23 tháng 6, 2013

Thầy bói dọn cưới

Hôm nay nhàn cư lại dở cái thú thay đổi đồ đạc trong phòng, rút cục căn phòng đã mang một dáng vẻ mới và cảm giác thay đổi vẫn rất thú vị cho dù ngoài kia trời đang mưa chuẩn bị cho cơn bão số 2.



 Cái sở thích "đổi mới như cũ" có từ cái thời còn đi thuê nhà. Thỉnh thoảng lại phải dọn dẹp kê lại phòng cho dù cái sự hợp lý nó đã ở gần cái mức khó mà có ý tưởng nào hay hơn.

Còn nhớ hồi mới ra trường, mình về ở với vợ chồng người bác họ trong khu tập thể Dệt nhuộm. Cả khu làm hàng len để cho các đầu nậu xuất khẩu. Nhà cấp bốn rộng gần 60 mét vuông, chia làm 3 khu. Mình gọi là 3 tầng nằm ngang. Phòng lớn nhất vừa làm phòng khách, vừa làm công xưởng. Khi đó, chưa xin được việc làm mình cũng tham gia vào dây chuyền này. Mỗi ngày cũng may được từ 10 đến 12 cái áo len. Công may một chiếc áo là 1200 đồng.

Một vài năm sau làm ăn khấm khá, bác chuyển nhà mới, và cho mình ở nhờ tại căn nhà này. Căn nhà trước đây chật chội máy móc, công nhân, người nhà, giờ rộng mênh mông.

Do bác đã chuyển một số đồ đạc có giá trị lên nhà mới, nhà cũ chỉ còn lại một chiếc giường đôi, một chiếc giường cá nhân, một cái tủ "bích-phê", một cái tủ đựng đồ và bộ salon nan cũ kỹ.

Lúc đó, ở một mình, thấy sao 60 mét vuông nó rộng thế. Để đỡ nhàm chán và để không bị trì trệ trong căn nhà rộng, cứ thỉnh thoảng mình lại xoay bàn ghế, xoay giường, xoay tủ từ góc nọ sang góc kia. Thế rồi, mình phát hiện ra sau mỗi lần kê lại đồ, một cảm giác tươi mới phấn chấn, đầy năng lượng tràn ngập. Hai cậu bạn thân hồi học đại học, cuối tuần đến tụ bạ cũng hay bị lôi vào công cuộc đổi mới nội thất.

Một thời gian sau, do nhà rộng nên có nhiều họ hàng cũng gửi con lên ở nhờ. Nhà trở nên chật chội. Khi đó đã có việc làm nên mình quyết định đi thuê một căn nhà khác cho hai anh em. Lúc này thằng em ruột bắt đầu năm thứ nhất đại học.

Tìm mãi cũng kiếm được một căn hộ trên tầng 2 của khu tập thể cao tầng nằm sát bên đường Giải Phóng. Căn hộ của một bà lão không chồng. Khi mình thuê được, những người hàng xóm ai cũng ngạc nhiên, bảo "Sao mày lại tán được bà ấy? Bao nhiêu người hỏi bà ấy không cho thuê. Nhà để không bao nhiêu năm trời". Mình bảo, "Mình chỉ tán bà ấy bằng một cuộc điện thoại thôi". Căn hô có 2 phòng, một sảnh và hai ban công. Đồ đạc chẳng có gì, nhõn một cái giường cá nhân. Không có khu nấu nướng. Để có chỗ kê bếp, mình phải kiếm hai cái ghế đẩu, một cái cánh cửa bỏ đi gác lên đó lấy chỗ kê cái bếp ga cũ do bà cô ruột cho.

Có hai anh em nên anh một phòng, em một phòng. Chiếc giường cá nhân thì để cho thằng em. Mình đi mua một cái đệm rẻ tiền về để luôn trên sàn. Phòng thằng em thì thôi. Chứ phòng mình thì nay đệm ở góc này, mai đệm ở góc khác. Tùy theo mùa vì nắng xuyên qua ô cửa sổ hoặc là những đêm trăng sáng. Hôm nào nắng thì tránh nắng. Hôm nào trăng sáng thì kê sát ra cửa sổ để "thưởng" trăng. Cái thú dịch chuyển đệm để thưởng trăng vậy mà thú vị, nhất là khi rủ được bạn gái về thưởng cùng :). Lúc đó bạn gái gọi cái việc thay đổi đồ đạc bằng câu thành ngữ "thày bói dọn cưới".

