27 tháng 3, 2025

Khám phá động Thiên Hà

Chả mấy khi thắng cảnh động Thiên Hà di sản thế giới lại chỉ phục vụ có mấy mống nhà mình thế này. Chắc tại cơn mưa tầm tã ban trưa cản bước người ta. Thành ra, cái kiểu “đi lấy được” của bọn mình lại… hưởng lợi.

Động Thiên Hà ở huyện Nho Quan, cách thành phố Ninh Bình khoảng gần ba chục cây số. Cách Tam Cốc chừng 20km. Nếu về Tam Cốc nghỉ dưỡng thì nên dành thời gian đi thăm động Thiên Hà. Khu vực này vẫn giữ nguyên sự mộc mạc của thiên nhiên. Môi trường ở đây được gìn giữ với các quy định cấm săn bắt chim muông, thú rừng, cấm đánh bắt cá bằng kích điện. Hai bên bờ con sông Bến Đang dẫn vào động chưa bị bê tông hóa, cỏ mọc xanh rì lòa xòa xuống mặt nước che kín bờ đất. Nếu đến đây vào buổi sáng, có thể gặp hàng đàn cò thìa kiếm ăn dọc bờ sông.

Đường đi đến động Thanh Hà khá dễ. Cứ đi theo quốc lộ 1 đến quốc lộ 12B đi Nho Quan thì rẽ vào, chưa đến chục cây số là tới. Đi theo Google chắc chắn sẽ bị lạc vì bị định vị sai, đa số đi lạc phải quay ra quay vào mất 2 cây số. Do đó, phải nhắc ngay, nếu nhờ chị Google chỉ đường thì khi chị ấy bảo rẽ trái để vào động Thiên Hà thì đừng có nghe. Cứ mạnh dạn đi thẳng thêm vài trăm mét nữa sẽ thấy cái biển rất to giới thiệu động Thiên Hà với mũi tên chỉ đường… rẽ về phía tay phải.

Tính về tuổi khai thác, động Thiên Hà là điểm du lịch khá trẻ. 19 năm trước một nhà đầu tư quê Hoa Lư đã tham gia đưa thắng cảnh này đến với du khách.

Trong lời giới thiệu in trên tờ rơi về Động Thiên Hà chỉ rằng, động nằm ở sườn Nam của núi Tướng – dãy nũi là một phần của bức tường thiên nhiên vững chắc bao bọc, bảo vệ kinh đô Hoa Lư xưa. Động có chiều dài 700 mét bao gồm động khô dài 200m và động nước dài 500m, diện tích trên 12.000m2.

Lối vào động Thiên Hà rất giống lối vào động Thiên Đường của Quảng Bình. Hạng cạn có một cửa thông hình tròn hay còn gọi là giếng trời, phần ánh sáng tự nhiên có thể chiếu xuyên qua tỏa xuống tận đáy hang. Theo chị chở đò, ngày nắng, khoảng hơn 12h, ánh nắng mặt trời chiếu qua giếng trời xuống lòng hang tạo thành một cột ánh sáng rất đặc biệt. Khu vực này cũng là bối cảnh cho rất nhiều thước phim quảng cáo quốc tế về cảnh đẹp thiên nhiên của Việt Nam.

Giữa trung tâm động Thiên Hà có một bến thuyền đưa du khách thăm quan hang nước. Dọc dòng sông quanh co trong lòng núi, các khối nhũ đá nhiều hình thù, màu sắc đa dạng còn được bảo tồn và vẫn “sống”. Nhiều nhũ đá đang lớn lên và thay đổi màu sắc qua từng năm. Đặc biệt, trần hang là nơi sinh sống của hàng vạn con dơi. Khi vào thăm hang nước, lúc quay ra, chúng tôi còn bắt gặp một chú trăn khá dài đang bám trên một vách nhũ đá để săn dơi.

Động Thiên Hà cũng là nơi năm 2008 các nhà khảo cổ học phát hiện dấu vết là nơi sinh sống của người Việt cổ. Nơi đây từng được tìm thấy một số vỏ nhuyễn thể như ốc núi, ngao đầu và than tro. Tháng 6/2014, nơi này chính thức được Ủy ban di sản Thế giới thuộc UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Khu vực động Thiên Hà thực ra là một quần thể hang động và sông ngầm. Khi mua vé thăm quan 200k/người, du khách sẽ được người chở đò kiêm hướng dẫn viên giới thiệu đưa đi thăm quan ít nhất 3 thắng cảnh.

Ngoài động Thiên Hà, còn có động Thiên Thanh – một động khô hoàn toàn nằm trên lưng chừng núi. Động này có cửa vào bé, 2 người đi thì chật, bù lại vòm hang cao rộng và một vách nhũ đá khổng lồ. Leo lên động này hơi mỏi xíu, cần phải gắng sức một chút. Chân đau hoặc có bệnh tim mạch thì nên cân nhắc.

