27 tháng 3, 2025

Khám phá động Thiên Hà

Chả mấy khi thắng cảnh động Thiên Hà di sản thế giới lại chỉ phục vụ có mấy mống nhà mình thế này. Chắc tại cơn mưa tầm tã ban trưa cản bước người ta. Thành ra, cái kiểu “đi lấy được” của bọn mình lại… hưởng lợi.

Động Thiên Hà ở huyện Nho Quan, cách thành phố Ninh Bình khoảng gần ba chục cây số. Cách Tam Cốc chừng 20km. Nếu về Tam Cốc nghỉ dưỡng thì nên dành thời gian đi thăm động Thiên Hà. Khu vực này vẫn giữ nguyên sự mộc mạc của thiên nhiên. Môi trường ở đây được gìn giữ với các quy định cấm săn bắt chim muông, thú rừng, cấm đánh bắt cá bằng kích điện. Hai bên bờ con sông Bến Đang dẫn vào động chưa bị bê tông hóa, cỏ mọc xanh rì lòa xòa xuống mặt nước che kín bờ đất. Nếu đến đây vào buổi sáng, có thể gặp hàng đàn cò thìa kiếm ăn dọc bờ sông.

Đường đi đến động Thanh Hà khá dễ. Cứ đi theo quốc lộ 1 đến quốc lộ 12B đi Nho Quan thì rẽ vào, chưa đến chục cây số là tới. Đi theo Google chắc chắn sẽ bị lạc vì bị định vị sai, đa số đi lạc phải quay ra quay vào mất 2 cây số. Do đó, phải nhắc ngay, nếu nhờ chị Google chỉ đường thì khi chị ấy bảo rẽ trái để vào động Thiên Hà thì đừng có nghe. Cứ mạnh dạn đi thẳng thêm vài trăm mét nữa sẽ thấy cái biển rất to giới thiệu động Thiên Hà với mũi tên chỉ đường… rẽ về phía tay phải.

Tính về tuổi khai thác, động Thiên Hà là điểm du lịch khá trẻ. 19 năm trước một nhà đầu tư quê Hoa Lư đã tham gia đưa thắng cảnh này đến với du khách.

Trong lời giới thiệu in trên tờ rơi về Động Thiên Hà chỉ rằng, động nằm ở sườn Nam của núi Tướng – dãy nũi là một phần của bức tường thiên nhiên vững chắc bao bọc, bảo vệ kinh đô Hoa Lư xưa. Động có chiều dài 700 mét bao gồm động khô dài 200m và động nước dài 500m, diện tích trên 12.000m2.

Lối vào động Thiên Hà rất giống lối vào động Thiên Đường của Quảng Bình. Hạng cạn có một cửa thông hình tròn hay còn gọi là giếng trời, phần ánh sáng tự nhiên có thể chiếu xuyên qua tỏa xuống tận đáy hang. Theo chị chở đò, ngày nắng, khoảng hơn 12h, ánh nắng mặt trời chiếu qua giếng trời xuống lòng hang tạo thành một cột ánh sáng rất đặc biệt. Khu vực này cũng là bối cảnh cho rất nhiều thước phim quảng cáo quốc tế về cảnh đẹp thiên nhiên của Việt Nam.

Giữa trung tâm động Thiên Hà có một bến thuyền đưa du khách thăm quan hang nước. Dọc dòng sông quanh co trong lòng núi, các khối nhũ đá nhiều hình thù, màu sắc đa dạng còn được bảo tồn và vẫn “sống”. Nhiều nhũ đá đang lớn lên và thay đổi màu sắc qua từng năm. Đặc biệt, trần hang là nơi sinh sống của hàng vạn con dơi. Khi vào thăm hang nước, lúc quay ra, chúng tôi còn bắt gặp một chú trăn khá dài đang bám trên một vách nhũ đá để săn dơi.