Cưới xong thì hai vợ chồng được ông anh vợ cho mượn rồi sau đó bán luôn cho hai vợ chồng căn nhà trên phố Nguyễn Du. Nhà nhỏ, tổng cộng cả hai tầng mới có 28 mét vuông. Tầng 1 một phòng ngủ, tầng 2 một phòng ngủ. Hai tầng thông nhau cầu thang rất nhỏ và dùng chung một máy điều hòa.

Nhà chật nên hai vợ chồng luôn phải tính toán để kê đồ sao cho tiết kiệm diện tích nhất và sử dụng được hết công năng, chính vì thế cái thú "thầy bói dọn cưới" có cơ hội để phát triển. Được cái, do hoàn cảnh nên cái sở thích kê đồ cũng lây sang bà xã. Thỉnh thoảng lại rủ "Hôm nay rảnh rỗi, kê lại đồ đi". Mình thì luôn hưởng ứng nhiệt liệt.

Mỗi lần xoay đồ, vợ hay đùa, nhà có 9 mét vuông, 8 mét kê giường, 1 mét vợ chửa đứng chật thế mà cứ hay bày đặt xoay sở kê đồ. Ấy vậy mà cái giường của ông anh để lại vẫn có cơ hội xoay đủ 4 góc phòng. Suốt mấy năm ở đó cứ xoay đi rồi lại xoay lại. Khi thằng con trai 4 tuổi mỗi lần thấy bố mẹ kê đồ thì bảo "Lại đổi mới như cũ, nhỉ!".

Ở Nguyễn Du 5 năm, ngoài thằng con giai lại có thêm một cô con gái, một bác giúp việc. Thỉnh thoảng ông bà nội ở dưới quê lên chơi. Không gian trở nên chật hẹp, bức bối.  Những lúc có khách, cả khách và chủ cứ tự động tìm chỗ nào tiện thì ngồi.

Ở phố thì rất tiện, rất thích nhưng bí bách. Cộng thêm việc cả nhà không thể chịu nổi mùi hoa sữa mỗi độ đầu mùa đông. Đọc thơ, nghe hát về hoa sữa thì thích lắm. Mê lắm. Thậm chí mỗi năm vài lần đi qua phố Nguyễn Du vào mùa hoa sữa nở thì cũng lãng mạn và thú vị vô cùng. Nhưng ở phố Nguyễn Du mùa hoa sữa thì là cực hình với nhà mình.

Ngoài hàng hoa sữa cổ thụ ở dọc phố, trong sân của khu 88 có một cây hoa sữa đại cổ thụ. Mùa hoa sữa, cứ bốn giờ chiều là nhà mình phải đóng chặt tất cả các cửa. Mùi hoa sữa đặc quánh không thể thở nổi nhất là với những kẻ viêm mũi dị ứng như mình. "Kéo nhị" (hen) như vợ và con trai mình.

Thế là chuyển nhà.

Rồi chuyển nhà lần nữa.

Tính ra, từ khi chuyển về chỗ mới mình ít có dịp tận dụng sở thích dịch chuyển. Chỗ mới không quá rộng, cũng không hẹp, mọi thứ mang về đều tính toán sao cho hợp lý nhất nên ít phải nghĩ đến việc kê đồ. Thế nhưng, đùng một cái, tháng trước phát hiện ra nhà bị mối xông. Thợ diệt mối bảo, mối nó xông lâu rồi mà anh không biết.

Giá mà cứ duy trì được cái sở thích "đổi mới như cũ" thì có khi lại phát hiện được sớm lũ mối cũng nên. Vợ chồng con cái cứ cuống cả lên. Nhỡn tiền là nhà hàng xóm, mấy tháng trước cũng bị mối xông. Đến khi phát hiện ra thì ôi thôi, cửa rả, đồ gỗ từ tầng 1 đến tầng 4 chỉ còn có mỗi... cái vỏ. Tốn hàng trăm triệu đồng để sắm lại. Cũng may nhà mình chưa đến nỗi tệ như thế.

