phơi khô mà còn được phối với cốm nếp làng Vòng cho thêm phần nhuận miệng. Món này để ăn với cháo, xơi với chuối tiêu hay sữa chua hoặc trộn với cơm rang thì luôn được hoan nghênh nhiệt liệt.

Cơm nguội chiên
Gọi là “cốm chiên” cho sang miệng chứ thực ra nó là món quà vặt của trẻ nhà nghèo, gợi nhớ một thời cuộc sống chật vật của người lớn. Tối qua, cả nhà lại tưng bừng chiên mẻ cốm “truyền thống” cuối cùng của năm 2021 âm lịch.