9 tháng 7, 2022

Mùa sen nở nhất định nên đến chùa Đậu



Nếu bạn muốn có một không gian tĩnh tâm, cân bằng cảm xúc thì nên một lần đến chùa Đậu vào mùa hoa sen nở rộ.

Hiếm có ngôi chùa nào ở Hà Nội lại có được không gian rộng lớn và khoáng đạt như ngôi chùa này. Tương truyền, chùa được xây dựng vào thế kỷ thứ 3 sau công nguyên, cách đây gần 2.000 năm và được sửa chữa, tôn tạo nhiều lần. 
Tam quan chùa Đậu khi chưa trùng tu


Chùa Đậu (tên chữ là Thành Đạo Tự) ở xã thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi huyện Thường Tín, nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng chừng 25km. Từ trung tâm Hà Nội đến chùa Đậu, xuôi theo Quốc lộ 1A cũ, qua thị trấn Thường Tín, có 2 con đường dẫn vào chùa Đậu. Nếu muốn đến thẳng cổng chùa bằng con rộng, trải nhựa nhẵn thín, hãy bỏ qua tấm biển chỉ dẫn của con đường thứ nhất. 

Còn nếu muốn tận hưởng một không gian xanh vắng trong veo thì hãy giẽ phải luôn khi gặp biển chỉ dẫn “Chùa Đậu” nằm ngay bên đường. Bạn sẽ bất ngờ bởi mọi thứ đối lập hoàn toàn với sự sôi động của con đường 1A. Hai bên đường là đồng lúa và những ruộng màu. Đi khoảng 2km, tới ngã ba, thì giẽ tay trái. Từ đây, với 1km đường đê, với không gian ngút tầm mắt không vướng nhà cao tầng. Bạn sẽ không thể nhận ra con sông này chính là dòng Nhuệ giang với hai bờ cỏ mướt xanh lòa xòa tới tận mặt nước. Dòng sông uốn lượn mềm mại tới tận cổng chùa.

Đến chùa Đậu, không có ai làm phiền bạn. Từ bãi gửi xe miễn phí, để vào chùa ta sẽ chậm rãi đi dưới tán những cây bồ đề. Dưới đầm, sen đang mùa nở rộ. Trên con đường này, có 2 người phụ nữ bày bán nông sản vừa hái trên những cánh đồng quanh chùa. Chủ yếu là các loại rau tập tàng. Những sản vật này khiến khách sau khi vãn cảnh chùa phải sà vào mua cho mình một món gì đó để nhận được cảm giác an yên trọn vẹn.

Ngôi chùa tọa lạc trên một khu đất nằm giữa một đầm nước. Ở đầm này, nhà chùa nuôi nhiều loại sen. Trong đó, có loài bạch liên cánh to. Đường kính hoa chừng 25 – 30 cm. Trắng muốt mỏng như lụa. Các nhà sư ở đây dùng bạch liên ướp trà. Pha trà bạch liên nhất định không được vội. Nhẩn nha từ việc dỡ từng lớp cánh sen mỏng tang như lụa bạch cho đến khi lộ hẳn những búp chè được ép bên trong đang dính chặt vào đài sen, trong khi chờ ấm nước sôi lăn tăn. So với trà ướp sen hồng, thì trà bạch liên lên hương rất chậm rãi. Phải từ nước thứ ba, hương sen mới đằm và lan toả đủ vị… Bởi vậy, nếu vội thì khoan hãy pha trà bạch liên.

Một điểm đặc biệt ở chùa Đậu là bức tượng nào cũng cười rất hiền. Ngay đến tượng hộ pháp ông Ác mặt cũng dịu dàng quá đỗi. Sau khi lễ Phật, ngắm những gương mặt hiền hậu, đi dạo trên con đường giữa đầm sen ngát hương, có cảm giác nếu đang có những muộn phiền thì nó cũng sẽ rơi rụng sau mỗi bước chân.
Ở chùa Đậu là bức tượng nào cũng cười rất hiền


Thông tin về ngôi chùa Đậu nổi tiếng có đầy trên mạng. Chỉ cần gõ chữ “chùa Đậu” là bạn sẽ có đủ thông tin từ A-Z về lịch sử ngôi chùa này. Nhưng đa số, các review giống nhau đều copy y chang những thông tin khảo cứu của bảo tồn.

Trong chùa còn lưu nhiều di vật và đồ thờ cổ có giá trị như đôi rồng đá, khánh, chuông… Chùa Đậu hiện nay vẫn giữ được 6 bia đá khắc từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII. Có hai tấm biển gỗ sơn son thếp vàng, khắc bài thơ chữ Nôm của chúa Trịnh Căn và chúa Trịnh Cương (Thế kỷ XVII và XVIII). Đôi rồng đá và chiếc khánh đồng đúc năm 1774 với bài minh soạn bởi danh sĩ đời vua Lê Hiển Tông là Phan Trọng Phiên.

Chùa Đậu còn có hai pho tượng là nhục thân của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường trụ trì chùa vào khoảng thế kỷ XVII. Trải qua gần 400 năm tồn tại thân thể của hai ngài vẫn không hề bị hủy hoại. Tượng thiền sư Vũ Khắc Minh cao 57cm, nặng 7,5 kg, thiền sư Vũ Khắc Trường cao 75cm, nặng 31 kg. Đây được coi là 2 xá lợi toàn thân nguyên vẹn nhất trong số các di thể của các thiền sư ở Việt Nam. Chúng ta sẽ bị thu hút và dành thời gian kha khá để ngắm hai bức tượng với gương mặt hiền từ thư thái này.

Đến chùa Đậu, hãy dành thời gian để nán lại không gian của tầng hai Tam quan. Trên đó được treo một quả chuông lớn, đúc năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801) thời Tây Sơn. Có rất ít chùa để cho khách tiếp cận với vùng không gian đặc biệt này.

Lễ hội chùa Đậu diễn ra vào ngày mùng 8 đến mùng 9 tháng Giêng theo lịch âm. 

Chùa Đậu từng có một kiến trúc đặc biệt cổ kính. Năm 2021, đợt trùng tu lớn ngôi chùa này đã gây nhiều ý kiến tranh cãi về việc phá vỡ sự nguyên vẹn của các kiến trúc cổ. 

Mặc dù vậy, vào mùa hoa sen, đừng trì hoãn, hãy một lần về thăm chùa Đậu.