14 tháng 10, 2013

Vào ngôi chùa lớn nhất Hàn Quốc

Chùa Yackcheonsa, tên Hán tự là Tuyền Dược Sư, một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Hàn Quốc ở bờ biển phía Nam đảo Jeju. Chùa tọa lạc trên sườn núi, phía trước là biển cả mênh mông, xung quanh chùa tồng toàn thông hai lá, cây nào cây nấy đều phải hai người lớn vòng tay ôm mới xuể.
 
Đến chùa vào buổi chiều muộn. Gió vi vút qua lá thông, cảm giác thanh khiết vô cùng. Chùa ở đây có phong cách kiến trúc điển hình của Hàn Quốc với các tầng mái đồ sộ nặng nề. Các tay đòn được làm bằng gỗ thông sơn màu sắc xanh, đỏ, trắng. Ở đây chùa chiền lăng tẩm không được sơn màu vàng, bởi màu này chỉ dành cho vua. Đến giờ vẫn vậy. 

Lượng gỗ làm mái cực kỳ khổng lồ. Có thể so sánh để thấy sự đồ sộ. Cổng thành Sungnyemun, biểu tượng của Hàn Quốc ở trung tâm thành phố Seoul, chỉ bằng một góc ngôi điện chính của chùa cách đây mấy năm cổng thành bị một người dân phóng hỏa. Nó đã cháy liên tục trong hai ngày hai đêm, mặc dù cảnh sát chữa cháy được huy động với các phương tiện tối tân nhất. Sau đó Hàn Quốc phục dựng lại cái cổng thành này với chi phí lên đến hơn 2 triệu đô. So sánh như vậy mới thấy sự hoành tráng của ngôi chùa này.

Chùa Yackcheonsa được xây dựng cách đây 600 năm nhưng bị Nhật phá hủy trong cuộc chiến tranh thế giới thứ 2. Chùa hiện nay được phục dựng trên nền chùa cũ.









Trong chính điện chỉ có 3 ngôi tượng cao 6 - 7 mét




Ở đây các Phật tử dâng lễ bằng gạo. Gạo được đóng sẵn trong các túi bán với giá 10.000 won (tương đương 200 k VND)





Trong mỗi pho tượng này là một lời nguyện cầu của du khách thập phương. Du khách có thể mua tượng để đặt vào chùa trong thời gian 1 năm. Tượng to có giá 50k won, tượng nhỏ 30k won. 


Lời cầu nguyện được lựa chọn nhiều nhất là treo dưới đèn lồng trong sảnh chính. Hàng ngàn chiếc đèn lồng đủ sắc màu được thăp sáng lung linh khiến không gian trở nên huyền ảo.

Ngay bên khuôn viên, một cửa hàng bán ngói công đức dành cho các Phật tử. Mọi người có thể công đức bằng cách mua những viên ngói này để dành cho những lần tu sửa mái chùa. Nhà chùa sẽ viết tên người công đức lên từng tấm ngói.



 

 Dòng nước này được dẫn về từ núi lửa Hallasan. Tương truyền uống nước thiêng sẽ tiêu tan bách bệnh. Da dẻ nhẵn mịn. Đa số du khách nữ sau khi vãn cảnh chùa đều múc nước từ vòi rồng để uống. Nhiều người mang theo chai lớn để mang nước về nhà.



Nhà sư trụ trì và vãi tại chùa Tuyền Dược Sư.

Đây cũng là ngôi chùa duy nhất trên đảo Jeju


13 tháng 10, 2013

3 giờ ở khu DMZ của Hàn Quốc

Nằm trên vĩ tuyến 38, chia cắt hai miền Triều Tiên, Bàn Môn Điếm (Panmunjeom) – địa danh mang trong mình nhiều bí ẩn sau 60 năm tạm đình chiến, hàng năm thu hút hàng chục triệu du khách nước ngoài và người dân bản xứ với mong muốn khám phá phần nào vùng đất bí ẩn và mong ước về một bán đảo Triều Tiên thống nhất.

Bàn Môn Điếm nằm trong khu Phi quân sự (DMZ) của Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên. Địa danh này cách Thủ đô Seoul hơn 50km, sau hơn 40 phút đi xe bus trên con đường chạy dọc con sông Imjingang với những hàng dây thép gai cao quá đầu người với các vọng gác dày đặc. Đây là vùng đất được cho là được kiểm soát cẩn mật bậc nhất của thế giới. Hiện tại khu vực này được Chính phủ Hàn Quốc mở cửa một phần để dân chúng và khách du lịch tới thăm quan.

 Điểm dừng chân đầu tiên là khu Imjingak (Nhâm Thìn Các) nơi có Quảng trường Thống Nhất. Khu vực này được xây dựng từ năm 1971 sau khi Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên ra thông cáo chung. Những hiện vật trưng bày tại đây đều gợi nhớ đến quá khứ chiến tranh đau buồn và thể hiện khát vọng về một đất nước thống nhất.

