5 tháng 9, 2024

Ký ức của bão

Mấy hôm nay, tất cả các đài dự báo khí tượng của thế giới và Việt Nam đang theo dõi sát sao đường đi của cơn bão Yagi. Một cơn bão được cho là một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử các cơn bão trên thế giới. Nó đang thẳng tiến vào nước ta.

Ngoài trời, mùa thu vẫn đang rất trong trẻo. Không có vẻ gì là bão đang sắp đến. Tin về cơn bão số 3 đang chiếm spotlight trong mối quan tâm của rất nhiều người.
Chỉ có chiếc đèn này mới chịu được sự khắc nhiệt của bão - gọi là Đèn Bão

Đang giờ làm việc, ông bạn mình trầm ngâm nhìn bầu trời rồi nói “Biết là khắc nghiệt, nhưng thật sự tôi rất tò mò xem bão thực sự nó như thế nào!”. Quê bạn ở nơi bão ít vào, mà có vào tới nơi thì cũng chỉ gọi là thôi.

Trong ký ức của bọn trẻ con miền biển chúng tôi, khi nghe đài báo có bão thì vừa sợ vừa tò mò chờ đợi.

Bắt đầu bằng những tiếng gầm gừ vọng về từ biển. Tiếng sóng của biển động vượt qua những cánh đồng trống huơ thẳng cánh cò bay. Những năm đó không có nhà bê tông cao tầng để chặn đường những âm thanh đó. Nhà tôi cách biển 6 – 7 cây số mà vẫn nghe rõ mồn một.

Tất cả chiếc đài chạy bằng pin trong làng đều tắt hết các chương trình khác. Mọi người ưu tiên chỉ để nghe bản tin dự báo thời tiết. Bắt đầu từ bản tin “Cơn bão xa” rồi đến “Cơn bão gần” và khi bản tin “Cơn bão khẩn cấp” được phát 15 phút một lần thì mọi hoạt động sản xuất thường ngày sẽ dừng lại. Cả làng tập trung vào công tác phòng chống bão.

Rồi gió cũng đến. Thanh niên trai tráng trong làng bắt đầu cuộc đua gặt lúa chạy bão. Hòm hòm việc đồng áng thì mới đến gia cố nhà cửa. Cả làng tôi lúc đó có nhiều nhà mái rạ. Những ngôi nhà lúp xúp ở miền biển để tiện cho việc tránh bão. Những chiếc lưới đay khổng lồ đan mắt cáo được giăng ra trùm lên mái nhà. Bốn góc có bốn chiếc chão thừng được cột vào cọc tre già đóng sâu xuống nền đất. Tất cả các cửa sổ, cửa ra vào đều được cột thật chặt bằng nhiều lớp sợi đay già. Đàn bà hối hả xem thóc gạo, lạc vừng đã đủ cho cả nhà mấy ngày hay chưa. Thông thường tất cả sẽ sẵn sàng trước khi bão đến.

Chiếc cửa cuối cùng sẽ được cột chặt lại. Trong thời gian cao điểm bão gió hoành hành. Tất cả sẽ ngồi yên trong nhà. Ngay cả khi cơn bão ngừng lại để đổi hướng gió. Không có việc gì cần kíp thì cũng không có ai muốn ra bên ngoài. Bởi cuồng phong sẽ nổi lên bất kỳ lúc nào mà không có gì báo trước. Lúc đó cánh cửa nào trót mở ra thì sẽ phải chịu hậu quả là không thể đóng lại được. Gió thốc qua cửa ấy rất có thể sẽ bốc tung cả cái mái nhà dù được chằng buộc rất kỹ càng. Đó là bão. Và thời gian ngồi chờ bão đi qua như dài vô tận, nhất là khi bão đổ bộ vào ban đêm.

Năm nào bố tôi cũng mua bản đồ Việt Nam. Ông dạy tôi cách xem đường đi của bão sau khi nghe bản tin dự báo trên Đài tiếng nói Việt Nam. Khi đó, còn nhỏ xíu, bọn trẻ con chúng tôi đã biết đâu là kinh độ đâu là vĩ độ. Để vạch những đường bút chì theo dõi dự báo hướng đi của cơn bão. Thậm chí, đã biết nếu bão ở vĩ độ này, kinh độ này thì nó chắc chắn sẽ vào bờ biển khu mình.

