Năm nào cũng phải để ít nhất một cái bánh chưng quê để đến mùng rằm thì rán lên cho bõ thèm và vớt vát chút hương vị Tết trước khi nó tan biến vào những bận rộn của ngày thường.
Bánh chưng rán ăn kèm hành muối |
Bánh chưng Hải Hậu khác với bánh chưng của nhiều nơi là
mùi vị rất đặc trưng bởi nó được gói từ gạo nếp trộn nước gừng tươi. Nhân bánh
ngoài những thành phần cốt cán thịt, hành, đỗ, tiêu, mắm còn được bổ sung thêm
quả tò ho xao vàng giã nhỏ. Mình
không tìm được tài liệu nào ghi chép hay truyền khẩu về việc từ khi nào và ai
là người sáng tạo cho thêm những gia vị này vào bánh chưng. Nếu
nhà bánh nhà nào thiếu hai thứ gừng và quả tò ho thì sẽ bị chê là nhạt nhẽo
ngay từ khi lột chiếc lá bánh đầu tiên. Thứ gia vị này đặc biệt hợp với mùi
hương của lá dong tươi và làm dậy lên hương thơm quyến rũ của món bánh chưng mỗi
năm được làm một lần.
Nhớ cái tết đầu tiên khi về làm dâu cách đây hơn 20 chục
năm, mẹ của Tôm - Tép chưa ăn được bánh vì… bánh chưng gì mà có mùi thơm là lạ.
Phải vài tết sau mới quen mùi. Giờ thì, hết đợt ăn Tết với ông bà, khi chuẩn bị
đồ quay lại thành phố đều không quên dặn bà nội bọn trẻ “Mẹ cho con 2 tấm bánh
chưng để ra giêng bố bọn trẻ đỡ nhớ vị quê hương”.
Hôm nay mới mười tư, rán nửa cái bánh chưng “mùi thơm
là lạ” mà hai vợ chồng đánh hết veo. Còn một nửa, mai mười rằm xơi nốt. Bảo sao
Tết xong cứ ũng a ũng ĩnh cả lượt.