Quảng trường Thống Nhất

Sát cạnh Quảng trường là cây cầu Tự do dài 83 mét, rộng 4,5 m, cao 8 m được làm bằng gỗ thông và sắt bắc ngang dòng sông Imjingang nối hai bờ Triều Tiên. Tên của cây cầu bắt nguồn từ những tiếng hô “Tự do” của những người lính được trao trả sau Hiệp định ngừng bắn năm 1953 đặt những bước chân đầu tiên lên cầu sau khi trở về từ bên kia chiến tuyến. Phần lớn cây cầu đã bị phá hủy, còn còn lại một đoạn, ở cuối đoạn cầu là hàng rào dây kẽm gai. Có thể coi đây là điểm tận cùng của đất nước Hàn Quốc.
 
Hàng ngàn người Hàn Quốc đổ về  cây cầu Tự do mỗi ngày để ngóng về cố hương bên kia hàng rào dây thép gai.

Chưa từng có người dân thường nào bước qua hàng rào cuối cây cầu. Nhiều người coi đây là điểm tận cùng của đất nước Hàn Quốc. Những dải lụa, lá cờ, thậm chí cả những chiếc áo khoác treo ở đây đều ghi những lời cảm tưởng hoặc nguyện cầu về hòa bình và thống nhất cho hai miền Triều Tiên.
Những lời nguyện cầu hòa bình, thống nhất, của người dân Hàn Quốc và du khách trên thế giới được treo dọc theo bờ tường chăng dây thép gai tại khu DMZ.

Muốn vào sâu trong khu phi quân sự du khách phải mua vé và trải qua các thủ tục kiểm tra an ninh ngặt nghèo. Khách du lịch di chuyển bằng xe của quân đội, ngồi đúng số ghế. Danh sách du khách được kiểm soát ở các trạm gác quân sự. Sau nhiều năm, khu DMZ trở thành vùng đất lý tưởng cho nhiều loài động thực vật quý hiếm phát triển. Nhiều loàii chim quý được phát hiện chỉ cư trú ở vành đai này. Đây cũng là vùng đất tạo ra những củ nhân sâm có giá trị cao nhất của thế giới.

Một tiết học lịch sử học sinh tiểu học Hàn Quốc tại khu Phi quân sự. Từ nhiều năm nay, giáo dục Hàn Quốc đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục lịch sử và các kiến thức thực tế cho trẻ. Ở bất cứ di tích lịch sử nào, ở bảo tàng hoặc ngay tại khu DMZ đều thấy rất nhiều học sinh từ tiểu học đến trung học.
Năm 1953, ngay trước khi hiệp định ngừng bắn được ký kết, chuyến tàu cuối cùng giữa hai miền Triều Tiên bị phá hủy cùng với cầu đường sắt cũ. Năm 2004, một cây cầu đường sắt mới nối hai miền Triều Tiên được xây dựng. Cây cầu này chỉ cách cây cầu cũ vài chục mét.

 
Những mố cầu đường sắt cũ đã bị phá hủy từ năm 1953.
 
Đoạn đường sắt cũ từng nối hai miền Triền Tiên

Năm 2002, một cây cầu đường sắt mới được xây dựng trong nỗ lực hàn gắn liên Triều. 


Một nhà ga mới cũng được xây dựng nhưng hiện tại đã bị đóng cửa từ năm 2008 do những căng thẳng giữa hai miền.
Bên trong nhà Dorasan, những bức tranh của các em thiếu nhi thể hiện khát vọng thống nhất hai miền khiến cho nhiều du khách xúc động.


Một quả chuông Hòa Bình khổng lồ được người Hàn Quốc xây dựng ngay biên giới hai nước. Chuông này được đánh vào những dịp đặc biệt. Mỗi khi tiếng chuông vang lên, người dân sinh sống bên vĩ tuyến 38 đều nghe tiếng vọng.


Bên cạnh quả chuông Hòa Bình là bức tường được gắn những viên đá mang về từ 64 quốc gia với 86 viên đá của những vùng đã từng hứng chịu nỗi đau của chiến tranh.


Viên đá của Việt Nam được đánh số 81.

 
Tại khu vực sát bờ sông Imjingang, nơi gần nhất có thể nhìn bằng mắt thường sang khu vực bên kia biên giới. Bằng cách ống nhòm cỡ lớn, có thể nhìn thấy làng Hòa Bình của CHDCND Triều Tiên và khu công nghiệp Geaseong.


Từ năm 1974 đến năm 2012, tại khu vực Phi quân sự, Hàn Quốc phát hiện 4 đường hầm được đào dưới lòng đất từ bên CHDCND Triều Tiên. Hiện tại đường hầm số 3 được mở cửa đón khách du lịch. Hầm được đào xuyên qua lớp đá hoa cương, phát hiện năm 1978, nằm cách mặt đất 73 m, dài 1635 mét. Có 435 m nằm ở phía Nam giới tuyến quân sự cách Seoul… 44km có khả năng cho 10.000 binh sĩ di chuyển trong một giờ.
Trước đường hầm số 3, một tác phẩm điêu khắc đầy ý nghĩa mang tên “Một thế giới” – trở thành biểu tượng thể hiện ý nguyện thống nhất hai miền của người dân Hàn Quốc.