Nỗi lo bão gió là của người lớn. Còn bọn trẻ con lúc đó, săn đường đi của bão trên bản đồ như là một trò chơi ú tim.

Bố tôi làm cán bộ huyện. Không có cơn bão nào ông được ở nhà. Lúc đó, bão đến là cán bộ phải đi hộ đê. Đi giúp dân ở sát biển chống bão. Ở nhà chỉ còn 3 mẹ con. Một mình mẹ tôi loay hoay cột cửa cột nhà. Lùa lợn gà vào chuồng. Hò hét 2 thằng con nghịch như giặc đang tranh nhau săn đường đi của bão trên bản đồ chẳng lo lắng gì về bão gió. Khi bão làm cái mái ngói kêu roàn roạt sau mỗi cơn gió thốc thì mẹ bảo chúng tôi trú xuống gầm sập. Sập là chiếc phản có 2 miếng gỗ được kê trên bốn cái chân liễng chắc chắn. Có lẽ khi đó, mẹ cho rằng đó là nơi an toàn nhất nếu chẳng may cái nhà xây tường đơn bị bão quật đổ.

Sau bão là đói. Đê điều bị sóng đánh vỡ tan nát. Ruộng đồng nước ngập mênh mông, mùa màng thất thu. Người lớn sau một cơn bão, mặt buồn rười rượi. Bao nhiêu thành quả trồng cấy trong năm đã đi tong. Dọn dẹp hết hậu quả của một cơn bão để cuộc sống trở lại bình thường phải mất hàng tuần. Chỉ có trẻ con là sung sướng, hò nhau luồn từ vườn nhà nọ sang vườn nhà kia để nhặt chiến lợi phẩm trái cây bị gió bứt xuống vứt khắp nơi trong vườn.

May mắn sao, làng tôi nhiều chục năm không có ai thiệt mạng vì bão. Có vẻ kinh nghiệm chống chọi với bão biển được ông cha truyền lại từ đời này sang đời khác đã giúp chúng tôi thoát nạn.

Mấy nay truyền thông đưa tin, 10 năm qua, không có cơn bão nào đáng kể đổ bộ vào miền Bắc. 20 năm qua, không có cơn bão nào mạnh như cơn bão Yagi này.

Lo phết.




15 tháng 8, 2024

Ăn xôi mít

Mãi rồi cây mít na cũng cho quả chín. Hằng tuần bố mẹ cập nhật thông tin trưởng thành cuả mấy quả mít qua zalo nhóm gia đình. Sau trận mưa tháng 7, một quả bị rẽ. Tưởng là nó không đợi được đến ngày đủ năng lượng để chín. 

Đây là xôi với mít na bố mẹ gửi

Tuần rồi, hai cụ U80 sau khi hì hục tìm cách đưa được mấy quả mít tròn căng từ trên cây xuống, mẹ vác đi gửi xe ghép đi Hà Nội cho bọn mình. Xong xuôi mới gọi điện báo. 


Thế là sáng sớm hôm sau, giữa nhà có hẳn 3 quả mít tròn xoe căng mọng, toả hương ngào ngạt. Quả mít rẽ phải giết ngay vì có dấu hiệu bị hỏng một phần. Trước khi đi làm, hai vợ chồng xoay xở giết mít rất rộn ràng. 


Cái giống mít na nhiều múi. Vỏ mỏng, xơ ít, cơm mít dày, hột nhỏ. Phải bỏ một phần mà vẫn đầy mấy hộp cơm mít. 


Hạt mít mình để sẵn vào một hộp khác. Ý định của mình với đám hạt này là cuối tuần sẽ gửi cho mọi người để làm giống. (Có cả một danh sách sau cái tút khoe 3 quả mít na ở vườn). Tuy nhiên, vội đi làm nên không dặn. Đến tối về, thấy trên bàn có một đĩa hạt mít rất ngay ngắn. Hoá ra, quần chúng tích cực đã cho hết đám giống mít quý giá vào nồi luộc lên đánh chén. Lại còn khen ngon rối rít.