Động Thiên Hà cũng là nơi năm 2008 các nhà khảo cổ học phát hiện dấu vết là nơi sinh sống của người Việt cổ. Nơi đây từng được tìm thấy một số vỏ nhuyễn thể như ốc núi, ngao đầu và than tro. Tháng 6/2014, nơi này chính thức được Ủy ban di sản Thế giới thuộc UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Khu vực động Thiên Hà thực ra là một quần thể hang động và sông ngầm. Khi mua vé thăm quan 200k/người, du khách sẽ được người chở đò kiêm hướng dẫn viên giới thiệu đưa đi thăm quan ít nhất 3 thắng cảnh.

Ngoài động Thiên Hà, còn có động Thiên Thanh – một động khô hoàn toàn nằm trên lưng chừng núi. Động này có cửa vào bé, 2 người đi thì chật, bù lại vòm hang cao rộng và một vách nhũ đá khổng lồ. Leo lên động này hơi mỏi xíu, cần phải gắng sức một chút. Chân đau hoặc có bệnh tim mạch thì nên cân nhắc.

Trước khi quay về, thuyền sẽ đưa du khách vào thăm hang Bụt Hiện. Hang này là một con sông ngầm dài chừng 500m, có 2 cửa xuyên qua lòng một quả núi đá. Cửa bên kia nối với Thung Nham. Hang không có điện, tối như âm phủ. Trần hang khá phẳng. Khoảng giữa hang có một cụm nhũ đá nhiều khối tròn xếp chồng lên nhau nhìn như một ông bụt ngồi trên một bệ đá. Nếu đi ô tô từ cửa hang này đến cửa hang bên kia, bạn tin được không, ta phải đi qua quãng đường chừng 30km.

Chuyến đi của chúng tôi trở nên nhẹ nhõm và thú vị khi gặp được chị lái đò thân thiện, đặc biệt là hát rất dân ca và chèo rất hay. Tên chị ấy là Mai Lan. Trong thời gian chèo thuyền ở hang nước khi chúng tôi dán mắt vào các nhũ đá thì chị hát. Tiếng hát của chị khiến lòng hang tăm tối ấm áp hơn rất nhiều. Nếu các bạn đến đây, có thể yêu cầu người quản lý bến thuyền book chị Mai Lan đưa mình đi thăm động.

Bonus thêm một kinh nghiệm ẩm thực khi đi tham quan Ninh Bình nên nhớ này. Ở Hà Nội, nếu muốn ăn ngon thì ta được khuyên nên vào nhà hàng nhỏ thì ở Ninh Bình, muốn ăn ngon phải vào nhà hàng to, khang trang. Ở đó, bạn sẽ được ăn các món ngon mà giá cả phải chăng và được niêm yết rõ ràng.



11 tháng 3, 2025

Về Quảng Bình ăn cháo… bằng đũa

Tờ mờ sáng chúng tôi đến thị trấn Kiến Giang huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình) sau chuyến xe xuyên đêm từ Hà Nội. 

Tìm được một nhà nghỉ để cất hành lý thì vừa vặn tới giờ ăn sáng.

Về Quảng Bình, trong nhiều thứ đặc sản, thôi thúc khách phương xa nếm thử phải là món đặc sản cháo canh, đặc biệt là cháo canh cá lóc.

Gọi là cháo canh nhưng phải ăn món cháo này bằng đũa vì thành phần basic và toping phải gắp để đưa vô miệng.

Không ai biết được rằng món ăn vừa là cháo, vừa là bánh, vừa là canh này có tự bao giờ ở Quảng Bình, nhưng từ lâu, món ăn này đã trải qua nhiều sự thay đổi để phù hợp với từng khẩu vị. Với ngoại hình đơn giản, tô cháo canh bao gồm sợi bánh tự làm (từ bột gạo hoặc bột mì), nước dùng ngọt thanh từ xương hầm và các loại topping phong phú như tôm, thịt heo, cá lóc, nem rán. Tô cháo canh nóng hổi với màu trắng ngà của bánh canh và nước dùng sánh nhẹ luôn được người Quảng Bình tự hào không đâu có bánh canh ngon như ở đây.

