Bên cạnh những đào bích, đào thế, đào phai bề thế, điệu đà có
một loại đào cũng ra chợ tết nhưng rất khiêm tốn, dè dặt. Người ta đặt cho nó một
cái tên mộc mạc: “Đào dăm”. Có tên cho bằng chị bằng em nhưng thực ra đây những
cành đào vụn được tỉa từ những cây đào “không vào thế”. Bỏ đi thì tiếc công trồng cấy chăm bẵm, nhà
vườn tỉa cành, bó thành từng bó nhỏ. Xưa, cánh nhà khó thường chọn mua một bó
đào dăm đem về cho căn nhà có chút sắc hồng khi mùa xuân tới. Vì vậy đào dăm dù
khiêm tốn vẫn bền bỉ có chỗ ở chợ hoa.
Chơi đào dăm có lợi thế là mang lại cảm giác phóng khoáng. Những
cành đào rời rạc mảnh mai cho chủ nhà cơ hội được trình bày theo ý thích, được
thế hiện cá tính bằng việc phối hợp chọn chiếc bình nào để cắm và lựa thế cho
những cành đào phô hết vẻ đẹp mộc mạc. Điều này những cành đào bề thế, uốn éo
theo một form cố định không thể nào có được.
Đào dăm còn là cứu cánh cho người trồng đào khi giêng hai,
vườn đào chưa bán hết đợt tết thì vẫn có thể mang lại khoản thu nhập đáng kể
vào dịp rằm tháng giêng. Lúc này, chả có ai khuôn đào cây, đào thế về trưng, có
ghé chợ hoa mua đào thì cũng chỉ chăm chăm chọn vài bó đào dăm mang về. Những lọ
đào dăm hiện diện trong nhà vào thời điểm này như một một gạch nối, níu chân
mùa xuân ở lại.
Cả một vùng rộng lớn
phía Nam Định nức tiếng bánh chưng bà Thìn Hải Hậu. Cho dù bây giờ chẳng thiếu
gì người gói bánh chưng bán, bánh chưng bà Thìn vẫn là món quà quê giản dị được
chọn của người Hải Hậu và những vùng lân cận như Giao Thủy, Quất Lâm, Cổ Lễ (nếu có dịp ghé qua).
Bánh chưng bà Thìn
Nhà bà Thìn ngày xưa ở cống Trung Phương, cách chợ Đông Biên
4 cây số. Dân quê, tháng ba ngày tám chẳng có việc gì làm, bà chọn nghề gói
bánh chưng để kiếm thêm. Ngày nắng cũng như ngày mưa, có hôm ốm mệt, nhưng bà
chẳng bao giờ nghỉ, gói bánh rồi gánh vào chợ bán, cứ như là bà nghỉ chợ một
hôm thì mọi người sẽ thiếu bánh của bà lắm vậy.
Ngay khi vào nghề vài tuần bà đã được tín nhiệm thành người giao
hàng cho các hàng bán quà khắp vùng chợ Đông Biên. Ngay từ lúc khởi nghiệp ấy,
cái tên bánh chưng bà Thìn đã thành danh và lưu cho đến bây giờ.
Tôi còn nhớ tuổi thơ có hai điều gắn bó và thân quen hết mực:
Làm phim đèn chiếu bằng truyện tranh của báo Thiếu niên Tiền Phong và bánh
chưng bà Thìn.
Mẹ đi chợ về thỉnh thoảng lại lủng lẳng trên ghi đông vài tấm
bánh chưng nóng. Ông Nội mỗi lần đi công tác rẽ qua nhà tôi chơi, nhất định không
bao giờ thiếu những tấm bánh chưng. Các cô bác cùng cơ quan bố mẹ tôi khi vào
nhà tôi chơi cũng toàn mua bánh chưng bà Thìn làm quà cho chúng tôi. Ngay mấy
bác hàng xóm, thỉnh thoảng đi chợ về chạy sang cho quà cũng chẳng phải là cái
gì xa lạ: Bánh chưng bà Thìn…
Bánh chưng bà Thìn gói bằng lá chuối
Có lần ông nội đi công tác về muộn, không kịp mua bánh chưng
bà Thìn cho thằng cháu đích tôn, thấy tôi nhõng nhẽo đòi, ông nói đùa “Bà Thìn ốm
chết mất rồi nên làm gì còn bánh!”, có bà hàng xóm đi qua nghe thấy vậy đã khóc
tướng lên chạy vào hỏi ông tôi “Thật ư bác? Thế bà ấy đi hôm nào ạ”. Cái tình của
người quê, thật nồng hậu, thân thiết làm sao!