Mít được sử dụng là một loại hoa quả bổ sung vitamine. Không giống như chuối, nhiều người dạ dày yếu phải ăn lúc no, hoặc không ăn được, thì mít rất lành. Ăn lúc nào cũng ok. Mít còn được coi là nguồn thực phẩm cho tương lai, đặc biệt đối với những tín đồ ăn chay. Mít có cấu trúc giống thịt lợn xé, trong thực phẩm chay, mình thích ăn nhất khi mít được chế biến để thay thế cho các món kho. Tuy nhiên, lượng protein trong mít khá thấp. Bỏ qua các hạn chế về protein, mít mang lại nhiều lợi ích dinh dưỡng tương tự như các loại trái cây khác, tạo ra sự bổ sung xứng đáng vào chế độ ăn uống nến pha trộn hợp lý hương vị và kết cấu của nó.


Một quả mít na, vừa cho vừa ăn vẫn còn rất nhiều. Phải nghĩ ra nhiều cách để đám mít kia không nhàm chán. Hết mít sữa chua đến mít kombucha đến mít trộn phô mai… 


Ăn mít với xôi là một sở thích kết hợp rất thú vị. Mít sẽ là chất dẫn. Xôi (có thể kèm với thịt xay xào săn) là thành phần phối hợp. Món này, mình có thể ăn no căng, mặc kệ lượng tinh bột có hơi quá hơn mọi ngày.


Cứ nhồi xôi (kèm thịt) vào nửa múi mít. Kể cả có phồng mồm để đút trọn múi xôi mít vào miệng cũng xứng đáng.


Sáng nay, cả nhà có một nồi xôi nếp thơm lừng để làm món xôi mít. 

 


 

 

 

 

 

7 tháng 8, 2024

Về nơi các linh hồn đế vương dạo chơi hằng đêm

 Năm 1997, lần đầu tiên tới Đà Nẵng. Một cuối tuần trong đợt công tác, các anh chị ở văn phòng báo Tiền Phong và báo Nhi Đồng hồi đó còn đóng chung ở 426 Ông Ích Khiêm (Đà Nẵng), rủ thằng em đi thánh địa Mỹ Sơn. Lúc đó, khu này ra vào tự do.

Trong trí nhớ, để vào được khu tháp phải đi bộ qua đường mòn, băng qua vài con suối. Vào giữa thung lũng, trên nền ngọn núi thiêng Răng Mèo là sừng sững những ngôi tháp rêu phong, có những mảng tường gạch trần đỏ ối. Tượng đá, linga, yoni còn thấy ở khắp nơi. Hầu như trong thung lũng không có cây cối, chỉ có cỏ dại lúp xúp. Năm đó, mùa đông đến sớm, ở Mỹ Sơn cũng mát mẻ. Buổi trưa, dưới chân một ngọn tháp lớn, anh chị em trải chiếu, bỏ đồ chuẩn bị từ nhà ra nhậu tưng bừng. Khi liêng biêng còn chui cả vào trong lòng tháp tranh thủ chợp mắt được giấc trưa.

Sau gần 30 năm mới quay trở lại, khu thánh địa được đầu tư xây dựng và tôn tạo đã thay đổi rất nhiều. Các khu tháp được gia cố, trùng tu. Cây được trồng khắp nơi. Còn đường dẫn vào các khu tháp được đổ bê tông nằm dưới tán cây rừng tránh được cái nắng tháng 8 của miền Trung.

Từ năm 1999, Thánh Địa Mỹ Sơn được UNESCO Di sản văn hóa thế giới. Mỹ Sơn là khu di tích duy nhất của nghệ thuật Chăm bao gồm tổng thể kiến trúc phong phú và đa dạng của nghệ thuật Chăm có niên đại liên tục trong nhiều thế kỷ. Theo các tài liệu lịch sử, Mỹ Sơn từng là thánh đô, là trung tâm tôn giáo quan trọng và tiêu biểu nhất của vương quốc Champa từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIV.

Các đền tháp ở Mỹ Sơn là những công trình kiến trúc chính thống của quốc gia và đều do các đời vua trị vì xây dựng, vì vậy có thể nói rằng các đền tháp này là tập trung thể hiện những gì tiêu biểu nhất, tinh hoa nhất điển hình cho nền kiến trúc nghệ thuật đương thời với những dạng thể kiến trúc độc đáo, nghệ thuật chạm khắc trên gạch và đá hết sức ấn tượng, tinh xảo, cách sử dụng vật liệu và kỹ thuật xây dựng đặc biệt. Nơi đây, 70 công trình đền tháp kết tinh giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của nền văn minh Chămpa, được đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á như Borobudur (Indonesia), Pagan (Myanmar), Angkor Wat (Campuchia), là kết tinh của những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được tạo lập trong suốt chiều dài 11 thế kỷ (từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIV). Bị chiến tranh tàn phá, đến năm 1975, Mỹ Sơn chỉ còn lại 32 công trình, trong đó khoảng 20 công trình còn giữ được dáng vẻ ban đầu.