Trong cái rét lộc mặn mòi thổi từ biển Đông, qua làng cát Ngư Thuỷ, qua bạt ngàn đồi cát trắng vào đến bờ sông Kiến Giang hiền hoà chảy dọc “cánh đồng hai huyện”, lũ chúng tôi xuýt xoa khi thưởng thức tô cháo canh tú hụ ngon lịm tim chỉ có giá 25k - 30k. Nó là sự kết hợp hoàn hảo giữa vị ngọt từ nước xương và vị thanh mát từ bánh canh. Một chút tiêu cay, ớt chanh và hành ngò tạo nên một hương vị thơm ngon, đậm đà nhưng vẫn rất nhẹ nhàng.

Chưa ăn xong đồng một đồng nghiệp đã bảo “Ăn như này thì bao giờ mới hết tiền!!!”

Bát cháo canh ở thị trấn Kiến Giang, Lệ Thủy, Quảng Bình

Trên cầu Kiên Giang

Sông Kiến Giang


Thời gian trôi chậm lại giữa miền cát trắng

 Lần này vào Quảng Bình, ấn tượng thị giác đặc biệt nhất là những tua-bin gió khổng lồ lặng lẽ xoay trong gió dọc theo bờ biển, tạo nên một bức tranh độc đáo giữa nền cát trắng trải dài. Những chiếc chong chóng khổng lồ chầm chậm quay, mang đến cảm giác thời gian trôi chậm lại giữa miền đất nắng gió. Trên nền trời, những cánh quạt trắng muốt vẽ nên vòng quay của sự chuyển mình, của đổi thay và phát triển bền vững.

Từ cánh đồng hai huyện – vùng lúa trù phú trải dài qua hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh – có thể dễ dàng nhìn thấy dàn tua - bin sừng sững sát bờ biển. Sự kết hợp giữa những thửa ruộng mênh mông xanh rờn thơm ngát hương lúa đang vào độ làm đòng với hàng cột điện gió cao vút tạo nên một cảnh tượng vừa thơ mộng, vừa hiện đại. 

Giữa âm thanh của sóng biển, tiếng gió rít qua những cánh quạt quay chầm chậm như một bản nhạc dịu dàng, đưa con người về với miền đất mang những giá trị bền vững, lâu dài.

Camping ở đây sướng phải biết.






5 tháng 9, 2024

Ký ức của bão

Mấy hôm nay, tất cả các đài dự báo khí tượng của thế giới và Việt Nam đang theo dõi sát sao đường đi của cơn bão Yagi. Một cơn bão được cho là một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử các cơn bão trên thế giới. Nó đang thẳng tiến vào nước ta.

Ngoài trời, mùa thu vẫn đang rất trong trẻo. Không có vẻ gì là bão đang sắp đến. Tin về cơn bão số 3 đang chiếm spotlight trong mối quan tâm của rất nhiều người.
Chỉ có chiếc đèn này mới chịu được sự khắc nhiệt của bão - gọi là Đèn Bão

Đang giờ làm việc, ông bạn mình trầm ngâm nhìn bầu trời rồi nói “Biết là khắc nghiệt, nhưng thật sự tôi rất tò mò xem bão thực sự nó như thế nào!”. Quê bạn ở nơi bão ít vào, mà có vào tới nơi thì cũng chỉ gọi là thôi.

Trong ký ức của bọn trẻ con miền biển chúng tôi, khi nghe đài báo có bão thì vừa sợ vừa tò mò chờ đợi.

Bắt đầu bằng những tiếng gầm gừ vọng về từ biển. Tiếng sóng của biển động vượt qua những cánh đồng trống huơ thẳng cánh cò bay. Những năm đó không có nhà bê tông cao tầng để chặn đường những âm thanh đó. Nhà tôi cách biển 6 – 7 cây số mà vẫn nghe rõ mồn một.

