Vậy nên, nếu các bác có ý muốn thăm các nhà thờ đẹp thì sớm dành thời gian ghé nơi này. Có thể chỉ trong thời gian ngắn nữa, tuyệt tác kiến trúc có tuổi 101 tuổi đời sẽ không còn tồn tại.
Chắc khi thiết kế và đặt viên gạch đầu tiên làm móng cho nhà
thờ giáo xứ Tôn Đạo (xã Ân Hòa, Kim Sơn, Ninh Bình), cha xứ tên Kim người Pháp,
không hình dung rằng, sau này, con đường trước khuôn viên nhà thờ được mở rộng,
vị trí của nhà thờ bị kéo sát ra lề đường. Và những xe tải, xe khách hạng nặng
ngày đêm rầm rập chạy qua sẽ khiến cho kết cấu của ngôi thánh đường bị ảnh hưởng.
Trên mái và tường hông nhà thờ xuất hiện nhiều vết nứt lớn.
Một giáo dân coi sóc giúp lễ ở nhà thờ cho biết, từ hàng chục
năm nay, giáo xứ cùng giáo dân đã tìm cách để “cứu” ngôi thánh đường này khỏi sự
xuống cấp. Năm 2008, cha xứ từng mời thần đèn Nguyễn Cẩm Lũy về khảo sát mong
muốn dịch chuyển nhà thờ lùi về phía sau 20 mét. Tuy nhiên, điều này không thực
hiện được vì kết cấu móng không còn đủ chịu lực cho các thao tác kỹ thuật cho
cuộc di dời. Sau đó, việc trùng tu bảo tồn được tính đến, dự toán cũng rất tốn
kém với khoản chi phí ước tính gần bằng xây một ngôi thánh đường mới, song các
kiến trúc sư không đảm bảo được sự toàn vẹn và vĩnh cửu của công trình. Vậy là
phương án xây mới được bàn đến. Vị trí nhà thờ mới được xác định dựng trên khu đất phía đông nam
của nhà thờ hiện tại, phía sau khu vực hang đá, với phương án “copy” kiến trúc
của nhà thờ cũ. Ngôi thánh đường hiện tại sẽ trở thành mẫu vật để thợ xử lý các
đồ án hoa văn. Sau khi nhà thờ mới hoàn thành, có thể ngôi thánh đường này sẽ
được hạ giải lấy không gian cho nhà thờ mới.
Nhà thờ giáo xứ Tôn Đạo được xây dựng trong 14 năm, từ năm
1922 đến năm 1936 thì hoàn thành. Tước hiệu nhà thờ là Đức Mẹ vô nhiễm, nằm sát
cạnh đường số 10 nối thành phố Ninh Bình với huyện Kim Sơn. Nhà thờ đá Phát Diệm
cách nơi này khoảng 6km. Trên đường tới thăm Nhà thờ Đá bạn có thể dành thời
gian để chiêm ngưỡng ngôi thánh đường này.
Trên phiến đá gắn ở bức tường cửa chính, có ghi các thông số:
Kích thước: Chiều dài 60m; Rộng 20m; cao 16m; tháp chuông 33 mét. (Tuy vậy,
seach trên mạng thì thông số này có một số báo đưa không đồng nhất: Dài 52, rộng
25, tháp chuông cao 35m).
Ngoài việc khác biệt về mặt kiến trúc, về màu sắc nhà thờ
giáo xứ Tôn Đạo chỉ sử dụng màu trắng chủ đạo. Khi hoàng hôn buông xuống, ánh nắng
sẽ làm nhà thờ nhuốm màu hoàng thổ. Đặc biệt, xung quanh mái nhà thờ,
các hệ thống thoát nước mưa được tạo hình linh thú vươn ra không gian, cực kỳ ấn
tượng. Bộ ba cánh cửa chính vào nhà thờ cũng là một kiệt tác nghệ thuật chạm khắc.
Trải qua hàng trăm năm, các chi tiết chạm khắc tinh xảo vẫn giữ được nét mềm mại,
tinh tế.
Trong nhà thờ lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị. Tại
khu vực tay trái nhà thờ, phía sau gian Cung thánh hiện đang lưu giữ 2 bộ hài cốt
của 2 người tử vì đạo. 2 bộ hài cốt được đặt trong 2 chiếc hòm gỗ, để. Mỗi hòm
gỗ đều có dấu niêm phong khắc dòng chữ: Cha Phú Tuần; cha Khán Vinh.
Chiều ngày Noel 2023, khi chúng tôi đến, có vẻ là may mắn vì đúng lúc người giúp lễ mở cánh cửa phía sau phòng phẩm phục. Chúng tôi vào được bên trong thánh đường và thoả thích ngắm nghía từng ngóc ngách và các đồ án hoa văn tinh xảo được những người thợ Việt Nam tạo ra hoàn toàn bằng tay từ một thế kỷ trước.
Rất tiếc có thể tới đây những tác phẩm này sẽ không còn tồn tại nguyên vẹn bởi sự xuống cấp nghiêm trọng của thiết chế tôn giáo đặc biệt này.