Nếu muốn chiêm ngưỡng kỹ càng từng góc, từng chi tiết của các công trình còn lại ở Thánh địa Mỹ Sơn thời gian có thời tiết lý tưởng nhất là từ tháng 11 đến tháng 4. Còn tới đây vào mùa hè, cái nóng như nung của Duy Xuyên, sẽ làm giảm đi rất nhiều cảm xúc.

Một điều lấy làm tiếc, khu di sản đặc biệt này ngoài hoạt động tham quan vào ban ngày với không gian tháp cổ, bảo tàng hiện vật - hình ảnh khá hạn chế và một nhóm nhạc công và vũ công biểu diễn điệu múa trong trang phục dân tộc Chăm, thì không còn hoạt động nào khác. Không có dịch vụ lưu trú, không có sự lựa chọn về dịch vụ ăn uống ngoài nhà hàng duy nhất tên Chăm ở ngay cổng vào, giáp với bãi để xe. Cũng may là đầu bếp của Chăm làm món khá ổn.

Khi màn đêm buông xuống, cả thung lũng lại chìm vào không gian như hàng nghìn năm trước với bóng tối và cuộc dạo chơi của những linh hồn đế vương.







 


 

28 tháng 7, 2024

Chả nuôi thú cưng thì là nuôi gì 😂

Cứ gần 3 tuần, tương đương thời gian ba lần thu hoạch, thì phải lôi con Scooby ra… tắm.

Nói tắm là tắm đúng nghĩa. Sửa soạn sẵn sàng chậu tắm khử trùng, nước lọc đun sôi để nguội. Nước một là phải kỳ cọ thật sạch sẽ từng ngõ ngách thân thể con scooby. Sau đó tráng lại lần hai. 

Khi này con Scooby đã sạch bong kin kít để chuẩn bị cho chu kỳ lên men tiếp theo. 

Theo chuyên gia nuôi #Kombucha lâu năm Trần Lệ Thủy, tắm cho con men sau ba lần nuôi có tác dụng làm cho cái men khoẻ mạnh, phấn khởi. Nó sẽ tạo ra mật độ cao các bio lợi khuẩn trong sản phẩm kombucha.

Trong quá trình nuôi, chăm sóc spa cho con men kombucha, phải thật lưu ý đến việc vệ sinh. Chỉ cần sơ suất làm con men nhiễm khuẩn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đồ uống.

Nhớ là, nếu con men có dấu hiệu nhiễm khuẩn thì nên bỏ. Nhận biết bằng mắt thường, một con men kombucha khoẻ mạnh sẽ có màu trắng ngà đồng nhất, mượt mịn, liên kết dai chắc.

Nuôi con SCOBY

Ban đầu nghe tên mình nhầm nó với nhân vật hoạt hình nổi tiếng Scooby-doo, thu hút nhiều thế hệ thiếu nhi trên toàn thế giới. 

Sau đó thì biết nó là con “SCOBY” có tên khai sinh Symbiotic Colony of Bacteria and Yeast - viết tắt là SCOBY. Nó là một dạng vi khuẩn và nấm men để tạo thành món giải khát lợi khuẩn nổi tiếng khi cho nó ăn nước trà: Kombucha.

Kombucha được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nhật Bản. Loại trà này được tạo ra bằng bổ sung các chủng vi khuẩn đặc biệt, nấm men và đường vào trà đen hoặc xanh, sau đó trà được ủ, những chủng vi sinh vật này sẽ lên men trà trong một tuần hoặc lâu hơn.

Trong quá trình này, vi khuẩn và nấm men tạo thành một lớp màng bao bọc nhìn giống như nấm trên bề mặt của trà. Đây là lý do tại sao kombucha còn được gọi là "trà nấm".






23 tháng 7, 2024

À, thế thì hay đấy

Mỗi tuần một lần cả nhà lại chuẩn bị thu hoạch và chuẩn bị nguyên liệu cho mẻ kombucha mới. Trước đây, nghĩ nuôi con này chắc khó và cũng không tin tưởng lắm về độ… thơm ngon như người ta mô tả.