Tất cả chiếc đài chạy bằng pin trong làng đều tắt hết các chương trình khác. Mọi người ưu tiên chỉ để nghe bản tin dự báo thời tiết. Bắt đầu từ bản tin “Cơn bão xa” rồi đến “Cơn bão gần” và khi bản tin “Cơn bão khẩn cấp” được phát 15 phút một lần thì mọi hoạt động sản xuất thường ngày sẽ dừng lại. Cả làng tập trung vào công tác phòng chống bão.

Rồi gió cũng đến. Thanh niên trai tráng trong làng bắt đầu cuộc đua gặt lúa chạy bão. Hòm hòm việc đồng áng thì mới đến gia cố nhà cửa. Cả làng tôi lúc đó có nhiều nhà mái rạ. Những ngôi nhà lúp xúp ở miền biển để tiện cho việc tránh bão. Những chiếc lưới đay khổng lồ đan mắt cáo được giăng ra trùm lên mái nhà. Bốn góc có bốn chiếc chão thừng được cột vào cọc tre già đóng sâu xuống nền đất. Tất cả các cửa sổ, cửa ra vào đều được cột thật chặt bằng nhiều lớp sợi đay già. Đàn bà hối hả xem thóc gạo, lạc vừng đã đủ cho cả nhà mấy ngày hay chưa. Thông thường tất cả sẽ sẵn sàng trước khi bão đến.

Chiếc cửa cuối cùng sẽ được cột chặt lại. Trong thời gian cao điểm bão gió hoành hành. Tất cả sẽ ngồi yên trong nhà. Ngay cả khi cơn bão ngừng lại để đổi hướng gió. Không có việc gì cần kíp thì cũng không có ai muốn ra bên ngoài. Bởi cuồng phong sẽ nổi lên bất kỳ lúc nào mà không có gì báo trước. Lúc đó cánh cửa nào trót mở ra thì sẽ phải chịu hậu quả là không thể đóng lại được. Gió thốc qua cửa ấy rất có thể sẽ bốc tung cả cái mái nhà dù được chằng buộc rất kỹ càng. Đó là bão. Và thời gian ngồi chờ bão đi qua như dài vô tận, nhất là khi bão đổ bộ vào ban đêm.

Năm nào bố tôi cũng mua bản đồ Việt Nam. Ông dạy tôi cách xem đường đi của bão sau khi nghe bản tin dự báo trên Đài tiếng nói Việt Nam. Khi đó, còn nhỏ xíu, bọn trẻ con chúng tôi đã biết đâu là kinh độ đâu là vĩ độ. Để vạch những đường bút chì theo dõi dự báo hướng đi của cơn bão. Thậm chí, đã biết nếu bão ở vĩ độ này, kinh độ này thì nó chắc chắn sẽ vào bờ biển khu mình.

Nỗi lo bão gió là của người lớn. Còn bọn trẻ con lúc đó, săn đường đi của bão trên bản đồ như là một trò chơi ú tim.

Bố tôi làm cán bộ huyện. Không có cơn bão nào ông được ở nhà. Lúc đó, bão đến là cán bộ phải đi hộ đê. Đi giúp dân ở sát biển chống bão. Ở nhà chỉ còn 3 mẹ con. Một mình mẹ tôi loay hoay cột cửa cột nhà. Lùa lợn gà vào chuồng. Hò hét 2 thằng con nghịch như giặc đang tranh nhau săn đường đi của bão trên bản đồ chẳng lo lắng gì về bão gió. Khi bão làm cái mái ngói kêu roàn roạt sau mỗi cơn gió thốc thì mẹ bảo chúng tôi trú xuống gầm sập. Sập là chiếc phản có 2 miếng gỗ được kê trên bốn cái chân liễng chắc chắn. Có lẽ khi đó, mẹ cho rằng đó là nơi an toàn nhất nếu chẳng may cái nhà xây tường đơn bị bão quật đổ.