Trước khi quay về, thuyền sẽ đưa du khách vào thăm hang Bụt Hiện. Hang này là một con sông ngầm dài chừng 500m, có 2 cửa xuyên qua lòng một quả núi đá. Cửa bên kia nối với Thung Nham. Hang không có điện, tối như âm phủ. Trần hang khá phẳng. Khoảng giữa hang có một cụm nhũ đá nhiều khối tròn xếp chồng lên nhau nhìn như một ông bụt ngồi trên một bệ đá. Nếu đi ô tô từ cửa hang này đến cửa hang bên kia, bạn tin được không, ta phải đi qua quãng đường chừng 30km.

Chuyến đi của chúng tôi trở nên nhẹ nhõm và thú vị khi gặp được chị lái đò thân thiện, đặc biệt là hát rất dân ca và chèo rất hay. Tên chị ấy là Mai Lan. Trong thời gian chèo thuyền ở hang nước khi chúng tôi dán mắt vào các nhũ đá thì chị hát. Tiếng hát của chị khiến lòng hang tăm tối ấm áp hơn rất nhiều. Nếu các bạn đến đây, có thể yêu cầu người quản lý bến thuyền book chị Mai Lan đưa mình đi thăm động.

Bonus thêm một kinh nghiệm ẩm thực khi đi tham quan Ninh Bình nên nhớ này. Ở Hà Nội, nếu muốn ăn ngon thì ta được khuyên nên vào nhà hàng nhỏ thì ở Ninh Bình, muốn ăn ngon phải vào nhà hàng to, khang trang. Ở đó, bạn sẽ được ăn các món ngon mà giá cả phải chăng và được niêm yết rõ ràng.



11 tháng 3, 2025

Về Quảng Bình ăn cháo… bằng đũa

Tờ mờ sáng chúng tôi đến thị trấn Kiến Giang huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình) sau chuyến xe xuyên đêm từ Hà Nội. 

Tìm được một nhà nghỉ để cất hành lý thì vừa vặn tới giờ ăn sáng.

Về Quảng Bình, trong nhiều thứ đặc sản, thôi thúc khách phương xa nếm thử phải là món đặc sản cháo canh, đặc biệt là cháo canh cá lóc.

Gọi là cháo canh nhưng phải ăn món cháo này bằng đũa vì thành phần basic và toping phải gắp để đưa vô miệng.

Không ai biết được rằng món ăn vừa là cháo, vừa là bánh, vừa là canh này có tự bao giờ ở Quảng Bình, nhưng từ lâu, món ăn này đã trải qua nhiều sự thay đổi để phù hợp với từng khẩu vị. Với ngoại hình đơn giản, tô cháo canh bao gồm sợi bánh tự làm (từ bột gạo hoặc bột mì), nước dùng ngọt thanh từ xương hầm và các loại topping phong phú như tôm, thịt heo, cá lóc, nem rán. Tô cháo canh nóng hổi với màu trắng ngà của bánh canh và nước dùng sánh nhẹ luôn được người Quảng Bình tự hào không đâu có bánh canh ngon như ở đây.

Trong cái rét lộc mặn mòi thổi từ biển Đông, qua làng cát Ngư Thuỷ, qua bạt ngàn đồi cát trắng vào đến bờ sông Kiến Giang hiền hoà chảy dọc “cánh đồng hai huyện”, lũ chúng tôi xuýt xoa khi thưởng thức tô cháo canh tú hụ ngon lịm tim chỉ có giá 25k - 30k. Nó là sự kết hợp hoàn hảo giữa vị ngọt từ nước xương và vị thanh mát từ bánh canh. Một chút tiêu cay, ớt chanh và hành ngò tạo nên một hương vị thơm ngon, đậm đà nhưng vẫn rất nhẹ nhàng.

Chưa ăn xong đồng một đồng nghiệp đã bảo “Ăn như này thì bao giờ mới hết tiền!!!”

Bát cháo canh ở thị trấn Kiến Giang, Lệ Thủy, Quảng Bình

Trên cầu Kiên Giang

Sông Kiến Giang


Thời gian trôi chậm lại giữa miền cát trắng

 Lần này vào Quảng Bình, ấn tượng thị giác đặc biệt nhất là những tua-bin gió khổng lồ lặng lẽ xoay trong gió dọc theo bờ biển, tạo nên một bức tranh độc đáo giữa nền cát trắng trải dài. Những chiếc chong chóng khổng lồ chầm chậm quay, mang đến cảm giác thời gian trôi chậm lại giữa miền đất nắng gió. Trên nền trời, những cánh quạt trắng muốt vẽ nên vòng quay của sự chuyển mình, của đổi thay và phát triển bền vững.

Từ cánh đồng hai huyện – vùng lúa trù phú trải dài qua hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh – có thể dễ dàng nhìn thấy dàn tua - bin sừng sững sát bờ biển. Sự kết hợp giữa những thửa ruộng mênh mông xanh rờn thơm ngát hương lúa đang vào độ làm đòng với hàng cột điện gió cao vút tạo nên một cảnh tượng vừa thơ mộng, vừa hiện đại. 

Giữa âm thanh của sóng biển, tiếng gió rít qua những cánh quạt quay chầm chậm như một bản nhạc dịu dàng, đưa con người về với miền đất mang những giá trị bền vững, lâu dài.

Camping ở đây sướng phải biết.