Gần đây, một lần lên anh chị ba chơi, bà chị dâu khoe “dàn” thú cưng kombucha lạ mắt. Con nào còn nấy cứ như cái bánh giò núng nính, lập lờ trong lọ thủy tinh màu hổ phách. 

Kombucha nguyên bản
Bà chị rót một ly bảo chú cứ thử đi. Và lần đầu tiên mình vượt qua nỗi e dè để nếm thử cái thứ nước lạ thỉnh thoảng thấy bày bán ở hội chợ. Nước có vị chua, thơm ngọt, thoang thoảng mùi trà và mùi men, phơn phớt mùi dấm. Sau khi nuốt trôi qua cổ họng, vòm miệng có chút râm ran từ khí ga do con kumbucha trong quá trình chuyển hóa trà tạo ra.

Hôm đó, cả buổi là những chia sẻ về “cái con lập lờ” này. Trong đó, thông tin chú ý nhất là bà chị dâu bị táo bón kinh niên. Thuốc thang đông tây y kết hợp với cúng đủ cả mà vẫn không cải thiện. Thế nhưng sau thời gian sử dụng sản phẩm kombucha nhà làm. Đầu ra đầu vào trở nên suôn sẻ như chưa hề có sự tắc tị nào trước đó.

À, thế thì hay đấy. 

Khi ra về, lủng lẳng ở xe máy là một con giống kombucha khỏe mạnh và một ít nước kombucha đã ngấu. Không những cho con giống, bà chị còn cẩn thận cho một chiếc thìa gỗ và một hộp trà đen xịn sò mà ông anh vừa vác từ về chuyến công tác ở Tây Nam Á. 

Ngay hôm sau, ở góc bếp của mẹ bổi có một bình thủy tinh để làm nhà mới cho “cái con lập lờ”. 

Tác dụng chưa biết thế nào, nhưng hiệu quả nhìn thấy là bọn trẻ thường không uống những thứ ngâm ủ. Nhưng riêng cái thứ nước kombucha thì chúng đều nhất trí uống nhiệt tình với khẩu hiệu “Vì một hệ tiêu hóa khỏe mạnh”.

Bây giờ, bên cạnh bình trà kombucha dành cho đối tượng thích ăn ít, giảm mỡ thì có thêm một bình Koffucha (nuôi bằng cà phê) cho coffeeholic.

Mô hình nuôi thú cưng “cái con lập lờ” hiện đã nhân rộng ra với các điển hình tiên tiến như Huê Nghiêm, Toan Toan. Thành công có, đang chờ thành công có. Nhưng trên hết là vui.


Nuôi kombucha không khó

Ban đầu thì cần có một con giống kombucha khỏe. 

Dụng cụ

Bình thủy tinh hoặc bình nhựa thực phẩm. Tùy vào nhu cầu để lựa chọn bình. Nên chọn loại bình từ 3 – 5 lít thì sẽ có đủ cho 3-4 người uống cả tuần.

Nguyên liệu

Đường nâu hoặc đường thốt nốt. Theo kinh nghiệm thì nuôi bằng đường thốt nốt sẽ cho sản phẩm có vị ngon và thơm nhất.

Trà (trà đen – hồng trà – lục trà)

Cà phê – chọn loại chất lượng tốt thì koffucha sẽ ngon.

Cách pha

Cứ 50g đường thì pha với 1 lít trà đen hoặc cà phê. 

Trà pha tỷ lệ 1 gói trà nhúng pha với nửa lít nước; Cà phê thì 60g cà phê pha với 1 lít nước.

Sau khi hòa tan đường với dung dịch trà hoặc cà phê thì để nguội hoàn toàn rồi đổ vào bình có con kombucha và một chút nước kombucha cũ. 

Bọc miệng bình bằng khăn xô màn của trẻ em hoặc giấy ăn. Để ở nhiệt độ phòng từ 5 -7 ngày thì thu hoạch được. Trữ sản phẩm thu hoạch trong tủ lạnh uống dần.

Cách dùng

Có thể uống nguyên chất với đá hoặc mix với tất cả các loại nước hoa quả hoặc soda.