Sau bão là đói. Đê điều bị sóng đánh vỡ tan nát. Ruộng đồng nước ngập mênh mông, mùa màng thất thu. Người lớn sau một cơn bão, mặt buồn rười rượi. Bao nhiêu thành quả trồng cấy trong năm đã đi tong. Dọn dẹp hết hậu quả của một cơn bão để cuộc sống trở lại bình thường phải mất hàng tuần. Chỉ có trẻ con là sung sướng, hò nhau luồn từ vườn nhà nọ sang vườn nhà kia để nhặt chiến lợi phẩm trái cây bị gió bứt xuống vứt khắp nơi trong vườn.

May mắn sao, làng tôi nhiều chục năm không có ai thiệt mạng vì bão. Có vẻ kinh nghiệm chống chọi với bão biển được ông cha truyền lại từ đời này sang đời khác đã giúp chúng tôi thoát nạn.

Mấy nay truyền thông đưa tin, 10 năm qua, không có cơn bão nào đáng kể đổ bộ vào miền Bắc. 20 năm qua, không có cơn bão nào mạnh như cơn bão Yagi này.

Lo phết.




15 tháng 8, 2024

Ăn xôi mít

Mãi rồi cây mít na cũng cho quả chín. Hằng tuần bố mẹ cập nhật thông tin trưởng thành cuả mấy quả mít qua zalo nhóm gia đình. Sau trận mưa tháng 7, một quả bị rẽ. Tưởng là nó không đợi được đến ngày đủ năng lượng để chín. 

Đây là xôi với mít na bố mẹ gửi

Tuần rồi, hai cụ U80 sau khi hì hục tìm cách đưa được mấy quả mít tròn căng từ trên cây xuống, mẹ vác đi gửi xe ghép đi Hà Nội cho bọn mình. Xong xuôi mới gọi điện báo. 


Thế là sáng sớm hôm sau, giữa nhà có hẳn 3 quả mít tròn xoe căng mọng, toả hương ngào ngạt. Quả mít rẽ phải giết ngay vì có dấu hiệu bị hỏng một phần. Trước khi đi làm, hai vợ chồng xoay xở giết mít rất rộn ràng. 


Cái giống mít na nhiều múi. Vỏ mỏng, xơ ít, cơm mít dày, hột nhỏ. Phải bỏ một phần mà vẫn đầy mấy hộp cơm mít. 


Hạt mít mình để sẵn vào một hộp khác. Ý định của mình với đám hạt này là cuối tuần sẽ gửi cho mọi người để làm giống. (Có cả một danh sách sau cái tút khoe 3 quả mít na ở vườn). Tuy nhiên, vội đi làm nên không dặn. Đến tối về, thấy trên bàn có một đĩa hạt mít rất ngay ngắn. Hoá ra, quần chúng tích cực đã cho hết đám giống mít quý giá vào nồi luộc lên đánh chén. Lại còn khen ngon rối rít.


Mít được sử dụng là một loại hoa quả bổ sung vitamine. Không giống như chuối, nhiều người dạ dày yếu phải ăn lúc no, hoặc không ăn được, thì mít rất lành. Ăn lúc nào cũng ok. Mít còn được coi là nguồn thực phẩm cho tương lai, đặc biệt đối với những tín đồ ăn chay. Mít có cấu trúc giống thịt lợn xé, trong thực phẩm chay, mình thích ăn nhất khi mít được chế biến để thay thế cho các món kho. Tuy nhiên, lượng protein trong mít khá thấp. Bỏ qua các hạn chế về protein, mít mang lại nhiều lợi ích dinh dưỡng tương tự như các loại trái cây khác, tạo ra sự bổ sung xứng đáng vào chế độ ăn uống nến pha trộn hợp lý hương vị và kết cấu của nó.