Thế là đồ đạc lại có dịp chuyển. Mấy bà hàng xóm đi qua thấy bàn tủ lanh tanh bành tưởng nhà mình lại chuyển nhà.

Mất gần hai tháng để diệt mối.

Tuần này, ba mẹ con đi du hý ở tận Băngkok. Trước khi đi mẹ bổi nhắc xa nhắc gần "Liệu tính toán mà kê lại nhà đi anh xã nhé". Mình cứ ậm ờ vậy. Tính là đợi mẹ con nó đi về rồi cùng dịch chuyển... cho vui.

Đã định là thế, nhưng sáng nay lại là sáng chủ nhật. Mọi tuần, có đầy đủ ở nhà thì còn nghĩ chuyện tụ bạ hội hè nhưng sáng nay thì vắng teo. Ngủ dậy, nhà cửa trống vắng, thế là chả nghĩ ngợi gì hùng hục đi kê lại đồ. Kê hết phòng khách thì thấy có cảm hứng để dọn dẹp thay đổi nốt phòng ngủ.

Bở hơi tai vần cái chỗ nọ sang chỗ kia nhưng cái được nhất vẫn là cảm giác phấn chấn, cảm giác mới mẻ.

Chả thêm cái gì mới, chỉ là đổi chỗ thôi nhưng thấy mọi thứ tự nhiên trở nên hợp lý, quá hợp lý.

Giá vợ mà ở nhà thì lại tổ chức liên hoan mừng phòng mới  :)






20 tháng 6, 2013

Triển lãm online

Những bức vẽ còn non nớt về bố cục, ngây thơ về chi tiết và mầu sắc nhưng xứng đáng được dành một chỗ trang trọng trong căn nhà nhỏ của chúng ta để cho một triển lãm cá nhân.






















19 tháng 6, 2013

Phượt trưa tìm "cua lông - tôm sông"

Trưa nay cả lũ kéo nhau đi phượt trưa ở Thường Tín tìm đến một cái quán nằm bên bờ đê hữu ngạn Sông Hồng.

Bên kia sông là đất Hưng Yên.

Chỗ ngồi ngay sát mép sông Hồng. 

Bên kia sông là đất Khoái Châu, Hưng Yên. Bãi sông trải dài một màu xanh mát mắt.

Thật may mắn là vẫn còn một chỗ có view khoáng đạt. Vừa ngắm cảnh, thưởng gió mát sông Hồng vừa nhâm nhi rượu với cá ngạnh, tôm sông nướng, gỏi tôm, cua lông rang muối, cá ngạnh om chuối đậu...

Nhà báo Hồng Vĩnh - người có công đưa ra ý tưởng phượt trưa tìm món "Cua lông - Tôm sông"

Chưa có ai từng đến đây nên vừa đi vừa hỏi đường. Bù lại là cảm giác tuyệt vời khi đi trên triền đê xanh rờn, nên thơ, thanh bình mà chỉ cách Hà Nội có hơn 20 cây số.

Mặc dù 1 nhóm có hơi bị mất phương hướng khi phượt (nhẽ ra phải xuôi về phía Nam thì hoa tiêu lại chỉ nhầm lên hướng bắc) nhưng cuối cùng vẫn hội tụ ở Vườn ẩm thực ven sông, thôn Giáp Long, xã Thống Nhất, Thường Tín.
Thỉnh thoảng, cũng nên có một "bữa trưa khám phá" ở ngoại thành để cho cuộc sống có thêm nhiều cảm xúc. 

18 tháng 6, 2013

Nhật ký những ngày về quê nội (2004)

Sau vài lần chuyển nhà, những tưởng cuốn nhật ký những ngày về quê của cu Tôm do bà nội ghi lại đã thất lạc. Sau gần 10 năm, bất ngờ lại tìm thấy được. Thật tình cờ lại tìm được trước dịp sinh nhật con trai. Một cu Tôm đáng yêu, hoạt bát và hài hước được ghi lại dưới góc nhìn của bà nội. Những ngày này là mùa hè năm 2004.

Bể cá (2009) - Tôm

...

Ngày 16 tháng 6 năm 2004 – Mẹ vẽ thư cho cháu