Cách nhận biết con kombucha sinh trưởng tốt là sau 2 ngày, trên bề mặt bình sẽ xuất hiện con men. Bọt CO2 do vi khuẩn và men sinh ra. Con kombucha non bắt đầu nổi có màu sắc trắng trong như thạch. Nếu màu có màu bất thường hoặc nghi ngờ nấm mốc thì có thể bị hỏng.

Lưu ý: Không sử dụng các dụng cụ kim loại. Trong quá trình chuẩn bị, chỉ dùng thìa thìa gỗ hoặc nhựa, thố nhựa, sứ, thủy tinh để đựng dung dịch. 

Kombucha mix nước me

Koffucha đang lên men



8 tháng 7, 2024

Apple crisp - Bánh táo giòn

 Năm nay toàn được thưởng thức các món ngoại nhập. 

Mở màn Tết thì Măng Tây mang món Reclette từ Pháp về. Ăn xong béo lên mấy ký. Nhưng nghĩ đến vẫn còn thèm mà chưa biết khi nào mới được ăn lại 😊

Tuần trước Khoai Thành Huy Lê nấu món Cà Ri nguyên liệu mang từ Séc mang xuống tặng cô chú một hộp.  Tối qua còn hẹn con đi Thái mấy hôm về sẽ nấu mời cô chú một nồi nữa.

Mai Ngô là bạn học cấp 1 của Tép Linhh Chi đang học ở Úc về chơi. Hôm nay Mai qua nhà chơi với Tép và “chỉ để làm món bánh Apple crisp cho cô chú ăn” bằng nguyên liệu chuẩn bị từ Sydney. Công nhận đây là một món bánh ngon lần đầu tiên được thưởng thức. Bánh này chưa thấy có review bằng tiếng Việt. Trong tiếng Anh được dịch ra như sau:

Apple crisp

Táo giòn là một món tráng miệng được làm bằng streusel topping. Ở Mỹ, nó còn được gọi là apple crumble, một từ dùng để chỉ một món tráng miệng khác ở Anh, Canada, Úc và New Zealand. Thành phần thường bao gồm táo nấu chín, bơ, đường, bột mì, quế, và thường là yến mạch và đường nâu, gừng và/hoặc hạt nhục đậu khấu.

Khi ăn, rưới thêm một chút mật ong và vài giọt kem tươi. Công nhận rất cuốn ❤️







Buffet hải sản bình dân ở Đồ Sơn

Trong chuỗi dịch vụ ẩm thực du lịch ở Đồ Sơn, TomKang Buffet Hải Sản nằm gần như tách biệt với khu nhà hàng chen chúc sầm uất ở khu 2 Đồ Sơn. 

Trên lưng chừng một quả đồi ở khu 3, một ngôi biệt thự cũ được dẫn lối bậc thang trải đầy bông sứ rụng. Có một khoảng sân view vịnh biển. Đến đây vào lúc nhập nhoạng tối thì trông rất liêu trai.

Quán theo phong cách tự phục vụ, phù hợp với nhóm bạn hoặc gia đình muốn có một không gian bình dân. Mặc dù bày biện chưa chuyên nghiệp nhưng bù lại đầu bếp làm món khá ngon. Gia vị, hương vị vừa vặn.

Hải sản chủ yếu là tôm, cua, ghẹ, bề bề, cá, mực, ngao, chem chép, hàu, ốc mút… đang bơi. Khách ưng con nào thì vớt con nấy để ăn lẩu rau. 

Các món chế biến rang muối, rang me, sò - ngao nướng mỡ hành, thịt bò nướng ướp mềm, ăn được. 

Với mức giá 325k ngày thường và 350k ngày lễ và cuối tuần, chưa có đồ uống, mà ăn tẹt ga đến khi không ăn được nữa, thì cũng ok.

Rất mong nhà hàng đầu tư bố trí khu vực bày đồ ăn chín chỉn chu, chuyên nghiệp hơn. Điểm cộng là nhà vệ sinh sạch sẽ. 

Ăn xong, đi dạo hóng mát dọc bờ biển nghe sóng vỗ ì oạp vào bờ kè cũng chill phết. 

So với các quán được cánh lái taxi, xe điện giới thiệu với du khách thì Tomkang không được ưu tiên. Đa số xui khách xuống các hàng quán ở khu 2. Cho nên, nếu định thử món ở quán này thì rất nên kiên định đích đến 👍😊