Bây giờ con dâu và cháu dâu bà Thìn đang hành nghiệp ngay ở
chân cầu Yên Định. Người con dâu thật thà kể hết với khách bí quyết làm bánh của gia
đình, chẳng giấu giếm như kiểu nghề gia truyền. “Nhà tôi chẳng có bí quyết
gì đâu bác ạ. Mẹ tôi chỉ dạy, muốn gói bánh chưng ngon cứ nhớ kỹ chuyện Lang
Liêu gói bánh cung tiến Vua cha”. Tôi vẫn nhớ câu chuyện truyền thuyết về bánh
chưng bánh dày tượng trưng cho trời đất, nhưng chẳng ngờ nó là bài học đơn giản,
dễ nhớ của một nhà nghề: Gói bánh chưng phải chọn nguyên liệu tốt và có tình cảm.
Nhà bà Thìn dùng lá chuối sống hơ qua lửa
cho mềm để gói bánh, nên màu sắc tấm bánh xanh non, mỡ màng. Loại gạo làm vỏ
bánh là gạo nếp hương rất ngon của Hải Hậu. Đỗ xanh phải chọn loại đỗ trồng ở
vùng đất cát pha ngoài biển để nhân bánh tơi và thơm. Miếng thịt ba chỉ làm
nhân bánh phải là loại có thớ đều và dày, khi xắt thành miếng không bị rời thành từng mảnh, lại được tẩm ướp nước mắm, mì chính, hành khô, hạt tiêu thật kỹ. Chỉ một
chút nước mắm ướp thịt cũng phải chọn loại mắm ngon, dậy mùi vì chính điều đó
làm nên hương vị đặc trưng khi xắt bánh chưng thưởng thức. Gừng và thảo quả là
hai loại gia vị thường có ở bánh chưng Hải Hậu, tạo cho miếng bánh hương vị
thơm nồng đậm đà.
Khách mua bánh về làm quà
Năm 2003, khi viết bài báo này thì bánh chưng bà Thìn đã đến
đời thứ 3 (còn bây giờ thì là đời thứ 4) nhưng hàng bánh chưng bà Thìn vẫn giữ
được tín nhiệm. Mỗi ngày vẫn sản xuất đều đặn 200 tấm bánh, chỉ bán một lúc buổi
sáng là hết veo. Vào dịp lễ, tết các cơ quan quanh huyện đặt nhiều, có ngày lên
đến 700 đến 800 tấm. Còn mùa cưới hỏi thì đám nào ngại giở bánh ra gói đều nhờ
đến nhà bà, công việc chẳng lúc nào ngơi. Cái may mắn nhất của người làm hàng
ăn bán là khách nhớ nhà hàng, thì nhà bà Thìn đã có được điều đó.
Những người quê Hải Hậu đi làm ăn xa, có khi sang Lào,
Campuchia, mỗi khi có dịp đều không bỏ qua cơ hội ăn lại tấm bánh chưng bà
Thìn. Nhiều người không có điều kiện về thăm nhà, mỗi khi có ai đó về nước chỉ
dặn nhớ mang bánh chưng bà Thìn sang làm quà.
Hồi bà cụ Thìn mất được vài năm, có người lính lê dương
khi sang thăm lại Việt Nam, ông ta về lại Hải Hậu vẫn không quên nhắc “món ăn Việt Nam
tôi nhớ nhất là bánh chưng bà Thìn”, khi về nước ông đã đặt mấy chục chiếc về
làm quà… Những tình cảm đó không phải nhà hàng nào cũng tạo dựng được.
Sau trải nghiệm rất vô tình của ông bạn Hữu Khôi thì mình là người thứ 2 nhưng là cố tình rán bánh gai.
Mọi người thường hay quen với bánh chưng rán.
Nhưng bánh gai rán ngon một cách lạ lẫm, thoát ly hẳn vị bánh gai thông thường khi bánh được gia nhiệt bằng dầu ăn, tạo nên lớp vỏ giòn mỏng tang.
Lớp bột dẻo màu huyền dậy mùi lá gai quyện với mùi hương đặc trưng của nhân bánh đang bị cầm tù trong lớp vỏ giòn nóng tút bỗng bùng nổ khi hàm răng cuống quýt phá vỡ cấu trúc của tấm bánh.