Một quả mít na, vừa cho vừa ăn vẫn còn rất nhiều. Phải nghĩ ra nhiều cách để đám mít kia không nhàm chán. Hết mít sữa chua đến mít kombucha đến mít trộn phô mai… 


Ăn mít với xôi là một sở thích kết hợp rất thú vị. Mít sẽ là chất dẫn. Xôi (có thể kèm với thịt xay xào săn) là thành phần phối hợp. Món này, mình có thể ăn no căng, mặc kệ lượng tinh bột có hơi quá hơn mọi ngày.


Cứ nhồi xôi (kèm thịt) vào nửa múi mít. Kể cả có phồng mồm để đút trọn múi xôi mít vào miệng cũng xứng đáng.


Sáng nay, cả nhà có một nồi xôi nếp thơm lừng để làm món xôi mít. 

 


 

 

 

 

 

7 tháng 8, 2024

Về nơi các linh hồn đế vương dạo chơi hằng đêm

 Năm 1997, lần đầu tiên tới Đà Nẵng. Một cuối tuần trong đợt công tác, các anh chị ở văn phòng báo Tiền Phong và báo Nhi Đồng hồi đó còn đóng chung ở 426 Ông Ích Khiêm (Đà Nẵng), rủ thằng em đi thánh địa Mỹ Sơn. Lúc đó, khu này ra vào tự do.

Trong trí nhớ, để vào được khu tháp phải đi bộ qua đường mòn, băng qua vài con suối. Vào giữa thung lũng, trên nền ngọn núi thiêng Răng Mèo là sừng sững những ngôi tháp rêu phong, có những mảng tường gạch trần đỏ ối. Tượng đá, linga, yoni còn thấy ở khắp nơi. Hầu như trong thung lũng không có cây cối, chỉ có cỏ dại lúp xúp. Năm đó, mùa đông đến sớm, ở Mỹ Sơn cũng mát mẻ. Buổi trưa, dưới chân một ngọn tháp lớn, anh chị em trải chiếu, bỏ đồ chuẩn bị từ nhà ra nhậu tưng bừng. Khi liêng biêng còn chui cả vào trong lòng tháp tranh thủ chợp mắt được giấc trưa.

Sau gần 30 năm mới quay trở lại, khu thánh địa được đầu tư xây dựng và tôn tạo đã thay đổi rất nhiều. Các khu tháp được gia cố, trùng tu. Cây được trồng khắp nơi. Còn đường dẫn vào các khu tháp được đổ bê tông nằm dưới tán cây rừng tránh được cái nắng tháng 8 của miền Trung.

Từ năm 1999, Thánh Địa Mỹ Sơn được UNESCO Di sản văn hóa thế giới. Mỹ Sơn là khu di tích duy nhất của nghệ thuật Chăm bao gồm tổng thể kiến trúc phong phú và đa dạng của nghệ thuật Chăm có niên đại liên tục trong nhiều thế kỷ. Theo các tài liệu lịch sử, Mỹ Sơn từng là thánh đô, là trung tâm tôn giáo quan trọng và tiêu biểu nhất của vương quốc Champa từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIV.

Các đền tháp ở Mỹ Sơn là những công trình kiến trúc chính thống của quốc gia và đều do các đời vua trị vì xây dựng, vì vậy có thể nói rằng các đền tháp này là tập trung thể hiện những gì tiêu biểu nhất, tinh hoa nhất điển hình cho nền kiến trúc nghệ thuật đương thời với những dạng thể kiến trúc độc đáo, nghệ thuật chạm khắc trên gạch và đá hết sức ấn tượng, tinh xảo, cách sử dụng vật liệu và kỹ thuật xây dựng đặc biệt. Nơi đây, 70 công trình đền tháp kết tinh giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của nền văn minh Chămpa, được đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á như Borobudur (Indonesia), Pagan (Myanmar), Angkor Wat (Campuchia), là kết tinh của những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được tạo lập trong suốt chiều dài 11 thế kỷ (từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIV). Bị chiến tranh tàn phá, đến năm 1975, Mỹ Sơn chỉ còn lại 32 công trình, trong đó khoảng 20 công trình còn giữ được dáng vẻ ban đầu.

Nếu muốn chiêm ngưỡng kỹ càng từng góc, từng chi tiết của các công trình còn lại ở Thánh địa Mỹ Sơn thời gian có thời tiết lý tưởng nhất là từ tháng 11 đến tháng 4. Còn tới đây vào mùa hè, cái nóng như nung của Duy Xuyên, sẽ làm giảm đi rất nhiều cảm xúc.

Một điều lấy làm tiếc, khu di sản đặc biệt này ngoài hoạt động tham quan vào ban ngày với không gian tháp cổ, bảo tàng hiện vật - hình ảnh khá hạn chế và một nhóm nhạc công và vũ công biểu diễn điệu múa trong trang phục dân tộc Chăm, thì không còn hoạt động nào khác. Không có dịch vụ lưu trú, không có sự lựa chọn về dịch vụ ăn uống ngoài nhà hàng duy nhất tên Chăm ở ngay cổng vào, giáp với bãi để xe. Cũng may là đầu bếp của Chăm làm món khá ổn.

Khi màn đêm buông xuống, cả thung lũng lại chìm vào không gian như hàng nghìn năm trước với bóng tối và cuộc dạo chơi của những linh hồn đế vương.







 


 

28 tháng 7, 2024

Chả nuôi thú cưng thì là nuôi gì 😂

Cứ gần 3 tuần, tương đương thời gian ba lần thu hoạch, thì phải lôi con Scooby ra… tắm.

Nói tắm là tắm đúng nghĩa. Sửa soạn sẵn sàng chậu tắm khử trùng, nước lọc đun sôi để nguội. Nước một là phải kỳ cọ thật sạch sẽ từng ngõ ngách thân thể con scooby. Sau đó tráng lại lần hai. 

Khi này con Scooby đã sạch bong kin kít để chuẩn bị cho chu kỳ lên men tiếp theo. 

Theo chuyên gia nuôi #Kombucha lâu năm Trần Lệ Thủy, tắm cho con men sau ba lần nuôi có tác dụng làm cho cái men khoẻ mạnh, phấn khởi. Nó sẽ tạo ra mật độ cao các bio lợi khuẩn trong sản phẩm kombucha.

Trong quá trình nuôi, chăm sóc spa cho con men kombucha, phải thật lưu ý đến việc vệ sinh. Chỉ cần sơ suất làm con men nhiễm khuẩn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đồ uống.

Nhớ là, nếu con men có dấu hiệu nhiễm khuẩn thì nên bỏ. Nhận biết bằng mắt thường, một con men kombucha khoẻ mạnh sẽ có màu trắng ngà đồng nhất, mượt mịn, liên kết dai chắc.

Nuôi con SCOBY

Ban đầu nghe tên mình nhầm nó với nhân vật hoạt hình nổi tiếng Scooby-doo, thu hút nhiều thế hệ thiếu nhi trên toàn thế giới. 

Sau đó thì biết nó là con “SCOBY” có tên khai sinh Symbiotic Colony of Bacteria and Yeast - viết tắt là SCOBY. Nó là một dạng vi khuẩn và nấm men để tạo thành món giải khát lợi khuẩn nổi tiếng khi cho nó ăn nước trà: Kombucha.

Kombucha được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nhật Bản. Loại trà này được tạo ra bằng bổ sung các chủng vi khuẩn đặc biệt, nấm men và đường vào trà đen hoặc xanh, sau đó trà được ủ, những chủng vi sinh vật này sẽ lên men trà trong một tuần hoặc lâu hơn.

Trong quá trình này, vi khuẩn và nấm men tạo thành một lớp màng bao bọc nhìn giống như nấm trên bề mặt của trà. Đây là lý do tại sao kombucha còn được gọi là "trà nấm".